Bài 2: Ấm tình quân dân nơi biên hải

Gắn bó với biên cương Tây Nam, những cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh không chỉ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển, mà còn kề vai sát cánh với bà con nhân dân trong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, chăm lo các gia đình chính sách. Đặc biệt, bằng trách nhiệm, tình yêu thương của mình, họ đã viết tiếp ước mơ đến trường cho nhiều trẻ em nghèo từ chương trình 'Nâng bước em tới trường'.

Tri ân người có công

Lãnh đạo Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Báo Hànôịmới và Đồn biên phòng Tây Yên thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nguyệt.

Lãnh đạo Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Báo Hànôịmới và Đồn biên phòng Tây Yên thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nguyệt.

Đích thân Thượng tá Lê Văn Na, Chính trị viên Đồn biên phòng Tây Yên (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) lái xe đưa chúng tôi đến thăm và tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nguyệt, ở xã Nam Thái A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Chưa đến nơi, gia đình đã gọi điện hỏi, sợ đoàn lạc đường. “Ở đây dân thương mình lắm. Các anh chị cứ đến thì biết”, Thượng tá Lê Văn Na nói.

Quãng đường gần 60km, qua nhiều kênh rạch, đường bê tông ngoằn ngoèo, nhỏ xíu, thi thoảng chiếc xe lại bị cạ gầm, bởi những đoạn gồ ghề, mấp mô, rú ầm lên. “Mẹ Nguyệt sinh năm 1922, có chồng và con trai là liệt sĩ, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện mẹ đang được hai cô con gái cũng lớn tuổi rồi chăm sóc. Trước đây, đến nhà mẹ Nguyệt là chưa có đường, toàn phải đi vỏ lãi”, Thượng tá Lê Văn Na kể.

Hằng tháng, Đồn biên phòng Tây Yên nhận phụng dưỡng 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; hỗ trợ gạo cho 8 hộ nghèo trên địa bàn, 15kg gạo/hộ/tháng. “Phải mất 2 ngày anh em mới đi trao hết gạo cho bà con, vì địa bàn phụ trách có 4 xã, nhưng rất rộng. Đơn vị cũng đã ủng hộ căn nhà cho gia đình khó khăn trị giá 35 triệu đồng, hỗ trợ sửa nhà cho mẹ Nguyệt”, Thượng tá Lê Văn Na thông tin thêm.

Đến nơi, chị Trương Hồng Mai, con út của mẹ Nguyệt chạy ra đón chúng tôi và anh Na như người thân quen đi xa trở về. Chị sốt sắng hỏi thăm: “Sao các anh đi lâu thế? Không đi đường mới cho dễ!”.

Trong ngôi nhà cấp 4 mới xây từ hỗ trợ của các cấp, các ngành và bộ đội, chưa có tôn chống nóng, chị Mai tâm sự: “Dù bố và anh trai tôi không trở về sau chiến tranh, nhưng mẹ tôi luôn nhận được sự quan tâm của bà con xóm ấp, các cơ quan, đoàn thể, và đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Tây Yên. Không chỉ nhận phụng dưỡng mẹ mà vào mỗi dịp lễ, Tết, các anh đều đến thăm hỏi, động viên”.

Cũng phải mất chừng chục km để chúng tôi đến ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) thăm nhà mẹ Nguyễn Thị Nổi, một gia đình cách mạng. Nghe tin có đoàn nhà báo đến thăm, tặng quà cùng bộ đội, dân làng nhiều người cũng tới chơi, chung vui.

Ông Nguyễn Văn Trãi, Trưởng ấp Rạch Thọ cho biết: “Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mẹ Nổi là giao liên, nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng. Mẹ có 6 con, chỉ có 3 người còn sống, đều già yếu. Con trai thứ 4 của mẹ tham gia Đoàn tàu Không số, vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam bằng đường biển thành công nhiều chuyến. Mẹ cũng có con gái út là giao liên trong kháng chiến chống Mỹ, thương binh 4/4. Mẹ Nổi hiện sống một mình và được chính quyền địa phương các cấp cùng với bộ đội biên phòng Đất Mũi quan tâm, chăm sóc nhiều năm qua”.

Mẹ Nguyễn Thị Nổi rất phấn khởi khi thấy bộ đội và các nhà báo tới thăm.

Tuy đã 100 tuổi, nhưng mẹ Nổi vẫn minh mẫn, vẫn nhớ từng đồng chí bộ đội. Thượng tá Lê Hoàng Phúc, Chính trị viên Đồn biên phòng Đất Mũi (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) ân cần cầm bàn tay mẹ Nổi nói: “Mấy hôm rồi, con chưa lên thăm mẹ được!”. Giọng nói ấm áp, mẹ Nổi cười rạng rỡ bảo: “Vui lắm các con ơi!”...

Thượng tá Lê Hoàng Phúc cho biết: Trong năm qua, đồn đã vận động kinh phí xây dựng 2 căn nhà Đại đoàn kết (60 triệu/căn), trao tặng 100 suất quà; 3 suất học bổng “Nâng bước em tới trường” cho gia đình nghèo, khó khăn. Chúng tôi chuẩn bị triển khai “Hũ gạo tình thương”, mỗi tháng sẽ cung cấp cho mỗi hộ gia đình khó khăn 15kg gạo. Cuộc sống của bà con đồng bào giáp biên còn nhiều vất vả, nhọc nhằn, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành giúp thêm nhiều học sinh và bà con…

“Bộ đội biên phòng khu vực biên giới này quan tâm đến việc chăm lo đời sống cho người dân, thường xuyên xuống nhà dân hỏi thăm đời sống, hỗ trợ nên bà con rất yêu mến. Nhờ có bộ đội mà nhiều hộ dân đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Các tệ nạn xã hội, tội phạm được người dân phát hiện đều trình báo cho lực lượng biên phòng xử lý”, ông trưởng ấp Rạch Thọ Nguyễn Văn Trãi nói thêm.

Sau khi trò chuyện, thăm hỏi bà con trong ấp, đoàn ra về. Mẹ Nổi dù đứng lên khó khăn vẫn gượng dậy, nắm chặt tay đồng chí Thượng tá Lê Hoàng Phúc, nhắn nhủ: “Lần sau con lại đến nhé!”. Tình cảm bà con xóm ấp đơn sơ mà thắm đượm nghĩa tình!

Viết tiếp ước mơ tới trường

Cũng như nhiều gia đình ở khu vực biên giới, anh Đồng Văn Vũ và chị Trần Thị Hằng ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) không có nghề nghiệp, chỉ đi làm mướn, nhà lại đông con, hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, cháu Đồng Thị Quế Trân, con gái của anh chị, đang theo học lớp 6 Trường THCS Đất Mũi, lại liên tiếp 6 năm đạt danh hiệu Học sinh giỏi.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Rạch Gốc (Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau) trao hỗ trợ "Nâng bước em tới trường cho học sinh nghèo.

Để có được thành tích đó, không chỉ là sự cố gắng nỗ lực vươn lên của Trân, mà còn có tấm lòng cùng khoản tiền hỗ trợ hằng tháng của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đất Mũi (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) liên tục 4 năm nay từ chương trình “Nâng bước em tới trường”.

Chị Trần Thị Hằng bày tỏ: “Chúng tôi cũng ý thức được việc học rất cần thiết, nhưng gia đình khó khăn quá, may có các anh biên phòng giúp đỡ. Cháu không những được nhận học bổng, mà còn được các chú bộ đội tặng xe đạp, đồ dùng học tập, tạo điều kiện tốt hơn cho cháu học tập”. Ngồi bên mẹ cười bẽn lẽn, Trân nói: “Con rất vui. Nhờ có sự giúp đỡ này, ba mẹ con đỡ vất vả. Con muốn học thật giỏi để lớn lên sẽ trở thành cô giáo, dạy học và giúp được nhiều người như các chú bộ đội”.

Bức thư cảm ơn của em Võ Văn Trọng gửi tới Đồn biên phòng Phú Mỹ.

“Bằng sự kính trọng và lòng biết ơn, em viết thư này gửi đến các chú, các anh, những trái tim nhân hậu đã giúp đỡ em, nâng bước em đến trường. Những món quà và số tiền tuy không lớn nhưng đã giúp em trong lúc khó khăn nhất, mua được đồ dùng học tập, phục vụ cho việc đến trường...” - Đây là một đoạn trong lá thư của em Võ Văn Trọng, ở xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang) gửi đến lãnh đạo, chỉ huy Đồn Biên phòng Phú Mỹ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) khi em trở thành sinh viên năm thứ nhất, Trường Cao đẳng nghề Kiên Giang năm học 2022-2023. Võ Văn Trọng là một trong số hàng chục học sinh được Đồn biên phòng Phú Mỹ nhận giúp đỡ qua chương trình “Nâng bước em tới trường”, từ năm 2016 đến năm 2023.

Đại úy Nguyễn Hữu Cường, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Phú Mỹ cho biết: “Hiện đơn vị đang hỗ trợ 6 cháu học sinh Việt Nam và 9 cháu người Campuchia, với số tiền đến nay gần 600 triệu đồng. Số tiền 500 ngàn đồng/học sinh/tháng tuy không lớn nhưng đã giúp các em trang trải cuộc sống, các em có thể mua dụng cụ học tập phục vụ cho việc đến trường. Bên cạnh đó, đơn vị còn triển khai thực hiện dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em đến trường”, phối hợp xét, chọn hỗ trợ 24 cháu học sinh Khmer trên địa bàn 4 tháng cuối năm 2022 với tổng số tiền là hơn 100 triệu đồng”.

Những cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh tranh thủ chỉ dạy cho các em học sinh.

“Tình cảm của người lính đã tiếp thêm động lực cho các em phấn đấu vươn lên học tập, phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần, giúp các em viết tiếp ước mơ tới trường, góp phần nâng cao dân trí, tăng cường mối đoàn kết gắn bó quân dân nơi biên cương” - cô giáo Đoàn Cao Bình An, giáo viên trường Tiểu học Phú Mỹ, huyện Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) chia sẻ.

Chia tay các gia đình ra về, cảm xúc đọng lại mạnh mẽ nhất trong chúng tôi là sự ấm áp, tình cảm giữa bộ đội biên phòng và người dân khu vực biên giới. Nhưng có một điều chưa nhiều người biết, ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, chăm lo an sinh xã hội đối với bà con nhân dân địa phương, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đất Mũi còn có một nhiệm vụ rất đặc biệt, đó là bảo vệ Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau.

(Còn nữa)

Dương Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phong-su-ky-su/1065671/bai-2-am-tinh-quan-dan-noi-bien-hai