Bài 2: Bảo vệ quyền lợi quốc gia trên không gian vũ trụ

Cùng với vùng đất, vùng trời, vùng biển, không gian mạng, đến lúc Việt Nam cần bảo vệ quyền lợi quốc gia trên không gian vũ trụ.

Tiếp tục hành trình chinh phục vũ trụ

Nói về kế hoạch “chinh phục vũ trụ” trong thời gian tới, TS Lê Xuân Huy cho hay: Hiện chúng tôi đang trong quá trình thiết kế, chế tạo vệ tinh MicroDargon 2. Đây là vệ tinh khoảng 40-50kg sản xuất hoàn toàn ở Việt Nam. Với nền tảng được tích lũy qua 3 dòng vệ tinh trước đó, chúng tôi kỳ vọng vệ tinh này có thể mang lại những ứng dụng thực tiễn và thử nghiệm những thiết bị chính về thông tin đảm bảo cho vệ tinh hoạt động an toàn trên quỹ đạo được sản xuất trong nước.

Lắp đặt vệ tinh MicroDragon tại Nhật Bản (Ảnh: VNSC)

Tôi tin rằng, chúng ta không chỉ làm được vệ tinh mà còn làm được phần công nghệ lõi và thiết bị chính, qua đó tránh những tác động bên ngoài can thiệp vào vệ tinh của mình nhất là khi Chương trình nghiên cứu vũ trụ của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã bắt đầu triển khai”, TS Huy khẳng định.

Nói về vệ tinh LOTUSat-1 hiện đang được Trung tâm triển khai, TS Huy cho hay, vệ tinh LOTUSat-1 có khối lượng khoảng 570kg, là vệ tinh quan sát trái đất với khả năng chụp ảnh độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết cả ngày lẫn đêm bằng công nghệ cảm biến radar khẩu độ tổng hợp.

Dữ liệu ảnh thu nhận từ vệ tinh LOTUSat-1 sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp bách về nguồn ảnh, cung cấp các thông tin chính xác và kịp thời nhằm ứng phó giảm thiểu các tác động của thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Vệ tinh LOTUSat-1 là vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam do Nhật Bản chế tạo với sự tham gia của các kỹ sư Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Ảnh: VNSC)

Vệ tinh dự kiến hoạt động trên quỹ đạo đồng bộ Mặt trời ở độ cao xấp xỉ 500 km, và có thể phát hiện các vật thể có kích thước từ 1m trên mặt đất.

LOTUSat-1 là vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam do Nhật Bản chế tạo với sự tham gia của các kỹ sư Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, được khởi động từ năm 2021, dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo vào khoảng tháng 12/2024 đến tháng 2/2025. Thời gian hoạt động của vệ tinh là trên 5 năm.

Sau LOTUSat-1, Việt Nam cần tiếp tục phát triển và chế tạo vệ tinh LOTUSat-2. Việc thiết kế, chế tạo sẽ diễn ra ở Việt Nam, do đội ngũ người Việt thực hiện, đánh dấu bước ngoặt trong khả năng làm chủ công nghệ vũ trụ. Với LOTUSat-2, Việt Nam có thể vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công nghệ vệ tinh.

Hiện Trung tâm vũ trụ đang cố gắng hoàn thành lắp đặt hệ thống thiết bị mặt đất của vệ tinh MicroDargon 2 tại cơ sở Khu công nghệ cao Hòa Lạc vào cuối năm 2024. Tôi tin tưởng năm 2024 cùng với nhiều ngành khác, lĩnh vực công nghệ vũ trụ của Việt Nam sẽ khởi sắc và cất cánh”- TS Huy lạc quan.

Cần có chính sách dài hơn cho công nghiệp vũ trụ

Thế giới đang hướng tới kỷ nguyên "Không gian mới" (New Space). Khám phá vũ trụ không chỉ là biểu tượng của khoa học công nghệ, niềm tự hào của quốc gia, mà còn mang giá trị kinh tế khổng lồ.

Theo Tổ chức phi lợi nhuận Space Foundation của Mỹ, nền kinh tế vũ trụ dự kiến đạt doanh thu 634 tỷ USD vào năm 2026. Trong khi đó, Ngân hàng đa quốc gia Bank of America dự báo ngành công nghiệp vũ trụ sẽ phát triển, quy mô ước đạt 1.400 tỷ USD vào năm 2030.

Các nước Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc đều đã đầu tư lớn vào ngành công nghiệp vũ trụ. Mỹ cũng đã khởi động chương trình Artemis, đưa người quay trở lại Mặt trăng và sao Hỏa. Công ty tư nhân SpaceX của tỉ phú Elon Musk đã phát triển vượt bậc, tiếp đến là Tập đoàn Boeing và Công ty Virgin Galactic.

Nga và Trung Quốc đang hợp tác xây dựng một trạm vũ trụ chung để bay lên Mặt trăng, sao Hỏa. Mỹ, Úc và Liên minh châu Âu EU cũng đang hợp tác phát triển không gian vũ trụ. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng làm thế giới ngạc nhiên khi đưa vệ tinh tiến vào quỹ đạo sao Hỏa.

Vương quốc Anh đã công bố "Chiến lược tăng trưởng và đổi mới không gian", với mục tiêu chiếm 10% thị phần ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu vào năm 2030. Hàn Quốc cũng đã phóng tàu thăm dò và nghiên cứu vũ trụ đầu tiên lên Mặt trăng hồi tháng 8/2022. Quốc gia này cũng đặt mục tiêu gửi tàu vũ trụ không người lái lên Mặt Trăng vào năm 2030.

Chia sẻ về khát vọng và quyết tâm của Việt Nam trong việc làm chủ bầu trời “chinh phục vũ trụ”, PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Quốc gia chia sẻ: "Chúng tôi có ước mơ đưa những vệ tinh made in Vietnam bay lên không gian và không chỉ bay mà chúng ta còn khai thác để phục vụ kinh tế xã hội và an ninh quốc gia”.

Ước mơ đó không xa, tuy nhiên để đạt được trình độ quốc tế chúng ta cần có đội ngũ nhân lực với tầm nhìn dài hạn. Mặc dù chúng ta đã làm, đã khởi động, nhưng thực chất vẫn còn khoảng cách rất xa để đuổi theo thế giới. Nếu chúng ta không có quyết tâm chính trị cao thì khó đạt được thành tựu lớn so với thế giới. Cùng với bảo vệ vùng đất, vùng trời, vùng biển, không gian mạng, đã đến lúc Việt Nam cần phải bảo vệ quyền lợi quốc gia trên không gian vũ trụ”- PGS.TS Phạm Anh Tuấn bày tỏ quan điểm.

Vệ tinh quan sát Trái Đất- VNREDSat-1 được phóng lên quỹ đạo vào năm 2013 (Ảnh:VNSC)

Đến thời điểm này, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền của mình trên không gian vũ trụ với 2 vệ tinh viễn thông địa tĩnh là Vinasat-1 và Vinasat-2 (được phóng vào các năm 2008 và 2012), cùng 1 vệ tinh quan sát Trái đất - VNREDSat-1 (được phóng lên quỹ đạo năm 2013).

Trước đó, sớm nhận thức được tầm quan trọng của khoa học và công nghệ vũ trụ, ngay từ những năm 1978, bằng việc thỏa thuận tổ chức chuyến bay Liên Xô - Việt Nam để đưa phi hành gia Phạm Tuân lên vũ trụ, Việt Nam đã thể hiện tầm nhìn chiến lược về một chương trình quốc gia nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ vào mục đích hòa bình.

PGS.TS Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam chia sẻ: Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, Chính phủ Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm) tham gia Chương trình Intercosmos và thành lập Ủy ban Nghiên cứu Vũ trụ Việt Nam. Trong khuôn khổ Chương trình Intercosmos, năm 1980 đến lượt phi công vũ trụ Việt Nam bay lên vũ trụ cùng với phi công vũ trụ Liên Xô.

Trong chương trình khoa học của chuyến bay vũ trụ Liên Xô – Việt Nam có thí nghiệm quan trọng nhất là chụp ảnh đa phổ lãnh thổ Việt Nam bằng máy chụp ảnh đa phổ 6 kênh MKF-6 của Cộng hòa Dân chủ Đức khi tàu vũ trụ bay trên lãnh thổ Việt Nam. Phi công vũ trụ Phạm Tuân là người thực hiện việc chụp ảnh lãnh thổ Việt Nam bằng máy ảnh đa phổ MKF-6.

Để xác định ảnh hưởng của lớp khí quyển và tìm ra quy trình giải đoán chính xác những bức ảnh chụp bằng máy MKF-6 trên tàu vũ trụ, cần tiến hành đồng thời thí nghiệm trên 3 tầng: Tàu vũ trụ, máy bay và nghiên cứu thực địa trên mặt đất. Cục Đo đạc và Bản đồ quân sự được giao nhiệm vụ chụp ảnh đa phổ bằng máy ảnh MKF-6 trên máy bay, Viện Khoa học Việt Nam chịu trách nhiệm điều tra thực địa trên mặt đất tại các vùng được chụp ảnh đồng thời từ vũ trụ và từ máy bay. Trên cơ sở đối chiếu kết quả chụp ảnh từ vũ trụ, từ máy bay và kết quả điều tra thực địa, các nhà khoa học ba nước Liên Xô, Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Đức thiết lập được quy trình giải đoán ảnh chụp bằng máy MKF-6 từ vũ trụ.

PGS.TS Trần Tuấn Anh chia sẻ về việc Việt Nam tham gia chương trình Intercosmos từ những năm 80 của thế kỷ trước

Sau chuyến bay vũ trụ Liên Xô – Việt Nam năm 1980 một lĩnh vực khoa học công nghệ mới là công nghệ viễn thám đã hình thành ở nước ta và liên tục phát triển suốt nhiều năm qua, ngày nay đã đạt được trình độ khoa học rất cao và được phổ biến khá rộng rãi trên cả nước.”- PGS.TS Trần Anh Tuấn cho hay.

Từ đó đến nay, Viện Hàn lâm luôn đóng vai trò đầu tàu trong đề xuất định hướng, phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ của Việt Nam giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2030, Chiến lược phát triển Viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2040.”

Và trong những năm gần đây, nhiều thành tựu của công nghệ vũ trụ đã được triển khai ứng dụng ở nước ta, đặc biệt trong các lĩnh vực thông tin liên lạc, khí tượng thủy văn, viễn thám, định vị nhờ vệ tinh... Việt Nam cũng đã hoàn toàn chủ động về thời gian và vị trí trong việc chụp ảnh toàn bộ lãnh thổ của đất nước, không còn phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài như trước đây.

Trong một lần trả lời báo chí trước đây, TS.Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam đã từng nhận định: Các nhà khoa học của Việt Nam đã làm chủ được công nghệ và hiện nay đang trực tiếp theo dõi, điều khiển các vệ tinh của Việt Nam trên quỹ đạo… Điều này sẽ phục vụ thiết thực cho Việt Nam trong phát triển kinh tế, theo dõi, dự báo thiên tai cũng như an ninh quốc phòng.

Là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, việc làm chủ công nghệ vệ tinh có ý nghĩa thực tiễn quan trọng với Việt Nam. Theo ước tính, mỗi năm, thiệt hại do thiên tai gây ra ở nước ta là khoảng 1,5% GDP, tương đương khoảng 3,2 tỷ USD, chưa kể những thiệt hại to lớn về con người. Trong khi đó, báo cáo của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy, việc sử dụng dữ liệu vệ tinh có thể giúp giảm tới 5 - 10 % tổng thiệt hại do thiên tai.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu Việt Nam tận dụng dữ liệu vệ tinh có thể tiết kiệm đến 300 triệu USD/năm thiệt hại do thiên tai gây ra. Việc làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, vận hành vệ tinh cũng giúp Việt Nam chủ động nguồn ảnh, không phụ thuộc vào nguồn ảnh nước ngoài, nhất là trong các tình huống cấp bách khi thiên tai, thảm họa xảy đến bất ngờ.

Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030 của Việt Nam đặt mục tiêu: Làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo, tích hợp các cảm biến quang học, ra-đa cho vệ tinh quan sát Trái đất; lắp ráp, tích hợp, kiểm tra ở trong nước vệ tinh nhỏ có độ phân giải cao, siêu cao; làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị đầu cuối, trạm mặt đất và hệ thống điều khiển và thu nhận dữ liệu vệ tinh; hình thành năng lực định vị dẫn đường của Việt Nam, giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống định vị dẫn đường sử dụng vệ tinh toàn cầu hiện có…

Ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và công nghệ) cho biết: "Bộ đã trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ trong giai đoạn tới với cách tiếp cận phù hợp với nguồn lực Việt Nam. Chiến lược giao nhiệm vụ cho rất nhiều bộ ,ngành. Ở góc độ nghiên cứu có 15 nhiệm vụ bao gồm cả lĩnh vực viễn thám và vệ tinh và trong năm 2024 bắt đầu triển khai".

Trong khi đó, PGS.TS Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc xây dựng Chiến lược Công nghệ Vũ trụ và viễn thám đã thể hiện mối quan tâm đặc biệt của Nhà nước. Mong rằng, thời gian tới Chính phủ, các cơ quan Đảng, Quốc hội sẽ tạo điều kiện thường xuyên, liên tục để Chiến lược được thực hiện một cách hoàn thiện, góp phần để Việt Nam tự chủ về công nghệ và chiếm lĩnh được không gian.

“Mong Đảng và Nhà nước quan tâm duy trì đội ngũ khoa học công nghệ trình độ cao trong lĩnh vực này, bởi để đào tạo ra được một kỹ sư - bản thân một nhà khoa học đã rất khó rồi, nhưng đào tạo trong những ngành mũi nhọn như vệ tinh thì hết sức khó khăn và thậm chí bên ngoài - các quốc gia khác họ có chính sách thu hút rất lớn…”- PGS.TS Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Cùng với vùng đất, vùng biển, vùng trời và không gian mạng, Việt Nam phải khẳng định và bảo vệ quyền lợi quốc gia trên không gian vũ trụ. Pico, Micro hay NanoDragon - những chú Rồng nhỏ made in Vietnam bay vào vũ trụ đã chứng tỏ - có những tín hiệu khả quan về tương lai tươi sáng của ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam.

Khát khao về một ngày không xa hình ảnh Rồng Việt Nam bay cao trên bản đồ công nghệ vũ trụ thế giới hoàn toàn có cơ sở khi chúng ta có những đầu tư thích đáng và đặc biệt là chúng ta có những kỹ sư trẻ đầy sáng tạo, dám đam mê, dám dấn thân và theo đuổi đến cùng niềm đam mê chinh phục vũ trụ, hiện thực hóa “Giấc mơ bay” Việt Nam./.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-2-bao-ve-quyen-loi-quoc-gia-tren-khong-gian-vu-tru-302548.html