Bài 2: Biết rõ nguồn gây ô nhiễm sẽ có chính sách khả thi

Các nguồn gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đều đã có thể nhận diện được. Tuy nhiên, cụ thể từng nguồn gây ô nhiễm như thế nào đến nay vẫn là ẩn số, Việt Nam chưa kiểm kê được các nguồn phát thải.

Giao thông là một nguồn đóng góp các chất gây ô nhiễm không khí nhưng liệu đây có phải là nguồn gây ô nhiễm chính? (Ảnh: GIANG NGỌC)

Giao thông là một nguồn đóng góp các chất gây ô nhiễm không khí nhưng liệu đây có phải là nguồn gây ô nhiễm chính? (Ảnh: GIANG NGỌC)

NDĐT- Các nguồn gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đều đã có thể nhận diện được. Tuy nhiên, cụ thể từng nguồn gây ô nhiễm như thế nào đến nay vẫn là ẩn số, Việt Nam chưa kiểm kê được các nguồn phát thải.

Đâu là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí bên ngoài bắt nguồn từ các nguồn tự nhiên và nhân tạo. Trong đó, các nguồn tự nhiên phần nhiều là do các vụ cháy rừng và bão bụi. Các nguồn nhân tạo chủ yếu từ giao thông, sản xuất điện, công nghiệp, hoạt động đốt rác thải và phế phẩm nông nghiệp, hoạt động xây dựng hay các nguồn dân sinh như nấu ăn, thắp sáng, sưởi ấm bằng các nhiên liệu gây ô nhiễm.

Nhận định về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm bụi tại Hà Nội thời gian qua, Chi Cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, nguyên nhân chủ quan là do Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình đang xây dựng phát sinh bụi; mật độ các phương tiện tham gia giao thông lớn, xuất hiện nhiều điểm ùn tắc giao thông, còn tồn tại nhiều các phương tiện cũ, xe chở vật liệu và phế thải không che chắn đúng quy định.

Nguyên nhân khách quan do đang là thời điểm giao mùa, điều kiện khí tượng không thuận lợi, toàn thành phố luôn bị bao phủ bởi lớp sương mù làm giảm khả năng phân tán, phát tán bụi.

Có thể thấy, việc điểm mặt các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội nói riêng và các khu vực khác tại Việt Nam là việc dễ làm và các nguồn phát thải đã được gọi tên. Tuy nhiên, tỷ lệ, mức độ đóng góp gây ô nhiễm từ các nguồn này chính xác là bao nhiêu thì còn là một ẩn số.

Tại cuộc hội thảo về chất lượng không khí tại Hà Nội, ngày 27-8, PGS,TS Nghiêm Trung Dũng (Trường đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, kết quả nghiên cứu mới nhất của ông về bụi nano cho thấy, nguồn phát thải bụi nano từ giao thông chiếm tới 46,3%; từ bụi thứ cấp trong không khí là 31%; từ đun nấu sinh hoạt và bụi đất công nghiệp là 2,6%.

Trong khi đó, PGS,TS Nghiêm Trung Dũng dẫn số liệu từ năm 2010, nghiên cứu các nguồn phát sinh bụi mịn trong giai đoạn 2001 đến 2008 tại Hà Nội của tác giả Cohen, D.D và cộng sự, cho thấy, nồng độ bụi PM 2.5 phát thải từ giao thông là 40%.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học và chuyên gia tham gia hội thảo đã không đồng tình với kết quả nghiên cứu.

Bà Hoàng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường quốc gia nêu ý kiến, ảnh hưởng của giao thông đối với chất lượng không khí là rất rõ nhận thấy khi tất cả các thông số ô nhiễm, đặc biệt là nồng độ bụi PM 2.5 vào các giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều vượt lên rất cao. Tuy nhiên, theo bà Hoàng Anh, đó là quy luật hằng ngày, ngày nào cũng diễn ra như vậy và chúng ta nhận diện được nguồn đóng góp từ giao thông thông qua các quy luật hằng ngày đó. Nhưng ở Hà Nội, những lúc nồng độ PM 2.5 lên rất cao thì không phải là do giao thông và nó hoàn toàn phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết.

“Như đợt tháng 2, tháng 3 vừa rồi, khi các ngày nồng độ PM 2.5 tăng cao thì đều là các ngày có các đặc điểm thời tiết nổi bật và các phân tích của Cục Tài nguyên và Môi trường thuộc Tổng Cục khí hậu thủy văn cũng cho thấy là bị ảnh hưởng bởi vấn đề thời tiết”, bà Hoàng Anh nói.

GS, TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, đốt rơm rạ cũng không phải là nguồn phát thải lớn nhất gây ô nhiễm không khí. (Ảnh: GIANG NGỌC)

Đồng tình với quan điểm của bà Hoàng Anh, GS, TS Hoàng Xuân Cơ cũng cho biết, qua nghiên cứu các mô hình, ông nhận thấy, nguồn giao thông không phải là nguồn đóng góp bụi lớn nhất hoặc nguồn dân sinh và kể cả nguồn nông nghiệp như đốt rơm rạ cũng không phải là nguồn phát thải lớn nhất.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng, điều phối Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN), cũng nêu ý kiến tại cuộc hội thảo: “Chúng ta đã đưa ra nguồn ô nhiễm không khí nhưng ngay kể cả tại hội thảo này các nguồn chính gây ô nhiễm cũng không thống nhất theo nghiên cứu của các bên. Vậy đâu là nguồn chính? Tại sao thời gian nghỉ Tết Âm lịch, tại Hà Nội, người dân đi xe máy ít hơn nhưng ô nhiễm không khí lại cao hơn mùa hè?”

Việt Nam chưa có nghiên cứu toàn diện về chất lượng không khí

Cho tới thời điểm hiện tại, những nghiên cứu về chất lượng không khí tại Việt Nam chủ yếu dừng lại ở các khía cạnh đơn lẻ và chưa có một nghiên cứu toàn diện, cập nhật nào phản ánh đúng bản chất của hiện tượng ô nhiễm không khí tại Việt Nam, do cơ quan có thẩm quyền công bố. Các nhà khoa học vẫn chủ yếu nghiên cứu theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, kinh phí tới đâu, nghiên cứu tới đó.

Ngay tại cuộc hội thảo về chất lượng không khí tại Hà Nội, ngày 27-8, chỉ có một nghiên cứu mới nhất được PGS,TS Trần Ngọc Quang, Bộ môn Vi khí hậu – Môi trường xây dựng thuộc Trường đại học Xây dựng công bố là về bụi siêu mịn, còn lại các số liệu liên quan khác được dẫn lại trong cuộc hội thảo đều là những số liệu của hàng chục năm về trước.

Mặt khác, bản thân các nhà khoa học và diễn giả tham dự cuộc hội thảo cũng có những tranh luận trái chiều về các kết quả nghiên cứu được công bố (về nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí).

Theo GS,TS Hoàng Xuân Cơ, trong rất nhiều năm nghiên cứu ông nhận thấy, cho đến giờ số liệu của chúng ta rất tản mạn, không tập trung được vì vậy chưa hình thành được cơ sở dữ liệu tương đối đầy đủ năm này qua năm khác, có tính liên tục về thời gian và không gian.

“Vì vậy, cứ ai có nghiên cứu gì, có kết quả gì thì báo cáo. Còn kết nối nó lại để cho ra được một nhận xét chuẩn xác thì lại thiếu”, GS,TS Hoàng Xuân Cơ nói.

GS, TS Hoàng Xuân Cơ cho biết, lâu nay ông chỉ có một khuyến cáo là làm thế nào tập trung nghiên cứu bài bản để có được các bộ số liệu tốt thì chúng ta mới có thể đánh giá chính xác chất lượng không khí và tìm ra được giải pháp khắc phục. Còn hiện giờ số liệu mỗi người đưa ra một khác nhau và chưa có một cơ quan nào hay bộ phận nào được giao nhiệm vụ đánh giá đến nơi đến chốn chất lượng không khí và tìm ra được giải pháp. “Mỗi người làm một mảnh vụn như thế này thì rất khó”, GS, TS Hoàng Xuân Cơ nói.

Cần biết rõ nguồn gây ô nhiễm để có giải pháp phù hợp

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP), để có những chính sách đúng đắn để cải thiện chất lượng không khí cần phải xác định rõ nguồn nào gây ô nhiễm, đóng góp ô nhiễm bao nhiêu phần trăm. Muốn làm được việc này thì phải dựa vào nguồn kiểm kê phát thải, xem từng chất từ ngành nào, bao nhiêu, công việc này cũng không dễ và đòi hỏi nhiều kinh phí. Tại Hà Nội, vấn đề kiểm kê phát thải đã được nói đến rất nhiều lần nhưng chúng ta vẫn chưa nghiên cứu bài bản, vì vậy Hà Nội cũng chưa công bố được cụ thể.

“Tôi nghĩ rằng, để có những chính sách đúng đắn, với nguồn phát thải từ giao thông thì xử lý như thế nào, nguồn từ xây dựng hay các nguồn sản xuất,… xử lý ra sao; ưu tiên giải pháp nào trước, muốn vậy, chắc chắn phải kiểm kê phát thải, càng làm sớm bao nhiêu thì càng có những cơ hội đề ra những chính sách khả thi, phù hợp bấy nhiêu”, TS Hoàng Dương Tùng nói.

Đồng tình về vấn đề này, GS,TS Hoàng Xuân Cơ cũng cho rằng, để nghiên cứu bài bản về chất lượng không khí cần phải kiểm kê lượng phát thải, nguồn này bao nhiêu, nguồn kia bao nhiêu; sau đó là giải bài toán lan truyền với nguồn đấy thì nó đóng góp ở Hà Nội bao nhiêu, Bắc Ninh, Hưng Yên bao nhiêu,… Thứ ba là nguồn bụi đóng góp bao nhiêu.

Yêu cầu mọi kết quả Việt Nam phải làm chủ được. Việc kiểm kê phát thải phải giao cho một đơn vị làm thường niên để tạo cơ sở dữ liệu, cộng thêm số liệu đo nữa thì chúng ta mới có đủ cơ sở dữ liệu để đánh giá.

“Không có dữ liệu, cực kỳ khó nói, không có cơ sở thuyết phục cơ quan quản lý. Cần thống nhất làm một cách bài bản, nên chăng thành lập một đơn vị làm về ô nhiễm không khí”, GS, TS Hoàng Xuân Cơ nói.

Đồng tình với quan điểm của các nhà khoa học, bà Hoàng Anh cho rằng, khi đã nhận diện được vấn đề thì rất cần các nhà khoa học chứng minh cũng như tìm ra nguồn đóng góp nồng độ bụi, như vậy, các cơ quan quản lý mới có thể có các biện pháp phù hợp. Nguồn lực của chúng ta đã không đủ mà còn dàn trải qua quá nhiều các giải pháp thì sẽ không hiệu quả.

“Dưới góc độ cơ quan kỹ thuật nhưng cũng rất gần với những cơ quan quản lý, chúng tôi rất cần các nhà khoa học cùng với chúng tôi nghiên cứu để có những câu trả lời chính xác về nguồn gốc đóng góp của bụi không khí để kiến nghị với các cơ quan quản lý giải pháp phù hợp”, bà Hoàng Anh nói.

BÔNG MAI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/vi-moi-truong-xanh/item/41794002-bai-2-biet-ro-nguon-gay-o-nhiem-se-co-chinh-sach-kha-thi.html