Bài 2: Cần có giải pháp căn cơ xử lý các khu đô thị thiếu hạ tầng

Việc xử lý các khu đô thị thiếu hạ tầng là điều cần thiết, tuy nhiên theo nhiều ý kiến đây lại là vấn đề khá nan giải. Ngoài những khu đô thị do năng lực yếu kém hoặc vô trách nhiệm của chủ đầu tư, nhiều khi tồn tại còn là những khu đô thị cũ, đã xây từ hàng chục năm về trước. Khi ấy, tiêu chí phê duyệt dự án cũng đã rất khác so với bây giờ…

Xử lý các khu đô thị thiếu hạ tầng:

Cần có giải pháp căn cơ trong việc các khu đô thị không hạ tầng.

Nan giải việc xử lý các chủ đầu tư

Nói về tình trạng này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, đợt giám sát của HĐND TP Hà Nội vừa qua đã chỉ ra hơn 300 dự án khu đô thị không đảm bảo tiến độ cần phải rà soát, khảo sát lại. Theo kế hoạch, hơn 200 dự án cần phải thu hồi nhưng thực chất thu hồi chưa được bao nhiêu.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, quá trình chuẩn bị lập dự án và hồ sơ phê duyệt dự án đều đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, tuy nhiên công tác giám sát thực hiện dự án lại có sự buông lỏng. Điều này thể hiện rõ ở việc phân công, phân cấp chưa hợp lý.

Ngoài ra, khi phát hiện vi phạm, công tác xử lý còn lỏng lẻo. Mặc dù Chính phủ đã có quy định về xử phạt vi phạm trong hoạt động xây dựng và TP Hà Nội đã cụ thể hóa các quy định nhưng trách nhiệm xử lý và giám sát vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Đôi khi đơn vị chịu trách nhiệm, kể cả chính quyền địa phương thấy vấn đề sai phạm, song chưa được phân cấp thẩm quyền xử lý nên việc xử phạt rất khó khăn. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư còn lợi dụng kẽ hở của pháp lý để chây ỳ, chậm hoàn thiện những hạng mục kém sinh lời.

Về vấn đề này, một thanh tra xây dựng chia sẻ, việc xử lý các chủ đầu tư khu đô thị không thực hiện xây cấp hạ tầng cơ sở là hết sức khó khăn. Bởi lẽ, việc phân cấp quản lý cũng như quản lý trong câu chuyện này đan xen và chồng chéo. Đó là chưa nói nhiều khu đô thị hiện ở Hà Nội đã được phê duyệt từ nhiều năm về trước nên tiêu chí cũng khác bây giờ. “Thậm chí có nhiều dự án từ khi phê duyệt đến khi xây dựng thì tiêu chí và quy định đã khác, nói gì đến các dự án đã xây cất hàng chục năm trước.”

Nếu muốn chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đủ hạ tầng cơ sở theo phê duyệt thì cần có cơ chế giám sát ngay từ khi thực hiện dự án. “Bởi lẽ, cho đến bây giờ khi mà các khu đô thị đã đi vào hoạt động thì việc thanh kiểm tra hay xử lý sẽ gặp những khó khăn.

Thực tế nhiều chủ đầu tư đã giải thể hoặc phá sản, vậy nếu phát hiện khu đô thị các đơn vị đó không thực hiện đúng phê duyệt thì xử lý thế nào, phạt ai” - theo vị này. Vị này dẫn chứng, có nhiều khu đô thị theo đúng phê duyệt cùng với chính sách đổi hạ tầng, các chủ đầu tư sẽ phải hoàn thiện đường xá kết nối với các hệ thống giao thông chính.

Tuy nhiên khi thực hiện, chủ đầu tư chỉ chăm chăm xây dựng nhà mà “quên” thực hiện cam kết. “Có nhiều trường hợp quận, huyện lại phải bỏ tiền ra để hoàn thiện đường sá cho cư dân. Câu chuyện giữa Nhà nước và chủ đầu tư ở đây là nếu anh xây dựng hạ tầng, tiền xây dựng đó sẽ được khấu trừ vào tiền thuê đất. Vậy nên họ không làm thì cũng không có cơ sở nào để xử lý” - thanh tra xây dựng cho biết. Và theo đó, trước đến nay, cơ quan chức năng không ghi nhận trường hợp chủ đầu tư nào bị xử lý nếu không thực hiện cơ sở hạ tầng theo cam kết.

Việc thanh tra liệu có phải là giải pháp căn cơ

Theo báo cáo giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội, năm 2022, trên địa bàn Thủ đô triển khai 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở quy mô từ 2 ha trở lên; trong đó, có tới 168 dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chiếm tỷ lệ 63%. Tuy nhiên, tại nhiều khu đô thị, khu nhà ở, hệ thống chiếu sáng chưa được hoàn thiện, chưa đồng bộ, hoặc hỏng nhưng chậm được sửa chữa; đặc biệt thiếu bãi đỗ xe…

Một số khu đô thị, khu nhà ở còn chậm đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, vệ sinh môi trường không bảo đảm; thiếu vườn hoa, cây xanh, trường học, công trình thể thao, dịch vụ công cộng. Năm 2023, Sở Xây dựng Hà Nội tập trung triển khai các Chương trình công tác của Thành ủy, UBND TP, đặc biệt là Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2020 - 2025".

Từ thực trạng trên, theo kế hoạch năm 2023, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý xây dựng theo giấy phép xây dựng tại UBND một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn và cơ quan, đơn vị có liên quan; thanh tra việc thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại một số khu đô thị. Bên cạnh thanh tra theo kế hoạch, Sở Xây dựng Hà Nội cũng chỉ đạo thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật…

Theo GĐ Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, hoạt động thanh tra nhằm tăng cường thanh tra công tác quản lý Nhà nước, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương phát sinh nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, nhiều đơn thư khiếu nại, dư luận có nhiều ý kiến.

Tuy nhiên, về vấn đề trên, cũng theo vị thanh tra xây dựng, đây là vấn đề khá khó khăn trong việc xử lý. Vậy nên cần có những giải pháp căn cơ, đồng bộ từ tất cả các ban ngành. Từ lực lượng quản lý đô thị đến các ban ngành trực thuộc tài nguyên môi trường...

“Có thể dùng sức ép với chủ đầu tư bằng cách khi cấp sổ đỏ cho cư dần, cần xem xét dự án, xem xét các hạng mục xem đã đồng bộ, đã hoàn thiện chưa, nếu chưa thì yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện sau đó mới cấp sổ. Nếu làm được như vậy mới có thể giải quyết được các vấn đề như đã nêu trên” - vị thanh tra xây dựng quan điểm.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bai-2-can-co-giai-phap-can-co-xu-ly-cac-khu-do-thi-thieu-ha-tang-322204.html