Bài 2: Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người bạn chiến đấu thân thiết của Bác Hồ (tiếp theo và hết)

Mùa Thu năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Tôn Đức Thắng và những chiến sĩ bị giam cầm ở Côn Đảo được nhân dân Nam Bộ đón về. Tại Hội nghị cán bộ toàn xứ Nam kỳ họp ngày 15-10-1945, đồng chí Tôn Đức Thắng và đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng… được bầu vào Xứ ủy.

Ngay sau khi được trở về đất liền, cũng là khi thực dân Pháp quay lại tái chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đồng chí Tôn Đức Thắng đã cùng đồng bào Nam Bộ và nhân dân cả nước bước vào cuộc chiến đấu mới.

Là một trong những người con ưu tú của Nam Bộ, Ủy viên Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ, đồng chí Tôn Đức Thắng được nhân dân miền Nam bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc Tổng tuyển cử 06-01-1946. Ghé thăm nhà trước khi ra Hà Nội, đồng chí nói: “Tôi phải đi ngay cùng anh em trong phái đoàn ra Bắc để làm việc với Cụ Hồ, việc nước đang gấp” (4). Từ đó, đồng chí có nhiều năm gần gũi, làm việc cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giữa hai người đã hình thành một tình thân ái, gắn bó sâu sắc.

Tháng 5-1946, đồng chí là một thành viên của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đi thăm thiện chí nước Pháp. Đây là lần thứ 2 trong đời, đồng chí Tôn Đức Thắng đặt chân lên nước Pháp. Song khác với lần trước, lần này đồng chí đến với Pháp với tư cách là Phó trưởng đoàn Quốc hội. Trong chuyến đi này, đồng chí đã hoàn thành trọng trách được giao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Phó chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II (tháng 7-1960). Ảnh tư liệu.

Ngoan cố và đầy dã tâm xâm lược, thực dân Pháp đã cố tình phá bỏ Hiệp định sơ bộ 06-03-1946, làm tan vỡ Hòa đàm Phôngtennơblô và ngang nhiên vi phạm Tạm ước Việt- Pháp 14-9-1946. Hết sức mềm mỏng và nhẫn nại, song mọi cố gắng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã không thu được kết quả. Trong bối cảnh đó, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I họp tại Hà Nội (từ 28-10 đến 9-11-1946) đã nhất trí tán thành đường lối chính sách của Chính phủ Hồ Chí Minh, thông qua Hiến pháp 1946, ủy quyền cho Chủ tịch Hồ Chí Minh lập Chính phủ Kháng chiến và bầu Ban Thường trực Quốc hội. Được nhân dân và Quốc hội tín nhiệm, đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Ủy viên Thường trực Quốc hội.

Trước nguy cơ chiến tranh bùng nổ và lan rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương quyết định cử một số phái đoàn của Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Việt Minh và Liên Việt đi các địa phương vận động nhân dân sẵn sàng chiến đấu, thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu của kháng chiến. Đồng chí Tôn Đức Thắng được cử đi công tác ở Hà Đông và Sơn Tây. Trong đợt công tác này, đồng chí đã nói chuyện với bà con nhân dân địa phương về nhiệm vụ và tình hình trước mắt, nêu rõ những khó khăn, gian khổ và việc phải nêu cao tinh thần trường kỳ kháng chiến, đồng thời dự các cuộc họp với tỉnh ủy Sơn Tây, với các cán bộ Mặt trận Việt Minh và Liên Việt ở địa phương bàn về tổ chức dân quân, tự vệ, chuẩn bị đánh du kích và giữ vững công việc tăng gia sản xuất…

Chủ tịch Tôn Đức Thắng chúc mừng Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) - đơn vị bắn rơi máy bay F-111 của Mỹ đêm 22-12-1972. Ảnh tư liệu.

Cùng toàn Đảng, toàn dân gian lao kháng chiến, với uy tín lớn lao trong Đảng, trong nhân dân, với phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, chí công vô tư, đồng chí Tôn Đức Thắng lần lượt được trao và đảm nhận nhiều trọng trách. Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn sát cánh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo trong Đảng, Chính phủ và Quốc hội; nỗ lực đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từng bước vượt qua những khó khăn, thử thách. Với mục đích: Làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công, ngày 27-3-1948, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định cử đồng chí Tôn Đức Thắng làm Trưởng Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương. Đặc biệt quan tâm đến cuộc vận động, lãnh tụ Hồ Chí Minh thường gửi thư và mời Trưởng ban Tôn Đức Thắng đến nơi ở của mình đàm đạo, bàn bạc những nội dung cụ thể để phong trào phát triển sâu rộng trong toàn quốc. Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã thắng lợi hoàn toàn. miền Bắc đã được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bộ chỉ huy tối cao của cuộc kháng chiến trở về Thủ đô Hà Nội.

Trong điều kiện mới, thế và lực mới, để xây dựng và củng cố miền Bắc, kiên trì thực hiện Hiệp định Giơnevơ, tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Mặt trận Liên Việt được mở rộng thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong thời gian này, đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10-9-1955) và Trưởng ban Thường trực Quốc hội (kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa I, 9-1955).

Trong những năm tháng sau đó, nhận sự ủy thác của nhân dân, đồng chí đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lãnh đạo nhân dân cả nước đồng thời thực hiện hai chiến lược cách mạng: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trước những nhiệm vụ nặng nề đó, phát biểu trong Đại hội đại biểu Mặt trận Dân tộc thống nhất (9-1955), đồng chí Tôn Đức Thắng- người con của Thành đồng Tổ quốc, thiết tha kêu gọi: “Chúng ta cùng chung một Tổ quốc, cùng có chung hàng nghìn năm lịch sử, đau khổ có nhau, vinh quang có nhau. Điều đó đã gắn liền đồng bào toàn quốc, gắn liền đại biểu chúng ta làm một khối”. (5)

Gần 70 năm hoạt động cách mạng, Bác Tôn đã từng đảm nhiệm những trọng trách trong Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước và trong nhiều lĩnh vực hoạt động xung yếu. Từ khi giữ chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ năm 39 tuổi, đến lúc trái tim ngừng đập trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 92 tuổi, Bác Tôn luôn nêu cao tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc và nhân dân, đức tính hy sinh xả thân, khí phách của chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao đẹp “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”; sống khiêm tốn, thanh bạch, giản dị, gần gũi quần chúng, thương yêu đồng chí, quý trọng đồng bào, thấm nhuần đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, kết hợp nhuần nhuyễn tư tưởng yêu nước nồng nàn và tình cảm quốc tế trong sáng”. (6)

Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Bác Tôn đã được Bác Hồ khắc họa trong bức tranh chân dung bất hủ. Hồ Chủ tịch viết “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một con người rất ưu tú của Tổ quốc, suốt 50 năm đã không ngừng hoạt động cách mạng, 17 năm bị thực dân Pháp cầm tù, 9 năm tham gia lãnh đạo kháng chiến, 4 năm phấn đấu để giữ gìn hòa bình thế giới và đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà… Là một chiến sĩ cách mạng dân tộc và chiến sĩ cách mạng thế giới, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những người Việt Nam đầu tiên tham gia đấu tranh bảo vệ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại… Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: Suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. (7)

DIỆU THÚY (Tổng hợp)

(4) Đồng chí Tôn Đức Thắng – người chiến sĩ cộng sản kiên cường mẫu mực, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1982, Tr.29

(5) Đồng chí Tôn Đức Thắng – người chiến sĩ cộng sản kiên cường mẫu mực, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1982, Tr.32

(6) Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Cuộc đời và sự nghiệp, NXB Hồng Đức, Tr.274-318

(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, Tr. 220-221

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/bai-2-chu-tich-ton-duc-thang-nguoi-ban-chien-dau-than-thiet-cua-bac-ho-tiep-theo-va-het-547036