Bài 2: Còn khiêm tốn và chưa đồng đều

Với 43% hộ dân thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt và 21% tổng lượng rác sinh hoạt được phân loại tại nguồn, không ít chuyên gia cho rằng, kết quả đó còn khiêm tốn so với yêu cầu; công tác phân loại tại một số nơi cũng chưa thực sự hiệu quả.

Bài 1: Những chuyển biến bước đầu
Bài 3: Đồng bộ về hạ tầng thu gom, vận chuyển

Chưa hình thành thói quen phân loại rác

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi,hiện nay, vẫn còn một số địa phương chưa chú trọng triển khai thực hiện, kiểm tra giám sát và truyền thông về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tại các đô thị, người dân chưa quan tâm phân loại, tái sử dụng rác hữu cơ. Hạ tầng xe chở rác, trạm trung chuyển chưa đáp ứng, thêm vào đó, 3/7 khu xử lý rác đã ngưng tiếp nhận rác. Đơn giá thu gom, xử lý và quy định đấu thầu hàng năm chưa khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ.

Tại Đồng Nai, vẫn còn trường hợp cố tình thải rác ra lề đường, lòng suối, khu đất trống. Ảnh: NT

Tại Đồng Nai, vẫn còn trường hợp cố tình thải rác ra lề đường, lòng suối, khu đất trống. Ảnh: NT

Là một trong những địa phương phát sinh nước thải và rác thải sinh hoạt nhiều nhất tỉnh, mỗi ngày, TP. Biên Hòa có khoảng 750 tấn chất thải rắn và khoảng 90.000m3 nước thải sinh hoạt thải ra môi trường. Dự báo đến năm 2030, tổng lượng rác thải của thành phố tăng lên khoảng 890 tấn/ngày. Việc thiếu hệ thống xử lý nước thải, thiếu các điểm trung chuyển chất thải hiện nay là nguyên nhân gia tăng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Theo đại diện UBND phường Bửu Hòa, tuyến đường Nguyễn Thị Tồn thuộc địa bàn 2 phường Hóa An và Bửu Hòa nhiều năm nay thường xuyên xuất hiện ụ rác lớn, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến giao thông. Để hạn chế tình trạng này, phường đã cử cán bộ nhắc nhở người dân, tiểu thương quanh khu vực mua thùng lưu giữ chất thải hợp vệ sinh; tổ chức dọn vệ sinh khu vực và gắn camera giám sát. Mặc dù vậy, vẫn còn trường hợp cố tình thải rác ra lề đường, lòng suối, khu đất trống.

Lãnh đạo các phường, xã và các đơn vị liên quan đã nêu khó khăn hiện nay là nhiều người dân vẫn chưa thực sự quan tâm đến phân loại chất thải rắn sinh hoạt, nhất là các phường vùng ven có tỷ lệ phân loại thu gom rác thải sinh hoạt đạt rất thấp. Tại nhiều “bãi rác” tự phát ở TP. Biên Hòa có đủ loại rác; từ rác hữu cơ, đến chai lọ thủy tinh, bao bì nhựa, giấy, thậm chí cả rác cồng kềnh khó phân hủy như nệm, ghế salon cũ bị thải bỏ bừa bãi, làm xấu cảnh quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường.

Người dân ngại phân loại rác tại nguồn bởi việc bỏ chung tất cả rác vào một túi thường nhanh gọn, tiện lợi hơn là việc phải lựa chọn từng loại cho vào thùng rác, bao bì riêng. Song trên hết, vẫn là chưa hình thành được thói quen phân loại, đây chính là câu trả lời cho việc vì sao phân loại rác thải tại nguồn ở Biên Hòa… chỉ thực hiện được một thời gian, dù đã được triển khai cả chục năm qua và triển khai rất nhiều lần. Bên cạnh đó là các hạn chế khác như thu gom một số nơi do cộng tác viên thực hiện chưa đúng quy định; lực lượng tuyên truyền cơ sở có sự gián đoạn và chưa thực hiện chế tài đối với những hộ dân không thực hiện.

Rác về nhà máy phải phân loại lại từ đầu

Theo nhận định chung của các khu xử lý chất thải sinh hoạt, đa phần người dân không phân loại rác hoặc phân loại, lưu trữ không theo hướng dẫn; so với trước đây không giảm được công đoạn nào, thậm chí còn tốn kém thời gian cho đơn vị xử lý rác. Đơn cử như TP. Biên Hòa đã tuyên truyền, hướng dẫn nhiều hộ gia đình phân loại rác như đựng rác hữu cơ vào bao nilon có màu xanh và bao xám đối với rác vô cơ; tuy nhiên, người dân không làm vậy mà tận dụng túi nilon đi chợ về đựng rác, mỗi ngày một loại khác nhau, khiến công nhân môi trường không biết loại nào để thu gom.

Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường Sonadezi Quách Ngọc Bửu cho rằng, hiện nay, quy định về trách nhiệm xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn chưa rõ ràng. Đơn vị thu gom rác không thể đến từng nhà kiểm tra xem đã phân loại rác hay chưa, không thể từ chối thu gom rác chưa thực hiện phân loại.

Đại diện Nhà máy Xử lý chất thải ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) cho biết, từ năm 2020 đến nay, rác thải sinh hoạt đưa về nhà máy không có gì thay đổi. Rác rau củ quả, thức ăn thừa và túi nilon, hộp xốp vẫn được đựng trong túi nhỏ, túi nhỏ đựng trong túi lớn. Mặc dù nhà máy có bố trí khu vực chuyên xử lý rác hữu cơ, mục đích để xử lý ngay đối với rác người dân đã phân loại, nhưng nhà máy vẫn phải phân loại lại từ đầu.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Công ty CP Thương mại - Xây dựng Đa Lộc, chủ đầu tư Khu xử lý chất thải Túc Trưng nhấn mạnh, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 104 tấn rác thải sinh hoạt của huyện Định Quán để xử lý bằng phương pháp compost (chế biến thành mùn phân hữu cơ) và đốt tiêu hủy. Tuy nhiên, chưa có xe rác hữu cơ nào được đưa về nhà máy là có thể xử lý ngay được; 100% rác thải về bãi, công nhân phải xé bọc, phân loại lại từ đầu.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Trọng Toàn thừa nhận, hoạt động phân loại rác tại nguồn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Sau khi Tỉnh ủy có Chỉ thị số 54-CT/TU, Sở đã biên soạn tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn, đồng thời phối hợp với UBND các huyện, thành phố tập huấn tuyên truyền, phân loại rác đến từng hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp. Hiện nay, phần lớn rác tái chế đã được phân loại tại nguồn để bán, 2 loại còn lại là hữu cơ và vô cơ vẫn chủ yếu phân loại tại nhà máy.

“Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là việc làm có lợi về kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng Nai đang triển khai dự án điện rác quy mô 1,2 tấn/ngày nhưng không có nghĩa là không cần phân loại rác. Rác hữu cơ cần phân loại làm phân bón, bao bì nhựa cần phân loại làm nguyên liệu tái sản xuất, cát bụi làm vật liệu xây dựng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi nhấn mạnh.

Nguyễn Thúy - Dương Cầm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/bai-2-con-khiem-ton-va-chua-dong-deu-i310937/