Bài 2: 'Cú hích' từ Nghị quyết 50

Sau hơn 30 năm mở cửa thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã thu hút 30,5 ngàn dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 365 tỷ USD. Tuy nhiên, trong thu hút FDI giai đoạn vừa qua vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc và hạn chế. Chính vì vậy, ngày 20-8-2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-TW được kỳ vọng là sẽ mở ra một 'kỷ nguyên' mới, giúp Việt Nam thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

Trong đó, Đồng Nai - một trong những địa phương đón nhận dòng vốn FDI sớm nhất và hiện tại vẫn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về số lượng dự án FDI, dự kiến cũng sẽ là một trong những địa phương dẫn đầu trong xu hướng đổi mới dòng vốn FDI theo hướng nâng chất, nâng tầm, kết hợp với xu hướng “xanh hóa” sản xuất.

Bài 2: 'Cú hích' từ Nghị quyết 50

Ngày 20-8-2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư FDI đến năm 2030. Đây là “cú hích” lớn để dòng vốn FDI được chọn lọc hướng đến chất lượng bền vững, góp phần bảo vệ môi trường.

Công ty TNHH dệt nhãn Junmay ở Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom) sử dụng máy móc hiện đại vào sản xuất các loại nhãn cho may mặc, giày dép, túi xách. Ảnh: H.Giang

Công ty TNHH dệt nhãn Junmay ở Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom) sử dụng máy móc hiện đại vào sản xuất các loại nhãn cho may mặc, giày dép, túi xách. Ảnh: H.Giang

Theo UBND tỉnh, Đồng Nai bắt đầu đón các dự án FDI từ năm 1989, nhưng 5 năm đầu, các dự án chủ yếu là xây dựng nên chưa có tác động rõ nét đến hiệu quả kinh tế, xã hội. Từ năm 1994 đến nay, đầu tư của FDI vào tỉnh đã tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, Nghị quyết 50 đã giúp cho tỉnh chọn lựa được các dự án FDI chất lượng cao hơn.

* “Thay máu” dòng vốn FDI

Theo đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khu vực kinh tế có vốn FDI là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch - đầu tư cho biết, đến nay Việt Nam thu hút vốn FDI đạt 365 tỷ USD với gần 30 ngàn dự án. Năm 2018, doanh nghiệp FDI đóng góp 20% trong thu ngân sách của cả nước. FDI giải quyết việc làm cho 4 triệu lao động trên cả nước. Tại Đồng Nai, vốn FDI chiếm gần 10% của cả nước, giải quyết việc làm cho khoảng 600 ngàn lao động.

Tại Hội nghị trực tuyến giao nhiệm vụ, kinh tế - xã hội năm 2020 cho các tỉnh, thành, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Dòng vốn FDI vào Việt Nam trong những năm qua đã góp phần giúp cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao, ổn định. Vì vậy, Nhà nước phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư FDI phù hợp với xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao”.

Tính đến đầu năm 2020, đã có 135 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn 365 tỷ USD và được xếp vào nhóm 20 nước thu hút FDI hàng đầu thế giới. Dẫn đầu là Hàn Quốc, tiếp đến là Nhật Bản, Singapore. Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, Đồng Nai xếp thứ 4 cả nước trong thu hút nguồn vốn FDI, chỉ sau Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương. Đồng Nai hiện có 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh và dẫn đầu là Hàn Quốc rồi đến Đài Loan, sau đó là Nhật Bản. Trong vòng 5 năm trở lại đây, thu hút đầu tư FDI của Đồng Nai mỗi năm đều đạt 150-200% kế hoạch UBND tỉnh đề ra.

Mục tiêu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là trong thu hút FDI lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đồng thời, đa dạng đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư FDI với khu vực kinh tế trong nước, hướng đến phát triển bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Nghị quyết 50 giúp chúng ta nhận diện rõ những mặt hạn chế còn tồn tại trong hợp tác đầu tư FDI, để từ đó hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập hiện nay. Sửa đổi, bổ sung các quy định về đầu tư theo từng địa bàn, lĩnh vực, đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư cho phù hợp để thống nhất trong thực hiện, đảm bảo với các cam kết quốc tế”.

* Nâng tầm, nâng chất vốn FDI

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam hiện đã có sự chắt lọc phù hợp với yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra trong Nghị quyết 50. Điều này sẽ hạn chế được những dự án quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm hụt lao động lớn, giải ngân vốn đăng ký thấp, chuyển giá, đầu tư chui, đầu tư “núp bóng”... từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, tăng giá trị gia tăng.

Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Mai Văn Nhơn cho biết: “Trong thu hút đầu tư FDI những năm gần đây, tỉnh rất chú trọng đến ngành nghề, công nghệ sản xuất, giá trị gia tăng doanh nghiệp đem lại. Do đó, dòng vốn FDI vào Đồng Nai được nâng tầm rõ rệt, bởi các dự án khi triển khai đều có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu”.

Năm 2019, Đồng Nai xuất khẩu 19,7 tỷ USD và xếp thứ 5 cả nước về kim ngạch xuất khẩu, trong số đó hơn 80% kim ngạch xuất khẩu là của doanh nghiệp FDI. Hàng hóa sản xuất tại Đồng Nai đã xuất sang hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, song thị trường chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc. Đây đều là những nước đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm. Những doanh nghiệp muốn xuất được hàng hóa vào các thị trường trên phải đáp ứng yêu cầu tương đối khắt khe về quy trình sản xuất, mẫu mã, môi trường, lao động...

Ông Kim Chi Hyung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 (huyện Nhơn Trạch) chia sẻ: “Năm 2019, doanh thu của công ty gần 1,12 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hơn 873,5 triệu USD, riêng thị trường Hoa Kỳ gần 281 triệu USD, chiếm 32% trong kim ngạch xuất khẩu. Công ty dự tính tiếp tục tăng vốn đầu tư công nghệ hiện đại, mở rộng sản xuất tại Đồng Nai và nâng thị phần tiêu thụ sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ”. Công ty TNHH Hyosung Việt Nam là một trong 2 doanh nghiệp FDI có tổng vốn đầu tư vào Đồng Nai lớn nhất với hơn 1,2 tỷ USD.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, đầu tư FDI vào tỉnh ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn như: Bosch, Schaffer, Hyosung, Changshin, Fujitsu, Wosung, Meggitt, Vision Group, Kenda, Mabuchi Motor…đã có mặt ở tỉnh, quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, hoạt động FDI vẫn còn tồn tại, phát sinh những vấn đề mà thể chế, chính sách về đầu tư FDI chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Đó là hiện tượng chuyển giá trong doanh nghiệp FDI ngày càng tinh vi nên việc phát hiện, xử lý ngày càng khó khăn. Tỉnh đã có tổng hợp những vướng mắc về chính sách kiến nghị Chính phủ sớm có sửa đổi kịp thời.

Hằng năm, tỉnh đều tổ chức 4-5 lần gặp gỡ doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh để trao đổi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc về thủ tục, chính sách nếu thuộc thẩm quyền của tỉnh sẽ giải quyết nhanh; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì tổng hợp đề xuất Chính phủ kịp thời giải quyết tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động.

Ông Wu Minh Ying, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai cho biết: “Đến nay, các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào tỉnh gần 270 dự án với tổng vốn hơn 5,3 tỷ USD. Đa số các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào tỉnh hoạt động hiệu quả vì những khó khăn vướng mắc được tỉnh kịp thời hỗ trợ giải quyết. Có những doanh nghiệp sau một thời gian đầu tư vào Đồng Nai thành công đã nâng vốn đầu tư tăng gấp 1,5-3 lần so với ban đầu”.

Theo Nghị quyết 50-NQ/TW, phấn đấu khu vực đầu tư FDI đạt một số mục tiêu là vốn đăng ký giai đoạn 2021-2025 khoảng 150-200 tỷ USD (30-40 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026-2030 khoảng 200-300 tỷ USD (40-50 tỷ USD/năm). Vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 khoảng 100-150 tỷ USD (20-30 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026-2030 khoảng 150-200 tỷ USD (30-40 tỷ USD/năm).

Hương Giang

Bài 3: Sẽ có “phiên bản” FDI mới của Đồng Nai

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202002/ky-nguyen-moi-trong-thu-hut-fdi-bai-2-cu-hich-tu-nghi-quyet-50-2988682/