Bài 2: Đáp ứng đúng nguyện vọng của sinh viên

Công tác thu hút, tập hợp sinh viên đến với các hoạt động của Hội Sinh viên luôn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, các Hội Sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo để giải quyết bài toán này.

Không dập khuôn, hình thức

Những năm qua công tác Hội và phong trào sinh viên trường Đại học Xây dựng luôn được Thành đoàn, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội đánh giá cao. Đặc biệt, sinh viên Xây dựng luôn đi đầu trong mọi hoạt động tình nguyện của thành phố và để lại nhiều ấn tượng. Điều này chứng tỏ, công tác Hội của trường có sức hút không nhỏ đối với sinh viên.

Anh Phan Trung Luân, Chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Xây dựng cho biết: “Muốn thu hút sinh viên đến với Hội phải làm cho các em hiểu và chứng minh được những hoạt động đó rất thiết thực, bổ ích. Vì vậy, nội dung hoạt động phải có chiều sâu và hình thức hấp dẫn”.

Bên cạnh đó, vai trò của của người cán bộ Hội cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác. Trung luôn tự nhận anh là người “ngoại đạo” bởi từ năm lớp 10, Trung đã sang Anh du học. Bảy năm học tập và làm việc bên Anh nên Trung hiểu rất ít về công tác Hội Sinh viên Việt Nam. Vì thế, khi về trường Đại học Xây dựng công tác và đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội Sinh viên nhà trường là thách thức không nhỏ với Trung.

Lúc đầu Trung chỉ nghĩ đơn giản, Chủ tịch Hội chỉ là người đứng ra quản lý sinh viên thực hiện các phong trào. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm thực tế anh mới nhận ra đó chỉ là suy nghĩ. Công tác Hội đòi hỏi rất nhiều tâm huyết và sự sáng tạo của người thủ lĩnh. Kinh nghiệm thực tế không có, Trung còn phải đối mặt với việc các đội nhóm, câu lạc bộ trực thuộc Hội không đoàn kết, mạnh ai người đó làm. Khi đó, Trung đã phải nghiêm túc suy nghĩ lại từng vấn đề và tìm cách giải từng bài toán cụ thể như: Đoàn kết các câu lạc bộ, tổ đội nhóm trong trường; tạo ra nhiều hoạt động thiết thực để thu hút sinh viên…

“Trong các mảng công tác Hội, mình đều phân công rất rõ ràng và gắn với trách nhiệm của từng người. Từ đó, mỗi người sẽ phải tìm tòi, sáng tạo để tổ chức các sự kiện sao cho hấp dẫn. Đặc biệt, những hoạt động này chúng mình không bao giờ tổ chức theo kiểu dập khuôn, máy móc mà luôn có sự đổi mới để thu hút sinh viên”, Trung cho biết.

Cùng làm việc và trải nghiệm đã giúp Trung cũng như nhiều sinh viên khác trong trường ngày càng yêu thích và gắn bó với công tác Hội. Đặc biệt, chương trình, hoạt động do Hội Sinh viên nhà trường tổ chức ngày càng được đánh giá cao vì có chiều sâu và hấp dẫn. Vì vậy, rất nhiều sinh viên đã biết cách sắp xếp thời gian một cách khoa học để với các hoạt động của Hội. Đây cũng là động lực giúp Hội Sinh viên nhà trường nỗ lực phát huy truyền thống, xây dựng hình ảnh các thế hệ sinh viên Xây dựng năng động, tự tin cũng như đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác.

Nhạnh bén nắm bắt nguyện vọng của sinh viên

Học theo hình thức tín chỉ là một thách thức với công tác Hội nhưng lại được Hội Sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân coi là thế mạnh. Theo anh Trần Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Sinh viên nhà trường, nếu học theo hình thức cũ, thời khóa biểu luôn cố định nên sinh viên khó sắp xếp thời gian tham gia các hoạt động khác. Ngược lại, với hình thức tín chỉ, sinh viên sẽ làm chủ được quỹ thời gian và có sự phân bổ hợp lý cho những hoạt động khác mà họ yêu thích.

Vấn đề ở đây là Hội Sinh viên nhà trường có tổ chức được các hoạt động đúng với nhu cầu, nguyện vọng của các bạn trẻ hay không. “Hiện nay, Hội Sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân đang chú trọng đến việc nâng cao kỹ năng cho sinh viên. Điều này được thực hiện dựa trên những nghiên cứu về nhu cầu, nguyện vọng của sinh viên qua các diễn đàn, chương trình đối thoại thường niên với lãnh đạo nhà trường và các Bí thư chi đoàn, lớp trưởng…”, anh Sơn chia sẻ.

Hội Sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân thường xuyên tổ chức những hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để tạo sân chơi lành mạnh, lý thú cho sinh viên. Đặc biệt, hiểu được nhu cầu lớn nhất của sinh viên chính là nghề nghiệp, việc làm, Hội đã chú trọng các hoạt động tạo môi trường để họ có cơ hội thực hành kiến thức và rèn luyện kỹ năng. Vì thế, nhiều năm nay, Hội Sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân đẩy mạnh việc hợp tác với các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực như: Ngân hàng, bảo hiểm, kế toán, kiểm toán… Thậm chí, có doanh nghiệp chuyên đào tạo về việc viết CV xin việc luôn có mặt trong sự kiện, hoạt động của nhà trường và đồng hành với sinh viên trong cả quá trình học tập.

Sinh viên được rèn luyện trong môi trường của doanh nghiệp từ sớm nên không cảm thấy bỡ ngỡ sau khi ra trường. Nhiều bạn đã tìm được việc làm từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vì thế, họ thấy được các hoạt động của Đoàn – Hội thực sự bổ ích và thiết thực. Đúng với mong muốn, nguyện vọng, sinh viên sẽ tự tìm đến với tổ chức Hội.

Gắn học tập với tình nguyện

Ngoài những khó khăn chung như nhiều đơn vị khác, công tác Hội và phong trào sinh viên trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội còn có những đặc thù riêng. Số lượng sinh viên của trường ít lại thiên về nghệ thuật, hội họa, thiết kế nên làm sao để thu hút được các em đến với tổ chức Hội là điều không đơn giản.

Anh Vũ Văn Hiên, Chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp tâm sự: “Sinh viên trong trường hầu hết chỉ quan tâm đến những chương trình liên quan đến các chuyên ngành các em đang theo học nên không mấy mặn mà với các hoạt động khác. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là công tác Hội của trường không phát triển toàn diện. Chúng tôi luôn khéo léo lồng ghép các hoạt động vào nhau, nhất là gắn học tập với tình nguyện để đáp ứng yêu cầu của sinh viên”.

Do có những đặc thù riêng nên Hội Sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp chú trọng đẩy mạnh các cuộc thi về thiết kế, hội họa và chương trình dã ngoại để sinh viên phát huy tình sáng tạo. Thông qua các chương trình tế này, sinh viên không chỉ được thực hành kiến thức trên lớp mà còn tiếp xúc, học hỏi những kinh nghiệm quý báu của các họa sỹ, nghệ nhân đi trước. Bên cạnh đó, những chuyến đi thực tế cũng luôn mang đến sự hào hứng cũng như những kỷ niệm và cảm xúc không thể nào quên cho sinh viên. Vì thế, các em gắn kết và yêu thích các hoạt động của Hội Sinh viên hơn.

“Nếu như hoạt động tình nguyện ở các trường khác là phát quà, làm đường… thì chúng tôi vẽ tranh tường, trang trí lớp học. Điều này giúp các em sinh viên có môi trường thực hành và thỏa sức sáng tạo. Đây cũng là cơ hội để các em rèn luyện kỹ năng mềm, đóng góp cho xã hội. Đặc biệt, các em được trải nghiệm thực tế để thấu hiểu những hoàn cảnh khó khăn, thêm yêu quê hương, đất nước cũng như có trách nhiệm với cộng đồng”, anh Hiên cho biết.

(Còn nữa)

Ngọc Linh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bai-2-dap-ung-dung-nguyen-vong-cua-sinh-vien-d2057008.html