Bài 2: Dấu ấn cách mạng ở xứ Lạng

Sau khi học hết 'vốn' của thầy giáo lừng danh Phan Luân ở Cao Bằng, lại đọc trọn vẹn 2 'kệ sách cổ' của ông nội, chàng trai trẻ Hoàng Đình Giong rời gia đình lên đường 'tầm sư, học đạo'. Trong đó, có 2 lần đến Lạng Sơn. Trong những ngày ở xứ Lạng, Hoàng Đình Giong đã gặp, kết tình bằng hữu và cùng bắt tay với những người có chí hướng tại địa phương như: Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri.

Con đường mang tên Hoàng Đình Giong. Ảnh: Duy Chiến

Con đường mang tên Hoàng Đình Giong. Ảnh: Duy Chiến

Kết nghĩa anh em

Đầu năm 1924, khi vừa tròn 20 tuổi, Hoàng Đình Giong đến Lạng Sơn để tham dự Kỳ thi “Tốt nghiệp tiểu học” (Certifcat d’ etudes primaires. Thời ấy, tất cả các thí sinh các tỉnh miền núi phía Bắc đều tập trung về Lạng Sơn để thi tốt nghiệp Đệ nhị cấp). Tuy bài viết đúng, có thể đạt điểm cao, nhưng bài viết của Giong đều bộc lộ thái độ yêu nước, ghét Tây nên bị đánh trượt.

Một năm sau, Hoàng Đình Giong trở lại xứ Lạng để thi lần 2. Trong dịp này, anh gặp lại Hoàng Văn Thụ, người bạn cùng phòng thi năm trước. Hai người cùng họ Hoàng và cùng cảnh ngộ nên quý mến, tôn trọng lẫn nhau. Trong khi chờ “yết bảng”, anh Thụ mời Hoàng Đình Giong về nhà mình chơi ở thôn Phạc Lạn, xã Nhân Lý, châu Điềm He, huyện Văn Uyên (nay thuộc xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn).

Thấy con trai đưa bạn cùng thi quê tận Cao Bằng về chơi, ông Hoàng Khải Lan (thân phụ Hoàng Văn Thụ) mừng lắm. Nhất là khi biết Hoàng Đình Giong là cháu nội của cụ Hoàng A Quả, một nhà yêu nước ở Cao Bằng. Ông Khải Lan bảo: “Tiếng thơm của cụ Hoàng A Quả vang xa đến các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, ai cũng ngưỡng mộ công đức của cụ dẹp tan bọn phỉ Ngô Côn giúp nước, cứu dân. Cụ lại đứng lên tụ nghĩa đánh giặc Tây xâm lược. Thật là duyên kỳ ngộ cho hai anh em gặp nhau”.

Nói rồi, ông Khải Lan cười lớn rồi sai người bắt gà thiến làm thịt. Đúng lúc đó, Hoàng Văn Thụ nói với cha rằng, do đồng điệu với nhau về tâm hồn, cảnh ngộ, suy nghĩ về hiện tại và tương lai nên hai anh Thụ, Giong xin cha, mẹ cho họ kết nghĩa anh em. Ông Khải Lan mừng vui ra mặt, sai người làm mâm xôi, sắp lễ rồi đích thân kính cẩn báo cáo tổ tiên cho phép “Hoàng Văn Thụ, Hoàng Đình Giong kết nghĩa bằng hữu, vui buồn, sướng khổ có nhau, trọn đời là anh em tốt”.

Chung chí hướng

Ngày hôm sau, hai anh Thụ, Giong trở lại thị xã Lạng Sơn và cùng đến nơi trọ học tại nhà bà Tài Thu ở số nhà 37 Chính Cai, giữa phố Kỳ Lừa (nay thuộc số 8, phố Kỳ Lừa, phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn). Đây là ngôi nhà hai tầng, phía trước để ở, phía sau là bếp.

Anh Thụ giới thiệu anh Giong làm quen, kết thân với chàng trai nhỏ nhắn, lanh lợi Lương Văn Tri, một người bạn thi, có tinh thần ái quốc.

Vài ngày sau, ba người ra trường xem “yết bảng”. Hai anh Thụ, Tri đều đỗ thứ hạng cao, riêng anh Giong tiếp tục bị trượt. Trước lúc chia tay hai bạn xứ Lạng để quay trở lại Cao Bằng, Hoàng Đình Giong nói: “Tôi sẽ cố gắng rèn luyện cho tốt. Thân phận của người dân mất nước mà. Nhưng tin chắc, có ngày giặc Tây sẽ bị đánh tơi bời” và ngỏ ý mời hai bạn nhớ lên chơi non nước Boong Hây (Cao Bằng).

Về đến nhà, Hoàng Đình Giong báo cáo học hành, thi cử cũng như việc kết nghĩa anh em với Hoàng Văn Thụ, đồng thời xin phép bố mẹ cho đi Hà Nội dự thi. Sau đó, Giong đỗ thứ hạng cao vào trường Bách Nghệ, theo học “Ban cơ khí”. Tại đây, ai cũng quý chàng thanh niên người dân tộc thiểu số khỏe mạnh, đẹp trai, tính tình cởi mở, hay giúp đỡ bạn bè. Chính vì điều này, anh đã thuyết phục, tuyên truyền nhiều thanh niên Hà Nội và các tỉnh về lòng yêu nước, căm thù bè lũ cướp, bán nước và cùng tham gia tổ chức “Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Đỉnh điểm của phong trào là cuối tháng 3 năm 1926, Hoàng Đình Giong và đông đảo học sinh tham gia bãi khóa nhân sự kiện nhà chí sỹ Phan Chu Trinh từ trần. Giong bị đuổi học và sau đó viết thư báo tin cho Hoàng Văn Thụ. Ngay lập tức Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri ra ga Kỳ Lừa, đi xe lửa xuôi về Hà Nội.

Anh em gặp nhau, tay bắt, mặt mừng. Rất đông thanh niên yêu nước tham gia cuộc gặp cảm động. Hoàng Đình Giong giới thiệu 2 bạn xứ Lạng với cụ Ngô Đức Kế là đầu mối liên lạc của “Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên”, là người thường xuyên chỉ dẫn, cung cấp tài liệu bí mật trong thời điểm này...

Chúng tôi đến khu chợ Kỳ Lừa náo nức tiếng Sli, rộn ràng bước chân người mua, bán tấp nập ở trung tâm thành phố Lạng Sơn. Trong cái ồn ào, huyên náo có ngôi nhà số 8, phố Kỳ Lừa mang dáng vẻ trầm mặc.

Cụ Hoàng, thủ nhang đền Tả Phủ - Kỳ Lừa dẫn tôi vào ngôi nhà xưa cũ rồi nói: “Nơi đây, anh Thụ, anh Tri, anh Giong đã từng trọ học. Nhà lưu niệm này được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia từ năm 1994. Nhân dân phố Kỳ Lừa cắt cử nhau đến thăm nom, hương khói tại ban thờ các anh hùng liệt sỹ”.

Tôi tản bộ trên con đường nhỏ, xinh xắn, phong quang ở phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, nơi có biển chỉ dẫn: “Phố Hoàng Đình Giong” mà lòng xao xuyến khi hoài niệm về một thời oanh liệt của các bậc tiền nhân đã cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, nhân dân!

Trên gác 2 này còn ghi dấu những ngày sôi nổi học làm cách mạng. ảnh: Duy Chiến

Giám đốc Bảo tàng Lạng Sơn Nông Đức Kiên cho biết, năm nay Lạng Sơn đang tích cực chuẩn bị các công việc kỷ niệm lần thứ 110 năm ngày sinh Hoàng Văn Thụ (4/11/1909-4/11/2019) cũng như 115 năm sinh nhật Hoàng Đình Giong. Hai bảo tàng tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng đã có những chuyến thăm, trao đổi kinh nghiệm cùng các hiện vật liên quan đến hoạt động cách mạng của 2 anh em kết nghĩa.

Xứ Lạng, cuối tháng 5/2019

Nguyễn Duy Chiến

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/bai-2-dau-an-cach-mang-o-xu-lang-1421541.tpo