Bài 2: Điệp khúc án tồn đọng, tỷ lệ thu hồi tài sản thấp

Thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là một quá trình trải qua nhiều giai đoạn từ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án dân sự. Mỗi khâu là một 'mắt xích', trong đó, thi hành án dân sự có vai trò rất quan trọng. Song trên thực tế hiệu quả thi hành án chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Bài 1: Chưa theo kịp yêu cầu
Bài 3: Hoàn thiện cơ chế kê biên, phong tỏa tài sản
Bài cuối: Từ quyết tâm chính trị của Đảng

Chưa quy định trình tự, thủ tục riêng

Tuy đã được quan tâm sửa đổi, bổ sung trong Luật Thi hành án dân sự năm 2014 nhưng pháp luật thi hành án dân sự chưa quy định trình tự, thủ tục riêng đối với việc thi hành các khoản thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là việc thi hành các biện pháp tư pháp liên quan đến tiền, tài sản. Do đó, quy trình, thủ tục thi hành đối với các vụ việc loại này được áp dụng như đối với các vụ việc dân sự thông thường, phần nào đã dẫn đến hạn chế hiệu quả thi hành đối với các vụ việc loại này.

Vụ án Tề Anh Dũng là một trong rất ít vụ án thực hiện kê biên, phong tỏa tài sản ngay từ giai đoạn điều tra. Nguồn: ITN

Vụ án Tề Anh Dũng là một trong rất ít vụ án thực hiện kê biên, phong tỏa tài sản ngay từ giai đoạn điều tra. Nguồn: ITN

Việc thi hành án đối với một số loại tài sản đặc thù trong các vụ án kinh tế, tham nhũng như cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp chưa được quy định đầy đủ. Các quy định của pháp luật thi hành án dân sự về trách nhiệm yêu cầu thi hành các khoản thu cho doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan quản lý phần vốn góp của Nhà nước trong các vụ việc loại này còn chưa thống nhất với các quy định của pháp luật chuyên ngành như Luật Doanh nghiệp.

Việc Luật Thi hành án dân sự quy định phạm vi các biện pháp bảo đảm thi hành án của chấp hành viên rộng hơn so với các biện pháp cưỡng chế mà Bộ luật Tố tụng hình sự trao cho các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự cũng là một lỗ hổng để các đương sự lách luật và tẩu tán tài sản do phạm tội mà có. Cụ thể, các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự mặc dù được áp dụng các biện pháp cưỡng chế sớm nhưng chỉ bó hẹp trong hai biện pháp cưỡng chế là phong tỏa tài khoản và kê biên tài sản. Còn chấp hành viên ngoài hai biện pháp này còn có thẩm quyền tạm giữ tài sản, giấy tờ; tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản... Tuy nhiên, cơ quan thi hành án dân sự chỉ được tiến hành công việc của mình sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án nên dường như lại ở thế bị động mặc dù được áp dụng nhiều biện pháp bảo đảm thi hành án hơn.

Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp Lê Tuấn Sơn cho biết, với những vướng mắc trên đây, mặc dù cơ quan thi hành án dân sự đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhưng số vụ việc chưa có điều kiện thi hành án nói chung, các vụ án về tham nhũng, kinh tế nói riêng vẫn tồn đọng kéo dài, chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số việc phải thi hành và tăng lũy kế dần từng năm.

Thực tế, các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương theo dõi, chỉ đạo phần lớn là các vụ án lớn, đặc biệt lớn, số lượng bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhiều nhiều dẫn đến số lượng người phải thi hành án nhiều, số tài sản bị chiếm đoạt lớn, đặc biệt lớn nhưng tài sản tuyên duy trì kê biên, phong tỏa, tạm giữ, tài sản xác minh được trong giai đoạn thi hành án để đảm bảo thi hành án không nhiều, số tiền thu được sau khi cơ quan thi hành án tiến hành các thủ tục phát mãi tài sản, thu giữ, xử lý các tài khoản bị phong tỏa chưa cao dẫn đến cơ quan thi hành án đã xử lý hết các tài sản của người phải thi hành án nhưng số tiền phải thu hồi còn nhiều.

Tài sản để bảo đảm thi hành án không còn nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thu hồi tài sản. Nguồn ITN

Thời gian giải quyết kéo dài

Thực tiễn hoạt động chống tội phạm kinh tế, tham nhũng trong những năm qua cho thấy, việc điều tra, truy tố, xét xử hầu hết các vụ án này kéo dài trong nhiều năm, không chỉ làm mất đi tính kịp thời của yêu cầu phòng, chống tội phạm mà còn tạo ra sự hoài nghi của dư luận xã hội và các tầng lớp nhân dân đối với các cơ quan, người tiến hành tố tụng.

Theo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hòa Bình Trần Văn Dũng, việc giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng kéo dài là do sự tác động của nhiều yếu tố. Trong đó, một số yếu tố có tính phổ biến như thiếu thống nhất trong việc xác định tội danh giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc không chứng minh hoặc chưa đủ cơ sở để chứng minh dấu hiệu người có chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà họ được giao quản lý dẫn đến tình trạng tranh chấp giữa tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là một trong những lý do phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Thủ đoạn phạm tội tham nhũng ngày càng tinh vi (Nguồn ITN)

Ngoài ra, hoạt động giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng còn cho thấy, việc thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ các hành vi chiếm đoạt tài sản của người có chức vụ, quyền hạn thường gặp nhiều khó khăn do đã bị tiêu hủy, che giấu hoặc hợp thức hóa bằng các thủ tục thanh, quyết toán. Việc đấu tranh khai thác thông tin từ các đối tượng liên quan đến hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng thường mất nhiều thời gian, công sức do hành vi phạm tội thường được thực hiện theo một vòng tròn kép kín để bảo vệ, che giấu cho nhau.

Trong khi đó, các thủ đoạn phạm tội thường được thực hiện tinh vi thông qua việc sử dụng các chứng từ giả để thanh toán, quyết toán hoặc sử dụng công nghệ hiện đại để tất toán các khoản tiền bị chiếm đoạt. Đây là những trở ngại ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ điều tra vụ án, làm cho thời gian giải quyết vụ án phải kéo dài hơn nhiều so với thời hạn luật định.

Các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng thường xảy ra trong thời gian dài, đến thời điểm hành vi phạm tội bị phát hiện thì đối tượng đã tẩu tán tài sản hoặc tài sản chiếm đoạt đã được sử dụng để giao dịch với nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân nên khả năng thu hồi được tài sản đạt tỷ lệ chưa cao so với tổng số tài sản bị chiếm đoạt. Điển hình trongvụ Huỳnh Thị Huyền Như, nghĩa vụ phải thi hành của Nguyễn Thị Lành là hơn 9.028 tỷ đồng song chỉ mới thu hồi được hơn 10 tỷ đồng. Số tiền hơn 9.018 tỷ đồng còn lại không còn tài sản để thi hành, hồ sơ được xếp vào loại chưa có điều kiện thi hành án. Nghĩa vụ phải thi hành của Nguyễn Thiên Lý là hơn 1.296 tỷ đồng song chỉ thu hồi được hơn 233 tỷ đồng. Số tiền hơn 1.062 tỷ còn lại cũng không còn tài sản để thi hành, hồ sơ được xếp vào loại chưa có điều kiện thi hành án, tỷ lệ thu hồi toàn vụ chỉ đạt 2,78%.

(Nguồn Bộ Tư pháp)

Hoàng Tuấn - Đình Khoa - Bình Nhi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giam-sat-quoc-hoi-va-cu-chi/bai-2-diep-khuc-an-ton-dong-ty-le-thu-hoi-tai-san-thap-i312096/