Bài 2: Gian nan đưa ánh điện về

Hành trình đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo được đánh giá là kỳ tích của ngành điện Việt Nam. Tuy nhiên, phía sau kỳ tích ấy, khó có thể nói hết những gian nan, vất vả trong thu xếp vốn, thi công, vận hành hệ thống điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Áp lực tìm hơn 81.700 tỷ đồng đầu tư lưới điện nông thôn

Giai đoạn vừa qua được đánh giá là khó khăn đối với EVN khi nhu cầu đầu tư hạ tầng điện tăng cao, trong khi điều kiện vay vốn ngày càng khắt khe. Theo Trưởng ban Kinh doanh EVN Nguyễn Quốc Dũng: Khó khăn lớn nhất trong 10 năm triển khai các dự án đầu tư cải tạo và phát triển lưới điện nông thôn là thiếu nguồn vốn. Trung bình mỗi năm, để triển khai các dự án đưa điện về nông thôn, EVN cần khoảng 2.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, mỗi năm số vốn được giải ngân rất thấp.

Chính vì thế, để các dự án triển khai đúng tiến độ, đáp ứng mục tiêu đề ra, ngoài một phần tài chính từ nguồn ngân sách, việc tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, EVN và các đơn vị thành viên đã sử dụng nguồn vốn khấu hao cơ bản, sửa chữa lớn; chủ động làm việc với các tổ chức, ngân hàng quốc tế, như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)... để thu xếp các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Trong 10 năm qua, tổng số vốn đầu tư của EVN cho lưới điện phân phối là hơn 81.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương khoảng 13.900 tỷ đồng; vốn đối ứng của EVN gần 4.600 tỷ đồng; nguồn vốn vay ODA của các tổ chức quốc tế hơn 63.000 tỷ đồng (tương đương 3 tỷ USD).

Vốn khó nhưng thi công khó hơn bội phần

Huy động vốn đã khó, nhưng triển khai thi công các công trình vượt biển, xuyên rừng, xuyên núi cũng khó khăn không kém. Song, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành vẫn khẳng định: Việc cung ứng điện tại các huyện đảo, vùng sâu, vùng xa trên cả nước luôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng được EVN chú trọng thực hiện. Không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống người dân, mà trên hết là xây dựng tuyến biên giới đất liền, hệ thống đảo, trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền. “Trước trách nhiệm và sứ mệnh đó, tập đoàn tập trung mọi nguồn lực để bảo đảm điện ổn định, liên tục, tin cậy. Các đơn vị liên quan dù có khó mấy cũng phải nỗ lực làm cho bằng được”, ông Dương Quang Thành nêu rõ.

 Cán bộ, công nhân viên Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) tập kết vật liệu thi công móng trụ số 76 trên biển thuộc dự án đường dây 220KV Kiên Bình-Phú Quốc. Ảnh: BÌNH HOÀNG

Cán bộ, công nhân viên Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) tập kết vật liệu thi công móng trụ số 76 trên biển thuộc dự án đường dây 220KV Kiên Bình-Phú Quốc. Ảnh: BÌNH HOÀNG

Dẫn chúng tôi đi trên những cung đường khúc khuỷu, giữa núi cao, vực thẳm đến xã Phìn Ngan, một trong những địa bàn vùng sâu, vùng xa và là vùng biên giới thuộc huyện Bát Xát (Lào Cai), anh Nguyễn Lý Lăng, Đội trưởng Đội Quản lý Tổng hợp số 1, Điện lực Bát Xát, Công ty Điện lực Lào Cai cho biết: "Để có điện về các thôn, bản thuộc xã Phìn Ngan vào năm 2007 là biết bao mồ hôi, công sức của đồng bào và hàng trăm cán bộ, công nhân ngành điện Lào Cai. Do thời kỳ ấy chưa có đường lớn nên toàn bộ nguyên vật liệu, vật tư, trang thiết bị của ngành điện phục vụ thi công đều phải khiêng vác theo cách thủ công. Hàng trăm công nhân ngành điện cùng người dân địa phương ngày ngày cần mẫn gùi trên lưng từng địu cát, bao sỏi, xi măng và dùng tời để kéo cột điện vào từng thôn, bản. Tổng cộng có gần 1.000 cột điện lớn nhỏ và hàng trăm tấn nguyên vật liệu đã băng rừng có mặt tại các vị trí cần phải dựng cột. Rồi từ khâu tạo mặt bằng, đào hố móng, đổ bê tông, kéo cột và dây điện về nhà dân... đều được thực hiện bằng sức người. Có thời điểm vào mùa khô, nước khan hiếm, anh em công nhân buộc phải tìm đến các khe suối, hứng từng phuy nước về đổ bê tông và dùng cho sinh hoạt.

Thi công vùng núi cao đã khó, thi công ngoài biển khơi còn khó bội phần; nhất là những đường dây qua các khu vực biển mực nước sâu, dòng hải lưu phức tạp, thời tiết không thuận lợi, khó lường. Đại tá Tăng Văn Chi, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) chia sẻ: "Thách thức lớn trong việc thi công đưa điện lưới ra các vùng biển, đảo chính là những điều kiện để thực hiện khảo sát, thi công. Bởi mọi việc đều phải triển khai hoàn toàn trên mặt biển. Nhiều móng cột phải khoan và hạ thăm dò nhiều lần, công tác xử lý vô cùng khó khăn, tốn kém, bởi địa chất trên biển thay đổi phức tạp, sóng gió, dòng hải lưu chảy xiết. Việc bảo đảm vật tư, thiết bị ngoài khơi cũng rất khó khăn, rất dễ xảy ra sự cố, tai nạn, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của nhà thầu”.

Theo Trưởng ban quản lý đầu tư EVN Lê Thành Chung, để có được số liệu khảo sát chính xác phục vụ tính toán trong công tác thiết kế, đơn vị khảo sát đã sử dụng đến tàu và thiết bị hiện đại nhất được Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân giúp đỡ. Trong đó, phải kể đến việc khoan lấy nguyên mẫu có vị trí đáy biển sâu đến 100m, đo vẽ địa hình đáy biển bằng thiết bị hiện đại để bố trí cáp hoặc móng cột; tuy nhiên, khi thực hiện dự án kết nối lưới điện quốc gia ra đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh hoàn thành năm 2013), dù việc rải đường dây 110kV bằng khinh khí cầu đã được tính toán kỹ lưỡng và được coi là phương án khả thi nhất, thế nhưng khi triển khai, nhà thầu vẫn phải “đau đầu” bởi khí hậu biển biến đổi thất thường, gió mạnh, lại vướng nhiều tàu, bè, gây khó khăn rất lớn. Với dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo Lại Sơn (tỉnh Kiên Giang), hoàn thành năm 2016, có đến 40% thời gian thi công dự án, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô và các nhà thầu thi công phải chống chọi, thực hiện thi công trong điều kiện sức gió từ cấp 5 trở lên. Thậm chí, có những thời điểm biển động, khiến tiến độ dự án tưởng như không cách nào có thể “đúng hẹn”. “Để hoàn thành nhiệm vụ, ngành điện luôn phải tính toán các điều kiện để có được biện pháp tổ chức xây dựng hợp lý ngay từ công đoạn lập dự án”, ông Lê Thành Chung nhấn mạnh.

Cán bộ, công nhân viên Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) thi công móng trụ số 76 trên biển thuộc dự án đường dây 220KV Kiên Bình-Phú Quốc. Ảnh: BÌNH HOÀNG

Bù lỗ hàng nghìn tỷ đồng

EVN lần lượt vượt khó để hoàn tất quá trình thi công, đưa vào vận hành thành công nhiều dự án cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo. Song, EVN lại phải đối mặt với những “bài toán” vận hành hệ thống điện nơi “đầu sóng ngọn gió”, “rừng thiêng nước độc”. Hệ thống điện thường xuyên phải hứng chịu giông, bão khắc nghiệt. Chưa kể, do ảnh hưởng của khí hậu biển, các thiết bị điện trên đảo dễ bị hư hỏng, gây nhiều nguy cơ cho việc vận hành tin cậy hệ thống điện. Do đó, với các dự án đưa điện ra đảo, từ khi thực hiện tiếp nhận, quản lý bán điện trực tiếp tại các huyện đảo, xã đảo, tới năm 2018, EVN đã bù lỗ khoảng 1.500 tỷ đồng do các đảo sử dụng nguồn điện diesel tại chỗ, chi phí đắt đỏ.

Theo Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) Trần Tuệ Quang: Mức giá điện bán cho người dân theo quy định của Chính phủ tại các huyện, xã đảo chỉ bằng 8,9% đến tối đa 34% giá thành sản xuất của ngành điện. Trong đó, đặc biệt có nơi EVN chịu lỗ rất lớn, giá bán chỉ bằng 2,32% giá thành sản xuất. Cụ thể, tại huyện đảo Trường Sa, giá thành sản xuất điện lên tới 72.552 đồng/kWh, nhưng theo quy định của Nhà nước, EVN chỉ bán với giá trung bình 1.635 đồng/kWh. Tại các huyện đảo khác, với tình trạng tương tự, EVN cũng đang gánh toàn bộ phần lỗ, để người dân đảo được mua điện với mức giá như ở đất liền.

Bên cạnh đó, việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ các tổ chức quản lý điện địa phương cũng tiêu tốn không ít nguồn lực của EVN. Do đặc điểm hình thành lưới điện nông thôn trải trên địa bàn rộng lớn, nhiều khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, những nơi chưa có đường giao thông, hơn nữa, nhiều hệ thống điện được đầu tư từ các năm của thập kỷ 80-90 đã cũ nát, chất lượng không bảo đảm, hầu hết lưới điện đều đòi hỏi phải được cải tạo nâng cấp mới. Tính đến cuối năm 2017, EVN đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn bán điện trực tiếp của gần 6.000 xã, với hơn 6,2 triệu hộ dân và tiến hành cải tạo lưới điện của các xã sau tiếp nhận với tổng chi phí khoảng 8.000 tỷ đồng.

GIA MINH - VŨ DUNG

(còn nữa)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-2-gian-nan-dua-anh-dien-ve-597479