Bài 2: Gian nan 'mở' đường cho nước leo cao

Kể ra nhiều cái khó của hành trình 10 năm đưa nước từ dưới hang lên đến vùng cao nguyên núi đá Đồng Văn mà không cần điện, Thạc sĩ Hồ Tiến Chung, điều phối viên dự án cho rằng, cái khó nhất là xây dựng đường ống cao áp để dẫn nước từ Séo Hồ lên đỉnh Má U dài 2,5 cây số. Những nhà nghiên cứu địa chất giờ đây phải kiêm luôn việc giám sát thi công với muôn nghìn trắc trở.

Không có công nghệ nào có thể áp dụng để vận chuyển được nguyên vật liệu lên cao để thi công đường ống áp lực.

Không có công nghệ nào có thể áp dụng để vận chuyển được nguyên vật liệu lên cao để thi công đường ống áp lực.

NDĐT – Kể ra nhiều cái khó của hành trình 10 năm đưa nước từ dưới hang lên đến vùng cao nguyên núi đá Đồng Văn mà không cần điện, Thạc sĩ Hồ Tiến Chung, điều phối viên dự án cho rằng, cái khó nhất là xây dựng đường ống cao áp để dẫn nước từ Séo Hồ lên đỉnh Má U dài 2,5 cây số. Những nhà nghiên cứu địa chất giờ đây phải kiêm luôn việc giám sát thi công với muôn nghìn trắc trở.

Khó nhất là xây dựng đường ống cao áp

Được sự đồng ý của các cơ quan chức năng, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chủ trì và phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang, Trường Đại học Thủy lợi, Viện Quản lý nước và lưu vực sông thuộc Viện Quản lý tài nguyên nước và kỹ thuật môi trường (đối tác CHLB Đức) thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế về Khoa học – Công nghệ theo Nghị định thư: “Nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác sử dụng bền vững nguồn tài nguyên các vùng núi đá vôi Việt Nam, áp dụng thử nghiệm tại một số khu vực thuộc Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang” (KaWaTech).

Ngoài các hạng mục điều tra nghiên cứu, có ba hợp phần mà Viện phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang thực hiện là: Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ lắp đặt hệ thống cấp nước không dùng điện theo công nghệ PAT, khi lắp đặt xong hệ thống máy bơm sẽ đáp ứng yêu cầu bơm nước lên cao trình 600m với công suất 1.600m3/ngày đêm). Xây dựng hệ thống phân phối nước cho thị trấn Đồng Văn và các khu vực lân cận từ ứng dụng công nghệ mới PAT. Và hợp phần 3 là xây dựng đường ống áp lực cho mô-đun cấp nước không dùng điện theo công nghệ PAT tại huyện Đồng Văn. Cụ thể là xây dựng tuyến ống kết nối nguồn cấp nước từ hệ thống máy bơm tại Séo Hồ lên bể chứa 200m3 tại thôn Má Ú dài hơn 2.500m, áp lực lên đến 80 Átmốtphe từ đó cấp cho chín bể còn lại của hợp phần 2. Đây chính là hợp phần khó nhất, gian nan nhất với các nhà khoa học.

Sơ đồ hệ thống cấp nước không dùng điện tại Đồng Văn, Hà Giang.

“Bình thường mấy ông làm địa chất cũng đã quen chịu vất vả, đến nơi sơn cùng thủy tận đi lại cực kỳ khó khăn. Nhưng chúng tôi vẫn không thể lường hết được khó khăn khi triển khai xây dựng đường ống áp lực”, Thạc sĩ Hồ Tiến Chung chia sẻ.

Cái khó đầu tiên là về vốn. Ngay từ ban đầu các hạng mục thi công được thống nhất: các đối tác CHLB Đức hỗ trợ 70 tỷ đồng phần nghiên cứu, Bộ Khoa học và Công nghệ 5,5 tỷ đồng cho phần nghiên cứu phía Việt Nam, tỉnh Hà Giang chịu trách nhiệm thi công các hạng mục công việc xây dựng khoảng 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi được phê duyệt, UBND tỉnh Hà Giang có công văn nhờ Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện giúp phần xây dựng đường ống áp lực vì quá khó với tỉnh.

Thế là một lần nữa, các nhà khoa học lại đi xin vốn để thực hiện nhiệm vụ xây dựng đường ống áp lực. Quá trình đi xin vốn cũng khó khăn, vì mọi khoản duyệt chi của dự án đã xong, đây là phần bổ sung thêm kinh phí, mất hai năm ròng cuối cùng cũng đủ vốn, khi Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ thêm 3,2 tỷ đồng; CHLB Đức hỗ trợ thêm 1 tỷ đồng và còn lại của tỉnh Hà Giang là 6,5 tỷ đồng. Chính vấn đề thiếu vốn cũng là một trong những nguyên nhân gây chậm tiến độ của dự án, tuy nhiên, đó chưa phải là trở ngại lớn nhất.

Mỗi người hai xẻng để vác dần, vác dần sắt, cát, sỏi, vật liệu… lên núi xây 2,5 cây số đường ống áp lực.

Vì điều kiện địa hình khó khăn nên không có một công nghệ nào có thể áp dụng vào để xây dựng. Nhóm nghiên cứu phải xây dựng những mố rất to, có mố lên đến 40 mét khối bê-tông để đặt ống áp lực dẫn nước. Các mố này nằm lên địa hình rất phân cắt thì không thể tời hay dùng công nghệ nào đó để vận chuyển hết được cát, sỏi, xi-măng lên đến đấy. Vì thế, chỉ còn cách thuê người dân địa phương, đồng bào người Mông gùi mỗi người hai xẻng để vác dần sắt, cát, sỏi, vật liệu… lên núi.

Các nhà khoa học cũng không thể giao khoán công đoạn này cho đơn vị xây dựng, mà họ phải tham gia trực tiếp để bảo đảm chất lượng công trình, đường ống phải chịu được áp lực như tính toán.

Gần như toàn bộ thanh niên ở trong phòng, Viện đều được huy động để cùng các chuyên gia Đức giám sát. Có thời điểm đến hàng chục người tham gia giám sát, mỗi người “canh” một cái mố, quan sát từng vết hàn.

Cứ mưa xuống chỉ cần vài ba giọt thôi là gần như công việc phải dừng lại.

Anh Chung kể, thời điểm xây dựng ống nước là gần Tết, thời tiết ở Đồng Văn cực kỳ rét. Đến chuyên gia của Đức cũng không thể ngờ Việt Nam lại có vùng lạnh sâu đến thế. Họ bảo cái rét châu Âu chẳng bõ bèn gì so với rét ở trên này cả, không có tuyết nhưng lạnh thấu xương.

Không chỉ lạnh, ở vùng cao, cứ mưa xuống chỉ cần vài ba giọt thôi là gần như công việc phải dừng lại. Bởi vì lúc ấy đất đá vôi dẻo và dính quyện hết vào chân, xe máy không đi được, xe ô-tô bánh cứ quay tít. Bà con gùi vật liệu cũng bị dính vào chân không đi được nên cứ mưa xuống là nghỉ. Ban đầu, mọi người dự kiến chỉ làm khoảng hai tháng là xong, nhưng cuối cùng phải mất tới hơn một năm mới hoàn thành đường ống.

“Một tia nước nhỏbị hở có thể cắt đôi người như cắt chuối"

Thêm một cái khó nữa chính là tiêu chuẩn khắt khe của đường ống áp lực. Các chuyên gia của phía Đức đã hướng dẫn bài bản và cung cấp những quyển sách về quy định hàn đường ống áp lực. Các nhà khoa học lại dựa trên đó chuyển thể sang tiếng Việt, quy định rõ tuần tự các bước tiến hành rồi đào tạo cho anh em kỹ thuật của Viện để đi giám sát phía thi công.

Bình thường, các thợ hàn bậc cao chỉ quen hàn đường ống to của thủy điện. Họ có thể chui vào hàn lớp trong xong rồi chui ra ngoài hàn lớp ngoài. Nhưng với công trình này, đường ống cao áp đường kính khá nhỏ, họ chỉ được hàn được từ bên ngoài và không hàn bằng máy được. Họ chỉ hàn bằng tay, chui xuống nằm để hàn. Các nhà khoa học cũng phải nằm xuống xem từng mối hàn.

Đây là công việc mà nhóm nghiên cứu luôn phải làm trong suốt một năm thi công đường ống áp lực, phải nằm xuống để quan sát từng mối hàn.

“Không phải vô cớ mà yêu cầu này phải khắt khe đến thế, không được làm tắt, dù có chậm bao nhiêu cũng được. Bởi vì với áp lực nước rất cao, chỉ cần hở ra một tí, thì những tia nước áp lực khoảng 60-70 Átmốtphe có thể cắt đôi người như cắt chuối. Cho nên đây là phần rất nguy hiểm và không ai có thể chủ quan”, anh Chung giải thích.

“Chúng tôi phải nằm xuống để quan sát, sau khi thợ hàn xong một mối hàn, phải yêu cầu người ta mài sạch, rồi lại phải nằm ra xem đã sạch chưa, họ hàn có đúng điểm hay không. Khi hàn xong một mối, hết que hàn lại phải mài đi rồi lại tiếp tục hàn. Chúng tôi phải giám sát liên tục như thế”.

Các nhà nghiên cứu thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc trong hang động.

Thạc sĩ Hồ Tiến Chung, Điều phối viên dự án KaWaTech (ngoài cùng, bên phải), trong một lần cùng các đồng nghiệp nước ngoài khảo sát hang động.

Khi nghiên cứu địa chất, chúng tôi phải chui vào hang rồi đi quan trắc, kể cả Tây và ta phải thức đêm thức hôm thâu đêm suốt sáng là chuyện rất bình thường. Nhưng điều đấy không vấn đề gì cả, chui vào hang thì chúng tôi đã có thiết bị bảo hiểm. Nghe có vẻ nguy hiểm đấy nhưng cũng không bõ bèn gì với việc phải chịu cảnh đứng thi công và ở ngoài hiện trường như thế này, Thạc sĩ Chung ám ảnh kể.

Cú ngã khó quên trên bờ vực

Kỷ niệm của những nhà khoa học khi lăn lộn với vùng núi đá Hà Giang để tìm nước vẫn chưa chỉ dừng tại đó. Gian khổ nhiều không kể xiết nên để lạc quan hơn, họ thường khoe nhau thành tích là “có bao nhiêu thằng ngã ở trên khu vực ấy”.

Quá trình thi công, có những khi nguy hiểm đến cả tính mạng nhưng các nhà nghiên cứu vẫn quyết bám dự án tới cùng.

Chuyện là hệ thống đường ống thì dài đến 2.500m, lại trên địa hình hiểm trở. Vì thế để rút ngắn thời gian, họ không thể đi bộ mà sử dụng xe máy. Nhưng đường thì rất hẹp, bình thường chỉ để đi bộ. Nếu ai bị ngã thì sẽ văng xuống dưới vực rất sâu. Và Thạc sĩ Chung cũng bị một lần như thế. Rất may là anh rơi xuống nhưng chưa lăn xuống sâu. Thoát khỏi cửa tử, anh lại nhờ bà con kéo xe lên và đi tiếp. Về nhà không dám kể với vợ chuyện này.

“Tính đến giờ, kể cả Tây và ta phải đến cả chục người bị ngã trong suốt quá trình đi khảo sát, thi công”, anh Chung tiết lộ. Cũng may, những miệng vực hiểm trở ở đây vẫn “tha” cho các anh để hoàn thành công trình thập kỷ.

Tổng quan công trình bơm nước không dùng điện tại Đồng Văn, Hà Giang.

HỒNG VÂN - BÔNG MAI. Ảnh: KaWaTech

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/khoa-hoc/item/42753302-bai-2-gian-nan-%E2%80%9Cmo%E2%80%9D-duong-cho-nuoc-leo-cao.html