Bài 2: Hướng đến mô hình bảo tàng thông minh (tiếp theo và hết)

Hiện vật đặc sắc chưa đủ mà phải đổi mới thường xuyên công tác trưng bày, tổ chức các khu trải nghiệm, triển lãm lưu động… đó là những việc mà cán bộ và nhân viên Bảo tàng Hậu cần đã và đang thực hiện. Từ những hiện vật thời chiến tranh cho đến thời bình, Bảo tàng Hậu cần luôn tìm cách trưng bày sao cho ấn tượng, hướng đến mô hình của một bảo tàng thông minh.

Đẩy mạnh công tác sưu tầm hiện vật

Có thâm niên 25 năm công tác tại Bảo tàng Hậu cần và nhiều năm làm lãnh đạo, Đại tá, Tiến sĩ Đào Hải Triều, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hậu cần luôn tự hào mỗi khi nhắc đến công tác sưu tầm hiện vật của các cán bộ, chiến sĩ bảo tàng bởi trong nhiều năm qua, Bảo tàng Hậu cần có lẽ là một trong những bảo tàng trong quân đội đứng đầu toàn quân về công tác sưu tầm hiện vật.

“Để có những hiện vật đạt cả về số lượng và chất lượng, chúng tôi đã tham mưu với lãnh đạo Tổng cục Hậu cần tổ chức phát động các cuộc vận động sưu tập và hiến tặng, giới thiệu các kỷ vật của ngành hậu cần quân đội. Trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến nay, bảo tàng đã sưu tầm được gần 4 nghìn hiện vật rất có giá trị. Bình quân mỗi năm, chúng tôi tổ chức sưu tầm được khoảng 500 hiện vật”, Tiến sĩ Đào Hải Triều cho biết.

 Mô hình bếp Hoàng Cầm trưng bày tại bảo tàng.

Mô hình bếp Hoàng Cầm trưng bày tại bảo tàng.

Đạt được thành tích đó, các cán bộ, chiến sĩ bảo tàng phải thường xuyên lặn lội đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước để sưu tầm. Ngoài ra, các cán bộ sưu tầm phải đọc rất nhiều các tư liệu lịch sử, chẳng hạn như trong thời kỳ chống Pháp, vùng hoạt động cách mạng nhiều nhất là ở Định Hóa, Thái Nguyên. Vì vậy, đoàn cán bộ sưu tầm hiện vật của bảo tàng đã đến đây tiếp cận, nghiên cứu, gặp các nhân chứng lịch sử, cựu chiến binh... để họ cung cấp hiện vật.

Nói đến công tác sưu tầm hiện vật không thể không nhắc đến phong trào “Hiến tặng kỷ vật kháng chiến của ngành hậu cần quân đội” đã được phát động và lan tỏa rộng rãi.

Sau khi triển khai phong trào, Bảo tàng đã tiếp nhận được hàng nghìn kỷ vật và hình ảnh tư liệu có giá trị. Trong số những hiện vật đó có những hiện vật mang ý nghĩa sâu sắc như: Chiếc ống nghe của Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Viễn đã dùng để cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho hàng nghìn thương bệnh binh tại các chiến trường; bộ quân phục, chiếc đài bán dẫn của Thiếu tướng, Giáo sư, bác sĩ, Anh hùng LLVTND Đỗ Xuân Hợp. Ngoài các cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử hiến tặng hiện vật còn có ông Phạm Chí Thiện (Hải Dương) đã hiến tặng chiếc áo trấn thủ của người cha đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và chiếc huy hiệu của mẹ mình đã được Bác Hồ tặng vì thành tích trong lao động sản xuất, ủng hộ kháng chiến trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Trong sổ ghi cảm tưởng của bảo tàng, bày tỏ cảm xúc được xem những hiện vật tại Bảo tàng Quân đội, thay mặt đoàn cán bộ tập huấn Cục Xăng dầu Quân đội nhân dân Lào, Trung tá Trần Tha Chắc bộc bạch: Tôi rất phấn khởi và tự hào khi được đến Việt Nam và tham quan tại Bảo tàng Hậu cần. Qua đó, chúng tôi hiểu hơn về công tác hậu cần của quân đội Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Chúng tôi phải học tập những kinh nhiệm quý báu của ngành hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam để sau này áp dụng vào công tác thực tế của của Quân đội nhân dân Lào nói chung và ngành xăng dầu nói riêng.

Chiến tranh đã lùi xa, các chiến công vĩ đại cùng những hình ảnh về chiến sĩ hậu cần trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là những tư liệu sống động về một thời quá khứ hào hùng của dân tộc.

Không trưng bày thụ động

Theo Đại tá, Tiến sĩ Đào Hải Triều, muốn thu hút nhiều người xem thì bắt buộc các bảo tàng phải liên tục đổi mới, không trưng bày một cách thụ động. Trước đây, Bảo tàng Hậu cần thường trưng bày theo tiến trình lịch sử, theo phân kỳ lịch sử, thời dựng nước, giữ nước rồi đến các thời đại, ngày thành lập Đảng, thời kỳ chống Pháp, Mỹ, thời kỳ xây dựng bảo vệ Tổ quốc hiện nay... đó là trưng bày theo lối truyền thống. Tuy nhiên những năm gần đây, Bảo tàng Hậu cần đã hòa nhập chung với xu thế đổi mới để phát triển, đã tổ chức nhiều triển lãm lưu động, đó cũng là cách thay đổi để tiếp cận gần hơn với người xem.

Chiếc giường và một số dụng cụ y tế mà các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã sử dụng để phục vụ chăm sóc sức khỏe cho Bác Hồ.

Triển lãm những hình ảnh, hiện vật của Bảo tàng Hậu cần thu hút đông đảo người xem.

Triển lãm lưu động cũng là một cách đổi mới, trong bảo tàng có trưng bày cố định tại bảo tàng, kết hợp trưng bày truyền thống và hiện đại, kết hợp trưng bày theo tiến trình lịch sử, theo các giai đoạn lịch sử, trưng bày hiện đại bằng các giải pháp kết hợp âm thanh, ánh sáng, theo bộ sưu tập, chuyên đề. Đó là trưng bày kết hợp truyền thống và hiện đại.

Trung tá, QNCN Dương Đình Linh, Trưởng ban Trưng bày tuyên truyền cho biết: Tổ chức triển lãm lưu động là phải bám vào các ngày lễ lớn của đất nước. Chúng tôi đã phối hợp với các tỉnh, thành phố, đơn vị tổ chức các triển lãm chuyên đề. Các cuộc triển lãm lưu động về cơ bản phải bám vào tính thời sự và xác định được đối tượng tham quan. Năm 2019, Bảo tàng Hậu cần đã tổ chức được 7 cuộc triển lãm lưu động.

Mang các hình ảnh, tư liệu, hiện vật của bảo tàng đến với cán bộ chiến sĩ và nhân dân vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo luôn là mong muốn của cán bộ, chiến sĩ Bảo tàng Hậu cần.

Bảo tàng Hậu cần đã phối hợp với Ban quản lý di tích Nhà tù Côn Đảo, Bảo tàng Côn Đảo tổ chức trưng bày chuyên đề “Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”.

Đánh giá về triển lãm lưu động này, Đại tá, Tiến sĩ Đào Hải Triều cho biết: Căn cứ vào chủ đề của triển lãm, chúng tôi mang theo các hình ảnh, hiện vật trưng bày sao cho vừa đáp ứng nhu cầu của người xem, vừa đảm bảo an toàn cho hiện vật trong quá trình di chuyển. Đối với những hiện vật to quá không mang đi được thì chúng tôi chụp ảnh để giới thiệu với người xem. Bên cạnh trưng bày các hiện vật, chúng tôi cũng có thuyết minh viên giới thiệu, đồng thời có cả hình ảnh, video minh họa. Đây là triển lãm lưu động để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả. Chúng tôi rất vui bởi đã mang văn hóa đến với đồng bào nơi biên giới hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Các cháu học sinh tham quan Bảo tàng Hậu cần.

Theo xu thế của bảo tàng hiện đại, ngoài trưng bày tĩnh thì phải có trưng bày động, xu thế mới là người xem được trải nghiệm, cảm nhận về hiện vật. Bảo tàng Hậu cần và một số bảo tàng trong và ngoài quân đội, đã thực hiện khá thường xuyên các hoạt động trải nghiệm ngay tại khuôn viên bảo tàng.

Bảo tàng Hậu cần đang lưu giữ một hiện vật đặc biệt, đó là chiếc xe đạp thồ của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Công Chấn, nguyên Trung đội trưởng thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn Vận tải 49, Cục Hậu cần Miền (B2) đã sử dụng phục vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn, thương binh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Khi đưa vào cho sinh viên trải nghiệm vận chuyển trên chiếc xe đạp thồ này, các bạn trẻ rất thích và cảm phục trí thông minh, sáng tạo của thế hệ đi trước đã chế tạo ra phương tiện để góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Xin mượn lời chúc của Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong một lần về thăm Bảo tàng Hậu cần để thay cho lời kết của bài viết này: “Tôi rất phấn khởi thấy các đồng chí đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. Chúc các đồng chí tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống quân đội và ngành hậu cần quân đội”.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Bảo tàng Hậu cần đã đón hơn 1,7 triệu lượt khách đến tham quan, học tập; tổ chức hơn 400 cuộc trưng bày chuyên đề, triển lãm lưu động lớn ở cấp quốc gia, toàn quân và trong Tổng cục Hậu cần nhân các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/cuoc-thi-viet-bo-doi-hau-can-lam-theo-loi-bac-ho-day/bai-2-huong-den-mo-hinh-bao-tang-thong-minh-tiep-theo-va-het-613354