Bài 2: Huyền ảo cõi thiền

Chốn thiêng Yên Tử đã quá quen thuộc với giới phật tử qua câu ca dao trên từ bao đời nay. Với mỗi du khách khi tìm về đất Phật Yên Tử mục đích có thể khác nhau, nhưng đều chung một lòng ngưỡng vọng, vãn cảnh và nghiêng mình thành tâm bái Đức Phật và các vị tổ sư, thiền sư…

“Trăm năm trong cõi tu hành
Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”

Hiện nay cả hai cung đường lên núi bái Phật đều đã có hệ thống cáp treo để mọi người lựa chọn. Nhưng nếu bạn muốn khám phá, chiêm ngưỡng được nhiều cảnh đẹp như các khu mộ tháp, chùa, rừng trúc, hàng cây cổ thụ, suối thác… thì cần rèn luyện sức khỏe để leo bộ. Ngay từ chân núi Yên Tử, bên suối Giải Oan không gian đã nhuốm màu cõi phật. Những hòn đá ngổn ngang to nhỏ bên suối kể cho chúng ta một giai thoại của ngày xưa về các cung tần mỹ nữ. Chuyện rằng để can ngăn vua cha vào Yên Tử tu hành, Trần Anh Tông đã sai các cung tần mỹ nữ đến can ngăn Trần Nhân Tông ( khi đó là Thái thượng hoàng). Nhưng Thái thượng hoàng đã quyết một lòng theo Phật và khuyên mọi người trở về. Để tỏ lòng tận trung với đức vua, các cung tần mỹ nữ đã nhảy xuống suối đá quyên sinh. Ngay bên suối Giải Oan hôm nay là ngôi chùa cùng tên, do vua Trần cho xây dựng để tỏ lòng xót thương các cung nữ.

Từ suối và chùa Giải Oan, mọi người sẽ bắt đầu leo những bậc đá rêu phong để từ từ lên chùa Hoa Yên. Hàng xích tùng cổ thụ với thân cây to đến mức hai người ôm không xuể , rồi rừng trúc xanh thẳm trên con đường lên núi trong không gian tĩnh lặng gợi cho ta cảm xúc hoài cổ xưa cũ. Tiếng chuông chùa vang lên văng vẳng lúc sáng sớm hay khi chiều hoàng hôn, mang đến một miền hoài niệm xa vắng đượm nét thiền. Đi trong khung cảnh dưới những bóng tùng hơn 700 năm tuổi và rừng trúc, chúng tôi lại ngưỡng vọng đến Đức Phật Hoàng xưa đã sáng suốt tìm một nơi có phong cảnh tuyệt vời để tu luyện. Đứng ở chùa Hoa Yên phóng tầm mắt ra bốn phía, chúng ta sẽ thấy được bức tranh thiên nhiên bao la, hoang sơ, xanh thẳm của núi rừng Yên Tử.

Mây bay bồng bềnh bên bãi Đá Chồng .

Mây bay bồng bềnh bên bãi Đá Chồng .

Trên cung đường leo đỉnh Yên Tử, chúng tôi còn tìm đến ngắm thác Ngự Dội (thác chỉ có nước vào mùa mưa từ tháng 5-10 dương lịch). Sách nhà Phật lưu truyền lại câu chuyện về Đức Phật Hoàng xưa kia vẫn thường ra tắm rửa ở thác Ngự Dội, sau đó lên am Thiền Định kế bên để tọa thiền. Ngoài ra ở núi Yên Tử còn có thác Vàng, thác Bạc… cũng khá đẹp.

Sau khoảng 2- 3 giờ leo bộ vừa đi vừa nghỉ, chúng tôi lần lượt đến được chùa Một Mái, chùa Vân Tiêu, chùa Bảo Sái, tượng An Kỳ Sinh… Và đến trưa mọi người nhìn thấy chùa Đồng và đỉnh thiêng Yên Tử ở độ cao 1.068m (so với mực nước biển). Đứng ở khu vực chùa Đồng chúng ta sẽ ngắm được vẻ đẹp hùng vĩ, bát ngát, xanh thẳm của đất trời, rừng núi. Từ đây nếu có một chiếc ống nhòm, du khách hoàn toàn có thể nhìn thấy vịnh Hạ Long.

Những hàng bậc đá dẫn lên chùa Hoa Yên.

Nếu như hành trình chinh phục đỉnh thiêng Yên Tử đã quen thuộc với du khách hàng chục năm qua, thì cung đường lên núi Bảo Đài để viếng thăm chùa-am Ngọa Vân, tháp Phật Hoàng, bãi Đá Chồng… mới được du khách chú ý từ vài ba năm nay. Trước đây đường đất lên tới Bảo Đài đi lại rất khó khăn, thường xuyên sạt lở vào mùa mưa. Từ năm 2015, con đường bê tông từ hồ Trại Lốc (xã An Sinh) đến chân núi Bảo Đài đã xong, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách thập phương leo núi vãn cảnh, bái Phật… Ngay đoạn đầu tiên mọi người đã được thử thách với đoạn dốc gấp mang tên Đỗ Kiệu. Dốc dựng đứng nên ngày xưa ngựa và kiệu của vua, quan nhà Trần tới chân dốc đều phải đỗ lại để leo bộ. Từ đó con dốc mang tên Đỗ Kiệu. Càng lên cao, những tán cây cổ thụ trên dãy Yên Tử xuất hiện ngày một nhiều.

Đến khu mộ tháp Thông Đàn, chúng tôi lại thấy không bao la với khoảng trời xanh vời vợi. Trước đây khu mộ tháp Thông Đàn bị đổ nát hoang tàn, nhưng hiện nay đã được cơ quan chức năng cho phục dựng lại. Cái tên Thông Đàn bởi khu vực này có rừng thông bạt ngàn, thông lại xuất xứ từ Ấn Độ, được trồng từ 7 thế kỷ trước. Bước lên những hàng bậc, hình ảnh chùa Ngọa Vân cũ hoang phế với phần nền móng và một bức tường đổ nát bên sườn núi không khỏi làm nhiều người hoài niệm. Đặc biệt bức tường đá ong với những nét họa tiết còn sót lại cho thấy khi xưa đây là một công trình kiến trúc khá cầu kỳ, và được xây dựng rất cẩn thận.

Sau vài giờ leo bộ vãn cảnh, chúng tôi đã tới được am Ngọa Vân ở độ cao hơn 600m (so với mực nước biển). Khu vực am Ngọa Vân vẫn còn giữ được những nét kiến trúc cổ với chất liệu chủ yếu là đá. Mọi người được chiêm ngắm những bậc đá, tường bao xếp đá, mộ tháp đá phủ rêu phong, cổ kính. Tất cả thoát lên vẻ chắc chắn, mộc mạc như các bậc thiền sư xưa. Sau một đêm nghỉ lại am Ngọa Vân, sáng sớm hôm sau chúng tôi tiếp tục băng rừng già rồi men theo con đường ngoằn ngoèo nhiều mỏm núi trọc để tìm đến bãi Đá Chồng. Đi được gần 3km đường núi, một bãi đá ngổn ngang bên sườn núi đã xuất hiện trước mắt mọi người. Nhiều phiến đá lớn cỡ bằng một gian nhà xếp chồng lên nhau cao vút hướng tới trời xanh. Có lẽ vì thế khu này được người ta đặt cho cái tên Bãi Đá Chồng. Buổi sáng ở đây, chúng tôi được ngắm những áng mây bay lững lờ với khung cảnh huyền ảo cõi thiền.

Nguyễn Hường

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/phong-su-sang-tac/bai-2-huyen-ao-coi-thien-62264.html