Bài 2: Khắc phục chính sách bất cập

Kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương mại (NQTM) ở Việt Nam đã và đang có xu hướng gia tăng. Để quản lý hiệu quả, đồng thời thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững mô hình này, cần khắc phục các bất cập trong hệ thống pháp luật theo hướng bổ sung, sửa đổi rõ ràng, đầy đủ và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chính sách chồng lấn, chưa tương thích

Tại Việt Nam, pháp luật về NQTM vẫn quy định rải rác trong Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT)... Giữa các quy định về NQTM và cạnh tranh có những điểm chưa tương thích. Pháp luật về NQTM cho phép bên NQTM có quyền từ chối chuyển giao quyền thương mại nếu “bên nhận chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn lựa chọn của bên NQTM trực tiếp…”. Điều này có thể dẫn đến khả năng bên NQTM áp đặt các điều kiện ràng buộc bán kèm, trong khi bên nhận không có sự lựa chọn, dẫn đến vi phạm về “thỏa thuận hạn chế cạnh tranh” theo Luật Cạnh tranh. Đây là điểm mâu thuẫn cần phải giải quyết bằng văn bản pháp lý, nhằm khuyến khích lĩnh vực này phát triển, nhưng vẫn bảo đảm thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh.

Trong hợp đồng NQTM, thường có điều khoản bên NQTM cam kết không nhượng quyền cho bên thứ ba trong một khu vực lãnh thổ nhất định. Điều này giúp bên nhận giảm sức ép cạnh tranh, hỗ trợ họ sinh lời, nhưng lại vi phạm Luật Cạnh tranh về “thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ”. Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành cần phải có hướng dẫn cụ thể với những hoạt động kinh tế đặc trưng khác nhau, trong đó có NQTM, giúp doanh nghiệp (DN) tránh được kiện tụng các hành vi hạn chế cạnh tranh, giúp cơ quan nhà nước về thương mại hiểu biết đầy đủ để quản lý hiệu quả hơn.

Bảo đảm môi trường NQTM cạnh tranh công bằng, lành mạnh

Bảo đảm môi trường NQTM cạnh tranh công bằng, lành mạnh

Một vấn đề nữa, pháp luật về thương mại quy định: “Trường hợp bên NQTM chuyển giao cho bên nhận quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp và các nội dung của quyền thương mại, thì phần chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đó có thể được lập thành một phần riêng trong hợp đồng NQTM. Trong khi đó, pháp luật về SHTT lại quy định, việc chuyển giao quyền sử dụng quyền sở hữu công nghiệp phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp”. Như vậy, giữa pháp luật về NQTM và SHTT còn chồng lấn, chưa tương thích. Ngoài ra, pháp luật về thuế hiện tại cũng chưa có quy định chính thức xác định các khoản chi phí, khoản thu là phí nhượng quyền, doanh thu từ nhượng quyền để hạch toán, tính thuế cho DN NQTM cần khắc phục.

Bộ Công Thương cho rằng, cần thành lập Hiệp hội NQTM Việt Nam để thúc đẩy hoạt động NQTM phát triển có chất lượng, thông qua đó việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn về tổ chức, điều phối và phát triển khi mà loại hình thương mại này đang rất cần phát triển một cách có định hướng. Thành lập Trung tâm dịch vụ tư vấn hoạt động NQTM để nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, tư vấn, cung cấp pháp lý, thông tin thị trường, cung cấp các dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ về NQTM cho các tổ chức, cá nhân liên quan. Thành lập Ủy ban hòa giải tranh chấp giao dịch NQTM, giúp các bên giải quyết tranh chấp, không phải qua tranh tụng.

Nâng cao chất lượng chuyển giao

NQTM tồn tại và phát triển cần có sự cam kết của cả DN nhượng quyền và DN nhận quyền, từ đó có thể gia tăng sức mạnh của hệ thống, nâng cao được lòng trung thành của khách hàng. Đây được là sự sống còn của hoạt động NQTM, các DN NQTM phải nâng cao được chất lượng chuyển giao và chất lượng quan hệ.

DN NQTM cần xác định rõ hệ thống thương hiệu, sản phẩm, mô hình, quy trình chuyển giao, chương trình, địa điểm đào tạo… thật rõ ràng và chi tiết để thực hiện cho các nhà nhận nhượng quyền. Đồng thời, xây dựng hồ sơ nhượng quyền đầy đủ và chi tiết, tìm ra được nhà nhận quyền phù hợp, cùng cam kết chia sẻ những thành công đối với hệ thống nhượng quyền của mình, bất cứ sự không rõ ràng nào cũng là những nguy cơ ảnh hưởng đến cam kết, niềm tin của nhà nhận quyền. Các thông điệp, chính sách từ DN nhượng quyền cần rõ ràng trong hợp đồng và phải cam kết thực hiện đến cùng, coi đây là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của hệ thống NQTM trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay.

Chia sẻ thành công cùng nhà nhận quyền, đặc biệt là những lúc khó khăn. Một hệ thống có thể thành công ở một địa phương, không có nghĩa là sẽ thành công ở cả thế giới. Chia sẻ khó khăn đối với nhà nhận quyền không những đem lại niềm tin cho nhà nhận quyền mà còn giúp nhà nhượng quyền tìm ra khiếm khuyết của hệ thống để cải tiến, là cơ hội để tiếp cận phát triển hệ thống bởi các nhà nhận quyền tiềm năng.

Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia hoạt động nhượng quyền. Chỉ có đào tạo liên tục, cải tiến liên tục thì các triết lý kinh doanh từ DN nhượng quyền mới chuyển giao trọn vẹn cho nhà nhận quyền, mọi quy trình, phương pháp kinh doanh… tại các đại lý nhận nhượng quyền mới thực sự quy chuẩn. Việc đào tạo cũng là cơ hội để các nhà nhận quyền chia sẻ thông tin đến nhà nhượng quyền, thắt chặt hơn quan hệ, cùng duy trì phát triển.

Theo Bộ Công Thương, hệ thống pháp luật về NQTM cần điều chỉnh đối tượng NQTM quy định tại khoản 1, Điều 284, Luật Thương mại, theo hướng mở rộng, gồm: Mô hình kinh doanh, phương pháp kinh doanh, quyền SHTT, tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn xây dựng...

Lan Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-2-khac-phuc-chinh-sach-bat-cap-144968.html