Bài 2: Khó trong thực thi quyền giám sát

Từ chỗ khó bảo đảm thực hiện quyền quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm đến quyết định chủ trương đầu tư dự án, việc thực thi quyền giám sát của HĐND cấp xã đối với lĩnh vực này cũng là bài toán khó. Chính điều này gây 'lỗ hổng' lớn trong quản lý đầu tư công ở cơ sở, dẫn đến khá nhiều vụ việc sai phạm.

Đầu không xuôi, đuôi khó lọt

Quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND cấp xã trên lĩnh vực đầu tư công đã khó nhưng giám sát đối với lĩnh vực này lại càng khó khăn gấp bội. Mục đích của giám sát đầu tư công suy cho cùng là xem xét, đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong đầu tư công trên địa bàn; chất lượng các công trình xây dựng cơ bản (XDCB); đánh giá công tác quản lý nhà nước đối với công tác đầu tư XDCB; kiến nghị các giải pháp nâng cao chất lượng đầu tư công và công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.

Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh phối hợp khảo sát công trình xây dựng đường giao thông do UBND cấp xã làm chủ đầu tư

Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh phối hợp khảo sát công trình xây dựng đường giao thông do UBND cấp xã làm chủ đầu tư

Để làm được điều này, ngay từ đầu nếu HĐND thực hiện tốt được việc quyết định kế hoạch và chủ trương đầu tư các dự án theo thẩm quyền được pháp luật trao thì việc giám sát sẽ có căn cứ. Thế nhưng thực tiễn cho thấy, HĐND cấp xã vẫn chưa thể hiện được vai trò là cơ quan quyết định kế hoạch và chủ trương đầu tư công ở cấp xã thì sẽ rất khó giám sát chủ đầu tư trong việc sử dụng nguồn vốn như thế nào, công tác quản lý nhà nước cũng như chất lượng công trình.

“Dù là nguồn cấp nào đi chăng nữa thì khi về cấp xã phải qua HĐND nếu UBND xã làm chủ đầu tư, bởi suy cho cùng thì nguồn vốn ngân sách là tiền của dân. Chúng ta thường nói dân giám sát, có những nội dung dân chưa thể giám sát trực tiếp thì thông qua cơ quan đại diện. Trong đó, thông qua HĐND là cơ quan đại diện cho dân là phù hợp nhất, bởi hoạt động giám sát của HĐND gắn với quyền lực nhà nước. Quy định là vậy nhưng chính nhận thức của một bộ phận, nhất là người đứng dầu của UBND cấp xã, chủ đầu tư khi cho rằng cấp nào bỏ vốn cấp đó có quyền quyết định chủ trương và giám sát đã đẩy HĐND ra khỏi “mắt xích” quan trọng đầu tiên trong quy trình của một dự án đầu tư công theo luật định.

Chính nhận thức trên và mong muốn chủ động trong điều hành đầu tư dự án, ở khá nhiều địa phương cấp xã vai trò của HĐND trong giám sát đầu tư công trở nên mờ nhạt nếu như không nói là “tránh” lĩnh vực này. Một nguyên nhân nữa lĩnh vực này không chỉ khó đối với đại biểu mà khá “nhạy cảm” vì liên quan trực tiếp đến quyền và lợi của chủ đầu tư” - Ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Thường trực HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh phân tích.

“Chưa từng quyết định kế hoạch cũng như chủ trương đầu tư dự án thì rất khó giám sát, đó là chưa kể phần lớn đại biểu HĐND cấp xã hiểu biết về lĩnh vực đầu tư công còn nhiều hạn chế, thậm chí chưa nắm được thẩm quyền của mình trong quyết định và giám sát lĩnh vực này. Đây là một thực tế ở khá nhiều địa phương, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số như chúng tôi lại càng khó nắm bắt hơn” - Bà H’Bic, thành viên Ban Kinh tế - Xã hội HĐND xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk chia sẻ.

“Lỗ hổng” lớn trong quản lý đầu tư công ở cơ sở

Các sai phạm trong đầu tư công ở cấp xã qua thanh tra chuyên ngành, kiểm toán nhà nước chỉ ra hàng năm thường vướng ở Quyết định chủ trương đầu tư chưa xác định cụ thể mức vốn dự kiến bố trí cho dự án theo từng nguồn vốn và tiến độ thời gian bố trí vốn theo quy định; quy trình lựa chọn nhà thầu; quá trình thi công dự án, nhật ký công trình... Nhiều dự án không có giám sát đầu tư của cộng đồng, có nơi mặc dù Ủy ban MTTQ có quyết định thành lập Ban giám sát nhưng chủ đầu tư và nhà thầu chậm hoặc không cung cấp thông tin cho Ban giám sát đầu tư cộng đồng.

Một vướng mắc nữa là sau khi hoàn thành, việc xác lập hồ sơ hoàn công, bàn giao cho đơn vị sử dụng công trình chậm, thậm chí hồ sơ bàn giao không đầy đủ hoặc không bàn giao khiến đơn vị sử dụng không nắm được quy trình vận hành, chế độ bảo hành để có căn cứ xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng hàng năm, thường rơi vào các dự án trường học, đường giao thông - Bà Nguyễn Thị Thùy, Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Lộc Hà chia sẻ.

Một trong bảy dạng sai phạm chủ yếu qua công tác thanh, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra đó là công tác quản lý đầu tư, xây dựng trong đó có quản lý đầu tư công. Phân tích kỹ thì nguyên nhân cốt yếu vẫn là do yếu tố con người trong thực thi, trong đó người đứng đầu đóng vai trò quyết định. Về cơ chế giám sát đối với đầu tư công, ngoài giám sát A (giám sát do nhà đầu tư thành lập hoặc thuê theo quy định; hiện nay nhiều địa phương là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thực hiện chức năng này) và giám sát đầu tư của cộng đồng (do UBMTTQ cấp xã thành lập), thế nhưng cơ chế giám sát này hiện đang còn những bất cập trong thực tiễn.

Còn giám sát của HĐND cấp xã như trên đã phân tích, nhiều địa phương “ngại”, thậm chí “né tránh”. Trong đó, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND vẫn “ngại” đụng chạm và chưa tự tin để giám sát khiến họ lựa chọn giải pháp an toàn là thôi bởi quan niệm ở xã có gì đâu mà giám sát, nguồn phụ thuộc cấp trên. Bên cạnh đó, một số địa phương vin vào việc HĐND cấp huyện có các Ban của HĐND sẽ giám sát lĩnh vực này nên thôi không cần giám sát nữa.

Chính điều này cũng gây “lỗ hổng” lớn trong việc quản lý đầu tư công ở cơ sở, bởi không phải năm nào cấp trên cũng thanh, kiểm tra, giám sát được đầy đủ, toàn diện. Đây cũng là lý do mà có khá nhiều vụ việc sai phạm trong đầu tư công ở cấp xã thời gian gần đây được chỉ ra, trong đó có trách nhiệm của HĐND cấp xã, như vụ việc tại xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Nếu như HĐND xã này làm tốt công tác quyết định chủ trương đầu tư, đồng hành giám sát thì có lẽ các sai phạm này sẽ không đến mức nghiêm trọng như vậy.

LÊ HỒNG HẠNH, PHÓ TRƯỞNG BAN KINH TẾ - NGÂN SÁCH HĐND THỊ XÃ HỒNG LĨNH, HÀ TĨNH

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-2%C2%A0kho-trong-thuc-thi-quyen-giam-sat-i328495/