Bài 2: Không ít khó khăn, thách thức

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, song kết quả giảm nghèo thời gian qua của tỉnh Nghệ An chưa thực sự bền vững. Hộ nghèo, cận nghèo còn tập trung nhiều ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, giáo dân, ven biển. Hơn nữa, một bộ phận người nghèo, chính quyền địa phương còn có tư tưởng không muốn thoát nghèo…

Bài 1: Củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân
Bài cuối: Lồng ghép các chương trình theo hướng tiếp cận đa chiều

Tỷ lệ hộ nghèo còn cao

Là 1 trong 74 huyện nghèo nhất cả nước, Tương Dương đang tồn tại những mâu thuẫn: Là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh Nghệ An cũng như cả nước nhưng người dân thiếu đất sản xuất, diện tích đất nông nghiệp chỉ có khoảng 900ha; diện tích đất rừng lớn nhưng việc khai thác lâm sản phụ từ rừng khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ, tư duy sản xuất, canh tác của người dân còn nhiều hạn chế; địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi núi non hiểm trở; giao thông đi lại khó khăn... tác động lớn đến đời sống của đại đa số người dân nơi đây. Tổng số hộ nghèo toàn huyện tháng 5.2022 là 7.176 hộ, chiếm 39,38% (7.084 hộ nghèo là người DTTS); 3.149 hộ cận nghèo, chiếm hơn 17,28%.

Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn còn cao

Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn còn cao

Tương tự, Kỳ Sơn cũng thuộc diện huyện nghèo của cả nước với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 59,36% (tương ứng 9.885 hộ) và cận nghèo là 11,41% (tương ứng 1.901 hộ). Lãnh đạo huyện cho biết: Ngoài đặc thù điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiếu đất canh tác thì cơ sở hạ tầng của huyện chưa đáp ứng được yêu cầu. Số hộ thoát nghèo hàng năm tuy giảm nhưng thiếu bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm dù được quan tâm đầu tư; xuất khẩu lao động được đẩy mạnh song kết quả chưa như kỳ vọng.

Còn với Quế Phong - huyện miền núi biên giới có hơn 90% đồng bào DTTS sinh sống, 5 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã giúp cho người dân khai hoang, phục hóa 162ha đất sản xuất nông nghiệp, 30 mô hình khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ hơn 370 tấn gạo. Dù vậy, thu nhập bình quân trên địa bàn mới chỉ đạt 28 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 26%... Bí thư Chi bộ bản Tục Pang (xã Đồng Văn) Lang Văn Tuấn cho biết: Chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân rất kịp thời, đầy đủ nhưng các hộ nghèo còn nhiều; một số hộ còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, không muốn thoát nghèo.

Ảnh T. Lam

Tương Dương, Kỳ Sơn hay Quế Phong chỉ là 3 trong số nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An đang loay hoay với mục tiêu giảm nghèo. Theo đánh giá của UBND tỉnh, dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh chưa thực sự bền vững; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn còn cao… Đơn cử như: bản Xốp Kha (xã Yên Hòa, Tương Dương), cả bản có 84 hộ nhưng có đến 64 hộ nghèo, 13 hộ cận nghèo; các bản Na Khích, Nhọt Nhóng (xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong) tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 95% dân số; xã Mường Nọc (huyện Quế Phong) tỷ lệ hộ nghèo hơn 22%; xã Châu Hạnh (huyện Quỳ Châu) tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 46,94%...

Nguồn lực đầu tư còn hạn chế

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, cần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo, huy động và sử dụng các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo. Đơn cử như: Bình xét, xếp loại hộ nghèo ở nhiều nơi còn thiếu chính xác, gây mất công bằng; các ngành, các cấp chưa có đánh giá, xác định nguyên nhân nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp; sự phối hợp của các cấp, các ngành trong thực hiện các chương trình an sinh xã hội còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao…

Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư cho huyện nghèo còn thấp; một bộ phận người nghèo còn có tư tưởng không muốn thoát nghèo; công tác tuyên truyền, phối hợp vận động trong thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tạo sinh kế bền vững để thoát nghèo, phần lớn tại địa bàn đặc biệt khó khăn chưa được quan tâm, nhân rộng; nhiều mô hình sản xuất chưa đem lại hiệu quả…

Cuộc sống bà con đồng bào còn nhiều khó khăn. Ảnh T. Lam

Một vấn đề quan trọng là việc phân nhóm hộ nghèo để có chính sách hỗ trợ vẫn đang là bài toán khó. Điển hình, có nhiều nhóm hộ nghèo trong độ tuổi lao động, nhưng trí tuệ không minh mẫn thì có hỗ trợ “cầm tay chỉ việc” vẫn không phát huy được. Hoặc nhóm đối tượng yếu thế dù đã hỗ trợ sinh kế theo các dự án gà, bò của Ngân hàng Chính sách Xã hội; được kiểm tra, đôn đốc thường xuyên nhưng để tăng được đàn không hề đơn giản… Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Công tác giảm nghèo tỉnh Nghệ An, từ những hiệu quả bước đầu của việc hỗ trợ bò cho các hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhiều tổ chức chính trị, xã hội cũng triển khai mô hình hỗ trợ bò cho các hộ nghèo và cận nghèo (có cam kết). Dù vậy, việc hỗ trợ bò cho kết quả chưa như kỳ vọng vì rất nhiều hộ không thực hiện đúng cam kết, hoặc sau khi nhận bò dù đã viết đơn xin thoát nghèo nhưng vì bò ốm, yếu, gia cảnh khó khăn nên nghèo vẫn hoàn nghèo.

Thực tế trên, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số huyện chưa quyết liệt, chưa thường xuyên, liên tục; phần lớn hộ nghèo vùng DTTS đông con, thiếu vốn sản xuất kinh doanh, thiếu việc làm, chưa hăng say lao động… Công tác tái định cư di dời dân một số dự án đầu tư thủy điện, thủy lợi, công tác giao đất gắn với giao rừng… chưa bảo đảm và làm hạn chế kết quả thực hiện chính sách và mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn vùng khó khăn...

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/bai-2-khong-it-kho-khan-thach-thuc-i297947/