Bài 2: Mùa xuân của những chiến công

Bằng mưu trí, sáng tạo, quyết chiến, quyết thắng trong chiến đấu, học tập và công tác; làm chủ vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, các cán bộ, chiến sĩ hải quân vùng 5 đang viết tiếp trang sử vẻ vang anh hùng của lực lượng vũ trang cách mạng. Đó là những phẩm chất ngời sáng được kết tinh và thể hiện sinh động trong mỗi cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam nói chung và Vùng 5 Hải quân nói riêng.

Sắc xuân vùng biển, đảo Tây Nam

Hải quân Vùng 5 triển khai tuần tra khu vực biển Tây Nam.

Có lẽ ấn tượng nhất của chúng tôi về sự đổi thay vùng đảo Tây Nam là đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Thổ Chu. Là hòn đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc, Thổ Chu có diện tích khoảng 14 km2. Cách đây 26 năm, tỉnh Kiên Giang đưa 17 hộ dân đầu tiên ra đảo Thổ Chu và đến nay, xã đảo đã có hơn 550 hộ dân với hơn 2.210 nhân khẩu. Người dân trên đảo sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ du lịch. Cuộc sống hằng ngày của cư dân Thổ Chu khá nhộn nhịp. Tại cảng cá Thổ Chu, hàng trăm chiếc tàu đánh cá lớn nhỏ, đậu san sát nhau.

“Đón năm mới trên đảo bình dị lắm, mọi người phần lớn chỉ quanh quẩn trên đảo, nhà này chúc Tết nhà kia. Bình thường ai cũng bận làm ăn, ngày Tết có dịp được quây quần bên nhau là rất quý”, ngư dân Nguyễn Thanh Hùng, một trong những cư dân đã theo gia đình ra đảo lập nghiệp từ hơn 20 năm trước bộc bạch.

Các chiến sĩ khẩn trương hoàn thành hồ chứa nước ngọt phục vụ bộ đội và nhân dân trên đảo Thổ Chu - công trình mừng Đảng, mừng Xuân 2019.

Hiện, đảo Thổ Chu đang được đầu tư xây dựng với nhiều công trình an sinh, văn hóa, xã hội khang trang như trạm y tế, bưu điện, trường mầm non, trường học, hồ chứa nước ngọt… Cùng với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của xã Thổ Châu, trên đảo còn có các đơn vị hoạt động như: Trạm rada 610, Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân, Trạm Hải đăng thuộc Bộ GTVT, Đài Khí tượng thủy văn thuộc Bộ TN và MT, Trung đoàn 152 thuộc Quân khu 9, Đồn Biên phòng Thổ Châu thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang; Trạm Cảnh sát biển thuộc Vùng Cảnh sát biển 4.

Điểm dừng chân đã lưu lại dòng ký ức của các thành viên trong đoàn công tác là đền thờ Bác Hồ, các liệt sĩ và vong linh của đồng bào ta bị bọn phản động Khmer đỏ sát hại trên đảo Thổ Chu. Lịch sử còn ghi lại, đầu tháng 5-1975, trên khu vực biển, đảo Tây Nam, bọn phản động Khmer đỏ đã có nhiều hành động âm mưu, xâm lấn vùng biển, đảo của ta. Ngày 10-5-1975, chúng chiếm đóng đảo Thổ Chu, bắt và giết hại hơn 500 đồng bào ta đang làm ăn, sinh sống trên đảo. Các đơn vị tiền thân của Vùng 5 Hải quân đã hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng vũ trang Quân khu 9, Quân chủng Phòng không - Không quân đánh chiếm lại đảo Thổ Chu và tiến công quân Khmer đỏ, kiên quyết trừng trị và đập tan ý đồ, âm mưu xâm chiếm biển, đảo Việt Nam của chúng.

Đoàn công tác thăm và chúc Tết bộ đội trên trạm rada Hải quân Vùng 5.

Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Thuân, Chính ủy Vùng 5 Hải quân cho biết, sau chiến thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước độc lập, thống nhất, nhưng biên giới Tây Nam vẫn chưa yên. Ngày 26-10-1975, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập các vùng duyên hải, trong đó có Vùng 5 duyên hải, tiền thân của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân co nhiệm vụ chính trị là: Nâng cao khả năng sẵn sang chiến đấu, làm nòng cốt trong quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển, đảo, thềm lục địa Tây Nam của Tổ quốc. Xây dựng Vùng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Tiếp nối chiến công, Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn cách đây hơn 40 năm mà Vùng 5 Hải quân là một trong những đơn vị chủ lực làm nên chiến thắng hiển hách. Đầu năm 1978, Pôn Pốt huy động 19 sư đoàn tiến công xâm lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Đi đến đâu, bọn chúng tàn sát dã man hàng nghìn người dân, phá hủy hàng trăm công trình, làng mạc, thị trấn ở các tỉnh biên giới nước ta. Trước tình hình đó, Quân chủng Hải quân được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ làm nòng cốt mở Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn với nhiệm vụ: Đánh chiếm cảng Công-pông-xom và quân cảng Ream, tiêu diệt Sư đoàn 164 Hải quân và Trung đoàn 17 Biên phòng của địch, đập tan tuyến phòng thủ của địch ở hướng nam.

Khởi nghĩa Hòn Khoai.

Kết quả của chiến dịch đã tạo thế, tạo thời cơ cho các lực lượng của ta phát triển chiến đấu giai đoạn tiếp theo, giải phóng toàn bộ khu vực đất đai từ Công-pông-xom đến Kô-Kông với diện tích trên 3.000 km2 và vùng biển, hải đảo của Campuchia; góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, cùng với cánh quân tình nguyện Việt Nam phối hợp các lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia tổng tiến công, nổi dậy đập tan toàn bộ chính quyền phản động Pôn-Pốt.

Trong 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia chiến đấu, lực lượng của Vùng 5 đã phối hợp Quân khu 9 vừa giúp bạn xây dựng lực lượng, củng cố chính quyền, vừa tổ chức đánh địch hàng trăm trận, góp phần đập tan các cuộc bạo động gây rối an ninh trật tự, giải phóng hàng ngàn dân ở biên giới Koh Kong - Thái-lan, giải phóng 21 đảo lớn nhỏ và toàn bộ tuyến ven biển thuộc ba tỉnh Kampot, Kampong Som, Koh Kong.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, Vùng 5 Hải quân luôn thể hiện xuất sắc vai trò là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc. Vẽ gần nửa vòng tay trên bản đồ, Chuẩn đô đốc, Thiếu tướng Ngô Văn Thuân, Chính ủy Hải quân Vùng 5 nói với chúng tôi, vùng biển Tây Nam do Vùng 5 quản lý được tính từ cửa sông Gềnh Hào tỉnh Bạc Liêu đến thị xã Hà Tiên tỉnh Kiên Giang, có chiều dài hơn 450 km, diện tích khoảng 150.000 km2. Ranh giới biển tiếp giáp với các nước: Campuchia, Thái-lan, Malaysia, Indonesia. Trong vùng có trên 130 đảo lớn nhỏ thuộc năm quần đảo: An Thới, Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du, Thổ Chu cùng một số đảo độc lập. Trên các đảo tiền tiêu này, do điều kiện khí hậu khắc nghiệt và bão tố nên có nơi vẫn chưa có người sinh sống. Riêng lực lượng vũ trang, kiểm lâm, nhân viên hải đăng vẫn luôn túc trực ngày đêm canh giữ biển đảo.

Hải quân Vùng 5 tuần tra chung với Hải quân Hoàng gia Thái-lan nhằm bảo đảm an ninh, hòa bình trên biển.

Đại tá Võ Đức Tiên, Phó tư lệnh Vùng 5 Hải quân cho biết thêm, đơn vị đã triển khai, duy trì nghiêm hoạt động tuần tra, tuần tiễu tại các khu vực vùng biển trọng điểm, tổ chức tốt các hoạt động của hệ thống ra đa quan sát, trinh sát kỹ thuật, hệ thống giám sát tàu thuyền trên biển, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn, để thu thập, xử lý, trao đổi thông tin, phối hợp xác minh, kịp thời đánh giá, tham mưu đề xuất biện pháp quản lý bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiệu quả, vững chắc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Vùng 5 Hải quân còn phối hợp hiệu quả với các lực lượng tiến hành làm tốt công tác tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn cho nhân dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Để tiến hành hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo, Vùng 5 Hải quân đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân, nhất là ngư dân trên vùng biển Tây Nam, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho ngư dân, giảm thiểu tình trạng ngư dân vi phạm pháp luật nước láng giềng trong khai thác thủy sản.

Bên cạnh đó, Vùng 5 Hải quân còn thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại quân sự với Hải quân Hoàng gia Campuchia và Hải quân Hoàng gia Thái-lan, góp phần tăng cường hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa các nước, quân đội và hải quân; giữ vững môi trường hòa bình ổn định trên biển, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân hai nước làm ăn, phát triển kinh tế.

NGUYỄN PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39075402-bai-2-mua-xuan-cua-nhung-chien-cong.html