Bài 2: Nâng tầm Di tích

Với những giá trị đặc biệt, từ năm 2003, Di tích Thương cảng Vân Đồn đã được Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia; đang lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2021. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này còn rất nhiều việc phải làm.

Đừng để Di tích trở thành phế tích

Mặc dù được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 2003, nhưng vì nhiều lý do, trong gần 16 năm qua, toàn bộ hệ thống các điểm di tích thuộc Di tích Thương cảng Vân Đồn, kể cả các điểm di tích chính là các bến Cái Làng, Cống Đông, Cống Tây đều chưa được đầu tư, tôn tạo. Tình trạng này khiến cho các di tích không khỏi bị thời gian bào mòn, mai một.

Ông Lưu Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Quan Lạn, thừa nhận: Mặc dù trên địa bàn xã có những điểm di tích quan trọng, đặc biệt là bến Cái Làng, trung tâm của Di tích quốc gia Thương cảng Vân Đồn, nhưng giờ hoang vu, chẳng có dấu hiệu gì khác biệt với xung quanh. Nếu không phải là người dân địa phương thì chắc chắn không thể nhận ra.

Nhiều điểm chính của Di tích Thương cảng Vân Đồn nằm dưới nước, nên công tác khảo cổ không hề dễ dàng.

Nhiều điểm chính của Di tích Thương cảng Vân Đồn nằm dưới nước, nên công tác khảo cổ không hề dễ dàng.

Thực tế tại Quan Lạn, các hố thám sát về các công trình phụ trợ, hệ thống kè, cống tiêu…, qua mưa nắng đều đã bị vùi lấp đất đá hoặc bị cỏ cây che phủ, mất dấu vết. Bến nước Cái Làng ngày càng bị bồi lắng, nhìn bằng mắt thường rất khó hình dung ra. Đặc biệt các tầng hiện vật dưới nước tại bến Cái Làng đã không tránh được sự xáo trộn do tác động của dòng chảy, thậm chí có thể theo dòng chảy di chuyển ra vị trí khác.

Các hiện vật tại Di tích Thương cảng Vân Đồn cũng chưa được quan tâm đúng mực; trong đó chưa có nhiều hoạt động tìm kiếm, thu thập, bảo vệ hiện vật. Từng có thời diễn ra tình trạng người dân tìm kiếm hiện vật bán cho dân chơi đồ cổ, dẫn đến “chảy máu” cổ vật. Nhiều phần ranh giới di tích đang giao cho người dân trồng rừng, cũng làm ảnh hưởng đến các điểm di tích.

Theo quy định, sau khi di tích được xếp hạng, trên cơ sở tình hình thực tế, các đơn vị chuyên môn, chính quyền sở tại các cấp phải quy hoạch tổng thể, tôn tạo các điểm di tích, kết hợp các thành tố khác để biến di tích trở thành điểm tham quan, trải nghiệm, nghiên cứu, du lịch…, qua đó phát huy giá trị.

Hiện vật gốm sứ tại Cái Làng. Ảnh Trần Minh

Với Thương cảng Vân Đồn, ngay sau khi được xếp hạng di tích Quốc gia, giới khoa học đã khuyến cáo một số việc cần làm ngay. Bao gồm: Khôi phục, bảo tồn một số điểm di tích; thu thập những hiện vật giá trị; dựng tranh hoành tráng mô phỏng thương cảng; dựng bia lớn phác họa giá trị di tích; thể hiện sơ đồ hệ thống các điểm di tích trực thuộc… Thế nhưng tất cả đều chưa được thực hiện, khiến cho di tích quan trọng này dường như chỉ có cái tên, trong câu chuyện kể, ký ức đâu đó chứ không thực sự còn hiện hữu.

Đẩy nhanh lộ trình xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Nhận thức rõ giá trị và tình trạng thực tế của Di tích Thương cảng Vân Đồn, đơn vị chuyên môn đang lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đặc biệt UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương và giao đơn vị chuyên môn chuẩn bị những điều kiện cụ thể để trình Chính phủ xếp hạng Thương cảng Vân Đồn là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt vào năm 2021. Tuy nhiên theo giới chuyên môn, mục tiêu này sẽ khó đạt được nếu không sớm triển khai “những việc cần làm ngay”.

Giếng Hiệu, được cho là nơi cấp nước ngọt cho dân cư vùng Quan Lạn xưa.

Theo đại diện Phòng Quản lý Di sản (Sở VH&TT), để đáp ứng điều kiện là di tích quốc gia đặc biệt, bên cạnh bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích, hiện vật hiện có, thì điều kiện tiên quyết là phải củng cố hồ sơ, khẳng định rõ nét giá trị di tích. Việc này trước đây đã từng được làm một lần, khi Quảng Ninh làm hồ sơ trình Chính phủ xem xét xếp hạng cấp quốc gia cho Di tích Thương cảng Vân Đồn; tuy nhiên cần bổ sung những chứng cứ, cứ liệu khoa học mới, đủ sức thuyết phục để xem xét xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Đây được đánh giá là công việc hoàn toàn không dễ thực hiện, bởi trải qua thời gian gần 16 năm, rất nhiều dấu tích của Thương cảng đã bị mai một, xáo trộn, kể cả các vị trí thám sát, khảo cổ trước kia. Riêng công tác khảo cổ cần phải thực hiện kỹ tại các bến cảng, cả trên bờ và dưới nước. Trong đó khảo cổ dưới nước là hoạt động đòi hỏi chuyên môn cao, đầy đủ thiết bị hiện đại và lượng kinh phí lớn, trong nước chưa có nhiều đơn vị thực hiện.

Bên cạnh đó cũng cần tính tới những yếu tố liên quan đến di tích mà trước kia chưa thật sự quan tâm, như hệ thống đình, chùa, miếu mạo trong lòng di tích; vấn đề cấp nước ngọt phục vụ hoạt động của Thương cảng và người dân trong vùng; công nhận bổ sung các điểm cảng, bến, mặc dù nằm trong hệ thống của Di tích quốc gia Thương cảng Vân Đồn, song chưa được công nhận… Một vấn đề quan trọng không kém là kinh phí đầu tư cho các hoạt động củng cố hồ sơ di tích lần này không nhỏ, nên rất cần được tỉnh quan tâm, phê duyệt dự toán và giải ngân kịp thời.

Một địa điểm tín ngưỡng (ở xã Quan Lạn) trong ranh giới Di tích Thương Cảng Vân Đồn cần được quan tâm.

Di tích Thương cảng Vân Đồn thật sự có vai trò, ý nghĩa lớn trong quá trình phát triển của quốc gia, khẳng định tinh thần hội nhập kinh tế thế giới từ sớm của cha ông. Vì vậy mà việc nâng hạng cho Di tích là tất yếu, đáng ra phải làm từ sớm hơn. Đến thời điểm này, mục tiêu trên mới thực hiện được các bước khởi động đầu tiên, cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ công việc, đáp ứng mong mỏi không chỉ của người dân huyện đảo Vân Đồn.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201906/bao-ve-phat-huy-gia-tri-di-tich-thuong-cang-van-don-bai-2-nang-tam-di-tich-2445887/