Bài 2: Người cầm bút ở số 10 phố Downing

Vẫn là câu chuyện ở nước Anh, vẫn là một nhà lãnh đạo xuất thân từ một phóng viên, từng làm việc cho nhiều tờ báo, tạp chí. Ông là đương kim Thủ tướng Anh Boris Johnson, một trong những nhân vật chủ chốt trong tiến trình lịch sử đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit mà dư luận cả thế giới luôn dõi theo.

Boris Johnson sinh năm 1964 ở New York (Mỹ), có hai quốc tịch Anh và Mỹ. Từ nhỏ, ông đã may mắn được theo học tại nhiều ngôi trường hàng đầu châu Âu và tốt nghiệp Đại học Oxford nổi tiếng.

Đương kim Thủ tướng Anh Johnson bắt đầu sự nghiệp làm báo tại tờ The Times trước khi đầu quân cho tờ Daily Telegraph, thường trú tại Brussels (Bỉ), với vai trò một phóng viên nghị trường, chuyên phản ánh các hoạt động diễn ra ở Ủy ban châu Âu. Ông cũng có thời gian làm biên tập viên, rồi sau đó là Tổng biên tập của Tạp chí The Spectator và thậm chí trước đây còn tham gia viết bài đánh giá về xe cộ cho một số tờ báo khác.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tại một sự kiện ở Brussels vào năm 1990 khi còn làm phóng viên của tờ Daily Telegraph. Ảnh: The Guardian

Thủ tướng Anh Boris Johnson tại một sự kiện ở Brussels vào năm 1990 khi còn làm phóng viên của tờ Daily Telegraph. Ảnh: The Guardian

Nhìn bề ngoài lúc nào cũng tất tả của Johnson, nhiều người cho rằng ông có dáng làm báo hơn là làm Thủ tướng. Nhưng khi nghe kể về câu chuyện đặc biệt xảy ra cách đây hơn 2 thập kỷ, người ta mới nghiệm ra rằng, việc Johnson từ một nhà báo trở thành người lãnh đạo một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới dường như là điều đã được dự báo trước. Tháng 6-1998, Thủ tướng Anh khi đó là ông Tony Blair có tổ chức một buổi họp báo ở Cardiff, còn Johnson tham dự sự kiện với tư cách là Phó tổng biên tập của tờ Daily Telegraph. Chuyện chẳng có gì đặc biệt nếu như nhà báo 34 tuổi này khi đặt câu hỏi với vị Thủ tướng Anh không phát biểu dài dòng như một bài diễn văn, khiến ông Blair bực mình châm chọc: "Boris này, nói hay như thế thì có lẽ cậu nên làm thủ tướng mới phải!".

Ấy vậy mà 21 năm sau, lời bông đùa ấy lại trở thành sự thật. Ngày 24-7-2019, ngay sau khi Thủ tướng Anh Theresa May đệ đơn từ chức, ông Johnson đã vượt qua Ngoại trưởng Jeremy Hunt để trở thành lãnh đạo mới của Đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh, đồng nghĩa với việc trở thành tân Thủ tướng Anh-chủ nhân mới của tòa nhà số 10 phố Downing ở thủ đô London.

Trong con mắt của các đồng nghiệp, thời còn lăn lộn ở tòa soạn, Johnson đã xây dựng được phong cách riêng và thành danh nhờ những bài phân tích về chính trị trên tờ Daily Telegraph. Ông cũng luôn khiến mọi người bất ngờ bởi những bài báo hấp dẫn nhưng cũng đầy tính bảo thủ, gây tranh cãi của mình. Và có lẽ cũng chính những lần xuất hiện trên báo chí hay truyền hình với vai trò nhà phân tích chính trị đã tạo đà để ông thăng tiến trên chính trường, trải qua nhiều cương vị quan trọng như Thị trưởng London, Ngoại trưởng, trước khi trở thành Thủ tướng. Người ta cũng kể rằng, Johnson là người có tài hùng biện, hài hước và đặc biệt là rất biết cách đập tan những lời chỉ trích nhằm vào cá nhân ông hay tờ báo của ông.

Nhân câu chuyện từ nước Anh, có thể thấy trên thế giới, việc các phóng viên, nhà báo dấn thân vào chính trường và rồi trở thành các chính trị gia nổi tiếng, thậm chí trở thành người đứng đầu một quốc gia như cố Thủ tướng Anh Churchill và đương kim Thủ tướng Anh Johnson, chẳng phải chuyện hiếm. Điều này có thể được nhìn thấy ở Mỹ, Anh, Ấn Độ, Việt Nam và một số quốc gia khác. Liệu có mối liên hệ mật thiết nào đó giữa “nghề làm nhà báo” và “nghề làm chính trị gia”?

Có lẽ, điểm tương đồng lớn nhất giữa những người làm báo và chính trị gia là công việc mà họ đang làm đều cần phải nắm bắt mọi hơi thở của thời cuộc, bám sát những chuyển động nhanh chóng của đời sống chính trị, xã hội, văn hóa... ở nơi mình đang sống cũng như thế giới. Vậy nên, cũng có thể nói rằng, làm báo là làm chính trị và làm chính trị cũng là làm báo.

Thực tế cho thấy, những chính trị gia trên thế giới từng hoạt động trong lĩnh vực báo chí cũng thường được đánh giá cao trong việc truyền tải những thông điệp quan trọng, từ đó tạo được sự ủng hộ tối đa cho những quyết sách của mình. Hoặc ít ra, họ rất biết cách ứng xử với truyền thông. Đây đáng được coi là những lợi thế không nhỏ với các phóng viên, nhà báo khi trở thành lãnh đạo.

Trong tương lai, chắc chắn sẽ xuất hiện thêm những chính trị gia trưởng thành từ nghiệp cầm bút. Dù đó không hẳn là một xu thế phổ biến trên toàn thế giới, nhưng cũng phần nào chứng tỏ báo chí đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống ở bất cứ quốc gia nào.

TRUNG DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/bai-2-nguoi-cam-but-o-so-10-pho-downing-663118