Bài 2: Nhận diện giá trị cốt lõi

Trước nhiều biến đổi theo chiều hướng tiêu cực của kiến trúc hiện nay, nhận diện lại các giá trị mang tính bản sắc của nghệ thuật kiến trúc Việt Nam được cho là cần thiết.

Đa dạng sắc thái

Theo Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS. Hoàng Thúc Hào, Việt Nam có cộng đồng 54 dân tộc, mỗi dân tộc có nền văn hóa riêng đặc sắc và phong cách kiến trúc độc đáo, được thẩm định theo thời gian, thích ứng ở mức độ cao với điều kiện tự nhiên và bối cảnh xã hội. Trên núi cao khác với vùng trung du, cư trú riêng biệt khác với cư trú xen kẽ các dân tộc khác, quần cư theo nhóm lớn khác quần cư theo nhóm nhỏ, cộng đồng thuần nông khác cộng đồng có thêm nghề thủ công...

Ví dụ, người Kinh thường quần tụ theo họ hàng và tổ đội sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp thành từng cụm nhà trong làng. Cấu trúc làng xóm điển hình với lũy tre, cổng làng, giếng làng, đình làng, chợ, cây đa, bến nước, con đò, cầu ao… và các hoạt động văn hóa như hội làng, thờ cúng…

Lễ hội truyền thống diễn ra trong không gian làng Diềm, Bắc Ninh -
Nguồn: tapchikientruc.com.vn

Ở thôn quê, đặc trưng kiến trúc thể hiện ở cách bài trí nội ngoại thất một căn nhà điển hình với hệ sinh thái khép kín vườn trước ao sau, việc đáp ứng nhu cầu ở được chú trọng trong cả giải pháp xây dựng và tạo cảnh quan. Ở thành thị, kiến trúc được xây dựng trên cơ sở phường hội sản xuất thủ công, hoạt động sản xuất đi liền với không gian ở, các hộ sản xuất tập hợp thành các phường nghề, mỗi phường làm một nghề và có đền thờ tổ nghề…

Những yếu tố này theo thời gian hình thành giá trị truyền thống, giúp nhận diện và phân biệt kiến trúc của cộng đồng dân tộc này với cộng đồng dân tộc khác, vùng miền này với vùng miền khác, cũng như giúp nhận diện và phân biệt kiến trúc Việt Nam với các nền kiến trúc khác trong khu vực.

KTS. Hoàng Thúc Hào nhận định: “Có thể thấy, nổi bật của kiến trúc truyền thống Việt Nam nằm ở sự đa dạng, xuất phát từ khác biệt địa hình, khí hậu, đời sống văn hóa - tín ngưỡng và các mối liên hệ xã hội của từng dân tộc”.

Nhiều tầng ý nghĩa

Cùng quan điểm này, KTS. Lê Hữu Trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, ví kiến trúc truyền thống Việt Nam chính là mật mã di truyền xã hội của con người Việt Nam đã tích lũy và lắng đọng qua hàng nghìn năm phát triển. Để rồi, được gửi gắm tất cả vào hình hài của từng công trình, từng cụm công trình kiến trúc cụ thể.

Như vậy, bản thân mỗi công trình kiến trúc đều mang nhiều tầng nghĩa. Những lớp nghĩa này được kết tinh từ những giá trị trong quá khứ, thông qua sự phát triển trên nền tảng kế thừa, phát huy những dấu ấn trước đó.

“Trước hết, các công trình kiến trúc được xây dựng nhằm đáp ứng những nhu cầu cụ thể (ăn, ở, sinh hoạt...), sau đó được phủ lên một biểu tượng, hình hài mà chủ thể sáng tạo muốn gửi gắm tâm tư, tình cảm. Cuối cùng, cao hơn cả, nó được khoác lên những hình ảnh, biểu tượng để tượng trưng cho tư tưởng, lối sống, quan niệm thẩm mỹ… của cả một cộng đồng, cả một dân tộc. Chính tầng nghĩa sau cùng này được tích lũy và lắng đọng lâu dài trong lịch sử, tạo nên truyền thống mà kiến trúc là một phần biểu hiện của truyền thống đó”, KTS. Lê Hữu Trúc phân tích.

Mối quan hệ phố - làng

Bản chất đô thị hóa của Việt Nam không nằm ngoài quy luật và xu hướng của tiến trình đô thị hóa trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển. Tuy nhiên, đô thị Việt Nam vẫn có những nét riêng biệt và dễ nhận biết đến từ cấu trúc và các thành phần cơ bản thuộc về kiến trúc.

Nhiều cổng làng hàng trăm năm tuổi đang tồn tại giữa phố thị sầm uất của Hà Nội- Nguồn: Baogiaothong.vn

Nhiều cổng làng hàng trăm năm tuổi đang tồn tại giữa phố thị sầm uất của Hà Nội- Nguồn: Baogiaothong.vn

Từ góc độ nghiên cứu này, TS.KTS. Trương Văn Quảng, Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam, chỉ ra hệ thống đô thị Việt Nam phần lớn có bề dày lịch sử, được hình thành lâu đời, trong đó nhiều đô thị có quá trình hình thành từ trước thế kỷ XIX.

Những đô thị cổ như Phố Hiến, phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An… còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa, kiến trúc, cảnh quan danh thắng đặc biệt có giá trị. Đó là những cụm, quần thể công trình kiến trúc, các công trình tôn giáo, tín ngưỡng mang dấu ấn bản sắc như đình, đền, chùa, miếu, không gian cảnh quan cây xanh mặt nước…

Để thấy rằng một trong những điểm độc đáo làm nên bản sắc kiến trúc đô thị Việt Nam là tồn tại các di tích kiến trúc đặc trưng của cấu trúc làng. Hồn cốt của đô thị hình thành và phát triển từ làng lên phố, trong phố có làng. Diện mạo đô thị không ngừng biến đổi suốt bao năm qua nhưng dấu vết của làng truyền thống và làng nghề vẫn không thay đổi. Mối quan hệ phố - làng, văn minh đô thị - văn hóa làng cùng tồn tại, đan xen, hòa quyện, thể hiện rõ nhất qua kiến trúc.

Theo GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính, các đô thị Việt Nam đang làm chủ quỹ thiên nhiên, cảnh quan, quỹ kiến trúc, quỹ di sản, quỹ nếp sống cộng đồng… Đó là vốn liếng để đô thị phát triển lành mạnh, mang bản sắc riêng có.

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/bai-2-nhan-dien-gia-tri-cot-loi-i325991/