Bài 2: Nhiều kỳ vọng đột phá, hồi sinh đồng ruộng

Luật Đất đai 2024 cho phép đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp đa mục đích, cho phép những đối tượng không trực tiếp sản xuất được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, mở rộng trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, tăng hạn mức sử dụng đất… Điều này đồng nghĩa với những mảnh ruộng hoang sẽ được đưa vào khai thác sử dụng triệt để, không nhất thiết phải trồng lúa, miễn là sinh lợi, giúp kinh tế địa phương phát triển, người dân có cơ hội làm giàu từ chính đồng ruộng của mình.

Cánh đồng mẫu lớn cho “quả ngọt”

Là một vựa lúa bên cạnh quê hương “chị Hai 5 tấn”, từ nhiều năm nay, Nam Định nổi tiếng vì người nông dân bỏ ruộng ly hương tìm kế sinh nhai. Chỉ cần đi dọc quốc lộ 21, ngay sát đường, những đám ruộng bỏ hoang cỏ dại, lau lách mọc hoang hóa bạt ngàn. Thực tế càng bi đát hơn khi đi sâu vào trong các xã, các thôn xóm, những “bờ xôi ruộng mật”, những cánh đồng “lúa mọc trùng trùng” nay tan hoang, “bời bời” cỏ dại. Xót xa trước cảnh đất hoang hóa, những người nông dân đã tìm cách vực dậy sự sống, quyết tâm làm giàu trên mảnh ruộng quê hương.

Anh Phan Văn Nho (thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) là người sinh ra từ làng nhưng đã sớm thoát ly lên thành phố. Sau nhiều lần bôn ba đổi nghề, vợ chồng anh mở nhà hàng karaoke. Kinh doanh cũng phát đạt, anh trở thành ông chủ nơi thành phố, có cả xe ôtô mỗi lần về quê. Thế nhưng, mỗi lần về quê, anh cứ cảm giác thiếu vắng một cái gì đó. Đám bạn cũ, cả thế hệ em út sau này, đều theo nhau đi làm ăn xa. Làng càng ngày càng vắng người trẻ. Người ta đổ xô lên các đô thị kiếm việc, bỏ quê lại sau lưng. Đồng ruộng cũng buồn hiu, xác xơ cỏ dại. Nhìn cảnh tiêu điều, lòng anh dâng lên cảm giác mất mát, chua xót, để rồi trở lại thành phố, hình ảnh mùa màng bội thu, thơm lừng rơm rạ cư trở đi trở lại trong giấc mơ. Sau nhiều lần trăn trở, anh đã nghĩ cách trở về “vực dậy” sức sống cho đồng ruộng. Đợt dịch COVID-19 năm 2020 đã trở thành cú hích, anh quyết định dẹp hàng quán, tay nải trở về quê gom ruộng để trồng lúa. Từ quyết định này, những cánh đồng lớn dần hình thành với hơn 37ha, cây lúa đã dần trở lại, đồng ruộng khoác lại chiếc áo rực rỡ mùa vàng…

Nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ đang phát huy hiệu quả tại Nam Định.

Không giống với anh Nho, anh Vũ Thế Đăng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh chưa bao giờ thoát ly đồng ruộng. Sinh ra từ đồng chiêm trũng, no đói với hai vụ mùa, chiêm, cả cuộc đời gắn bó với cây lúa, giờ đã ở vào tuổi U60, anh vẫn thủy chung với đồng ruộng. Trước đây, việc canh tác trên các thửa ruộng nhỏ lẻ chỉ giúp gia đình anh đủ ăn mặc, ấy là nếu may mắn mưa thuận gió hòa. Còn nếu ông trời không thương, việc đắp đổi qua ngày cũng xem như khó.

“Thế nên, mọi người trong làng theo nhau đi khắp nơi kiếm sống. Lúc đó, tôi cũng đã dao động, nhưng rồi nghĩ cả cuộc đời mình đã gắn bó ở đây. Quê hương, tổ tiên, ông bà đều sinh ra, lớn lên và mất đi cũng nằm ở nơi đây. Nếu mình bỏ làng đi, thì cha mẹ già sẽ buồn lòng lắm. Mà cuộc mưu sinh bên ngoài cũng không chắc đã dễ dàng gì. Thế rồi, hai vợ chồng tôi bàn nhau thuê lại những mảnh ruộng người khác bỏ hoang, gộp lại rồi cùng nhau canh tác. Lúc đầu thì tự gom đất của gia đình, họ hàng, sau đó chấp nhận đổi những chân ruộng tốt để lấy những chân ruộng xấu nhưng diện tích rộng hơn, tạo công ăn việc làm cho vợ con và bà con anh em hàng xóm. Ban đầu là 10 mẫu, đến giờ, tổng diện tích tôi đang canh tác là 70 mẫu. Tôi vẫn chung thủy với cây lúa, nhưng thay vì trồng lúa giống truyền thống, tôi trồng giống gạo ngon ST25, vừa sản xuất lương thực, vừa sản xuất lúa giống thương phẩm”, anh Đăng chia sẻ. Thế nhưng, 70 mẫu ruộng của anh hiện nay vẫn đang bị xé lẻ ra 7 cánh đồng khác nhau.

“Dù đã cố gom vào thành cánh đồng mẫu lớn, để tiện cho việc canh tác, ví dụ nếu ruộng lẻ, khi phun thuốc trừ sâu, thuốc cỏ, tôi phải thuê người làm với giá 500.000 đồng/ngày, và phải làm nhiều ngày mới xong được 70 mẫu ruộng. Nếu là cánh đồng mẫu lớn, tôi có thể dùng máy bay không người lái để phun thuốc, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tránh độc hại, chỉ 1 buổi sáng sẽ phun xong. Hay như thủy lợi, tưới tiêu được đầu tư tập trung cũng sẽ giảm nhiều chi phí. Kể cả thu hoạch, nếu tập trung, đường sá được nâng cấp, thì nhà máy sẽ cho xe vào tận ruộng vận chuyển thóc, nhưng hiện nay, rất khó khăn và đội giá thành khi vận chuyển bằng các phương tiện khác. Chưa kể, việc gộp lại thành cánh đồng mẫu lớn cũng sẽ phù hợp hơn để bê tông hóa đường bờ ruộng, thuận tiện cho việc đưa máy móc vào sản xuất như máy cày, máy cấy, máy gặt… Đằng này, sản xuất nhỏ lẻ vẫn khiến cho thủy lợi, mương máng khó khăn hơn nhiều”, anh Đăng cho biết.

Dù hiện tại vẫn còn khó khăn, thì những “quả ngọt” đã giúp anh có thêm nhiều động lực để làm giàu trên quê hương mình. Anh đã xây dựng được thương hiệu gạo Ocop ST25 Đăng Dung 3 sao, sản xuất hữu cơ, giá bán tăng lên 25% so với giá cũ. Về chi phí, so với canh tác các mảnh ruộng nhỏ lẻ, anh đã giảm được 30% chi phí. “Do 70 mẫu của tôi hiện vẫn bị chia thành 10 mảnh, chứ nếu gộp thành một mảnh lớn thì sẽ giảm được khoảng 50% chi phí”, anh Đăng cho hay. Hiện mỗi năm, 70 mẫu ruộng của anh cũng tạo công ăn việc làm cho gần chục bà con nông dân trong xóm, với mức thu nhập bình quân khoảng 7 triệu/người/tháng. Và dĩ nhiên, với vị trí người chủ, thu nhập của vợ chồng anh sẽ cao gấp nhiều lần…

Đa mục đích - tăng tiềm năng

Khởi phát ở An Giang, cánh đồng mẫu lớn là mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Mô hình cánh đồng mẫu lớn giải đáp được bài toán về mô hình liên kết “4 nhà” (nhà nước - doanh nghiệp - nhà khoa học nhà nông) và các bên tham gia mô hình đều hưởng lợi ích cao nhất. Tuy nhiên, thực tế, theo thời gian, việc triển khai cánh đồng mẫu lớn cũng đang gặp một số khó khăn. Vì thế, việc chuyển đổi theo Luật Đất đai năm 2024 cho sử dụng đất đa mục đích được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ mang lại nhiều thuận lợi.

Tại xã Phương Định (Trực Ninh, Nam Định), diện tích tích tụ, tập trung để sản xuất lúa là 55,8ha. Địa phương vẫn đang tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân, những hộ có diện tích đất lúa nhưng không có nhu cầu canh tác cho các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp thuê, mượn lại để canh tác. “Hiện nay, xã Phương Định chủ trương cho tích tụ ruộng đất là đúng đắn và người dân cũng rất phấn khởi. Ví dụ đang cho Công ty Cường Tân thuê 400ha, với giá 300 nghìn/sào/năm. Đây là một số tiền lớn dành cho nông dân”, ông Nguyễn Minh Khâm, Chủ tịch xã Phương Định cho biết.

Đáng chú ý, ngay khi Luật Đất đai 2024 được thông qua, xã đã đón 4 doanh nghiệp đến đặt vấn đề với địa phương, chủ yếu là doanh nghiệp trong tỉnh, có 1 doanh nghiệp từ TP Hồ Chí Minh, nhưng chủ doanh nghiệp này cũng là người dân Phương Định, ly hương làm kinh tế và giờ mong muốn quay trở lại đầu tư cho cho quê hương. Họ đã đi khảo sát và vạch ra kế hoạch cánh đồng cao thì đưa cây dược liệu vào trồng, phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Còn với ruộng trũng, doanh nghiệp đặt vấn đề đưa cây sen vào trồng kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Nhưng hiện nay, do sen không ở trong danh mục sản xuất cây nông nghiệp, nếu đưa vào là chưa đúng chủ trương, nên xã đang đề xuất tỉnh và huyện xem xét. Nếu sắp tới, Luật Đất đai có hiệu lực, cho chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích, thì có thể triển khai.

Nhiều kỳ vọng đang được đặt ra khi chủ trương cho phép tích tụ ruộng đất. Đây cũng là lời giải cho bài toán phát huy tối đa nguồn lực đất nông nghiệp. Theo con số của UBND huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, hiện toàn huyện đang tổ chức sản xuất được 38 cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo chất lượng cao, diện tích 15 30ha/cánh đồng với tổng diện tích 790ha. Năng suất thực thu trung bình của các cánh đồng lớn đạt 69,55 tạ/ha, doanh thu trung bình tăng 17,76% so với sản xuất đại trà. Ngoài ra, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình sản xuất các loại rau củ quả cao cấp trong nhà lưới, nhà màng của HTX nông nghiệp Phú Thịnh – Hưng Thành; HTX sản xuất rau củ quả Vfres Garden tại Hưng Lĩnh; Công ty TNHH Nắng và Gió tại xã Hưng Thông; mô hình sản xuất sâm ngưu bàng, dưa chuột, bí xanh ứng dụng công nghệ cao tại vùng bãi xã Long Xá với diện tích 6,5ha; mô hình dưa hấu, bí xanh, bí đỏ xã Xuân Lam... tiếp tục cho hiệu quả tốt.

Còn tại huyện Trực Ninh, Nam Định, tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển các mô hình liên kết sản xuất cũng đang là chủ trương và giải pháp mà huyện đưa ra nhằm tập trung ruộng đất, khắc phục dần tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang, chỉnh trang đồng ruộng để thu hút đầu tư. “Chúng tôi đang chỉ đạo tiếp tục hợp tác đầu tư mở rộng quy mô các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa gạo hiện có. Kết nối, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chê biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường để đầu tư sản xuất”, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh Phạm Trọng Duy chia sẻ.

Vụ xuân 2023 vừa qua, diện tích ruộng đất được tích tụ, tập trung để tổ chức sản xuất lúa trên địa bàn huyện là 976ha (các công ty, hợp tác xã thuê gom, tích tụ 217ha, hộ nông dân tích tụ 480ha và tập trung ruộng đất thông qua vai trò trung gian là hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp 279ha), tăng 214ha so với cùng ky Theo ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 8,1 triệu tấn gạo thu về hơn 4,1 tỷ USD, xuất khẩu thủy sản thu về hơn 9 tỷ USD và còn nhiều ngành khác như cao su, gỗ, mía đường… Những con số đã cho thấy đóng góp quan trọng của ngành Nông nghiệp cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, chính sách giao đất nông nghiệp theo quy định từ năm 1993 trước đây là chia đều đất cho đến từng cá nhân trong hộ gia đình một cách công bằng. Trong khi đó, có đến 90% đất nông nghiệp do các hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn quản lý, sử dụng. Mỗi gia đình, cá nhân chỉ sử dụng một diện tích đất nhỏ lẻ để sản xuất, do đó tính chất sản xuất nông nghiệp manh mún không phù hợp với yêu cầu sản xuất lớn hiện nay.

“Luật Đất đai 2024 cho phép đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp đa mục đích, cho phép những đối tượng không trực tiếp sản xuất được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, mở rộng trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, tăng hạn mức sử dụng đất,… có nghĩa là cho phép những doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực tiếp cận, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất trên quy mô lớn, hiện đại. Vấn đề sản xuất manh mún như trước đây sẽ giải quyết và thúc đẩy nền nông nghiệp hiện đại”, ông Bình nhận định.

Lê Thúy - Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thoi-su/bai-2-nhieu-ky-vong-dot-pha-hoi-sinh-dong-ruong-i726113/