Bài 2: Nhiều mô hình mới, cách làm hay

Một năm qua, thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 11-4-2017 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động 'Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh' (Cuộc vận động), Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp của thành phố cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức vận động thực hiện các nội dung của Cuộc vận động. Từ đây đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, tạo được 'cú hích' trong việc giữ gìn sự bình yên và xây dựng nếp sống văn minh ở thôn, làng, khu dân cư.

Những cách làm hiệu quả

Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, huyện Ba Vì đã lựa chọn xã Sơn Đà để xây dựng mô hình điểm “Thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng ngõ xóm tự quản”; xã Phú Phương thực hiện mô hình “Bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp”. Ông Phùng Huy Hiền, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ba Vì cho biết: Sau thời gian làm điểm, huyện đã nhân rộng và đến nay có 21 khu dân cư xây dựng thành công mô hình “Thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng ngõ xóm tự quản”; 20 khu dân cư xây dựng mô hình “Bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp”, 10 khu dân cư xây dựng mô hình điểm về “Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo”.

Du khách tìm hiểu thông tin tại bảng tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng đặt trước di tích đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Minh Đức

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thạch Thất Đỗ Thị Bích chia sẻ: Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, 23/23 xã, thị trấn của huyện đã xây dựng quy chế thực hiện tang văn minh, tiến bộ. Nhờ vậy, việc tổ chức tang lễ được các thôn và nhân dân cùng gia đình phân công đảm nhiệm, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện, tập tục của làng, xóm. Các hủ tục lạc hậu đã giảm; không còn tình trạng rải vàng mã khắp nơi; tỷ lệ hỏa táng đạt 41,5%.

Căn cứ vào nội dung Chỉ thị số 17-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, hằng tháng các chi bộ thuộc Đảng bộ phường Bồ Đề (quận Long Biên) đã họp và ban hành nghị quyết, trong đó tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề bức xúc dân sinh. Nhờ đó, trên địa bàn phường không còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, tình trạng treo biển quảng cáo không đúng quy định giảm đáng kể. Bà Nguyễn Thị Lan, chủ hộ kinh doanh hàng ăn trên địa bàn phường Bồ Đề cho biết: “Thực hiện chủ trương của phường, gia đình tôi đã bỏ một dãy bàn.

Dù việc này ảnh hưởng đến thu nhập, nhưng chúng tôi vui vẻ chấp hành nhằm góp phần để phố phường thêm rộng rãi, thoáng đãng”.

Phát huy sức mạnh toàn dân

Việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trước đây và nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã đánh dấu sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân Thủ đô trong xây dựng nếp sống văn minh.

Đơn cử, từ năm 2017 đến nay, thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU, cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được khu dân cư số 6, phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) hưởng ứng sôi nổi. Hằng năm, chi bộ và tổ dân phố duy trì tổ chức “bữa cơm đại đoàn kết” cho 324 hộ thuộc 3 tổ dân phố. Bí thư Chi bộ khu dân cư số 6 Nguyễn Việt Hùng chia sẻ: Đây là hoạt động để bà con xích lại gần nhau hơn, chung sức xây dựng đời sống văn hóa, ủng hộ các phong trào, cuộc vận động do các cấp phát động. Qua đó, nhân dân đã đóng góp được hơn 60 triệu đồng ủng hộ các loại quỹ. Hằng năm, 90% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

Còn Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố số 4, phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Khải vui mừng cho biết: “Để xây dựng khu phố văn hóa, tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ cùng vào cuộc vận động nhân dân đóng góp hơn 200 triệu đồng mua cây xanh về trồng, tạo cảnh quan chung, 200 triệu đồng làm cổng để giữ gìn an ninh trật tự, 40 triệu đồng tạo sân chơi cho các cháu nhỏ”.

Đặc biệt, đầu năm 2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 625/UBND-KGVX về triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan trực thuộc TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Không còn tình trạng hô hào chung chung, ở các cơ quan, đơn vị, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được lồng ghép với việc thực hiện các quy tắc ứng xử. Điển hình là UBND phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) đã bổ sung quy định về lề lối, tác phong làm việc, bảo đảm cán bộ, công chức của phường luôn có thái độ hòa nhã, nâng cao tinh thần, trách nhiệm khi làm việc và tiếp xúc với công dân. Không chỉ ở công sở, tại di tích đền Ngọc Sơn có bảng tuyên truyền quy tắc ứng xử được in thành 3 thứ tiếng: Việt, Anh, Trung treo trước khu vực vào cầu Thê Húc để du khách thực hiện. Ban Quản lý di tích còn chuẩn bị 100 bộ áo choàng cho khách mượn để mặc khi vào đền. Tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ban Quản lý di tích cũng cung cấp trang phục cho khách mượn khi vào khu vực nội tự…

Ngoài ra, nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhiều khu dân cư, tổ dân phố đã duy trì hoạt động vệ sinh đường làng, khu khố vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Đặc biệt, với sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý trật tự đô thị đã mang lại cho thành phố diện mạo mới, khang trang, nền nếp hơn. Đây chính là sự cụ thể hóa quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nội với mong muốn xây dựng nếp sống văn minh đô thị làm tiền đề, nền móng vững chắc để xây dựng Thủ đô văn minh.

(Còn nữa)

Nguyên Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/901597/bai-2-nhieu-mo-hinh-moi-cach-lam-hay