Bài 2: Nhiều trở ngại trên hành trình bứt phá

Mặc dù có sức hấp dẫn với du khách, đặc biệt nhóm du khách công sở, du khách tuổi trung niên, nhưng các hãng lữ hành vẫn đang trong giai đoạn vừa làm vừa thăm dò với sản phẩm du lịch kết hợp từ thiện...

Hành trình không dễ dàng

Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Công ty du lịch Vietravel, việc điều hành các tour kết hợp từ thiện không đơn giản như các tour thông thường mà họ còn phải tham gia vào rất nhiều công việc cùng với du khách. Để tổ chức tour dạng này, đơn vị lữ hành phải tiến hành khảo sát để tìm điểm trường phù hợp. Tiêu chí để chọn là những trường học còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất và về kinh phí tổ chức ăn, nghỉ cho học sinh bán trú; có thể bảo đảm phương thức di chuyển an toàn cho người và quà tặng tới điểm trường; cơ quan chức năng cho phép tổ chức chương trình; làm việc với nhà trường về thời gian tổ chức chương trình, nhu cầu quà tặng của học sinh và nhà trường, số lượng học sinh từng bậc học (để chuẩn bị áo ấm đúng cỡ), danh sách học sinh nghèo vượt khó (để trao học bổng)… Về phía du khách, yêu cầu đặt ra là phải đáp ứng điều kiện về sức khỏe, tâm lý.

Những điểm đến du lịch từ thiện thường trải qua những cung đường khó khăn, ở vùng sâu vùng xa.

“Để triển khai một tour du lịch thiện nguyện, ngoài việc lên một lịch trình phù hợp, đảm bảo cân bằng giữa hai yếu tố du lịch và làm từ thiện thì đơn vị tổ chức phải quán xuyến rất nhiều việc, từ liên hệ, khảo sát điểm đến, tìm hiểu địa phương cần hỗ trợ, giúp đỡ những gì, đến việc xin giấy phép, thống kê những hạng mục có thể hỗ trợ cho địa phương. Vậy nên, các công ty lữ hành có năng lực hoặc các tổ chức tình nguyện có kinh nghiệm mới làm tốt được điều này”, ông Phạm Văn Bảy phân tích.

Theo ông Vũ Tuấn Phong, Trưởng phòng kinh doanh công ty du lịch Á Châu, tìm được điểm tiếp nhận đồ từ thiện đã khó, đảm bảo công sức, đóng góp của đoàn để không bị lãng phí, sử dụng sai mục đích còn khó hơn. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng lãnh đạo một số trường học, địa phương phân chia không đúng hoặc nhờ nhận quà hộ rồi thu lại... thậm chí có lần đoàn đã đi lắp đặt sân chơi, sau 1-2 tháng họ tháo ra, vứt đi để mời đoàn khác đến tài trợ tiếp.

Điểm đến du lịch từ thiện thường là vùng sâu, vùng xa, vì vậy yêu cầu đặt ra đối với du khách là phải đáp ứng điều kiện về sức khỏe, tâm lý.

Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Phát triển dịch vụ và du lịch Hồng Phát cho biết, hiện nay, xu hướng du lịch thiện nguyện thu hút khá đông người tham gia. Tuy nhiên, không phải đơn vị lữ hành nào cũng mặn mà tổ chức bởi loại hình này đem lại lợi nhuận không cao, thậm chí có khi còn lỗ. Ngoài ra, việc tổ chức những tour du lịch kết hợp từ thiện lại mất công và tốn nhiều thời gian hơn. Điểm đến của những loại hình du lịch này thường là vùng sâu, vùng xa nên không thể đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn của các “thượng đế”… Chính vì những rào cản đó, mà ở Việt Nam hình thức tour này vẫn chưa thực sự bứt phá.

Những chuyện “dở khóc, dở cười”

Hiện nay, cũng có nhiều đội nhóm tổ chức hình thức du lịch này nhưng vì không thông qua các công ty lữ hành nên các hành trình du lịch vẫn nghiêng về từ thiện hơn là tạo ra những trải nghiệm mang tính khám phá. Trong khi đó, một số phong trào như: Phượt tình nguyện, phượt vì cộng đồng… còn lẻ tẻ, thiếu dấu ấn. Thậm chí, các đoàn, nhóm du lịch chưa khảo sát, tìm hiểu kỹ cũng như quá trình chuẩn bị không tốt nên đã không thực sự đáp ứng được mong mỏi cũng như nhu cầu thực tế của người dân địa phương.

Để những tour du lịch từ thiện thành công, ngoài năng lực tổ chức thì ý thức tham gia của các thành viên trong đoàn rất quan trọng.

Đại diện một trường tiểu học ở Đồng Văn, Hà Giang (đề nghị được giấu tên) cho biết, do điều kiện nhà xa, khi các em có thông báo nhận đồ từ thiện phải đến đúng giờ, nhiều lúc đến rồi nhưng chưa thấy đoàn từ thiện đâu, hoặc ngược lại. Một vấn đề nữa là, đôi khi sản phẩm từ thiện không thực sự gần gũi và không phải là nhu cầu thiết yếu của học sinh cũng như nhu cầu của người dân. Ví dụ như: Giữa mùa đông giá rét thì quần áo lại toàn mùa hè. Hay những chiếc váy, áo... chỉ phù hợp với đồng bằng và mùa hè ở biển cũng được đóng gói một cách vội vã để gửi đi. Đây thực sự là những chuyện dở khóc dở cười của cả người cho và người nhận. “Chúng tôi nhớ có lần chị Vàng A Gia (Tả Van, SaPa) sau khi nhận và cầm chiếc váy ngắn của một đoàn du lịch từ thiện đến trao tặng trong tiết trời lạnh giá của núi rừng Tây Bắc mà thấy nghẹn ở trong lòng. Mặc dù chị ấy vẫn cười rất tươi… Lúc sau Vàng A Gia mới nói: “Tôi cũng không biết phải làm gì với chiếc váy này; bỏ thì không rồi, nhưng cũng chưa biết mình sẽ làm gì với nó”, vị đại diện một trường tiểu học ở Đồng Văn nói.

Tại một số địa phương và điểm du lịch, cơ quan chức năng đã phải treo biển: “Đề nghị du khách không cho trẻ em tiền và kẹo bánh". Chính vì thế, để những tour du lịch theo hình thức này thành công, đạt được mục đích, ý nghĩa vì cộng đồng thì ngoài năng lực tổ chức thì ý thức tham gia của các thành viên trong đoàn rất quan trọng.

Bài, ảnh: DIỆU THÚY

Bài 3: Thu hút sự quan tâm từ cộng đồng đối với du lịch từ thiện

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/bai-2-nhieu-tro-ngai-tren-hanh-trinh-but-pha-553704