Bài 2: Những quyết định phù hợp với thực tế (Tiếp theo và hết)

Ngày 20-9-2012, UBND tỉnh Hà Giang có Quyết định số 1887/QĐ-UBND chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, cấp phép và công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản.

Quyết định này cũng chỉ rõ nhiệm vụ từng ngành và đề ra các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu đưa ngành công nghiệp khai khoáng tỉnh Hà Giang trở thành một ngành công nghiệp hiện đại, giảm thiểu tác động môi trường, môi sinh.

 Ngày 8-3-2021, khu nhà ban quản lý khai thác mỏ sắt Suối Thâu của Công ty Cổ phần Thép An Khang đóng cửa sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang yêu cầu dừng mọi hoạt động.

Ngày 8-3-2021, khu nhà ban quản lý khai thác mỏ sắt Suối Thâu của Công ty Cổ phần Thép An Khang đóng cửa sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang yêu cầu dừng mọi hoạt động.

Thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm

Nhận thấy việc cấp giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản chưa gắn với yêu cầu sản xuất ra đến sản phẩm cuối cùng nên sản phẩm của các doanh nghiệp chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô, giá trị không cao, không ổn định. Cùng với đó, phần lớn các mỏ chưa được áp dụng công nghệ tiên tiến vào khai thác, chế biến khoáng sản nên quá trình hoạt động có nhiều thời điểm ô nhiễm vượt quá mức cho phép, chưa khai thác triệt để tài nguyên, gây tổn thất lớn trong quá trình khai thác, chế biến, gây ra một số hệ lụy như chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước. Từ thực tế đó, UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu việc khai thác tài nguyên khoáng sản phải gắn chặt với chế biến sâu, tạo ra sản phẩm cuối cùng trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng công nghệ tiên tiến, theo hướng hiện đại và thân thiện với môi trường; tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, giá thành hợp lý, có sức cạnh tranh trên thị trường trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Ưu tiên lựa chọn thiết bị, công nghệ mới theo hướng sản xuất sạch với các tiêu chí năng suất cao, ít tiêu hao nguyên, nhiên liệu, năng lượng, bảo đảm an toàn và thân thiện với môi trường sinh thái. Coi trọng và đẩy mạnh việc áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp để vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa cải thiện và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Áp dụng ngay từ đầu công nghệ hiện đại, có trình độ cơ giới hóa và tự động hóa cao đối với các mỏ mới xây dựng có quy mô lớn; nâng cao tối đa mức độ cơ giới hóa các khâu sản xuất, áp dụng các hệ thống khai thác, chế biến hợp lý để giảm thiểu tổn thất tài nguyên và ô nhiễm môi trường đối với các mỏ mới xây dựng có quy mô vừa và nhỏ.

Chúng tôi đã đến Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (đơn vị trực tiếp khai thác, quản lý mỏ antimon Mậu Duệ và vận hành Nhà máy luyện antimon kim loại, công suất 1.000 tấn/năm tại xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh) để tìm hiểu thực tế và thấy: Thực hiện chủ trương đổi mới, hiện đại hóa dây chuyền, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản của tỉnh, công ty đã đầu tư hệ thống nghiền sàng tự động thay thế việc nghiền thủ công; hệ thống trạm khí hóa than thay việc đốt than trực tiếp; hệ thống đúc rót kim loại tự động thay việc rót thủ công... Đặc biệt, công ty đã đầu tư hệ thống thu bụi túi vải tự động, bảo đảm thu được từ trên 98% khói, bụi phát sinh trong quá trình thiêu luyện quặng. Sản phẩm antimon mang nhãn hiệu A-H với hàm lượng antimon đạt 99,65%, đạt tiêu chuẩn quốc tế, được xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước châu Âu. Hiện nay, Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang là một trong nhiều công ty khai khoáng tại tỉnh miền núi này đã chú trọng đầu tư dây chuyền công nghệ khai thác, chế biến hiện đại.

Ngày 8-3-2021, máy móc, phương tiện của Công ty Cổ phần Thép An Khang tạm dừng hoạt động sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang kiểm tra và yêu cầu dừng mọi hoạt động.

Tăng cường thanh tra, xử lý vi phạm
Song song với nhiệm vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác, chế biến, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến nâng cao năng lực quản lý, giám sát, chấn chỉnh các vi phạm. Ông Đặng Văn Thủy, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hà Giang cho biết: "UBND tỉnh đã giao cho Sở TN&MT chủ trì phối hợp với Sở Công Thương cùng các ngành liên quan củng cố, tăng cường năng lực bộ phận quản lý nhà nước, thanh tra kiểm tra hoạt động khoáng sản, thanh tra kiểm tra môi trường trong hoạt động khoáng sản, tăng cường quản lý hoạt động cấp phép khai thác mỏ trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, ngoài thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, chúng tôi đặc biệt chú trọng thực hiện kiểm tra khi có thông tin phản ánh của báo chí. Nhờ đó, tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái pháp luật đã giảm hẳn, không còn "điểm nóng" xảy ra trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, tỉnh thu hồi 2 giấy phép khai thác khoáng sản. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2021, chúng tôi đã xử phạt vi phạm hành chính 8 doanh nghiệp, hợp tác xã với tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng và nhiều biện pháp khắc phục bổ sung”.

Dẫn chứng nội dung này, ông Đặng Văn Thủy cho biết, khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí về việc Công ty Cổ phần Thép An Khang khai thác quặng sắt tại thân quặng I, mỏ sắt Suối Thâu, thuộc thôn Khuổi Kẹn khi giấy phép đã hết hạn vào cuối năm 2020, Sở TN&MT đã tiến hành kiểm tra theo nội dung phản ánh. Kết quả thực tế là công ty tiến hành sửa đường khu vực mỏ khoáng sản thân quặng I và gặp quặng phong hóa tại ta luy dương của đường nên đã tận thu chuyển về bãi tập kết của nhà máy; công ty tiến hành đóng cửa mỏ thân quặng I nhưng chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt. Ngay sau đó, Sở TN&MT đã yêu cầu Công ty Cổ phần Thép An Khang tạm dừng các hoạt động để hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan. Đến khu vực mỏ thân quặng I vào ngày 8-3, phóng viên Báo Quân đội nhân dân ghi nhận mọi hoạt động tại khu vực này đã tạm dừng. Các loại máy móc, cùng phòng làm việc trong khu nhà của ban quản lý đều đã được niêm phong, có bảo vệ trông coi nghiêm ngặt. Khối lượng quặng tận thu vẫn đang được tập kết tại sân trước khu nhà của ban quản lý.

Bà Nguyễn Thị Chung, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Bắc Quang cho biết: “Năm 2021, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra 14 đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn. Mặc dù là địa bàn giáp ranh, có nhiều khó khăn liên quan đến ranh giới cấp phép, song UBND huyện và công an các xã, thị trấn khu vực giáp ranh thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình quản lý, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản nên đã kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, giải tỏa hoạt động khoáng sản trái phép”.

Những vấn đề tiếp tục phải quan tâm, khắc phục

Theo Thanh tra Chính phủ, nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước, UBND tỉnh Hà Giang cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của UBND cấp huyện trong thực hiện giám sát, kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị theo thẩm quyền đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) tại các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn. Cùng với đó là phải nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt các báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT, bản cam kết BVMT; phương án cải tạo phục hồi môi trường bảo đảm nội dung, yêu cầu thực tế công tác BVMT mà dự án phải thực hiện. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; kiến quyết xử lý trường hợp vi phạm theo quy định; tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, kiểm tra có hiệu lực pháp luật.

Khi làm việc với phóng viên tại Sở TN&MT tỉnh Hà Giang, ông Đặng Văn Thủy khẳng định: “Cùng với việc tham mưu giúp UBND tỉnh khắc phục những tồn tại, hạn chế được Thanh tra Chính phủ nêu ra, Sở TN&MT đã kiểm điểm trách nhiệm cá nhân liên quan. Ngoài ra, chúng tôi cũng đôn đốc các chủ dự án thực hiện quy định của pháp luật về ký quỹ cải tạo môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án, lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác, thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong quản lý, cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản”.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ TN&MT cho rằng, những năm qua, tỉnh Hà Giang đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ cấp phép, quản lý, giám sát khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn, nhất là từ khi Luật Khoáng sản năm 2010 cùng các nghị định, quy định, hướng dẫn thực hiện ra đời. Tuy nhiên, để quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên khoáng sản; bảo vệ, cải thiện môi trường như nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, tỉnh Hà Giang cần nghiêm túc và thực hiện tốt hơn nữa các quy định của pháp luật về khai thác, chế biến khoáng sản.

Tại Thông báo kết luật thanh tra số 1167/TB-TTCP, ngày 16-7-2020, Thanh tra Chính phủ đánh giá: Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang đã quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo về BVMT, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, tổ chức thực hiện pháp luật về BVMT trên địa bàn tỉnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản. Từng bước khắc phục những bất cập trong việc triển khai công tác BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản...

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN - VĂN THI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-2-nhung-quyet-dinh-phu-hop-voi-thuc-te-tiep-theo-va-het-657442