Bài 2: Những 'sản phẩm đặc biệt'

Từ trái lựu đạn đầu tiên do công binh xưởng của Anh hùng Ngô Gia Khảm sản xuất, trong các thời kỳ sau này, nhiều nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, cải tiến vũ khí độc đáo của bộ đội ta đã có tác động to lớn, làm kẻ thù khiếp sợ, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường. Đó là những 'sản phẩm đặc biệt' của bàn tay, khối óc những kỹ sư, lính thợ quân giới tài hoa.

Từ quả lựu đạn đầu tiên

Nói đến ngành quân giới là nói tới nhiều tên tuổi lớn, trong đó tiêu biểu là những đồng chí được Đảng và Bác Hồ giao trọng trách gây dựng ngành từ những ngày đầu, như: Nguyễn Ngọc Xuân, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Duy Thái... cũng như các anh hùng của ngành quân giới, như: Ngô Văn Năm, Nguyễn Phúc Đồng, Cao Viết Bảo; trong đó, Ngô Gia Khảm được vinh danh là “Người Anh hùng Lao động số 1”. Tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc tổ chức tại Thái Nguyên năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: “Chúng ta vừa nghe chú Ngô Gia Khảm kể chuyện đúc lựu đạn, chắc là mọi người đều biết bộ đội Giải phóng quân Việt Nam lúc bắt đầu tổ chức chỉ có 12 người. Viên lựu đạn đầu tiên của bộ đội ta do Ngô Gia Khảm đúc. Có thể nói Ngô Gia Khảm đã xây dựng cái binh công xưởng đầu tiên của Quân đội Quốc gia Việt Nam”.

Đại tá Phan Trọng Phan. Ảnh: NGỌC MAI

Đại tá Phan Trọng Phan. Ảnh: NGỌC MAI

Để tìm hiểu về “quả lựu đạn đầu tiên” và “công binh xưởng đầu tiên” của Anh hùng Ngô Gia Khảm, chúng tôi đã đến phố Vĩnh Hưng (Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) tìm gặp Đại tá, cựu chiến binh Phan Trọng Phan. Ông Phan, nguyên Trưởng ban Công đoàn, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP), từng là thư ký của Anh hùng Ngô Gia Khảm, năm nay đã 87 tuổi nhưng vẫn minh tuệ và dí dỏm. Ký ức về người anh hùng vẫn được ông nhắc nhớ đến từng chi tiết. “Anh Khảm là người mẫu mực và rất khiêm tốn. Anh ít khi nói về mình. Chuyện về anh mà tôi còn nhớ đến bây giờ là lúc hành quân hoặc khi cùng đi công tác, hay đời thường thỉnh thoảng vui chuyện anh có kể; còn phần nhiều là do anh em, đồng đội của anh biết và nói với nhau”.

Anh hùng Ngô Gia Khảm quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Khi hoạt động ở quê, do có nghề cơ khí, từng chữa khóa, chữa cân, sửa chữa dao kiếm và một số bộ phận súng hỏng hóc, anh được Đảng giao lập công binh xưởng và sản xuất, chế tạo lựu đạn. Ông Phan cho biết: "Tôi có nghe kể là nhận nhiệm vụ sản xuất, chế tạo lựu đạn, anh Ngô Gia Khảm lo lắm. Anh bảo: Mình là thợ cơ khí, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay đã biết gì về thuốc nổ đâu... Nhưng vì Đảng giao nên phải quyết nhận nhiệm vụ làm lựu đạn. Biết tin, trên cử thêm đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân (sau này là Cục phó Cục Quân giới) về cùng anh làm mìn, lựu đạn".

Thế là Ngô Gia Khảm và Nguyễn Ngọc Xuân bắt tay vào xây dựng công binh xưởng. Trong hồi ký của mình, nhân chứng Nguyễn Ngọc Xuân ghi lại trong sách “Lửa trong rừng sâu” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 1989) như sau: “Công binh xưởng được đặt ở Làng Chè, cách phố phủ Từ Sơn khoảng chừng 5 đến 7 cây số. Ở đó có đồi, cây cối um tùm, kín đáo. Từ ngoài đường cái vào chỉ có một con đường nhỏ quanh co men theo chân đồi, người đi lại thưa thớt. Do vậy có thể giữ được bí mật. Hoặc giả nếu có lộ thì cũng dễ tẩu tán máy móc mà rút chạy”.

Có nguyên liệu, Ngô Gia Khảm và Nguyễn Ngọc Xuân bắt tay vào chế lựu đạn. Suốt ngày anh Xuân hì hục ở trong buồng, đánh vật với mấy loại thuốc, pha pha, chế chế, đập rồi lại đưa lên mũi, ngửi xong lại gí vào mũi Ngô Gia Khảm rồi bảo: "Khảm ngửi xem, đã ra mùi thuốc súng chưa?”.

Lần ra được công thức thuốc nổ thì lại đến chuyện đúc vỏ lựu đạn. Lựu đạn thì cũng chỉ mới trông thấy bọn Nhật nó đeo chứ đã được sờ tận tay đâu? Mấy anh em đang ước có một quả lựu đạn mẫu thì vừa may tự vệ Đình Bảng "xoáy" được một quả “lọ mực” của Nhật đem cho. Ông Xuân ngắm nghía chán rồi nói: "Lựu đạn của nó sản xuất trong nhà máy lớn, tinh vi lắm, khó bắt chước được. Mình nghĩ ra một kiểu riêng để búa tay, lò rèn có thể sản xuất được".

Thuốc nổ có rồi, vỏ có rồi, lại thêm nhiều thứ của những bộ phận phức tạp trong quả lựu đạn. Lúc chuẩn bị lắp lựu đạn thì mới té ra là thiếu sắt tây. Hết chuyện sắt tây lại đến chuyện dây cháy chậm...

Sau hai tháng, quả lựu đạn đầu tiên ra đời. Dáng thon thon hình quả đào, trên khắc nổi hai chữ VM (Việt Minh) nom mê lắm. Lựu đạn làm được rồi nhưng nào biết nó nổ hay xịt. Thế là lại phải thử. Trong hồi ký, Anh hùng Ngô Gia Khảm kể lại: "Lần thứ nhất, toàn xưởng kéo ra rừng xem thử lựu đạn nhưng lần đó bị xịt, tháo ra xem lại thì do hạt nổ chế hỏng. Rút kinh nghiệm xong lại cho thử tiếp quả thứ hai ở gần xưởng... Một tiếng nổ uỳnh như xé tai, khói bốc mù mịt. Mọi người ôm lấy nhau vui sướng. Nhưng lần này, mảnh nổ vẫn còn to quá. Chúng tôi đúc liền hai trái vỏ mới, rãnh sâu và múi cao hơn một chút. Nhồi lắp xong, để tránh địch theo dõi, chúng tôi đưa về Hưng Yên để thử. Đây là lần thử thứ ba trong vòng một tháng. Một đêm trời tối, chúng tôi mò ra giữa cánh đồng thuộc Ngọc Lập, cách Mỹ Hào chừng cây số. Chúng tôi cho nổ cả hai quả. Hai quả nổ rất tốt, tiếng vang to và đanh. Sáng hôm sau, bà con đi chợ, kháo nhau: “Quân ta sắp về. Bom đã nổ thị uy rồi đó”. Ở Mỹ Hào về, chúng tôi bắt tay vào chính thức sản xuất theo kế hoạch. Đường dây liên lạc lên chiến khu đã nối xong. Từng thúng lựu đạn vượt suối, băng rừng lên Việt Bắc...".

Đến những “sản phẩm đặc biệt”

Từ trái lựu đạn đầu tiên do công binh xưởng của Anh hùng Ngô Gia Khảm sản xuất, trong các thời kỳ sau này, nhiều sáng kiến sản xuất, cải tiến vũ khí độc đáo của bộ đội ta đã có tác động to lớn, làm kẻ thù khiếp sợ, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường. Đó là những “sản phẩm đặc biệt” của bàn tay, khối óc những kỹ sư, lính thợ quân giới tài hoa.

Xưởng diêm tiêu thuộc Xưởng hóa chất H52 do Quản đốc Ngô Gia Khảm điều hành trong rừng ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Ảnh tư liệu

Ngay sau khi về nước, kỹ sư Phạm Quang Lễ đã lên xưởng quân giới Giang Tiên ở Thái Nguyên. Tại đây, ông đã cùng các cộng sự nghiên cứu chế tạo súng, đạn chống tăng theo mẫu Bazooka của Mỹ với hai viên đạn dự trữ do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu cung cấp. Sau một thời gian, nhóm nghiên cứu đã chế tạo được những viên đạn và súng Bazooka Việt Nam đầu tiên. Bắn nổ nhưng chưa xuyên.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, yêu cầu cần có loại vũ khí để đối phó với xe tăng, xe bọc thép của Pháp ở các chiến trường càng trở nên bức bách. GS Trần Đại Nghĩa kể trong hồi ký: “Một buổi chiều, có một đồng chí vệ quốc quân từ mặt trận Hà Nội ra, ghé thăm chúng tôi. Đồng chí kể nhiều chuyện nhưng đặc biệt nói tới một mong muốn “giá có một loại súng nào đó mà bắn được xe tăng, xe bọc thép địch”... Suốt đêm đó, tôi không thể nào ngủ được. Hình ảnh những chiến sĩ quyết tử quân ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch để rồi vĩnh viễn nằm xuống đường phố Thủ đô và lời nói xuýt xoa của đồng chí vệ quốc quân cứ ẩn hiện trong tôi và thôi thúc tôi phải nhanh chóng nghiên cứu hoàn chỉnh đạn Bazooka”.

Với quyết tâm đó, Cục trưởng Trần Đại Nghĩa đã đọc kỹ lại toàn bộ lý thuyết, đối chiếu với việc tổ chức chế thử đạn Bazooka. Ông cũng kiểm tra lại toàn bộ công việc tính toán, suy nghĩ về những lần kiểm tra sức công phá của đạn chưa đạt yêu cầu. Ông đã chỉ đạo bộ phận nghiên cứu tháo một viên đạn ra kiểm tra, phát hiện được điều nghi ngờ, từ đó điều chỉnh lại thì đạn đạt sức xuyên phá tốt. Khi ấy là cuối tháng 2-1947. Ông Phạm Văn Gián, thành viên tham gia nghiên cứu và sản xuất đạn Bazooka những ngày ấy từng kể lại: “Đạn thử thành công hôm trước thì khoảng 2 giờ sáng hôm sau, anh Phan Mỹ, Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng đi ô tô đến, dựng anh Nghĩa, anh Xuân dậy, nói là mặt trận Hà Nội đã bị chọc thủng, quân Pháp đang dùng xe tăng, thiết giáp nống ra vùng chùa Trầm theo đường số 6, cần có ngay súng đạn chống tăng để chặn chúng lại. Ngay trong đêm, anh em trong tổ chúng tôi nhanh chóng pha trộn thuốc gợi nổ, nén dê-tô, lắp mồi lửa, hoàn chỉnh được 10 viên đạn và hai khẩu súng để anh Phan Mỹ mang đi trước khi trời sáng”... Ngày hôm đó, Bazooka “made in Vietnam” đã lập chiến công đầu tại mặt trận Trúc Sơn-Chùa Trầm, giáp đường số 6. Viên đạn thứ nhất bắn ra, chiếc xe tăng đi đầu bốc cháy ngùn ngụt, chiếc thứ hai cũng bị đạn bắn hỏng. Sự xuất hiện của Bazooka khiến địch bất ngờ, choáng váng. Cả đoàn xe địch bỏ chạy tán loạn. Chiến công này đã góp phần "bẻ gẫy" cuộc tấn công của địch ra vùng Chương Mỹ, Quốc Oai.

Sau Bazooka, ngành quân giới còn tiếp tục nghiên cứu một loại vũ khí mạnh hơn, có khả năng tiêu diệt các boong ke, lô cốt kiểu mới của địch. Qua một thời gian thực nghiệm, súng đại bác SKZ 60 đã chế thử thành công. Đây là loại vũ khí công đồn nặng khoảng 26kg, có thể tháo rời để mang vác, đầu đạn nặng khoảng 9kg, có thể xuyên thủng bê tông dày trên 60cm, khi bắn ở cự ly tối ưu. SKZ 60 được ứng dụng ngay trên chiến trường và lần đầu lập chiến công xuất sắc, phá tan boong ke kiên cố của giặc Pháp trong chiến thắng ở phố Ràng, chiến thắng phố Lu trong Chiến dịch Lê Hồng Phong cuối năm 1949.

SKZ đã làm giặc Pháp khiếp sợ. Trong cuốn Chiến tranh Đông Dương, xuất bản tại Paris năm 1963, ký giả Lucien Bodart viết: "Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bê tông dày 60cm là những quả đạn SKZ mà người Việt chế tạo trong các hang núi ở Đông Dương. Chỉ cần vài quả là đã tiêu diệt được tháp canh của chúng tôi".

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhiều sáng kiến sản xuất, cải tiến vũ khí tiếp tục phát triển, bao gồm các sản phẩm của quân giới ở chiến trường miền Nam, ở miền Bắc chống chiến tranh phá hoại và hoạt động quân giới bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu biên giới. Tiêu biểu là các sản phẩm cải tiến vũ khí, khí tài phòng không nhằm bắn rơi nhiều máy bay hiện đại của Mỹ, trong đó có pháo đài bay B-52. Đó là cải tiến hỏa tiễn ĐKB thành vũ khí mang vác; cải tiến nối tầng ĐKB; chế tạo thủy lôi APS; cải tiến hỏa tiễn A12 để bộ đội mang vác vào chiến trường, cải tiến dùng động cơ ĐKB mang theo nhiều bộc phá để quét sạch hàng rào kẽm gai nhiều tầng, nhiều lớp. Đó còn là công trình cải tiến hỏa tiễn A72, chế tạo hỏa tiễn bom, sử dụng kính nhìn đêm...

Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng trong ký ức của Trung tướng Phan Thu, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục CNQP và Kinh tế (nay là Tổng cục CNQP) vẫn không thể nào quên những ngày “vạch nhiễu tìm thù” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày đó, ông Phan Thu là Đội trưởng Đội Trinh sát nhiễu (sau là Tiểu đoàn Trinh sát nhiễu) thuộc Bộ Tham mưu, Quân chủng Phòng không-Không quân. “Tôi và đồng chí La Văn Sàng thường mang theo máy chụp ảnh, máy quay phim nhưng không phải để chụp, quay cảnh đạn bay, bom nổ mà là chụp ảnh, quay phim màn hình các loại ra-đa, tên lửa phòng không trong chiến đấu. Đó là chiến trường của đội ngũ cán bộ nghiên cứu nhiễu và chống nhiễu chúng tôi", Trung tướng Phan Thu nói.

Những "phóng viên nhiếp ảnh" của đội nhiễu không chỉ chụp những tấm ảnh nhiễu chân thực mà còn nghiên cứu tìm ra bản chất của từng loại nhiễu, giải thích từng hiện tượng nhiễu. Đây là công việc rất quan trọng vì nó quyết định việc bám sát mục tiêu để đánh không quân địch. Trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972, tuy kỹ thuật chiến tranh điện tử của ta có hạn, song bằng sự thông minh sáng tạo, Bộ đội Phòng không-Không quân với quyết tâm “vạch nhiễu tìm thù” đã nghiên cứu thủ đoạn của địch, các trận đánh trong nhiễu ngày càng hiệu quả, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay Mỹ, trong đó có máy bay chiến lược B-52. “Tôi không thể nào quên những đóng góp thầm lặng của các phòng ban chức năng thuộc quân chủng đã cùng hoạt động với Đội Trinh sát nhiễu, Tiểu đoàn Trinh sát nhiễu, có nhiều sáng kiến, “sản phẩm đặc biệt” tạo nên sức mạnh tổng hợp cùng quân dân Thủ đô và cả nước đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ra miền Bắc. Rất vinh dự và tự hào là cá nhân tôi và Đội Trinh sát nhiễu đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân”, Trung tướng Phan Thu nói.

(còn nữa)

HOÀNG TIẾN - THANH TÚ - MINH TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-cong-nghiep-quoc-phong-75-nam-xay-dung-va-phat-trien/bai-2-nhung-san-pham-dac-biet-632715