Bài 2: Nở hoa trên đất khó

Hành trình khai hoang, phát triển vùng kinh tế mới của những người con miền xuôi nơi vùng đất mới quả là một kỳ tích, bởi từ những gian khó ban đầu, họ đã cùng viết những bài ca hạnh phúc. Với ý chí xây dựng quê hương, đất nước, quyết thắng giặc đói, giặc dốt, họ đã chọn Lào Cai là quê hương thứ hai, gắn bó, đồng cam cộng khổ với người dân bản địa thi đua lao động, sáng tạo, dựng xây mảnh đất biên cương ngày càng phát triển.

60 năm đi theo tiếng gọi của Đảng

“Tây Bắc tiến” xây dựng vùng kinh tế mới, đồng bào các tỉnh miền xuôi lên khai hoang đã sát cánh cùng cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của Lào Cai củng cố chính quyền cơ sở và xây dựng tổ chức Đảng. Trong quá trình ấy, nhiều cán bộ, đảng viên miền xuôi được bổ sung vào đội ngũ cán bộ cơ sở. Sự “hợp nguồn” ấy giúp gắn kết, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm chỉ đạo, lãnh đạo Nhân dân phát triển sản xuất. Tính đến tháng 4/1965, ở 60 xã khai hoang trên địa bàn tỉnh, cán bộ chủ chốt là người miền xuôi chiếm 40%. Trong 75 chi bộ đạt chi bộ “4 tốt” của tỉnh, có 29 chi bộ nông thôn. Hầu hết chi bộ đó thuộc khu vực các hợp tác xã khai hoang. Nhiều cán bộ, đảng viên các tỉnh miền xuôi sau khi đưa đồng bào lên xây dựng quê hương mới ở Lào Cai đã đưa gia đình lên theo và trở thành những hạt nhân, cán bộ chủ chốt của địa phương. Bằng sự nhiệt huyết, nhanh nhạy trong nhận thức, họ đã đưa các phong trào ở quê hương mới đạt nhiều kết quả.

Nhớ lại ký ức những ngày đầu “hợp nguồn” làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân bản địa, ông Lương Ngọc Hoản, một trong những người dân gốc Hải Phòng lên xây dựng kinh tế mới đầu tiên tại xã Bảo Nhai (Bắc Hà) chia sẻ: Năm đó, ruộng nước tuy đã được khai khẩn, nhưng năng suất lúa rất thấp. Chúng tôi xem xét kỹ vấn đề thì do thiếu phân bón. Lúc đó phân bón hóa học chưa có, phân chuồng rất ít do chăn nuôi chưa phát triển. Cuối cùng, các đảng viên dưới xuôi nghĩ ra giải pháp lấy phân xanh từ các loại cây lá trên rừng để ủ bón cho lúa. Đầu tiên, bà con miền ngược không tin, nên chúng tôi phải tiên phong làm trước. Năm đó, có nguồn phân xanh, những ruộng lúa ở Bảo Nhai xanh tốt vượt trội và cho vụ mùa bội thu.

Năm 1964, ông Hoản vinh dự được tặng danh hiệu “Thanh niên Điện Biên - Ấp Bắc” với thành tích vượt chỉ tiêu “tháng phát động làm phân” của đoàn và được công nhận là Kiện tướng đột xuất. Ngày đó, chỉ trong 1 tháng, ông đã lấy được 2.760 kg phân xanh, tức mỗi ngày lấy được gần 1 tạ phân xanh. Ông Hoản cười nói: Đến giờ tôi cũng không hiểu sao năm đó lại lao động hăng say đến vậy. Một thanh niên nhỏ thó, chưa được 50 kg mà mỗi ngày lấy được số phân xanh gấp đôi cân nặng của mình.

Luôn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, ông Hoản được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam và được bầu giữ chức Bí thư Đoàn Thanh niên xã. Phát huy vai trò đảng viên, chàng bí thư đoàn thanh niên Lương Ngọc Hoản luôn hăng hái gây dựng các phong trào. Tổ chức đoàn cơ sở của xã Bảo Nhai ngày ấy có người Kinh ở dưới xuôi lên, người Mông, người Dao bản địa. Tất cả như một, dưới sự chỉ đạo của chàng bí thư trẻ, họ thi đua lao động, sản xuất. Ban ngày thì thi đua khai hoang ruộng nước, phát nương trồng ngô, lấy phân xanh bón ruộng, đêm tối thắp đèn để mở đường giao thông, đào mương thủy lợi.

Ông Lương Xuân Mầu, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai nhớ lại: Cuộc sống xen ghép giữa đồng bào hai miền xuôi, ngược với những phong tục, tập quán canh tác, sinh hoạt khác nhau, nhưng đã hỗ trợ, giúp nhau ổn định cuộc sống, cùng vượt qua khó khăn để vươn lên thoát nghèo. Điển hình như việc người bản địa chia sẻ đất đai, chỉ cho cư dân mới cách làm ruộng bậc thang, trồng ngô, sắn trên nương, cách chặt gỗ, chặt vầu dựng nhà… Còn người miền xuôi chỉ cho người miền ngược cách trồng các giống cây ăn quả mới, việc chuyển đổi canh tác từ trồng lúa nương sang cấy lúa nước giống mới đem lại năng suất cao, phương pháp luân canh, xen canh cây trồng đem lại hiệu quả cao.

Ở khắp các miền quê của Lào Cai ngày ấy, một cuộc “cách mạng” trong sản xuất được sôi nổi thi đua. Đặc biệt, những người dân khai hoang đã dấy lên phong trào hợp tác hóa đi liền với thủy lợi hóa. Cứ nơi đâu có vùng sản xuất, nơi ấy mương thủy lợi được đào đắp, xây dựng, góp phần tưới tiêu cho các cánh đồng thêm trù phú. Nhiều hợp tác xã khai hoang đạt năng suất lúa trên 4,5 tấn/ha, gấp đôi so với tập quán canh tác truyền thống của đồng bào.

Chỉ tính riêng trong 2 năm 1964 - 1965, thực hiện phong trào hợp tác hóa kết hợp với thủy lợi hóa, nhiều công trình trung và tiểu thủy nông được xây dựng. Một loạt công trình thủy lợi, như đập nước Hòa Lạc (Gia Phú), hồ Na Quynh (Bản Phiệt), hệ thống thủy nông các xã Phú Nhuận, Nam Cường (Bảo Thắng), xã Bảo Nhai (Bắc Hà) lần lượt hoàn thành. Lào Cai được Trung ương khen là một trong những tỉnh đã vận dụng đúng phương châm: Thủy lợi nhỏ là chính, trung thủy nông hỗ trợ, thủy lợi đến đâu thì khai hoang ruộng nước ở vùng thấp và ruộng bậc thang ở vùng cao… Một số hợp tác xã như An Trà, An San, Tiên Phong, Đồng Thái không những tự túc được lương thực, mà còn làm nghĩa vụ lương thực, thực phẩm cho Nhà nước. Toàn tỉnh đã thành lập 121 hợp tác xã có đồng bào miền xuôi lên khai hoang, trong đó 71 hợp tác xã khai hoang, 50 hợp tác xã xen ghép. Sự hợp lực giữa cán bộ, đảng viên và Nhân dân miền xuôi đã tạo ra những “đòn bẩy” từng bước đẩy lùi khó khăn trên miền biên ải Lào Cai.

Cùng với diệt giặc đói, phát triển kinh tế, các cán bộ, đảng viên miền xuôi còn chung tay đẩy lùi gặc dốt. Phong trào xóa mù chữ, bổ túc văn hóa được phát động, cuốn hút các xã viên tham gia. Ở các nhà kho hợp tác xã, cứ đêm đêm lại sáng đèn học tập. Phong trào thực hiện nếp sống mới, ăn chín, uống sôi, bỏ cúng bái khi ốm đau, giảm phiền hà khi tổ chức cưới xin, ma chay, thực hiện hòa hợp văn hóa miền xuôi, miền ngược được phát động. Phong trào xóa bỏ cây thuốc phiện, động viên gia đình có người nghiện cùng Nhà nước cai nghiện cho các con nghiện bắt đầu từ hợp tác xã xen ghép dân khai hoang và dân sở tại ở xã Bản Sen (Mường Khương) và xã Bản Qua (Bát Xát), sau đó lan rộng ra các vùng xung quanh…

Xã Xuân Quang (Bảo Thắng) được coi là “thủ phủ” của người miền xuôi, bởi những chuyến xe chở đoàn kinh tế mới cứ ngược Quốc lộ 70 mà đi. Nơi nào thưa vắng dấu chân người, đất đai còn hoang sơ sẽ được bổ sung nguồn nhân lực, phân bổ lao động. Xuân Quang nằm dọc quốc lộ, đất đai bằng phẳng, lại thưa vắng dân cư nên những năm 60 và 70, rất nhiều đoàn khai hoang của các tỉnh miền xuôi đã lên xây dựng vùng kinh tế nơi đây. Được tiếp nhận nhân lực từ miền xuôi, Xuân Quang như được tiếp thêm nhựa sống.

Bản đồ nông nghiệp Xuân Quang được quy hoạch và phân bổ rất hợp lý, vùng đất bằng phẳng được phân cho người dân đến từ Hải Phòng, Thái Bình cấy lúa nước, diện tích đồi hoang thì giao người Hà Nam Ninh khai khẩn trồng dứa. Phát huy truyền thống cần cù, chăm chỉ, vươn lên trong phong ba, bão táp, họ bắt tay vào khai khẩn đất hoang. Những diện tích đất đồi toàn lau lách, cây bụi được thay thế bằng những giống cây mới.

Mấy mươi năm cần mẫn, chắt chiu, sự hợp sức, tương trợ lẫn nhau của người miền ngược và người miền xuôi đã giúp Xuân Quang dần thay da, đổi thịt. Đi khắp đồng đất Xuân Quang hôm nay là sự trù phú, sinh sôi. Xuân Quang hiện là xã "ba nhất" của tỉnh Lào Cai, với thu nhập đầu người cao nhất (hơn 48 triệu đồng/người/năm), thu ngân sách địa phương cao nhất và tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất (3,8%). Ðiều đáng mừng nhất là khí thế thi đua sản xuất, làm giàu của người dân luôn sôi nổi, say mê, chỉ riêng con số tổng dư nợ vay vốn ngân hàng đạt 218 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh đã cho thấy quyết tâm và khát vọng làm giàu của người dân nơi đây thật lớn và hiệu quả. Hơn 60% hộ dân Xuân Quang có nhà biệt thự vườn, với tiện nghi sinh hoạt hiện đại, trên 96% nhà ở đạt chuẩn Bộ Xây dựng. Tháng 7/2021, Xuân Quang được UBND tỉnh công nhận là xã chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Những cây nhãn được gia đình đảng viên Đỗ Văn Thiệp mang lên trồng tại xã Xuân Quang (Bảo Thắng) những năm 70 của thế kỷ trước.

Ngồi giữa ngôi nhà xây khang trang bên cạnh miệt vườn sum suê hoa trái, ông Đỗ Văn Thiệp, một trong những đảng viên dẫn đầu đoàn khai hoang của xã Hồng Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam Ninh) lên khai hoang ở Xuân Quang mấy mươi năm trước, mắt ăm ắp niềm vui: Đúng là kỳ tích, trước đây dẫu có nằm mơ, chúng tôi cũng không thể tưởng tượng nổi quê hương mới có sự phát triển vượt bậc như bây giờ. So với những ngày gian khó ấy, ngày nay nơi đây không khác chốn thần tiên.

Không chỉ có Xuân Quang, Lào Cai còn có rất nhiều miền quê “đáng sống” như thế. Đặc biệt, đến những vùng có người dân gốc từ các miền xuôi lên sinh sống, ta càng cảm nhận được sự khát khao chung tay phát triển. Từ những ngày đầu tiên “đi mở đất” cho đến nay, thế hệ thứ hai, thứ ba của người miền xuôi luôn xung kích đi đầu, gắn kết với người dân bản địa vun đắp “bài ca hy vọng”, để những vùng đất khó được mãi mãi nở hoa.

>> Bài cuối: Như bản hùng ca

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/361149-bai-2-no-hoa-tren-dat-kho