Bài 2: Nơi ít việc để làm

Trong khi những xã đông dân, đội ngũ cán bộ, công chức rất vất vả giải quyết công việc thì ngược lại, ở những xã ít dân, cán bộ, công chức lại rất thảnh thơi vì có ít giao dịch, ít việc để làm. Theo quy định, dù làm ở xã nhiều việc hay ít việc thì mức lương cán bộ, công chức hưởng như nhau, chính điều này đôi khi tạo ra áp lực và sự thiếu công bằng.

Sắp xếp bộ máy chính quyền cấp xã: Chật, rộng “chiếc áo” cơ chế!

>>> Bài 1: Nơi làm không hết việc

Ít dân nên khối lượng công việc của công chức xã Nậm Mả cũng ít.

Nằm ngay sát xã Võ Lao, xã Nậm Mả của huyện Văn Bàn chỉ có vỏn vẹn 2 thôn là Nậm Mả và Nậm Trang, với 248 hộ và 1.338 nhân khẩu; diện tích đất tự nhiên 62.982 ha. So với Võ Lao, xã Nậm Mả có số hộ chỉ bằng 1/14 và số dân bằng 1/10.Theo Nghị định số 34 của Chính phủ, Nậm Mả là xã loại 2 và được bố trí 20 cán bộ, công chức. Trong đó, công chức bao gồm: Tư pháp 1 người, văn phòng 3 người (Văn phòng Đảng ủy, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND), địa chính 2 người, kế toán 2 người, văn hóa - xã hội 1 người, Chỉ huy trưởng quân sự 1 người. Chức danh Trưởng Công an xã đã thực hiện theo Đề án đưa công an chính quy về đảm trách.

Theo thống kê của xã, ngày nhiều nhất địa phương này có khoảng 20 công dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa UBND xã. Mặc dù từ 2 công chức văn hóa - xã hội, đến năm 2020 giảm xuống còn 1 người phụ trách nhưng công việc vẫn được thực hiện trơn tru.

Anh Đào Quang Đồng, công chức địa chính nông - lâm nghiệp của xã cho rằng, công chức địa chính nông - lâm nghiệp thường nhiều việc hơn công chức địa chính xây dựng vì Nậm Mả là xã vùng cao còn nhiều khó khăn, dân số ít nên cả năm mới có vài hộ làm nhà hoặc xây dựng công trình. Với khối lượng công việc như hiện tại, nếu được giao đảm trách cả 2 lĩnh vực (có nghĩa giảm 1 công chức địa chính), anh Đồng vẫn đủ khả năng đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ, tuy nhiên cũng cần tính toán đến chế độ thù lao phù hợp.

Đồng chí Trần Văn Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nậm Mả cũng cho biết, thời gian qua, địa phương có tình trạng một số cán bộ, công chức xã “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, không phải vì lười mà do ít việc để làm. “Với thực trạng hiện nay, bộ máy chính quyền của xã có thể giảm vài cán bộ, công chức mà vẫn đủ khả năng vận hành hiệu quả. Ví dụ 3 công chức văn phòng, 2 công chức địa chính, 2 công chức kế toán chỉ cần 1 công chức đối với mỗi lĩnh vực là phù hợp. Quan trọng là chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức phải thực sự nâng cao”.

Việc sát nhập các xã, thôn là tất yếu trong điều kiện thuận lợi về giao thông, con người cho phép hiện nay.

Một so sánh khác cho thấy rõ hơn nghịch lý và sự khập khiễng từ việc quy định cứng số lượng cán bộ, công chức cấp xã. Xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) có thôn Bảo Nhai đông dân nhất với 230 hộ (chỉ kém xã Nậm Mả của huyện Văn Bàn 18 hộ). Thực hiện Nghị quyết số 14 ngày 24/4/2019 của HĐND tỉnh, 3 người đảm nhiệm 7 chức danh ở thôn, như vậy, thôn Bảo Nhai chỉ có 3 người quản lý số dân khá lớn, trong khi đó cả bộ máy cấp xã Nậm Mả với 20 người, cộng thêm 6 cán bộ thôn chỉ quản lý nhiều hơn thôn Bảo Nhai 18 hộ. Tất nhiên, chức năng, nhiệm vụ của cán bộ thôn và cán bộ, công chức xã khác nhau, nhưng phép so sánh trên cho thấy rõ hơn sự rộng, chật của “chiếc áo” cơ chế đối với số lượng cán bộ, công chức cấp xã. Đôi khi quy mô quản lý chỉ nhỉnh hơn cấp thôn không đáng kể, vậy nhưng ngân sách để hoạt động cho cả bộ máy ấy lại cao hơn nhiều lần so với mức phụ cấp của cán bộ thôn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ ở xã Nậm Mả, huyện Văn Bàn, mà tại nhiều xã của các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh cũng đang diễn ra tình trạng cán bộ, công chức ít việc để làm. Đồng chí Hà Huy Giám, Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện Bảo Yên nhận định: Rõ ràng quy định cứng về số lượng cán bộ, công chức cho mỗi xã đã dẫn đến sự thiếu công bằng trong khối lượng công việc phải đảm trách của mỗi cán bộ, công chức giữa các xã trong huyện và trong tỉnh.

Ví như xã Yên Sơn, huyện Bảo Yên (có 7 thôn với 628 hộ, 2.558 khẩu) được bố trí 18 cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền, đoàn thể. Đại diện lãnh đạo xã cho biết, nếu buộc phải giảm số lượng cán bộ, công chức, địa phương vẫn đảm bảo được khối lượng công việc.

Ngay tại huyện Bát Xát, địa phương cũng đã nhận thấy rõ bất cập này. Một lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện cho rằng: Căn cứ vào việc phân loại xã để sắp xếp biên chế theo quy định thì cùng một loại xã sẽ được bố trí số lượng công chức như nhau.

Như thế, đội ngũ cán bộ, công chức làm việc ở xã có nhiều thôn, tổ dân phố, đông dân sẽ có nhiều áp lực hơn trong quản lý, thực hiện nhiệm vụ so với xã ít dân, ít thôn.

Xã Y Tý, huyện Bát Xát đang là địa phương có nhiều dự án lớn được triển khai nên nhu cầu về cán bộ đang đặt ra hết sức bức thiết.

Có thể kể ra hàng loạt xã có dân số rất ít ở các huyện, thị xã trong tỉnh như Nậm Xé, huyện Văn Bàn với 1.259 người; xã Cốc Lầu, xã Bản Cái của huyện Bắc Hà; bình quân các xã, thị trấn của huyện Si Ma Cai chỉ có hơn 3.800 người… nhưng tất cả đều được bố trí 8 cán bộ, công chức trở lên. Điều hiển nhiên là nơi ít dân sẽ ít giao dịch và cán bộ, công chức ít việc phải làm dẫn đến lãng phí về nguồn nhân lực. Trong khi đó, có những xã cán bộ, công chức phải “căng” mình làm nhiệm vụ bởi khối lượng công việc lớn.

Đồng chí Trần Ngọc Phú, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Bắc Hà chỉ rõ: Nếu để huyện tự phân bổ số lượng cán bộ, công chức các xã dựa trên tiêu chí và đặc thù mỗi địa phương sẽ tạo được sự linh hoạt trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân. Chẳng hạn, thời gian này, xã Bảo Nhai đang cần tập trung quản lý lĩnh vực xây dựng, đất đai để thực hiện lộ trình trở thành đô thị loại 5 thì huyện sẽ căn cứ tình hình cụ thể để tăng cường công chức địa chính xây dựng - đất đai đến địa phương này làm việc. Nghĩa là, căn cứ vào nhiệm vụ thực tế của từng xã, thời điểm nào cần công chức lĩnh vực gì thì huyện phân bổ hợp lý để sử dụng và phát huy hiệu quả hơn đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/348271-bai-2-noi-it-viec-de-lam