Bài 2: Nỗi niềm nghệ nhân như 'tằm nhả tơ'...

Công nhận và phong tặng danh hiệu cao quý cho các nghệ nhân nắm giữ vốn di sản nhằm tôn vinh công lao những 'Báu vật nhân văn sống', đồng thời đề cao nhận thức về vai trò, vị trí của các nghệ nhân trong gìn giữ và phát huy giá trị di sản được thực hiện từ Trung ương tới địa phương. Tuy nhiên đang có không ít bất cập.

Giảm nhiệt tình của nghệ nhân

GS, TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, ông chưa đồng tình với cách vinh danh và chế độ đãi ngộ nghệ nhân của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo Giáo sư, cách tính định lượng phải đủ thực hành 15 năm được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) rồi 5 năm sau có thành tích mới thì mới được phong tặng Nghệ nhân Nhân dân (NNND) là sự vô lý hết sức. Thêm nữa, sự chậm trễ trong quá trình xây dựng và triển khai phong tặng danh hiệu, trong khi các nghệ nhân đều tuổi cao, sức yếu. Hiện nay, có những loại hình di sản không còn nghệ nhân nào. Ví dụ như hát xẩm, nếu nghệ nhân Hà Thị Cầu mất đi, loại hình này không còn nghệ nhân, rất may có một số bạn trẻ đã kịp thời tìm đến cụ để học hát. Hay như "đệ nhất danh cầm đàn đáy" Nguyễn Phú Đẹ, ca nương Nguyễn Thị Chúc… đều đã ra đi và để lại khoảng trống thiếu hụt đội ngũ kế cận. Họ cũng từng gieo hy vọng, rằng cả cuộc đời cống hiến, bảo tồn, truyền dạy di sản thì cuối đời cũng được đền đáp. Nhưng họ đã không đợi được.

 Nghệ nhân Nhân dân Hà Văn Thuấn luôn say sưa truyền dạy đàn tính, hát then cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Nhân dân Hà Văn Thuấn luôn say sưa truyền dạy đàn tính, hát then cho thế hệ trẻ.

Theo thống kê, hiện có hơn 75% nghệ nhân ở độ tuổi nghỉ hưu, hơn 60% sinh sống gắn với nông nghiệp, phần lớn không có chế độ hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Do đó, dù họ đã được vinh danh, phong tặng danh hiệu NNND hay NNƯT nhưng vẫn phải kiếm sống, mưu sinh, vừa gánh vác trọng trách gìn giữ, phát huy di sản dân tộc. NNND hát then Hà Văn Thuấn ở xã Tân An (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) năm nay 80 tuổi vẫn làm những công việc chính của nhà nông để sinh sống, nhưng tuần nào cũng dành 2-3 buổi truyền dạy nghệ thuật hát then, đàn tính cho các thế hệ trong huyện và các vùng lân cận. Hầu hết các buổi truyền dạy không có kinh phí, thi thoảng thực hiện thu âm, ghi hình của các cơ quan văn hóa thì có chút ít, gọi là “bồi dưỡng để nghệ nhân uống nước, đi đường”. “Di sản của cha ông thì mình có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ, trình diễn cho đến lúc nào yếu, mất thì thôi. Nếu cứ tính được trả bao nhiêu mới hát, mới đàn thì tôi đã bỏ từ lâu rồi”, NNND Hà Văn Thuấn bày tỏ.

Bất cập nữa, theo GS, TSKH Tô Ngọc Thanh, là chế độ đãi ngộ. Theo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ, thu nhập hằng tháng dưới mức lương cơ sở thì mới được nhận hỗ trợ. Nếu theo quy định này, rất ít nghệ nhân được nhận trợ cấp. Trong khi đó, thu nhập của họ không đủ trang trải sinh hoạt, phần lớn nghệ nhân tuổi cao, sức yếu, hay bệnh tật. Vì vậy, số người được hưởng không nhiều.

Nỗi buồn ai tỏ

Nghệ nhân Bạch Vân ngồi trong đình Kim Ngân ngao ngán nhìn ra cửa đình, một bên là hàng thịt nướng khói mù mịt, một bên là đám đông lố nhố quần ngắn áo cộc đứng so kết quả xổ số, thi thoảng lại có tiếng chửi thề. Ngày cuối tuần mà đến giờ diễn (20 giờ) chỉ có hai vị khách.

Sau khi ca trù được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, ca nương đã hồ hởi đón tin vui, rồi hội tụ nhau mở các phường hát, truyền dạy. Ngoài duy trì CLB ca trù Bích Câu đạo quán trên phố Cát Linh hơn 20 năm, trước cả khi ca trù được vinh danh, Nghệ nhân Bạch Vân được Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tạo điều kiện cho mở chiếu hát ở đình Kim Ngân, cách đó không xa là chiếu hát của ca nương Phạm Thị Huệ ở đền Bát Đế. Những ngày đầu hậu vinh danh, buổi hát ca trù khách ra vào tấp nập, nhiều nhà không có truyền thống nghệ thuật ca trù cũng đưa con đến xin được học hát. Hàng loạt các hoạt động liên hoan, trình diễn, ra mắt phường hát, CLB ca trù rầm rộ được báo đài Trung ương, địa phương quan tâm tuyên truyền rộng rãi. Vậy mà nay, loại hình âm nhạc truyền thống cao quý bậc nhất dường như rơi vào quên lãng. Nghệ nhân Bạch Vân cho hay, Ban Quản lý phố cổ đã có thông báo thu lại đình Kim Ngân, bởi mỗi tối diễn chỉ 2-4 khách (vé chỉ 200.000 đồng/khách), tiền thu không đủ chi điện nước mỗi tối vận hành 1 triệu đồng.

Cầm cặp phách trên tay, nghệ nhân Bạch Vân ca lên khúc nhạc quen thuộc “Hồng hồng tuyết tuyết”, nghe sao mà trống vắng, buồn tênh.

Sau đợt phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT lĩnh vực DSVHPVT lần thứ hai, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số nghệ nhân được vinh danh với 83 nghệ nhân. Đây là vinh dự, tự hào, đồng thời là thách thức không nhỏ cho Thủ đô trong việc hỗ trợ nghệ nhân gìn giữ, trao truyền di sản. Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội: Hiện Thủ đô Hà Nội sở hữu nguồn tài nguyên di sản phong phú và đồ sộ nhất cả nước. Cùng với gần 6.000 di tích lịch sử, văn hóa, Hà Nội còn có gần 1.800 DSVHPVT ở nhiều loại hình: Ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian… Dù hiện thực hóa được chủ trương, chính sách đãi ngộ nghệ nhân sẽ còn là cả một quãng thời gian, song việc vinh danh, trao tặng các danh hiệu tới nghệ nhân là động lực tiếp thêm tinh thần, nhiệt huyết cho nghệ nhân gắn bó với DSVH.

Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) cho rằng, Hà Nội là Thủ đô của cả nước và đang có rất nhiều không gian để DSVHPVT có thể phát huy giá trị, tạo nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhưng đến nay vẫn chưa có một mô hình bài bản, ấn tượng. “Tôi từng được nghe lời hứa của lãnh đạo ngành văn hóa Hà Nội trước một hội nghị có sự hiện diện của lãnh đạo Nhà nước và rất đông đại biểu quốc tế, từ năm 2016 cơ, về một không gian diễn xướng đúng giá trị của ca trù, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu cả”, PGS Đặng Hoành Loan nói.

BOX: “Các nghệ nhân lần lượt ra đi, chúng tôi đau lắm. Trong hơn 100 loại hình DSVHPVT trên bờ vực mai một mà chúng tôi sưu tầm, phục dựng được đều nhờ công sức của nghệ nhân. Qua đó thấy rằng, khi chưa có chính sách, chế độ thì những nghệ nhân đã ý thức rất rõ những giá trị di sản nên dành thời gian, dành cả cuộc đời để gìn giữ, sáng tạo vốn quý đó. Vậy mà xét tặng danh hiệu lại đi áp thành tích của nghệ thuật chuyên nghiệp sang nghệ thuật dân gian. Ứng xử như thế vô hình trung làm giảm nhiệt tình của nghệ nhân.” (GS, TSKH Tô Ngọc Thanh)

(còn nữa)

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bai-2-noi-niem-nghe-nhan-nhu-tam-nha-to-583660