Bài 2: Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài chính công đoàn (Tiếp theo và hết)

Những năm qua, công tác tài chính công đoàn (TCCĐ) trong quân đội được cấp ủy, chỉ huy và các cấp công đoàn trong quân đội thực hiện đúng theo quy định. Tuy nhiên, một số tổ chức công đoàn chưa quan tâm, coi trọng công tác tài chính, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả phong trào công nhân và hoạt động công đoàn ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong quân đội.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, công tác quản lý, chi tiêu TCCĐ ở nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong quân đội được thực hiện đúng mục đích, yêu cầu và bảo đảm nguyên tắc, đáp ứng các hoạt động của công đoàn. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp quân đội do sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, việc làm, thu nhập của người lao động (NLĐ) không ổn định, doanh nghiệp đang triển khai thực hiện cổ phần hóa, chờ thoái vốn... nhiều năm liền không nộp kinh phí, đoàn phí. Điều này đã được lãnh đạo Ban Công đoàn Quốc phòng (CĐQP) nêu ra tại Tọa đàm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong quân đội 5 năm, 2018-2023” và nhận được sự đồng tình của các đại biểu.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến tham luận còn băn khoăn với những hạn chế trong quản lý, sử dụng TCCĐ, nổi lên là: Một số tổ chức công đoàn chưa quan tâm, coi trọng công tác quản lý tài chính; tiếp nhận, xử lý, nghiên cứu các văn bản hướng dẫn về quản lý TCCĐ chưa thường xuyên; công tác tham mưu đề xuất về sử dụng tài chính còn lúng túng, hiệu quả thấp. Việc phối hợp giữa tổ chức công đoàn với cơ quan tài chính, tổ chức lao động tiền lương cùng cấp còn lỏng lẻo, thiếu gắn kết nên việc thực hiện dự toán, thanh quyết toán nguồn kinh phí, đoàn phí công đoàn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số cán bộ làm công tác công đoàn chưa chủ động trong xây dựng kế hoạch hoạt động và xây dựng dự toán TCCĐ...

Lãnh đạo Ban CĐQP cho rằng, về khách quan, do cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS) chủ yếu kiêm nhiệm, việc đầu tư thời gian cho hoạt động công đoàn chưa nhiều. Ở một số đơn vị, cán bộ làm công tác công đoàn thiếu ổn định do thay đổi, chuyển vị trí công tác. Nguyên nhân chủ quan do vai trò, trách nhiệm của một số cán bộ công đoàn chưa cao, chưa tâm huyết với công việc; chưa dành thời gian nghiên cứu, cập nhật các văn bản, hướng dẫn của trên về quản lý tài chính. Cá biệt có cán bộ công đoàn còn dễ dãi, thiếu trách nhiệm trong thực hiện các quy định về quản lý TCCĐ. Ban chấp hành công đoàn một số đơn vị, doanh nghiệp đơn giản trong xây dựng kế hoạch hoạt động, trong lập dự toán, tổ chức thực hiện và báo cáo quyết toán TCCĐ. Việc nắm và báo cáo số lượng đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ), NLĐ của đơn vị, doanh nghiệp chưa chính xác, gây khó khăn trong tổng hợp báo cáo, xây dựng dự toán thu TCCĐ và phân cấp quản lý ngân sách công đoàn hằng năm. Do những hạn chế trên nên phong trào công nhân và hoạt động công đoàn ở một số đơn vị, doanh nghiệp giảm sút, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động công đoàn trong toàn quân.

Theo Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết về “Công tác tài chính công đoàn trong tình hình mới” của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam (khóa XI): TCCĐ là một bộ phận của hệ thống tài chính nhà nước. TCCĐ gồm các nguồn thu: Đoàn phí do ĐVCĐ đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ; ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ; nguồn thu khác từ các hoạt động văn hóa, thể thao, viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước...

TCCĐ trong quân đội được quản lý trong hệ thống tài chính quân đội theo quy định của Điều lệ Công tác tài chính Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng thời chấp hành, thực hiện các quy định của Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghị định của Chính phủ; nghị quyết, quyết định, hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam về quản lý, sử dụng TCCĐ. Đối với Ban CĐQP, TCCĐ được sự quản lý, chỉ đạo song trùng của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Quốc phòng. Với công đoàn cấp trên cơ sở và CĐCS trong quân đội, TCCĐ được quản lý thông qua hệ thống quản lý của cơ quan tài chính đơn vị cùng cấp. Tổ chức công đoàn các cấp trong quân đội phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp tổ chức quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả nguồn lực TCCĐ theo đúng quy định của công đoàn cấp trên.

Để quản lý, sử dụng hiệu quả TCCĐ, theo lãnh đạo Ban CĐQP: Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quân đội có tổ chức công đoàn cần có chủ trương, biện pháp bảo đảm nguồn thu kinh phí, đoàn phí công đoàn theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát TCCĐ, nhất là ở các CĐCS, kịp thời chấn chỉnh bất cập, thiếu sót, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn kinh phí cho các hoạt động của công đoàn.

Ban CĐQP cần làm tốt công tác tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị phân cấp quản lý TCCĐ đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, gắn với giao trách nhiệm cho từng cấp công đoàn trong quản lý, sử dụng, thu nộp TCCĐ bảo đảm đúng nguyên tắc, an toàn, hiệu quả. Chú trọng tham mưu tổ chức tập huấn về TCCĐ, giúp cán bộ CĐCS nâng cao kiến thức, thông tin, phương pháp quản lý tài chính. Hoạt động TCCĐ hướng đến bảo đảm tốt kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ; tổ chức phong trào thi đua; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cho NLĐ; thăm hỏi, trợ cấp cho ĐVCĐ và NLĐ khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn...

Thời gian tới, Ban CĐQP và các cấp công đoàn trong toàn quân cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn, xây dựng phần mềm thu kinh phí công đoàn của khối doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác phân công cán bộ và hướng dẫn nghiệp vụ tài chính kế toán của công đoàn cấp trên đối với công đoàn cấp dưới. Thực hiện nghiêm quy định xử phạt, kỷ luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm kỷ luật tài chính, để thất thu kinh phí, đoàn phí công đoàn, sử dụng tài chính không hiệu quả, lãng phí. Có như vậy, công tác TCCĐ mới phục vụ tốt hơn nhu cầu chính đáng của ĐVCĐ, NLĐ; là động lực thúc đẩy mạnh mẽ phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong quân đội.

QUANG THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bai-2-quan-ly-chat-che-su-dung-hieu-qua-tai-chinh-cong-doan-tiep-theo-va-het-555190