Bài 2: Sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống

Ngoài thời gian ở thao trường, bãi tập, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội còn phát huy vai trò nòng cốt, chủ động trong phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Với việc triển khai đồng bộ các biện pháp và lực lượng, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống xảy ra, lực lượng vũ trang Thủ đô đã thực hiện tốt nhiệm vụ 'Chiến đấu trong thời bình', được nhân dân yêu quý, tin tưởng.

Giúp dân giảm nhẹ thảm họa

Cuối tháng 7-2018, hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn khiến nhiều địa phương ngập lụt nặng nề. Lũ dâng cao gây tràn một số tuyến đê sông Tích, sông Bùi chảy qua địa phận huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, đe dọa cuộc sống của hàng vạn hộ dân. Tại xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), nhiều ngôi nhà bị ngập sâu, người dân phải sơ tán.

Trước tình hình trên, Sư đoàn 301 (Bộ Tư lệnh Thủ đô), Trung đoàn 64 (Quân chủng Phòng không - Không quân), Trường Sĩ quan Đặc công, Ban Chỉ huy quân sự huyện Chương Mỹ đã cử 600 cán bộ, chiến sĩ và nhiều phương tiện tới những tuyến đê xung yếu, cùng lực lượng tại chỗ ngăn nước tràn thân đê; giúp dân di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn.

Ông Nguyễn Tự Quân, thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ) nhớ lại: "Thôn Tiến Tiên ngập sâu, khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân bị đảo lộn. Trong thời gian “sống chung” với lũ, các gia đình đều được hỗ trợ về lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu, nên không ai bị thiếu đói"…

Vụ việc trên chỉ là một ví dụ cho thấy sự chủ động phối hợp của Bộ Tư lệnh Thủ đô trong công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Trước đó, nhiều lần lực lượng vũ trang Thủ đô đã ứng cứu kịp thời khi có thiên tai, hỏa hoạn. Điển hình như khi xảy ra hỏa hoạn tại phố Đại Linh (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) vào tháng 7-2019, lực lượng vũ trang Thủ đô cũng kịp thời huy động phương tiện và khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy và khắc phục hậu quả.

Đại tá Nguyễn Đức Hạnh, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 301 chia sẻ: “Là đơn vị chủ lực của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nên sư đoàn luôn sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn và nhiều lần giúp dân khi có sự cố xảy ra”. Điển hình, đơn vị đã tham gia khắc phục sự cố nước tràn đê thuộc xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) năm 2016; xử lý sự cố cá chết tại Hồ Tây năm 2017; khắc phục hậu quả mưa bão làm đổ cây, sập nhà năm 2018...

Ngoài ra, với việc duy trì nghiêm chế độ trực quan sát 24/24 giờ, nhiều lần sư đoàn kịp thời phát hiện các vụ cháy, nổ và tổ chức lực lượng tham gia khắc phục hậu quả, để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân...

Với kinh nghiệm nhiều năm thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, Ban Chỉ huy quân sự quận Hoàng Mai đã có nhiều biện pháp chủ động ứng phó thiên tai. Chứng kiến buổi tập luyện lái xuồng cho đội xung kích của Ban Chỉ huy quân sự quận tại Cảng Khuyến Lương mới thấy được tinh thần quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ đơn vị.

Đại úy Nguyễn Huy Hoàng, Trợ lý Trinh sát Quân báo kiêm công tác cứu hộ, cứu nạn của Ban Chỉ huy quân sự quận nhấn mạnh: “Hoàng Mai có 2 điểm xung yếu là đê Bùng (phường Lĩnh Nam) và Trạm bơm Yên Sở (phường Yên Sở) thường bị ngập úng khi có mưa lớn. Để chủ động ứng phó, Ban Chỉ huy quân sự quận tổ chức huấn luyện cho đội xung kích của quận và lực lượng tìm kiếm cứu nạn thuần thục kỹ năng để khi có tình huống xảy ra, các lực lượng cơ động thực hiện nhiệm vụ được ngay”.

Luôn xác định vai trò nòng cốt

Theo Trung tá Đỗ Xuân Chi, Trưởng ban Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội), để chủ động trước mọi tình huống, hằng năm, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn chỉ đạo các đơn vị bổ sung kế hoạch, phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn có thể xảy ra.

Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Thủ đô còn phối hợp với các sở, ngành tổ chức kiểm tra, rà soát các trọng điểm, điểm xung yếu về đê, kè, hồ, đập trước mùa mưa bão. Ban Chỉ huy quân sự các quận, huyện, thị xã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương hiệp đồng chặt chẽ với cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè, trạm bơm, hồ, đập và các công trình có nguy cơ sập đổ.

Thiếu tướng Bùi Trọng Quỳnh, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh: “Để công tác cứu hộ, cứu nạn đạt kết quả cao, hằng năm, Bộ Tư lệnh Thủ đô còn thực hiện nghiêm kế hoạch huấn luyện nghiệp vụ cứu hộ, cứu nạn cho các đơn vị; chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ khi có lệnh”.

Ngoài ra, xác định tầm quan trọng của công tác cứu hộ, cứu nạn nên Ban Chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội năm 2019 đã đưa phần thực binh phòng thủ dân sự vào diễn tập. Lần diễn tập này nhằm nâng cao năng lực chỉ huy, hiệp đồng của cán bộ các cấp nhằm kiểm nghiệm, đánh giá kết quả huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang; khả năng bảo đảm, tham gia ứng phó của các sở, ngành, địa phương với thảm họa, sự cố thiên tai…

Xác định quyết tâm chủ động vượt khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội còn thực hiện tốt chế độ ứng trực, bảo đảm cơ chế điều hành, ứng phó, xử lý các sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; kiện toàn biên chế, lực lượng cứu hộ, cứu nạn các cấp. Các lực lượng kiêm nhiệm như: Tiểu đoàn Công binh 544, Đại đội Phòng cháy, chữa cháy - Phòng hóa được huấn luyện theo hướng chuyên sâu để làm chủ trang bị, phương tiện tiên tiến, hiện đại.

Với tinh thần “Vì nhân dân quên mình” và phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ), 5 năm qua (2014-2019), Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã huy động gần 70.000 lượt cán bộ, chiến sĩ; hơn 4.200 lượt phương tiện để khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý sự cố trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Sự hỗ trợ kịp thời của lực lượng vũ trang Thủ đô đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá cao.

(Còn nữa)

Nguyên Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/953420/bai-2-san-sang-ung-pho-voi-moi-tinh-huong