Bài 2: Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) cho ra đời nền tảng kỹ thuật công nghệ số hiện đại với khả năng tự động hóa hoàn chỉnh, tích hợp tất cả công nghệ thông minh. Bước nhảy vọt này đặt ra những yêu cầu mới về kỹ năng của người lao động. Do đó, CMCN 4.0 đã đặt ra cho giáo dục đại học nhiều cơ hội và thách thức mới.

Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trình độ cao

Nhận định đây là giai đoạn tiếp cận với CMCN 4.0, nhiều học viện, nhà trường quân đội (HVNTQĐ) đã chủ động khảo sát, đánh giá đúng vị trí và năng lực của nhà trường để từ đó xây dựng kế hoạch với lộ trình, bước đi phù hợp. Trong đó, vấn đề cơ bản được nhiều trường đề cập đến là công tác xây dựng đội ngũ cán bộ (ĐNCB). Đây là nhân tố quyết định bởi “nhà trường thông minh” phải có con người thông minh; vũ khí, khí tài hiện đại phải có con người có tri thức toàn diện, nhất là về khoa học công nghệ (KHCN) và có kỹ năng quản lý tốt.

Để tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, các nhà trường quân đội đã tích cực, chủ động tạo nguồn phục vụ nhiệm vụ giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), bồi dưỡng ĐNCB trình độ cao, chuyên gia đầu ngành. Việc tuyển chọn cán bộ đi đào tạo chuyên ngành về KHCN mới trong và ngoài nước được thực hiện tích cực. Các nhà trường cũng đẩy mạnh đào tạo tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành về khoa học quân sự, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin (CNTT)…

Đáp ứng yêu cầu trên, Học viện Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã và đang đầu tư đào tạo, bồi dưỡng để hình thành ĐNCB, giảng viên có năng lực vượt trội, năng động, sáng tạo để ứng dụng thành tựu công nghệ hiện đại của cuộc CMCN 4.0 vào công tác quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học (NCKH). “Học viện đang đẩy mạnh đào tạo cán bộ trình độ sau đại học, chuyên gia đầu ngành; khuyến khích, động viên cán bộ, giảng viên chủ động khai thác các chương trình đào tạo sau đại học của nước ngoài bằng nguồn kinh phí của Nhà nước. Thực hiện đổi mới mang tính “cách mạng” về phương pháp dạy và học (trên nền ứng dụng CNTT, công nghệ mô phỏng) để nâng cao chất lượng GD&ĐT”, Đại tá, Thạc sĩ Trần Trọng Thủy, Phó trưởng phòng Khoa học quân sự, Học viện PK-KQ chia sẻ.

Giáo dục đại học chất lượng cao phải đi liền với xây dựng đại học nghiên cứu, đây là cơ sở vững chắc để đón bắt công nghệ mới, phục vụ xây dựng quân đội. Bởi chỉ có đại học nghiên cứu mới hội tụ đủ yếu tố để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân đội, có thể làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật. Do đó, cần phải có kế hoạch rõ ràng, có sự đầu tư tương xứng để phát triển một số học viện, nhà trường trọng điểm thành đại học nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh CMCN 4.0. Trao đổi về vấn đề này, Đại tá, PGS, TS Lê Minh Thái, Phó giám đốc Học viện KTQS đề xuất: "Trước mắt, các nhà trường quân đội cần tập trung xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực, theo các hướng học thuật phục vụ các chương trình trọng điểm và các hướng hiện đại hóa quân đội. Tiếp theo là không ngừng hoàn thiện, đổi mới, điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo theo hướng tích hợp, liên ngành, bám sát sự phát triển của KHCN, sự phát triển của lý luận tác chiến và vũ khí, trang bị kỹ thuật... để cải tiến nội dung, chương trình đào tạo".

Đầu tư đồng bộ, chỉ đạo tập trung, thống nhất

Xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT đồng bộ là một trong những nội dung quan trọng của nhà trường thông minh, bao gồm tổng thể trang thiết bị CNTT và hệ thống kết nối. Hiện nay, các học viện, nhà trường trong toàn quân đã từng bước triển khai nhiều trang thiết bị CNTT phục vụ giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí đầu tư còn hạn hẹp, chưa đồng bộ, chưa có hệ thống quản lý chuyên dụng, phương pháp quản lý còn mang tính thủ công, nên tốc độ xử lý thông tin chậm, tốn nhiều nhân lực, chất lượng và hiệu quả quản lý chưa cao. Chính vì vậy, để xây dựng nhà trường thông minh, việc đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa nền tảng CNTT của mỗi nhà trường và liên kết trong hệ thống nhà trường và toàn quân là một trong những nhiệm vụ cần chú trọng, ưu tiên trong thời gian tới.

Với nhận thức sâu sắc về việc tận dụng cơ hội của sự phát triển CMCN 4.0 đối với công tác GD&ĐT, NCKH, tại một số nhà trường, như: Học viện KTQS, Học viện Quân y, Học viện Hậu cần, Học viện PK-KQ... có bước tiến đáng kể về trình độ ngoại ngữ và ứng dụng CNTT phục vụ công tác giảng dạy và NCKH... Tuy nhiên, cũng còn những trường hiện chưa có hướng dẫn cụ thể việc triển khai các nội dung liên quan đến cuộc CMCN 4.0 và kế hoạch xây dựng nhà trường thông minh. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trang bị, các mặt bảo đảm cho GD&ĐT còn ở mức khiêm tốn; hệ thống mạng, máy tính trạm thuộc cơ sở hạ tầng của nhiều trường đã xuống cấp và lạc hậu so với sự phát triển về công nghệ hiện nay sau nhiều năm khai thác, sử dụng; trình độ ngoại ngữ và ứng dụng CNTT của ĐNCB chưa đồng đều...

Đại tá, TS Tạ Văn Trung, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện PK-KQ, cho biết: "Có những hoạt động đã tiếp cận công nghệ 4.0, như: Thiết bị giảng dạy vũ khí, khí tài trang bị mới đều là số hóa, ở thế hệ 4+, hoặc 5. Tuy nhiên, hiện việc khai thác mới chỉ đạt mức độ nhất định, bởi muốn khai thác hết công năng, phải có sự đầu tư đồng bộ. Hiện tại, trong các HVNTQĐ chưa có phòng học thông minh nào đạt chuẩn, mới chỉ dừng lại ở mức độ tiếp cận, đánh giá để đề xuất đầu tư theo từng giai đoạn".

Xu thế tiếp cận cuộc CMCN 4.0 trong các học viện, nhà trường là tất yếu, nhưng để triển khai hiệu quả, theo Thiếu tướng, GS, TS Phạm Đức Dũng, Giám đốc Học viện Hậu cần: Phải có nhiều biện pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng từ con người đến cơ sở vật chất. Các chương trình tin học, ngoại ngữ cần có sự điều chỉnh để đạt chuẩn. “Tuy nhiên, có những vấn đề các trường không thể tự mình giải quyết được, bởi nguồn kinh phí còn hạn hẹp và do tính đặc thù của nhà trường quân đội. Chẳng hạn, để khắc phục khó khăn trong việc dạy và học ngoại ngữ, cơ quan chức năng cần tham mưu với trên đầu tư xây dựng một phần mềm dùng chung cho các nhà trường quân đội; hoặc cần phát triển ứng dụng công nghệ mô phỏng, giúp học viên tương tác, thực hành ngoại ngữ như trong môi trường thật thì việc nâng cao chất lượng cán bộ sẽ đạt những bước tiến đáng kể...”, Thiếu tướng, GS, TS Phạm Đức Dũng đề xuất.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy, những hoạt động ứng dụng KHCN trong giảng dạy của các trường hiện nay chính là bước đi đầu tiên tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Vì vậy giai đoạn hiện nay cần tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo tập trung, thống nhất từ bộ đến cơ sở. Quá trình triển khai cần đầu tư nguồn lực hợp lý và chọn những đơn có vị tiềm năng làm điểm, rút kinh nghiệm, từ đó phát triển rộng rãi trong hệ thống nhà trường quân đội. Việc đầu tư nguồn lực phải tập trung và cân đối cả "phần cứng" và "phần mềm" của khoa học kỹ thuật công nghệ, trong đó ưu tiên xây dựng các phần mềm dùng chung giữa các học viện, nhà trường, để tránh chồng chéo trong đầu tư, tiết kiệm thời gian, công sức và kinh phí.

DUY ĐÔNG - THU HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bai-2-tan-dung-co-hoi-vuot-qua-thach-thuc-549072