Bài 2: Tạo môi trường dân chủ giữa người dân với cấp ủy, chính quyền

Không chỉ nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân để từ đó có những quyết sách kịp thời, hiệu quả, công tác đối thoại còn giúp cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ 'tự soi, tự sửa' để nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, đồng thời tạo môi trường dân chủ, cởi mở, thẳng thắn giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền.

Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy với Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân trên địa bàn. (Ảnh VÂN NHI)

Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy với Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân trên địa bàn. (Ảnh VÂN NHI)

Mấy năm trước, phường Dương Nội (quận Hà Đông) là “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Bùi Huy Quang cho biết, sau khi có Quyết định 2200-QĐ/TU, phường đã triển khai thực hiện ngay, trong đó tập trung vào những vấn đề đang được người dân quan tâm như giải phóng mặt bằng, trật tự đô thị, quản lý nhà chung cư.

Càng “né” càng “nóng”

“Chúng tôi đã tổ chức năm cuộc đối thoại định kỳ và 10 cuộc đối thoại theo chuyên đề, trực tiếp trả lời cụ thể những vụ việc, vấn đề người dân quan tâm, nếu đủ thẩm quyền sẽ trả lời rõ ràng thời gian giải quyết dứt điểm. Nhờ đó, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn đã giảm rõ rệt, trước kia có cả trăm người đi khiếu kiện, nhưng hiện chỉ còn một, hai người có ý kiến”, đồng chí Quang cho biết.

Không chỉ tăng cường số lượng các cuộc đối thoại, cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương còn đổi mới cách thức đối thoại cho hiệu quả hơn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh) Nguyễn Khắc Tuấn cho biết, khi thực hiện đối thoại, bên cạnh việc trao đổi, trả lời, các cơ quan cũng tuyên truyền để người dân hiểu hơn.

Kênh này rất hiệu quả, có lúc trả lời bằng văn bản lại không giải quyết dứt điểm được bằng cách “trực tiếp” nói chuyện.“Với địa bàn có chín dự án phải thực hiện giải phóng mặt bằng, việc đối thoại là hết sức cần thiết, bởi nếu càng “né” sẽ càng “nóng”. Đây vừa là nhiệm vụ, nhưng cũng là giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn. Qua đối thoại, cán bộ sẽ hiểu thêm, nắm thêm được tâm tư của người dân, từ đó thấy rằng mình đã quản lý, điều hành đã sát sao chưa, tốt chưa”, đồng chí Tuấn chia sẻ và cho rằng, đây là kênh quan trọng để củng cố mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với người dân một cách thiết thực.

Bí thư Huyện ủy Đông Anh, Lê Trung Kiên cho biết, bây giờ công tác tiếp dân hằng tháng “nhàn” hơn vì hầu hết các vụ việc đều đã được giải quyết ngay từ cơ sở, thậm chí cán bộ còn chủ động mời người dân đến để giải đáp ngay khi nắm bắt được tình hình. Qua thực tế, bản lĩnh, năng lực cán bộ cũng được nâng lên. Có cán bộ giỏi chuyên môn, nhưng khi đối thoại với người dân lại lúng túng, giờ đã quen việc, chỉ đạo điều hành rất tốt.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Minh Hải cũng chia sẻ, nhờ công tác đối thoại thực hiện tốt từ cơ sở, cho nên số lượng đơn thư so với 5 năm trước giảm đi rất nhiều, công tác kiểm tra cũng “ít việc” hơn. “Trong kỳ bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cả huyện chỉ có chín đơn khiếu nại và chưa bao giờ giải quyết đơn thư lại nhẹ nhàng đến thế”, ông Hải nói.

Tôn trọng ý kiến của nhân dân

Là một trong những địa phương được hưởng kết quả từ công tác đối thoại, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh) cho biết, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh đã từng có thời gian nằm trong diện “theo dõi” của thành phố khi người dân không đồng thuận với dự án mở rộng Nghĩa trang Thanh Tước. Có những lúc tình hình căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ trở thành “điểm nóng”, nắm bắt tình hình, lãnh đạo huyện và xã đã vào cuộc giải quyết.

Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện trực tiếp đối thoại với đông đảo người dân để tìm hướng giải quyết. Hội nghị kéo dài từ đầu giờ chiều đến tối và trên cơ sở tập hợp ý kiến người dân, huyện Mê Linh đã đề xuất dừng dự án. Sau khi được thành phố chấp thuận, tình hình tại Thanh Lâm đã ổn định. “Đúng là nhờ đối thoại cho nên sự việc đã được “dập lửa” kịp thời và từ cuối năm 2019 đến nay, tất cả các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đều hoàn thành tốt”.

Không chỉ tại Thanh Lâm, có một số việc sau khi người dân có ý kiến và các cơ quan chức năng đối thoại đã thực hiện điều chỉnh cho phù hợp. Như dự án xây dựng bãi xe ngầm kết hợp trung tâm thương mại tại Công viên Cầu Giấy, sau khi lắng nghe kiến nghị của người dân, thành phố đã cho dừng dự án và được dư luận đánh giá cao. “Kiến nghị chính đáng của chúng tôi đã được giải quyết khiến cho người dân rất tin tưởng”, bà Lê Thu Hà ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy nói.

Trực tiếp chủ trì và đăng đàn trả lời tại một số cuộc đối thoại, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Nam Từ Liêm, Lâm Quang Thao cho rằng: “Thông qua hoạt động đối thoại đã tạo môi trường dân chủ, cởi mở, thẳng thắn giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền. Nhân dân tin tưởng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất nhiều cách làm hay, hiệu quả giúp người đứng đầu, cấp ủy, chính quyền kịp thời giải quyết”.

Trong 5 năm qua, quận Nam Từ Liêm đã tổ chức năm hội nghị tiếp xúc, đối thoại định kỳ, trong đó có bốn hội nghị trực tiếp, một hội nghị trực tuyến; cấp phường tổ chức 50 hội nghị trực tiếp và bốn cuộc đối thoại đột xuất. Nội dung các hội nghị tập trung vào các vấn đề: Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý đất đai, trật tự xây dựng đô thị, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường, quản lý, vận hành nhà chung cư…

Tại các hội nghị tiếp xúc, đối thoại, lãnh đạo cấp ủy và chính quyền các cấp trên địa bàn quận đã tiếp thu, trao đổi 100% ý kiến đóng góp của đại biểu, đồng thời giải quyết, định hướng giải quyết 98,9% ý kiến của đại biểu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tại địa phương và kiến nghị cấp trên những nội dung không thuộc thẩm quyền.

Bên cạnh đó, nhiều cấp ủy, chính quyền còn coi đây là kênh để “soi và sửa” để hoàn thiện công tác điều hành, quản lý. Tại quận Thanh Xuân, tiếp thu ý kiến người dân tại các cuộc đối thoại, Bí thư Quận ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính, áp dụng hàng loạt mô hình mới. Nổi bật là mô hình nhắn tin SMS thay cho giấy hẹn trả thủ tục hành chính cho người dân.

Từ ngày 1/12/2017, quận Thanh Xuân áp dụng mô hình đăng ký lấy số làm thủ tục hành chính qua mạng internet tại nhà. “Những điều người dân kiến nghị với quận tại cuộc đối thoại đã được tiếp thu và thực hiện. Một chính quyền lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người dân là chính quyền được dân tin yêu và đồng thuận”, ông Lê Văn Nam (phường Thanh Xuân Trung) chia sẻ.

Tại quận Long Biên, Ban Thường vụ Quận ủy chỉ đạo xây dựng quy trình xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân gắn với ứng dụng phần mềm quản lý việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thông tin phản ánh, kiến nghị được thu thập từ các kênh như bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố và các cộng tác viên dư luận xã hội.

Ban Tuyên giáo Quận ủy làm đầu mối tổng hợp, phân loại, tham mưu đề xuất với Thường trực Quận ủy phân công xử lý theo thẩm quyền. Trên cơ sở đó, các Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy phụ trách địa bàn chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát hoặc đứng ra chủ trì chỉ đạo phối hợp giữa phường với các cơ quan của quận để xử lý phản ánh, kiến nghị của nhân dân. Nhờ đó, các nhiệm vụ chính trị của Long Biên đều được thực hiện đạt hiệu quả cao hơn, luôn nằm trong tốp đầu của thành phố về phát triển kinh tế-xã hội.

(Còn nữa)

(*) Xem Trang Hà Nội Báo Nhân Dân từ số ra ngày 21/10/2022

KHẢI LÂM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bai-2-tao-moi-truong-dan-chu-giua-nguoi-dan-voi-cap-uy-chinh-quyen-post721450.html