Bài 2: Tạo sinh kế - giảm nghèo bền vững

Thành công lớn của Sóc Trăng sau 30 năm tái lập tỉnh (1992 - 2022) là xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Còn nhớ, năm 1992 tỷ lệ hộ nghèo của Sóc Trăng chiếm 36,7%; đến năm 2000, giảm còn 18,45% và năm 2020 giảm tiếp còn 2,66%. 'Tính theo chuẩn nghèo đa chiều mới của Chính phủ, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 6,64%. Kết quả này có sự đóng góp lớn của các chương trình tín dụng chính sách' - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn khẳng định.

Bài 1: Đảo chiều ngoạn mục cả về chất và lượng

Tổng nguồn vốn tăng 58 lần

Điều cốt lõi nhất của công cuộc giảm nghèo chính là việc làm; có việc làm ổn định sẽ có thu nhập ổn định. Xác định rõ yếu tố này, các chính sách tín dụng ưu đãi đã được thiết kế theo hướng “cho cần câu chứ không cho xâu cá”. Cùng với đó, mỗi cán bộ NHCSXH Sóc Trăng đều hướng đến việc tạo ra sinh kế, giúp hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách tự tổ chức cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và đóng góp xây dựng quê hương.

Từ ngôi nhà đến việc làm của anh Kiêm Thanh Sang, ấp Bưng Buối, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, Sóc Trăng đều có sự hỗ trợ của vốn tín dụng chính sách. Ảnh: Đức Kiên

Từ ngôi nhà đến việc làm của anh Kiêm Thanh Sang, ấp Bưng Buối, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, Sóc Trăng đều có sự hỗ trợ của vốn tín dụng chính sách. Ảnh: Đức Kiên

Theo Giám đốc NHCSXH Sóc Trăng Trần Duy Đông, thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, Chi nhánh đã tập trung huy động được nguồn vốn lớn, tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần quan trọng để Sóc Trăng tạo ra một bước đột phá lớn, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, 20 năm thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, NHCSXH Sóc Trăng đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, thiết thực của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Hàng năm, căn cứ tình hình ngân sách của địa phương mà UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố sẽ ưu tiên bổ sung nguồn vốn sang Chi nhánh để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Tính đến nay, tổng nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH Sóc Trăng đạt 137,5 tỷ đồng (tăng 100% so với năm 2003), chiếm 3,2% tổng nguồn vốn. Trong đó, ngân sách tỉnh 70,9 tỷ đồng (chiếm 51,6% nguồn vốn ngân sách địa phương); ngân sách các huyện, thị xã, thành phố 66,6 tỷ đồng (chiếm 48,4% nguồn vốn ngân sách địa phương). Tính đến ngày 31.8.2022, tổng nguồn vốn của NHCSXH Sóc Trăng là 4.289,9 tỷ đồng, tăng gấp 58 lần so với năm 2003; tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 22%. Toàn bộ nguồn vốn được chuyển tải kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng bằng phương thức cho vay ủy thác thông qua các hội, đoàn thể tại 3.168 tổ tiết kiệm và vay vốn ở tất cả các ấp, khóm trong toàn tỉnh, với tổng dư nợ ủy thác đến ngày 31.8.2022 là 4.293 tỷ đồng, chiếm 99,84% tổng dư nợ của NHCSXH Sóc Trăng.

Thoát khỏi tình trạng kém phát triển

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh Sóc Trăng, trong đó có công sức của mỗi cá nhân cán bộ, nhân viên và người lao động NHCSXH Sóc Trăng, đã đưa địa phương từ một tỉnh nghèo, thuần nông với cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp là chủ yếu, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, thu nhập bình quân đầu người thấp thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển.

Nhờ nguồn vốn và sự bền bỉ đồng hành, động viên bà con, nhất là đồng bào DTTS của các cán bộ tín dụng, đã dần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng; giữa các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, góp phần đưa quy mô kinh tế của tỉnh năm 2021 đạt 57.120 tỷ đồng, tăng 38 lần so với ngày đầu tái lập tỉnh. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt trên 2 nghìn USD; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: Nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 44,78%, giảm 23,52%; công nghiệp, xây dựng chiếm 15,11%, tăng 5,43%; dịch vụ chiếm 40,11%, tăng 18,09%.

Cùng với đó, nguồn vốn vi mô cũng đã công phá vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; cùng các cấp, các ngành tạo ra sự phát triển mạnh mẽ trong nông nghiệp, thủy sản. Sóc Trăng đã chuyển dần sản xuất lúa theo hướng đặc sản, chất lượng cao mang lại giá trị thu nhập cao cho người sản xuất như giống lúa ST nổi tiếng; giống lúa ST25 được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới.

Sóc Trăng cũng là tỉnh nổi tiếng về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm. Diện tích nuôi thủy sản năm 2021 là 76.765ha; tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2021 là 350.642 tấn; giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2021 của tỉnh đạt mức kỷ lục với 1 tỷ 280 triệu USD, tăng hơn 51 lần so với năm 1992, trong đó riêng xuất khẩu thủy sản đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Hiện, các sản phẩm của tỉnh đã xuất khẩu đến khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Toàn tỉnh hiện đã có 62/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới; các thị xã Ngã Năm, Vĩnh Châu và huyện Mỹ Xuyên là 3 đơn vị cấp huyện được công nhận hoặc đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đặc biệt, Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào DTTS ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Riêng dân tộc Khmer là 323.647 người, chiếm 28,85% (thời điểm năm 2020); đây cũng là khu vực đồng bào đã từng có mức sống rất thấp trong tỉnh. Trước thực trạng này, Sóc Trăng đã huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer. NHCSXH Sóc Trăng ưu tiên tập trung vốn cho người dân, dồn mọi sự hỗ trợ đặc biệt để giúp bà con có việc làm, ổn định cuộc sống.

Có thể nói, các chương trình, chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương cũng như của NHCSXH Sóc Trăng trên các lĩnh vực, đã từng bước mang lại những lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn nói chung và bà con Khmer nói riêng.

Bình Nhi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/bai-2-tao-sinh-ke---giam-ngheo-ben-vung-i301335/