Bài 2: Thầy thuốc áo lính nối cây cầu hữu nghị (Tiếp theo và hết)

Mặc dù hầu hết người dân đến khám bệnh đều không biết tiếng Việt, phải qua nhiều lần phiên dịch, các bác sĩ, nhân viên y tế mới hiểu được thông điệp. Song, nhìn vào ánh mắt long lanh, gương mặt hạnh phúc, những cử chỉ, động tác biểu thị tình cảm, sự biết ơn, chúng tôi hiểu rằng, họ đã dành cho đoàn công tác niềm tin yêu hết mực…

Coi nhân dân nước bạn như người thân của mình

Buổi khám bệnh chính thức đầu tiên vừa bắt đầu được ít phút, chúng tôi đã có mặt tại Trung tâm Y tế huyện Mường Khoa. Khi chúng tôi còn cách điểm khám cả vài trăm mét, đường đã bị tắc do người dân tập trung về trung tâm y tế mỗi lúc một đông. Len vào điểm khám, chúng tôi thấy Thượng tá Hà Duy Dương, phụ trách đội công tác ở đây đang thoăn thoắt đi lại từ ngoài khu vực đăng ký rồi dẫn bệnh nhân đến từng buồng. Anh Dương cho biết: “Ngay từ sáng sớm, biết tin có đoàn bác sĩ, nhân viên quân y Việt Nam đến khám, chữa bệnh (KCB), cấp thuốc miễn phí, hàng trăm bà con từ các bản làng đã có mặt để lấy phiếu, xếp hàng chờ. Cũng may, do chuẩn bị kỹ, bố trí hệ thống các phòng khoa học, đúng trình tự nên dù đông nhưng việc khám bệnh vẫn diễn ra nhịp nhàng, thông suốt. Thống kê sơ bộ, chúng tôi nhận thấy có khoảng 90% người dân nơi đây mới lần đầu được khám các bệnh chuyên khoa, siêu âm, chụp X-quang. Nhìn thấy máy móc, phương tiện mới ai cũng phấn khởi, hào hứng muốn được khám bệnh. Chúng tôi đã quán triệt với anh em phải coi tất cả bệnh nhân như người nhà mình, đem hết tinh thần trách nhiệm, năng lực, lương tâm của người thầy thuốc để khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị cho nhân dân”. Đi thăm một lượt khu vực KCB chúng tôi nhận thấy, dù diện tích còn hạn hẹp, hệ thống phòng ốc chưa được quy hoạch bài bản, song đoàn đã cố gắng bố trí phân chia thành các phòng khám chức năng, từ khu đăng ký đến đo huyết áp, khám chuyên khoa tai-mũi-họng, mắt, sản nhi, siêu âm, điện tim, chụp X-quang, phòng khám nội, kết luận, khu cấp thuốc… theo vòng tròn khép kín. Mỗi phòng khám đều do bác sĩ quân y Việt Nam giàu kinh nghiệm phụ trách, cùng với nhân viên quân y nước bạn, cán bộ y tế địa phương và phiên dịch.

Bác sĩ Quân y Việt Nam khám bệnh cho bệnh nhi huyện Mường Khoa. Ảnh: CHIẾN VĂN

Tại phòng khám nhi, chúng tôi gặp Thượng tá, bác sĩ Lê Thị Thúy Hằng, Chủ nhiệm Khoa Nhi (Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y) đang chăm chú khám cho một cháu bé người dân tộc thiểu số có biểu hiện mệt mỏi. Khi bác sĩ Hằng đang tập trung nghe phổi để chẩn đoán bệnh, cháu bé bỗng khóc thét lên, giãy đạp hoảng hốt. Thấy thế, chị Hằng liền lấy trong túi áo ra những chiếc kẹo xinh xắn đưa cho cháu bé. Cháu ngơ ngác nhìn quanh rồi cầm lấy và nín khóc ngay, chịu nằm yên cho bác sĩ khám bệnh. Thấy các bác sĩ quân y Việt Nam vừa khám, cấp thuốc miễn phí, lại còn mua kẹo làm quà cho các cháu nhỏ, chị Nang Sết, 27 tuổi, mẹ cháu bé không khỏi ngạc nhiên, thốt lên một tràng tiếng Lào. Anh phiên dịch cười bảo: "Chị Nết nói là: Các bác sĩ bộ đội Việt Nam tốt quá, đã khám bệnh cho cháu lại còn cho cả quà!”. Khám, hướng dẫn tỉ mỉ cho người nhà cháu bé xong, chị quay sang chia sẻ: “Cả đêm qua mình cứ lo, bởi khám cho các cháu ở đây mà không biết ngôn ngữ thì dỗ dành, giao tiếp, hướng dẫn thế nào? May quá, cuối cùng mình nghĩ ra phương án mua kẹo để dụ các cháu hợp tác và đến giờ các gói kẹo đã phát huy tác dụng...”. Đang dở câu chuyện, chị Hằng lại phải bắt tay vào việc vì có bệnh nhân mới. Sau này, tìm hiểu tôi được biết, việc mua kẹo để dỗ các cháu khi khám bệnh của bác sĩ Hằng đã được “nhân rộng” ở các điểm khác.

Ngày hôm sau, chúng tôi cùng cán bộ đoàn công tác đến thăm, tặng quà bệnh nhân tại các điểm khám ở huyện Mường Mày và Sẳm Phăn. Ở bất cứ điểm khám nào, chúng tôi cũng đều được chứng kiến hình ảnh quen thuộc giống như ở Mường Khoa, đó là lượng bệnh nhân đến khám rất đông. Cũng giống như ở Mường Khoa, với tinh thần “còn bệnh nhân còn phục vụ”, các thầy thuốc quân y nơi đây làm việc liên tục, bữa trưa thường phải chia ca để đi ăn, người sớm nhất được dùng bữa cũng phải gần 13 giờ. Đón chúng tôi tại điểm khám Bệnh viện Đa khoa huyện Sẳm Phăn, Đại tá Nguyễn Văn Chinh, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 105, phụ trách điểm khám trầm giọng: “Trong ngày khai mạc, cả điểm chúng tôi đã khám hơn 1.100 trường hợp, vượt gần gấp đôi so với dự kiến. Có trường hợp cụ ông gần 80 tuổi đi bộ một ngày đường tới xin khám bệnh với mong muốn được gặp trực tiếp bác sĩ quân y Việt Nam. Dù vất vả nhưng ai cũng vui, xác định tốt trách nhiệm. Hầu như bà con đến đây khám đều có bệnh, nhiều người cùng lúc mắc nhiều bệnh, hoặc bệnh đã chuyển sang mạn tính mà không biết. Đặc biệt, tỷ lệ người dân bị bệnh về răng miệng rất nhiều, do cả huyện không có y sĩ, bác sĩ chuyên khoa răng. Vì vậy, các thầy thuốc phòng khám răng của chúng tôi làm việc hầu như không nghỉ”.

Cảm ơn Bộ đội Cụ Hồ nhiều lắm

Quá trình cùng cán bộ đoàn công tác đến các điểm khám, trực tiếp tìm hiểu, trò chuyện với người dân nước bạn, điều mà chúng tôi nghe, cảm nhận được nhiều nhất là những câu nói, hành động biểu lộ sự cảm ơn, trân quý. Nhớ buổi cùng đoàn cán bộ TCHC đến tặng quà gia đình ông Cà-xay Nha-vông, 78 tuổi, ở bản Nà Tun, thị trấn Mường Khoa, vừa được nhận quà, lại được các bác sĩ quân y khám bệnh cho mình, ông không cầm được nước mắt, cứ lặp đi lặp lại hai tiếng “cảm ơn” bằng tiếng Việt. Ông Nha-vông là thương binh, bị cụt một chân. Cách đây mấy năm, ông đã sang Việt Nam và được các bác sĩ lắp cho chiếc chân giả nên giờ thấy có cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam đến ông rất xúc động. Đứng cạnh chồng, vợ ông cũng liên tục lấy tay lau nước mắt rồi nhờ cán bộ y tế địa phương dịch giúp câu nói: “Vợ chồng tôi cảm ơn người anh em Việt Nam rất nhiều”.

Thấm thoắt những ngày đoàn công tác của TCHC Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện chương trình KCB chung với chủ đề: “Quân đội Việt-Lào chung tay vì sức khỏe nhân dân” tại tỉnh biên giới Phông Sa Lỳ cũng kết thúc. Ngay trước khi buổi tổng kết diễn ra, Đại tá Nguyễn Vân Giang, Phó cục trưởng Cục Quân y thông báo con số khiến tôi “giật mình”: Trong 4 ngày làm việc, đoàn công tác đã khám, cấp thuốc miễn phí và tư vấn chăm sóc sức khỏe cho gần 11.700 lượt người dân, vượt nhiều về số lượng so với kế hoạch ban đầu. Không chỉ KCB, các thầy thuốc còn chia sẻ kinh nghiệm cho các đồng nghiệp nước bạn, tư vấn, hướng dẫn bà con cách phòng bệnh, ăn ở vệ sinh, khoa học.

Cũng trong đợt KCB chung này, đoàn công tác của TCHC đã trao 31 suất quà tặng các gia đình chính sách (mỗi suất trị giá 2 triệu đồng) và 20 suất quà ngoại giao. Đoàn cũng tặng lại mỗi bệnh viện của bạn 10 bộ huyết áp kế, 2 bộ tiểu phẫu, một số loại vật tư y tế, phương tiện khám nha khoa. Trước những kết quả, tình cảm mà đoàn công tác dành cho địa phương mình, tại buổi liên hoan chia tay, ông Thoong-sỉ Sảu-su-ly-phôn, Phó chủ tịch tỉnh Phông Sa Lỳ xúc động chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tỉnh nghèo của chúng tôi được đón một đoàn cán bộ, bác sĩ, nhân viên quân y đông đảo như vậy, lại đến từ đất nước Việt Nam anh em thân tình. Thời gian công tác của đoàn tuy không dài nhưng đã góp phần thiết thực nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các dân tộc địa phương vùng biên giới của Phông Sa Lỳ. Đặc biệt, qua đợt công tác này, các bác sĩ, nhân viên y tế của 3 huyện trong tỉnh cũng được học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghiệp vụ để sau này chăm sóc, bảo vệ tốt hơn sức khỏe nhân dân. Chúng tôi cảm ơn đoàn công tác, cảm ơn các thầy thuốc quân y Việt Nam. Mong rằng, tỉnh sẽ thường xuyên được đón những người thầy thuốc quân y Việt Nam đến đây...”.

Sau lời phát biểu mộc mạc, chân tình, màn giao lưu văn nghệ diễn ra trong tiếng nhạc rộn ràng của những bản tình ca quen thuộc hai nước. Sân vận động Trung tâm huyện Mường Khoa rộng là vậy mà bỗng như thu hẹp lại bởi tình hữu nghị, anh em thắm thiết Việt-Lào, làm xua đi cái giá lạnh cuối đông. Chia tay rồi nhưng ai cũng quyến luyến chẳng muốn rời xa...

Ghi chép của VĂN CHIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/cuoc-thi-viet-bo-doi-hau-can-lam-theo-loi-bac-ho-day/bai-2-thay-thuoc-ao-linh-noi-cay-cau-huu-nghi-tiep-theo-va-het-610738