Bài 2: Thiếu người giỏi, du lịch Việt đuối sức trong cạnh tranh

Mơ ước về ngày vượt biển lớn, khi nhân lực du lịch Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường nhân lực du lịch toàn cầu là có thật khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, khách sạn cao cấp mọc lên ngày càng nhiều, giải thưởng và những bình chọn quốc tế giờ cũng không thiếu. Nhưng dường như 'mảnh ghép' về nhân lực để hiện thực hóa ước mơ vẫn khiến chúng ta băn khoăn.

Nhân lực không thể “nhặt” từ nơi khác về

Với chiến lược phát triển du lịch, hiện nay, nhu cầu phát triển nhân lực trong ngành rất lớn. Mỗi năm, toàn ngành cần thêm 40.000 lao động nhưng hằng năm, các cơ sở đào tạo cho tốt nghiệp ra trường khoảng hơn 20.000 người, trong đó, khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp; 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch; khoảng 18.200 học sinh trung cấp; khoảng 5.000 học sinh sơ cấp và đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng. Như vậy cũng mới chỉ đáp ứng 50-60% nhu cầu thực tế.

Nhìn những con số trên cũng dễ nhận ra nỗi lo thiếu nhân lực luôn canh cánh với các doanh nghiệp. Để bù đắp thiếu hụt số lượng và cũng để nâng cao chất lượng, hầu hết các cơ sở lưu trú cao cấp, các khu vui chơi giải trí lớn đều phải đào tạo lại. Đơn giản thì các cơ sở đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc, người đi trước hướng dẫn người đi sau. Chỉn chu hơn như Mường Thanh, Victoria... của Việt Nam có hẳn trung tâm đào tạo để mỗi người lao động đạt đến cấp độ nào đều phải qua đào tạo và các kỳ thi chứng chỉ. Bà Nguyễn Thị Hồng Thạnh, quản lý nhà hàng, Khu nghỉ dưỡng Victoria Cần Thơ cho biết: “Cách làm của Victoria Cần Thơ là nhận khoảng 9 đến 10 sinh viên thực tập, lọc ra khoảng 4 và rồi tiếp tục lọc lấy người tốt nhất. Sinh viên cuối cùng này sẽ được nhận và đào tạo trong 2 đến 3 tháng. Khóa đào tạo của chúng tôi gồm đào tạo tại chỗ, hướng dẫn theo lớp và nghe giảng của chuyên gia tập đoàn”.

 Hướng dẫn thực hành nghiệp vụ buồng phòng tại Trường Trung cấp nghề Du lịch Hà Nội.

Hướng dẫn thực hành nghiệp vụ buồng phòng tại Trường Trung cấp nghề Du lịch Hà Nội.

Đã trải qua quá trình chọn lọc khắt khe ở Victoria Cần Thơ, dù tốt nghiệp loại giỏi Khoa Quản trị khách sạn, Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, song chị Lê Thảo Nhi vẫn phải mất gần hai năm thực tập và làm việc ở đây để trưởng thành như hiện tại. Giờ đây, chị Nhi đã tự tin nhiều trong công việc, khác hoàn toàn những ngày đầu chị về thực tập tại khách sạn đầy bỡ ngỡ. Học được với chị là cọ xát những tình huống thực tế không giống như ở trường, là những cách thức phục vụ chuyên nghiệp sao cho thuận lợi cả khách và người phục vụ, là trình độ tiếng Anh được nâng lên rõ rệt vì ở trường chỉ học theo những mẫu hội thoại nhất định...

Bên cạnh những doanh nghiệp coi đào tạo lại là việc cần thiết phải làm thì vẫn còn tình trạng nhiều doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực theo hình thức “ăn xổi”. Ngồi cạnh tôi trong chuyến famtrip, chủ một doanh nghiệp than thở rằng vừa bị mất toàn bộ nhân lực lành nghề cho đối thủ. Ông nói: “Họ trả lương thật cao để thu hút người quản lý bên tôi. Rồi người quản lý đó quay lại dụ dỗ toàn bộ những nhân viên lành nghề của tôi sang bên đó. Bây giờ, để tìm được người mới, chúng tôi phải tuyển dụng rồi đào tạo lại từ đầu, mất rất nhiều thời gian. Không lẽ lại dùng bài của đối thủ. Mà nếu dùng cách này thì quỹ lương cũng bị đội lên rất nhiều. Hơn nữa, cách này cũng rủi ro lắm, chỉ cần có bên khác trả lương cao hơn là họ lại bỏ mình sang chỗ mới”.

Nhân lực du lịch không thể cứ “nhặt” ở nơi khác về bởi cách làm này không bền vững. GS, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo du lịch (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) chỉ ra vấn đề: “Đây là việc không quá khó, vấn đề là chúng ta có làm hay không. Thực tế là có những doanh nghiệp có thể bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng khách sạn, nhưng bỏ ra vài chục triệu đồng đào tạo nhân lực họ lại không muốn. Đó là tư duy cần thay đổi”.

Đạo đức nghề nghiệp hay bài toán chi phí và chất lượng?

Thực ra, để một người lao động du lịch lành nghề hay lên vị trí quản lý phải trải qua nhiều giai đoạn và cần sự nỗ lực rất lớn từ bản thân họ. Cùng với quá trình đó là nhiều bài toán cung-cầu cần lời giải. Dưới góc độ nhà trường, ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết về áp lực nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường: "Yêu cầu của doanh nghiệp rất lớn nhưng chi phí của người lao động không thể nâng lên được. Nếu mình nâng lên được thì doanh nghiệp lại không thể trả những chi phí đó cho người lao động. Chẳng hạn, muốn quốc tế hóa, hiểu được văn hóa của các nước, sự khác biệt văn hóa... thì phải có sự giao lưu, thông thường là theo hướng người học đi ra quốc tế hoặc mời họ đến với mình. Nhưng theo cách nào thì chi phí của người học cũng đều phải bỏ ra rất lớn. Chúng tôi phải cân đối bởi đa phần người học của nhà trường xuất phát từ nông thôn. Khi muốn tăng chi phí cho một khoản nào đó chúng tôi lại phải xem năng lực của người học có đáp ứng được không. Nếu không đáp ứng được thì phải sắp xếp lại để gạn dần những gì không triển khai được và cố gắng triển khai càng nhiều chương trình càng tốt. Làm sao để người học nhận được những kết quả tương đồng với kỳ vọng của doanh nghiệp".

Cũng là bài toán cung-cầu nhưng dưới góc độ cá nhân lại có đôi chút khác biệt. Chúng tôi thực hiện vệt bài vào đúng thời điểm các doanh nghiệp du lịch đang lao đao vì dịch Covid-19. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) khuyên thành thực: "Không ai nghĩ cải thiện nhân lực lúc này được đâu. Khó khăn nên nhiều người đã chuyển sang ngành khác rồi, doanh nghiệp lo giữ người còn không được. Quả thật có lao động lành nghề đã khó, giữ họ để sống chết với nghề càng khó hơn trong điều kiện kinh tế thị trường. Không chỉ những người lao động đã đi làm, nhiều sinh viên trường du lịch mới ra trường không tìm được việc làm du lịch tương xứng, khi đối mặt với cơm áo gạo tiền cũng sẵn sàng nhảy việc khác".

Giải thích về điều này, ông Hoàng Nhân Chính cho rằng, tình yêu nghề cũng thuộc phạm trù đạo đức nghề nghiệp. Nếu không có đam mê thì rất dễ bỏ nghề. Ở những ngành nghề khác, kiến thức có thể là chủ yếu nhưng với ngành dịch vụ thì khác. Ở nước ngoài, nhiều khi họ tuyển người vì tình yêu nghề, cam kết lâu dài với nghề. Doanh nghiệp nước ngoài có cách tìm ra người yêu nghề của riêng họ. Chẳng hạn, có doanh nghiệp nói trước khó khăn của nghề thay vì nói với người lao động của mình được đi nhiều nơi, hưởng quyền lợi nọ kia... Thậm chí, sinh viên du lịch khi vào trường cũng đã được định hướng những khó khăn, vất vả của nghề thông qua phỏng vấn đầu vào. Hằng năm, sinh viên lại đi thực tập để va chạm khó khăn, có khi họ cho đi cùng những đoàn khách rất khó tính. Qua những thử thách thì hầu hết sau khi tốt nghiệp, sinh viên đã có thể kiểm soát tốt cảm xúc của mình. Trong khi tôi cho rằng, ở Việt Nam, chỉ khoảng 30-40% người làm du lịch thực sự yêu nghề, còn lại nhiều người đến với nghề du lịch vì nghĩ dễ kiếm việc, kiếm tiền".

Ngoài việc bỏ nghề, theo các chuyên gia, tình yêu với nghề cũng giúp cho người lao động có khả năng thích ứng cao hơn, xử lý tốt hơn các mối quan hệ với khách hàng, đồng nghiệp, trên dưới và cộng đồng. Do thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với khách nên nhiều người tìm cách kiếm tiền thêm bằng chiêu trò. Hướng dẫn viên có cách của hướng dẫn viên, nhân viên nhà hàng cũng có cách của mình... Nếu cứ kiếm tiền thêm của khách kiểu không trung thực thì khó coi là có đạo đức và trước sau gì khách cũng không hài lòng, không đến nữa.

“Văn hóa doanh nghiệp là điều mà nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn ở ta không biết. Khi tôi hỏi nhiều giám đốc doanh nghiệp, triết lý kinh doanh là gì, văn hóa doanh nghiệp xây dựng là gì, họ không trả lời được. Dứt khoát chúng ta phải đào tạo cả văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh du lịch, trong đó có cả đạo đức từ người quản lý đến nhân viên”. (GS, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam)

(còn nữa)

Bài và ảnh: MINH NHÃ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/bai-2-thieu-nguoi-gioi-du-lich-viet-duoi-suc-trong-canh-tranh-613084