Bài 2: Tuyên chiến với 'cát tặc'

Với quyết tâm ngăn chặn tình trạng khai thác cát, thời gian qua, Công an tỉnh và công an một số địa như: TP.Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Tân Phú… đã liên tục kiểm tra, phát hiện và bắt giữ nhiều vụ khai thác cát lậu.

Hàng loạt ghe hút cát trên sông Đồng Nai đã bị bắt giữ vào cuối năm 2018.

Hàng loạt ghe hút cát trên sông Đồng Nai đã bị bắt giữ vào cuối năm 2018.

Đặc biệt, tại TP.Biên Hòa, việc lực lượng công an khởi tố một bị can có liên quan đến hoạt động khai thác cát...đã cho thấy sự quyết tâm cao của cơ quan chức năng trước thực trạng này.

* Cam go cuộc chiến với “cát tặc”

Là địa bàn “nóng” nhất trong những địa phương có xảy ra tình trạng khai thác cát lậu, thời gian qua, Công an TP.Biên Hòa đã liên tục tuần tra, phát hiện, bắt giữ nhiều vụ khai thác cát lậu trên sông Đồng Nai (đoạn qua TP.Biên Hòa). Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, sông Đồng Nai, đoạn qua địa bàn TP.Biên Hòa là khu vực có nhiều cát, khiến cho việc khai thác cát lậu cũng diễn biến phức tạp.

Trước thực tế này, lãnh đạo Công an TP.Biên Hòa đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp với công an các địa phương và một số đơn vị chức năng tăng cường vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Điểm a, Khoản 1, Điều 227, Bộ Luật hình sự năm 2015 (được sử đổi năm 2017) tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên quy định: “Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Đầu năm 2018, UBND TP.Biên Hòa đã thành lập tổ phản ứng nhanh để kịp thời xử lý các vụ khai thác cát lậu. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, trong thời gian qua, Đội Cảnh sát kinh tế môi trường Công an TP.Biên Hòa đã bố trí tổ trinh sát phối hợp với các phòng ban liên quan liên tục tuần tra, kiểm tra dọc tuyến sông Đồng Nai.

Với sự vào cuộc quyết liệt đó, đã có rất nhiều vụ khai thác cát lậu được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Gần đây nhất là vào khoảng 1 giờ, ngày 16-12, tổ tuần tra Đội Cảnh sát kinh tế môi trường Công an TP.Biên Hòa phát hiện một nhóm đối tượng hút cát trên sông Đồng Nai (đoạn qua phường Bửu Long). Lực lượng công an cũng đã kịp khống chế hai đối tượng cùng 1 chiếc ghe mang biển hiệu LA-04371 tham gia hút cát.

Cùng với thủ đoạn tương tự, rạng sáng 14-12, tổ tuần tra Công an TP.Biên Hòa cũng đã bắt quả tang một nhóm hút cát lậu tại khu vực cù lao Cỏ (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa). Nhóm đối tượng khai thác cát tẩu thoát, công an đã tạm giữ 2 ghe cùng hàng chục m3. Sau quá trình xác minh, công an đã xác định, chủ ghe là bà Nguyễn Thị Hồng Cúc (quê tỉnh Long An) nên đã triệu tập làm việc để xử lý theo quy định.

Đặc biệt, vào cuối tháng 8-2018, trinh sát Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh đã huy động lực lượng bất ngờ vây ráp bắt quả tang 14 ghe đang tập trung khai thác cát ở khu vực vàm Cái Sứt (thuộc địa bàn xã Long Hưng, TP.Biên Hòa).

Trực tiếp chỉ huy cuộc vây bắt này, Trung tá Nguyễn Hữu Trung, Đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh cho biết đây là “mẻ lưới” lớn mà đơn vị đã triển khai trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên để thực hiện thành công vụ việc này các trinh sát đã phải điều nghiên hàng tháng trời. Sau khi xác định các đối tượng huy động ghe, thuyền chuẩn bị ra “công trường” thì lực lượng trinh sát cũng được lệnh vào vị trí chiến đấu. Cũng theo Trung tá Trung, quá trình vây ráp khi biết mình khó thoát nhiều đối tượng trên các ghe tìm cách chống đối hoặc bỏ ghe tẩu thoát. Trước tình thế đó, buộc lực lượng công an phải nổ nhiều phát súng để khống chế. Sau mẻ lưới đó, lực lượng công an đã thu giữ 14 ghe cùng hơn 100m3 cát và nhiều máy móc phương tiện khác.

Không chỉ các vụ việc nêu trên thời gian qua, lực lượng cảnh sát môi trường đã liên tục tuần tra phát hiện hàng chục vụ khai thác cát cùng với thủ đoạn tương tự.

* “Cát tặc” đã bị khởi tố

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của nạn khai thác cát lậu trong thời gian vừa qua Công an TP.Biên Hòa là địa phương đã thực hiện quyết liệt các biện pháp để xử lý tình trạng này. Đỉnh điểm vào đầu tháng 12-2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Thanh Phú (35 tuổi, quê tỉnh Long An) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên được quy định tại Điều 227 Bộ Luật hình sự năm 2015 và được sửa đổi tại điểm a, Khoản 54, Điều 1 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2017.

Các chiến sĩ cảnh sát tham gia trục vớt ghe bị cát tặc nhấn chìm.

Theo kết quả điều tra, khoảng tháng 2-2018, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - môi trường bắt quả tang Phú, cùng một số đối tượng khai thác cát lậu trên sông Đồng Nai (đoạn qua TP.Biên Hòa). Sau khi lập hồ sơ cơ quan công an xác định, hành vi của Phú chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nói trên. Tuy nhiên, sau lần vi phạm đó, đến tháng 11-2018, Phú tiếp tục khai thác cát lậu và bị bắt xử lý lần 2.

Trung tá Nguyễn Thanh Cao, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - môi trường Công an TP.Biên Hòa cho biết, căn cứ theo quy định pháp luật, cơ quan công an xác định trước đó Phú đã vi phạm về hành vi này nhưng chỉ bị xử lý hành chính. Trên cơ sở các vụ việc xảy ra Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa đã ra quyết định khởi tố Phú để điều tra theo quy định.

Cũng theo Trung tá Cao, thời gian qua, Công an TP.Biên Hòa đã phát hiện bắt quả tang nhiều vụ khai thác cát lậu. Tuy nhiên, các vụ việc này đều chỉ bị lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính do chưa đủ cơ sở xử lý hình sự. Việc Công an TP.Biên Hòa khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về hành vi nói trên sẽ tạo sức răn đe đối với các đối tượng có ý định tiếp tục vi phạm trên lĩnh vực này.

Trung tá Nguyễn Thanh Cao cũng cho biết, hiện các quy định của pháp luật về hành vi khai thác tài nguyên, khoáng sản nói chung và khai thác cát nói riêng đã được quy định chi tiết. Tuy nhiên, nếu áp dụng vào thực tế còn một số khó khăn. Theo đó, để xử lý hình sự một đối tượng nào đó về hành vi này cơ quan công an phải bắt quả tang và thu giữ ít nhất 50m3 cát trở lên, đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về hành vi này nhưng chưa được xóa án tích. Trong khi đó, trên thực tế trong các vụ kiểm tra phát hiện lực lượng công an đều chỉ thu được số lượng cát dưới 50m3.

Trần Danh

Bài 3: Giải pháp nào cho vấn nạn cát tặc?

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201812/gian-nan-cuoc-chien-voi-cat-tac-bai-2-tuyen-chien-voi-cat-tac-2933654/