Bài 2: Vụ 400 sinh viên bị đuổi: Vì sao sinh viên Cao đẳng nghề Phú Thọ chán học?

400 sinh viên bị đuổi trong 3 tháng tại trường Cao đẳng nghề Phú Thọ, ngoài nghi vấn về số lượng 'sinh viên ma' được khai khống để 'ăn' tiền chính sách, một số cán bộ, giảng viên nhà trường còn tiết lộ: Bộ phận không nhỏ sinh viên tại đây đang chán học vì nhiều lý do...

Một lớp học của Khoa Công nghệ thông tin có sĩ số 64 sinh viên nhưng chỉ có 4 người đi học.

Bài viết "Hơn 400 sinh viên bị đuổi trong 3 tháng, bi kịch nào đang diễn ra ở Cao đẳng nghề Phú Thọ?" đăng trên Báo Lao Động mới đây phản ánh về những quyết định đuổi học sinh viên dồn dập và vô cùng bất thường diễn ra tại trường Cao đẳng nghề Phú Thọ.

Bà Phạm Thị Lan Hương - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Công tác học sinh, sinh viên nhà trường - lý giải rằng, căn nguyên của sự việc hòng che đậy hành vi khai khống lượng sinh viên để "ăn" ngân sách. Theo đó, mỗi sinh viên học nghề tại trường sẽ được nhà nước hỗ trợ số tiền lên đến 10 triệu đồng/em/năm.

Thông tin thêm tới PV, ông Nguyễn Hữu Thanh - giảng viên Khoa Điện - Điện tử Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ - thậm chí còn chỉ đích danh "Từ tháng 9.2016 khi ông Trần Minh Tuấn - hiệu trưởng mới về tiếp quản Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ - số sinh viên bị khai khống lên đến hàng trăm sinh viên. Số tiền "rút ruột" ngân sách lên đến hàng tỉ đồng".

Ngoài nghi vấn về số lượng sinh viên "ma" được khai khống để "ăn" tiền chính sách, một số giảng viên và sinh viên của nhà trường còn tiết lộ bộ phận không nhỏ sinh viên tại ngôi trường này đang chán học vì nhiều lý do...

Tiền tỉ đầu tư để bỏ xó

Sinh viên muốn thực hành nấu ăn thì bếp không có gas. Muốn làm bánh nhưng không có bột mì, mắm muối. Những buổi thực hành các sinh viên hầu hết phải học "chay" và chủ yếu sinh viên đến chơi là chính.

Đó là tâm sự của một nữ giảng viên (xin được giấu tên) thuộc biên chế khoa Chế biến món ăn (Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ) về thực trạng các giờ học thực hành tại khoa mình đang giảng dạy.

Sinh viên chỉ biết ngồi chơi trong giờ thực hành của khoa Chế biến món ăn.

Có lần, sinh viên hỏi cô giáo: "Thưa cô tại sao chúng em không được học thực hành", cô chỉ biết im lặng trong xót xa. Theo nữ giảng viên này, nhiều lần do thương học sinh, cô đã phải tự bỏ tiền túi ra để mua các vật dụng thực hành như gas, mắm, muối, bột mì... cho sinh viên tập làm bánh.

Ông Nguyễn Hữu Thanh, giảng viên ở khoa Điện - Điện tử cho biết, bản thân cảm thấy hổ thẹn và không biết phải giải thích với các em sinh viên thế nào về tình trạng thiếu vật tư thực hành.

Theo nam giảng viên, trường Cao đẳng nghề Phú Thọ đầu tư 5 tỉ đồng mua trang thiết bị thực hành cho khoa Điện - Điện tử. Nhưng do thiết bị không phù hợp với chương trình đào tạo của nhà trường và chương trình khung của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nên hầu như không không sử dụng được.

"Hiện nay nhà trường lại yêu cầu khoa điều chỉnh lại chương trình giảng dạy theo số thiết bị đã mua về lên tới 5 tỉ đồng thì theo tôi là phản khoa học, phản giáo dục và người chịu thiệt là các em sinh viên", ông Thanh bức xúc.

Bên trong giờ thực hành của sinh viên khoa Cơ khí.

Bà Phạm Thị Lan Hương, Phó trưởng phòng công tác HSSV phân tích trong chương trình đào tạo nghề, khối lượng đào tạo phần thực hành chiếm 70 - 80% khối lượng toàn khóa. Điều đó đồng nghĩa với việc số tiền hỗ trợ đào tạo nghề của nhà nước gần 10 triệu đồng/sinh viên/năm phải trích ra ít nhất 30% mua vật tư thực hành phục vụ đào tạo. Tức là ít nhất hơn 3 triệu đồng/sinh viên/năm.

"Thế nhưng quyết toán năm 2017 chi mua vật tư thực hành cho hơn 1.300 sinh viên chỉ có trên 200 triệu đồng. Từ đó cho thấy việc dạy "chay" là điều dễ hiểu", Phó trưởng phòng công tác HSSV cho biết.

Kỳ thực tập "khổ sai"

Trong đơn đề nghị gửi đến Ban giám hiệu trường Cao đẳng nghề Phú Thọ vào ngày 19.9.2018, sinh viên Vy Văn Đức lớp Cao đẳng điện công nghiệp K18 kiến nghị về quá trình thực tập vô cùng bất hợp lý.

Trong khi theo học chuyên ngành điện nhưng Đức cùng hàng chục sinh viên khác lại được đưa đi thực tập ngoài công trường xây dựng với công việc cụ thể như bốc vác sắt, đào đất, kéo cáp, khoan đúc bê tông... Quá trình thực tập kéo dài 3 tháng từ 28.5.2018 - 24.8.2018.

SV Cao đẳng nghề Phú Thọ trong kỳ thực tập vừa kết thúc vào tháng 8"

Nhiều bạn không chịu đựng nổi sự nặng nhọc đã bỏ về và bỏ học luôn. Những người cố gắng chịu đựng, thời điểm này cũng không biết phải viết báo cáo thế nào cho đúng chuyên ngành", nam sinh viên bức xúc.

Cũng trích trong đơn kiến nghị của Đức, hợp đồng của các em với đơn vị thực tập là hợp đồng lao động phổ thông chứ không phải hợp đồng cho sinh viên thực tập nghề nghiệp.

"Với mỗi sinh viên công ty sẽ trả cho nhà trường 300.000 đồng/tháng còn sinh viên chỉ nhận được phụ cấp ăn ở từ công ty là 70.000 đồng/ngày", nam sinh viên kể cho biết thời điểm hiện tại cũng một lớp học chuyên ngành điện tử đang có kỳ thực tập tại công ty trên.

Một loạt đơn tố cáo, kiến nghị làm rõ những dấu hiệu sai phạm tại trường Cao đẳng nghề Phú Thọ và cá nhân ông hiệu trưởng Trần Minh Tuấn.

Ngoài ra, đại diện sinh viên tại một số lớp của nhà trường cũng gửi đơn đến Ban giám hiệu trường Cao đẳng nghề Phú Thọ để trình bày về việc đóng tiền mua đồng phục bảo hộ lao động là 160.000 đồng/sinh viên từ tháng 8.2017 nhưng đến nay đã hơn một năm chưa nhận được đồng phục.

"Kính mong nhà trường sớm may trang phục thực hành cho chúng em. Nếu trang phục thực hành bị chật thì nhà trường phải có trách nhiệm may lại vì chúng em đang tuổi ăn, tuổi lớn", em Bùi Công Hậu, lớp trưởng lớp Trung cấp nghề công nghệ ôtô K18 viết rõ trong đơn kiến nghị gửi đến Ban giám hiệu nhà trường vào ngày 17.9.2018.

Trong thời gian tìm hiểu về những bức xúc của giảng viên, học sinh nhà trường, PV Báo Lao Động còn phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường khác trong hoạt động đào tạo của trường Cao đẳng nghề Phú Thọ và cá nhân hiệu trưởng Trần Minh Tuấn.

Long Nguyễn - Trần Tuấn

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/bai-2-vu-400-sinh-vien-bi-duoi-vi-sao-sinh-vien-cao-dang-nghe-phu-tho-chan-hoc-640424.ldo