Bài 2: Vướng từ những quy định pháp luật

Mặc dù, đã có những quy định khuyến khích tập trung và tích tụ đất nông nghiệp như, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, bảo đảm phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp… Tuy vậy, vẫn còn không ít cản trở khiến cho các nhà đầu tư nông nghiệp… không mấy mặn mà.

Bài 1: Có thế mạnh nhưng...
Bài cuối: Tháo rào cản

Quy mô nhỏ, khó áp dụng cơ giới hóa

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mô hình dồn điền, đổi thửa tuy đã thu được kết quả ban đầu song chưa thực sự thành công, chủ trương tuy được các địa phương hưởng ứng, nhưng cách làm mỗi địa phương một khác nên kết quả thu được khác nhau. Sau dồn điền đổi thửa, các hộ nông dân đã có thể tập trung chuyên canh sản xuất, tuy nhiên, quy mô ruộng đất vẫn còn nhỏ bé, rất khó cho các hộ áp dụng cơ giới hóa, áp dụng khoa học kĩ thuật và sản xuất hàng hóa.

Quy mô nhỏ khó áp dụng cơ giới hóa

Quy mô nhỏ khó áp dụng cơ giới hóa

Sau khi “dồn điền đổi thửa” đã làm thay đổi vị trí thửa đất trên thực địa nên Giấy chứng nhận đã cấp không đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, hồ sơ địa chính không đảm bảo yêu cầu quản lý. Nhiều trường hợp thời hạn giao đất ghi trên Giấy chứng nhận đã hết hoặc gần hết thời hạn sử dụng. Đây là một trong những phát sinh trong quá trình thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp chưa có cơ chế giải quyết phù hợp. (Tổng kết thực hiện Luật Đất đai)

Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Vĩnh Hòa, Nghệ An Phan Văn Hòa cho biết, trước đây doanh nghiệp từng rất khó khăn để có thể duy trì được trên 100 ha đất sản xuất lúa ở huyện Yên Thành và Diễn Châu. Ðể cải tạo thành đất có thể trồng lúa năng suất cao, chất lượng tốt, doanh nghiệp đã phải đầu tư tối thiểu 5 - 7 tỷ đồng/ 1 ha, tuy nhiên doanh nghiệp chỉ được ký hợp đồng thuê đất 5 năm/lần.

Còn Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cộng đồng nông thôn (CCRD) Phan Văn Ngọc cho rằng, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường và quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, tư duy “tiểu nông”, phương thức canh tác nhỏ lẻ, cá thể, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên đến nay không còn phù hợp nữa và đang trở thành rào cản đối với quá trình xây dựng nông thôn mới và đô thị hóa nông thôn. Nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến gặp nhiều khó khăn do bị hạn chế bởi chính sách “hạn điền” theo quy định tại Điều 129, 130, Luật Đất đai năm 2013.

Tại Khoản 3, Điều 191 Luật Đất đai năm 2013 còn quy định: “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa”. Kết quả tích tụ và tập trung ruộng đất còn hạn chế, đã ảnh hưởng đến sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, hạn chế trong thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và phát huy lợi thế vùng. Do vậy sản xuất nhỏ vẫn phổ biến, năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không cao từ đó làm chậm quá trình hội nhập kinh tế. Cơ chế khuyến khích tài chính thông qua việc miễn và giảm tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được triển khai nhưng tình trạng ruộng bị bỏ hoang còn nhiều trong khi đó việc thuê đất để sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã dược liệu Thuận Hằng, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang nêu thực tế, do chưa thể tích tụ được diện tích đất như mong muốn để đầu tư phát triển trồng cây dược liệu quy mô lớn. Hiện, Hợp tác xã có 4,1 ha cây cát sâm, sâm bố chính và khôi nhung, diện tích tập trung nhất cũng chỉ được 0,5 ha còn lại là rải rác trên địa bàn 2 xã Thái Sơn và Thái Hòa. Việc trồng phân tán nên việc theo dõi, hướng dẫn các thành viên chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại gặp nhiều trở ngại, chưa nói đến chi phí gia tăng do phải thuê xe vận chuyển vật tư, sản phẩm đi chế biến, tiêu thụ…

Thiếu quỹ đất hỗ trợ nông nghiệp

Theo Điều 10, Luật Đất đai năm 2013, căn cứ vào mục đích sử dụng, nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất: Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; Đất trồng cây lâu năm; Đất rừng sản xuất; Đất rừng phòng hộ; Đất rừng đặc dụng; Đất nuôi trồng thủy sản; Đất làm muối; Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh. Như vậy, thiếu quỹ đất để hỗ trợ, phục vụ sản nông nghiệp như logistics, chế biến, nhà kho lưu trữ, bảo quản giống, phân bón, nông sản…

Thiếu quỹ đất hỗ trợ nông nghiệp

Về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Thị Tám, Học viện Nông nghiệp cho rằng, việc phân loại đất nông nghiệp theo mục đích sử dụng chưa thống nhất giữa các luật có liên quan (Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường…). Có sự chồng chéo các mục đích sử dụng đất trong một khu vực; đặc biệt là chưa có bộ tiêu chí đánh giá tiềm năng sử dụng đất cho các mục đích sử dụng đất nông nghiệp khác nhau (hiện mới chỉ có đánh giá thích hợp đất cho mục đích trồng trọt và đồng cỏ chăn thả).

Ở góc nhìn khác, Hiệu trưởng Trường Đào tạo Cán bộ Lê Hồng Phong, TP. Hà Nội, PGS.TS Phạm Minh Anh đã chỉ rõ: Điều 52, Luật Đất đai năm 2013 quy định, việc thu hồi, giao, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nói chung và đất nông nghiệp nói riêng phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, những công trình, dự án không nằm trong kế hoạch sử dụng đất được duyệt sẽ không đủ điều kiện để thực hiện.

Hơn nữa, kế hoạch sử dụng đất chỉ được thông qua Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại các lần họp thường kỳ mỗi năm (vào tháng 6 và tháng 12). Như vậy, những công trình không có trong kế hoạch bắt buộc phải chờ ít nhất sau 6 tháng thì mới được trình xin phê duyệt. Điều này, gây chậm trễ xin cấp phép đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút các chủ đầu tư tư nhân đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, PGS. TS Phạm Minh Anh phân tích.

Phạm Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/bai-2-vuong-tu-nhung-quy-dinh-phap-luat-i303773/