Bài 25. Kiểm sát hơn 2.500 văn bản, kiểm sát việc chấp hành chính sách hậu phương quân đội

Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc công tác kiểm sát văn bản của ngành Kiểm sát năm 1972; công tác kiểm sát giao thông vận tải, kiểm sát việc chấp hành các chính sách hậu phương quân đội và công tác phổ biến pháp luật nhằm nâng cao tinh thần làm chủ tập thể của quần chúng Nhân dân...

Kiểm sát 2.518 văn bản

Năm 1972, toàn ngành Kiểm sát đã kiểm sát 2.518 văn bản, phát hiện 1.181 văn bản có vi phạm pháp luật (46%), yêu cầu sửa chữa 1.046 văn bản. Các cơ quan đã chấp nhận sửa chữa 341 văn bản có vi phạm pháp luật; kiểm sát tại chỗ 1.527 đơn vị cơ sở, yêu cầu 1.049 đơn vị tự kiểm tra.

Nhiều Viện kiểm sát cấp huyện chọn ngành, chọn khâu để tiến hành kiểm sát chung tại cơ sở một cách có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược; áp dụng phương thức công tác yêu cầu tự kiểm tra có chất lượng hơn.

Một số Viện kiểm sát tỉnh, thành đã có nhiều cố gắng tham gia ý kiến từ đầu vào một số văn bản dự thảo của cơ quan cùng cấp. Nhiều Viện kiểm sát huyện, thị đã phát hiện được những văn bản trái pháp luật của nhiều cơ quan, đi sâu phát hiện thấy rõ hơn nội dung văn bản có vi phạm là biểu hiện của ý thức không tôn trọng pháp chế xã hội chủ nghĩa, quan điểm xây dựng và thi hành pháp chế không thống nhất của nhiều ngành, nhiều cấp trong đó có Ủy ban hành chính cấp huyện và cấp tỉnh.

Cụ thể như văn bản huy động nghĩa vụ công dân quá mức quy định của Hội đồng Chính phủ ở Nam Hà; việc khám nhà, tịch thu tài sản của quân nhân đào ngũ để bồi thường tiền quân trang quân dụng ở Hà Bắc; quy định các Hợp tác xã nông nghiệp phải xây dựng quỹ nuôi quân cho cấp huyện của Ủy ban hành chính huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình; việc đóng góp lao động, vật tư, tiền để xây dựng trường học, bệnh xá, nghĩa trang liệt sĩ của Ủy ban hành chính, Hội đồng nhân dân trong 8 huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa; quy định cho Ủy ban hành chính xã có quyền phạt vi cảnh và sử dụng tiền phạt vi cảnh là nguồn tăng ngân sách xã của Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa...

Một số văn bản có nội dung trái pháp luật trên đây được Viện kiểm sát huyện báo cáo lên Viện kiểm sát tỉnh và được Viện kiểm sát tỉnh truy tìm văn bản gốc, tổng hợp tình hình báo cáo cấp ủy, kiến nghị Ủy ban hành chính cùng cấp ra văn bản uốn nắn, đình chỉ kịp thời những việc làm sai.

Trong năm 1971, thông qua kết quả kiểm sát của các Viện kiểm sát địa phương, VKSND tối cao đã ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị để yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục.

Ngày 9/2/1971, VKSND tối cao có công văn số 02/V1 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc Thông tư số 540/CNN ngày 24/8/1970 của Bộ Công nghiệp nhẹ vì có một số điểm trái với Điều lệ về kỷ luật lao động. Ngày 25/3/1971, Viện trưởng VKSND tối cao ra kháng nghị số 726/VKS/V8 đối với Thông tư số 18-NT ngày 11/6/1970 của Bộ trưởng Bộ Nội thương. Ngày 28/6/1971, VKSND tối cao có kiến nghị số 1662/V1 gửi Bộ trưởng Phủ Thủ tướng về những vi phạm pháp luật trong việc quyên góp tiền, vật liệu. Ngày 5/7/1971, VKSND tối cao Công văn số 1707/V1 gửi Bộ Điện và Than đề nghị trực tiếp trao đổi và giải quyết việc bán than ngoài kế hoạch.

Từ ngày 29/5/1970 đến ngày 18/2/1971, VKSND tối cao tiến hành kiểm sát tại chỗ việc tuân theo pháp luật của Tổng Công ty Phân phối lâm sản, phát hiện những vi phạm trên các mặt quản lý, phân phối lâm sản, quản lý vốn và quản lý lao động, kiến nghị có biện pháp chấn chỉnh lại tình hình ở Tổng Công ty.

Ngày 20/8/1971, VKSND tối cao ra kháng nghị số 2055/V đối với Thông tư số 16-NV ngày 17/11/1970 của Bộ Nội vụ vì có những điểm trái với Điều lệ Bảo hiểm xã hội của Hội đồng Chính phủ.

Những kiến nghị, kháng nghị trên đây của VKSND tối cao cho thấy công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong năm 1971 đã được nâng lên một bước, phản ánh tính đa dạng về phạm vi các lĩnh vực được kiểm sát cũng như các loại vi phạm được phát hiện.

Chú trọng phổ biến pháp luật cho quần chúng nhân dân

Trong trận lụt lịch sử năm 1971, công tác kiểm sát đã vận dụng đầy đủ chức năng của Ngành góp phần tích cực vào việc đấu tranh bảo vệ tính mạng của Nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tài sản của tập thể, của đồng bào, bảo vệ trật tự và an ninh, đề cao pháp chế xã hội chủ nghĩa, đề cao tinh thần trách nhiệm và kỷ luật trong các cơ quan Nhà nước và Nhân dân, phục vụ tốt cho việc phòng chống lũ lụt, ổn định đời sống Nhân dân và cho việc phục hồi sản xuất.

 Bán hàng lưu động trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972. (Ảnh: tư liệu)

Bán hàng lưu động trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972. (Ảnh: tư liệu)

Năm 1972, quán triệt các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III), các Viện kiểm sát tỉnh, thành, huyện, thị tích cực phục vụ công tác giao thông vận chuyển, công tác tuyển quân và thi hành chính sách hậu phương quân đội, công tác sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nghề rừng và trồng cây công nghiệp; tăng cường công tác làm án để góp phần bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, tài sản và tính mạng của Nhân dân, giữ gìn trị an và an ninh.

VKSND tối cao và một số Viện kiểm sát tỉnh, thành đã nắm vững trọng tâm, trọng điểm, xây dựng các chuyên đề về một số công tác chính, kết hợp các khâu và tăng cường giúp đỡ cấp dưới để bảo đảm tính tập trung thống nhất trong chỉ đạo. Do đó, Viện kiểm sát các cấp đã vận dụng tốt chức năng của Ngành phục vụ các công tác trung tâm của Đảng và Nhà nước.

Trong thời gian kiểm sát công tác giao thông vận tải và kiểm sát việc chấp hành các chính sách hậu phương quân đội, một số Viện kiểm sát phối hợp với bộ phận thanh tra của các ngành hữu quan đề xuất với Ủy ban hành chính đứng ra chỉ đạo việc kiểm tra việc thi hành các chính sách và thể chế, chủ trì việc sửa chữa các sai phạm, qua đó nâng cao vai trò của Ủy ban hành chính trong chỉ đạo và quản lý công tác của các ngành chuyên môn bằng pháp luật.

Vụ Kiểm sát chung, VKSND tối cao đã có kế hoạch phục vụ công tác trung tâm (giao thông vận tải kết hợp giữ gìn trật tự trị an xã hội), hệ thống hóa một số chế độ, nguyên tắc pháp luật về giao thông vận tải, nghĩa vụ quân sự để hướng dẫn cho các Viện kiểm sát địa phương nghiên cứu áp dụng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm, ra thông báo hướng dẫn các Viện kiểm sát địa phương vận dụng.

Ngày 22/7/1972, Vụ Kiểm sát chung có công văn hướng dẫn VKSND các địa phương về công tác kiểm sát chung trong tình hình mới, tập trung kiểm sát hỗ trợ cho công tác tuyển quân, tuyển thanh niên xung phong phục vụ chiến trường, chi viện tiền tuyến, bảo đảm giao thông vận tải, giữ vững và phát triển sản xuất nông nghiệp.

Trong khi tiến hành công tác, một số Viện kiểm sát đã chú trọng phổ biến pháp luật cho quần chúng nhằm nâng cao tinh thần làm chủ tập thể cho quần chúng, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Tổ quốc; đồng thời phát hiện, đấu tranh chống hành vi vi phạm pháp luật trong công tác giao nhận, bảo quản tài sản Nhà nước (Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa), góp phần đề cao vai trò và trách nhiệm của Ủy ban hành chính cấp huyện, đề xuất kế hoạch đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật, chuẩn bị nội dung để Ủy ban hành chính đứng ra chủ trì việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thúc đẩy các ngành quản lý tiến hành kiểm tra, phát hiện vi phạm pháp luật và tăng cường chỉ đạo các ngành sửa chữa vi phạm (Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Bắc).

Về công tác kiểm sát điều tra, trong năm 1969, theo thống kê của 22 tỉnh, thành phố, số lượng án kiểm sát điều tra là 3.582 vụ, đã giải quyết 2.475 vụ, đạt tỷ lệ 69%; số lượng án trực tiếp điều tra là 595 vụ, đã giải quyết 418 vụ, đạt tỷ lệ 70%. Nhiều Viện kiểm sát đã giảm được việc trực tiếp điều tra để tập trung nhiều hơn vào công tác kiểm sát điều tra. Theo số liệu thống kê, các án trực tiếp điều tra chỉ chiếm 16% so với án kiểm sát điều tra. Một số Viện kiểm sát chú trọng theo phương hướng của toàn Ngành hướng đấu tranh vào các loại tội tham ô, hối lộ, lợi dụng chức vụ, lạm quyền làm sai chính sách.

Việc vận dụng đường lối trong công tác phê chuẩn, bắt, giam, tha, nói chung được cân nhắc thận trọng hơn. Điển hình trong số này có vụ án Hoàng Thanh và đồng bọn can tội “Tham ô tài sản” của Nhà nước tại Nhà máy điện Yên Phụ, tháng 10/1969.

Về mặt trị an xã hội, ngành Kiểm sát đẩy mạnh công tác kiểm sát phục vụ việc thực hiện Nghị quyết số 198-NQ/TW ngày 18/4/1970 của Bộ Chính trị, tăng cường kiểm sát công tác bắt giữ của Công an, kịp thời đưa ra truy tố một số phần tử có hành động phương hại đến trật tự trị an xã hội và để xuất xử lý nghiêm khắc.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/bai-25-kiem-sat-hon-2-500-van-ban-kiem-sat-viec-chap-hanh-chinh-sach-hau-phuong-quan-doi-85733.html