Bài 3: Báo cơ quan chức năng là điều tiên quyết

Với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE), hành vi phạm tội của đối tượng sẽ tiếp diễn nếu không bị phát hiện và xử lý. Để những nỗi đau và sự tổn thương của trẻ không bị đào sâu, sau khi nắm được vụ việc, điều đầu tiên phải làm là trình báo để lực lượng chức năng vào cuộc điều tra…

Khi tiếp nhận thông tin về tội phạm XHTDTE, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác điều tra, khám phá, bắt giữ và xử lý đối tượng. Đã từng có nhiều vụ án, lực lượng làm nhiệm vụ bị đối tượng, gia đình đối tượng phản ứng mạnh, thậm chí đe dọa đòi kiện ngược. Mặt khác, đối với những vụ dâm ô trẻ em xảy ra lâu mới trình báo, dấu vết vật chất để lại hầu như không có; căn cứ duy nhất là lời kể của các cháu. Khi các điều tra viên ghi biên bản lời khai, đa phần các cháu đều có tâm lý sợ hãi, khóc lóc, phải dỗ dành để các cháu bình tĩnh lại và phải mất rất nhiều thời gian mới lấy được trọn vẹn lời khai của bị hại với sự trợ giúp của gia đình, người thân các cháu nhỏ.

Đối với những vụ HDTE, nếu gia đình và bị hại lâu không trình báo, dấu vết vật chất cũng rất yếu ớt. Và điều đau đớn hơn cả, là sau khi thực hiện hành vi đồi bại với trẻ lần đầu mà không thấy ai “sờ gáy”, đối tượng sẽ tiếp tục tái diễn hành vi đó trong thời gian dài… Những nỗi đau, sự tổn thương của các cháu vì thế bị khoét sâu, gặm nhấm cả thể chất lẫn tinh thần; dẫn đến những hệ quả vô cùng lớn cho cuộc sống hiện tại, tương lai của những mầm nhỏ này.

Đối tượng Đồng Văn Sơn bị CQCA bắt giữ sau hơn 1 năm giở trò đồi bại với con riêng của vợ. Ảnh: H.P

Dư luận gần đây đang xôn xao về vụ việc cháu T.L, 11 tuổi, trú tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương bị bố dượng giở trò đồi bại trong thời gian hơn 1 năm trời. Chiều 30-11, gã đàn ông tên Đồng Văn Sơn, SN 1984, trú tại thôn Viên Chử, xã Kim Tân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã bị CQCA bắt giữ để điều tra về hành vi Hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Theo tài liệu, khoảng 8g20 ngày 29-11, bà ngoại nạn nhân T.L đến CQCA trình báo về việc cháu ngoại mình bị bố dượng là Đồng Văn Sơn giao cấu từ tháng 4-2017 đến tháng 11-2018 tại nhà thuộc huyện An Dương, TP Hải Phòng.

Nhận được thông tin, CA huyện An Dương đã khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xác minh và phối hợp với các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường. Kết quả ban đầu xác định, từ năm 2010, bố mẹ cháu T.L ly hôn, cháu T.L được giao cho mẹ nuôi dưỡng. Năm 2012, mẹ cháu T.L kết hôn với Đồng Văn Sơn. Từ tháng 3-2017, do bà ngoại đi du lịch nước ngoài nên cháu T.L cùng mẹ và Đồng Văn Sơn về sinh sống tại huyện An Dương, TP Hải Phòng.

Từ tháng 4-2017 vào các buổi tối, sau khi mẹ cháu T.L đi làm, Sơn đã nhiều lần thực hiện hành vi giao cấu với cháu T.L. Khoảng 18g ngày 25-11, khi mẹ cháu T.L ở nhà, phát hiện con gái xem điện thoại có một số nội dung liên quan đến phim người lớn nên tra hỏi. Cháu T.L nói nhiều lần được Đồng Văn Sơn cho xem và giao cấu với cháu tại nhà. Không thể tha thứ cho hành vi đớn hèn của Sơn, gia đình cháu T.L đến CQCA trình báo về hành vi đê hèn gã đã gây nên. Khi bị bắt giữ, Đồng Văn Sơn đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Trước đó, trên cả nước cũng xảy ra rất nhiều vụ hiếp dâm trẻ em, hiếp dâm người chưa đủ 16 tuổi dẫn đến mang thai bị đưa ra xét xử. Điểm chung của những vụ án này có thể kể như: Đối tượng là người thân, người quen biết với bị hại và gia đình bị hại; đối tượng gây nên hành vi nhiều lần, trong một thời gian dài nhưng vì sợ hãi, bị đe dọa… mà nạn nhân im lặng, không nói với ai; chỉ đến khi bị vô tình bị phát hiện hoặc bị giao cấu nhiều lần dẫn đến có thai thì gia đình mới phát hiện, làm đơn tố cáo gửi CQCA. Lúc này, công tác điều tra gặp vô vàn khó khăn vì chứng cứ mờ, đối tượng chối cãi; nạn nhân hoặc còn quá nhỏ hoặc chờ sinh con… mới có đầy đủ cơ sở để xử lý đối tượng.

Về vấn đề trên, Trung tá Nguyễn Đức Châu, Đội trưởng Đội CSHS, CA quận Tây Hồ nêu giải pháp: Đối với những vụ dâm ô trẻ em, XHTDTE, điều tiên quyết là báo CA ngay sau khi vụ việc xảy ra để lực lượng chức năng vào cuộc, tiến hành khám nghiêm, thu dấu vết sinh học, từ đó có cơ sở điều tra, khám phá nhanh vụ án. Đối với vụ án dâm ô trẻ em, sau khi nhận được thông tin, CQCA sẽ thu các chứng cứ buộc tội đối tượng như dấu vết sờ mó, cào, quần áo, trang phục… và đưa bị hại đi khám tại các cơ sở y tế. Đối với vụ án hiếp dâm, khi trình báo sớm, lực lượng chức năng sẽ lập tức đưa nạn nhân đi khám, thu dấu vết vật chất của vụ án; trên cơ sở đó tiến hành điều tra, truy tố đối tượng.

Một điều lưu ý nữa trong những vụ án này, đó là sau khi phát hiện sự việc, không nên nói cho nhiều người hoặc nói trên mạng xã hội bởi điều đó vừa khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn do nhiễu thông tin; mặt khác lại đánh động đối tượng khiến chúng bỏ trốn hoặc có những phương án ngoan cố đề phòng, không khai nhận hành vi… Hơn nữa, khi có nhiều người biết đến vụ việc, chính những nạn nhân lại hoảng loạn, lo sợ hơn.

Ở đây, vai trò của các cơ quan truyền thông cũng rất quan trọng. Việc tuyên truyền để người dân nhận biết, hiểu được phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này; từ đó cảnh giác, phòng tránh và lên tiếng tố cáo hành vi đê hèn của chúng khi sự việc xảy ra là cần thiết nhưng chọn cách tuyên truyền như thế nào để hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo vệ trẻ em; không làm ảnh hưởng đến nhân cách, danh dự, sức khỏe, tính mạng và tương lai của các cháu là điều phải cân nhắc để lựa chọn cách thông tin vừa trúng lại vừa đúng.

(Còn nữa)

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bai-3-bao-co-quan-chuc-nang-la-dieu-tien-quyet-129850.html