Bài 3: Bước chuyển mạnh về hệ thống an sinh xã hội

Thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU, hàng loạt giải pháp nhằm phát triển hệ thống an sinh xã hội đã được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, tạo bước chuyển mạnh mẽ trên lĩnh vực này. Trong đó, điểm sáng là công tác phát triển thị trường lao động, hỗ trợ người lao động có việc làm, bảo đảm thu nhập ổn định; đồng thời, bảo hiểm xã hội, công tác giảm nghèo và trợ giúp xã hội thực hiện hiệu quả, góp phần không nhỏ bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Thủ đô.

Tư vấn tuyển dụng cho người lao động tại phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh.

Tư vấn tuyển dụng cho người lao động tại phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh.

Hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động

Trong số 27 chỉ tiêu của Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”, chỉ tiêu về giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp của Hà Nội luôn đạt kết quả tích cực, vượt xa yêu cầu đề ra. Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, thành phố đã giải quyết việc làm cho 427.248 lượt lao động, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra (số lao động được tạo việc làm mới từ 155.000 đến 160.000/năm). Trong đó, năm 2022, giải quyết việc làm cho 203.027 người, đạt 126,9% kế hoạch. Tỷ lệ thất nghiệp toàn thành phố luôn duy trì ở mức dưới 3% (trong đó, năm 2021 là 2,6%; năm 2022 là 2,23%).

Kết quả đó có được là nhờ thành phố đã quyết liệt thực hiện hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn hằng năm; nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các sàn, điểm giao dịch việc làm vệ tinh nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp… Cùng với đó, thành phố làm tốt công tác định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm; triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất; khôi phục và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. 2 sàn giao dịch việc làm của thành phố và 13 sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện, thị xã tiếp tục là kênh giải quyết việc làm hiệu quả, cầu nối quan trọng giữa người lao động cần tìm việc làm và người sử dụng lao động.

Hà Nội cũng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động, như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, nâng cao kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động…

Việc gắn kết với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề được thành phố chỉ đạo quyết liệt. Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70-80%; một số ngành nghề khi học viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2020 là 70,25%, thì đến nay đạt 72,23%; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ tăng từ 48,5% năm 2020 lên 52,5% năm 2022. Kết quả tuyển sinh, đào tạo và tỷ lệ lao động qua đào tạo liên tục tăng đã khẳng định chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô ngày càng được nâng cao.

Trụ cột an sinh ngày càng vững chắc

Cùng với việc quan tâm giải quyết việc làm, Hà Nội cũng chú trọng mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, áp dụng các chính sách hỗ trợ đặc thù trong công tác giảm nghèo, trợ giúp xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến việc làm, thu nhập và đời sống của nhân dân, thành phố đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn. Cụ thể, thành phố đã hoàn thành việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 15/NQ-HĐND của HĐND thành phố với kinh phí 2.975,42 tỷ đồng, hỗ trợ 2.907.969 lượt đối tượng.

Thực hiện Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1426/QĐ-UBND ngày 27-4-2022 về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội; giải ngân được 220,402 tỷ đồng, hỗ trợ 420.279 lượt lao động của 13.971 doanh nghiệp.

Người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn tiếp tục được hỗ trợ vay vốn từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố. Theo đó, đã có trên 259.400 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Hà Nội được vay vốn, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo...

Trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội là việc làm, bảo hiểm xã hội, giảm nghèo và trợ giúp xã hội được thực hiện hiệu quả đã góp phần không nhỏ bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô một cách bền vững.

(Còn nữa)

Mai Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1062593/bai-3-buoc-chuyen-manh-ve-he-thong-an-sinh-xa-hoi