Bài 3: Cần giải pháp tổng thể trên cơ sở liên vùng

Nhằm hạn chế và khắc phục sự cố sạt lở, nhiều địa phương thường xuyên quan trắc để cảnh báo, tiến hành lấp hố xoáy, di dời dân, tài sản và áp dụng các biện pháp công trình…

(Tiếp theo và hết)

Tuy nhiên, do chưa “bắt đúng bệnh” và “bốc đúng thuốc” nên việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn tồn tại nhiều điểm hạn chế. Do đó ngay lúc này, không phải là từng địa phương mà cả vùng ĐBSCL cần liên kết và có chiến lược ứng phó, thích nghi trước tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển rất cần được nghiên cứu bài bản, thực hiện một cách đồng bộ trên cơ sở liên vùng.

 Mặc dù đã áp dụng các biện pháp kè nhưng sạt lở vẫn diễn ra nghiêm trọng ở đê biển Tây, tỉnh Cà Mau.

Mặc dù đã áp dụng các biện pháp kè nhưng sạt lở vẫn diễn ra nghiêm trọng ở đê biển Tây, tỉnh Cà Mau.

Bất cập trong xử lý

Thời gian qua, trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình trạng sạt lở, Trung ương, địa phương và các tổ chức quốc tế đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng công trình, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp bảo vệ bờ sông, bờ biển. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về môi trường, tiến độ đầu tư các công trình không bắt kịp tốc độ sạt lở. Hầu hết các địa phương vẫn làm theo kiểu “uống thuốc giảm đau” với tầm nhìn ngắn hạn và các giải pháp này không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả lâu dài, như: Công trình khắc phục sạt lở tuyến đê sông Gành Hào (xã Hòa Tân, TP Cà Mau), sử dụng nguồn vốn từ Quỹ phòng, chống thiên tai để thực hiện với quy mô công trình dài 174m; tuy đã thi công hoàn thành phần kè bằng bê tông cốt thép, nhưng vẫn sạt lở gần như hoàn toàn.

Lý giải điều này, theo ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai (Tổng cục Phòng, chống thiên tai-Bộ NN&PTNT): Hầu hết các công trình được thực hiện tại những khu vực đã bị sạt lở theo hướng “hỏng đâu làm đấy”, thiếu kế hoạch dài hạn, căn cơ cho toàn hệ thống sông, kênh, rạch trong vùng; chưa tính toán, xác định đầy đủ các yếu tố thủy văn, thủy lực, địa chất công trình; quá trình diễn biến xói lở bờ, hình thành bãi bồi… Mặt khác, tuyến kè giảm sóng hầu hết chưa được lượng hóa cụ thể thông qua tính toán các yếu tố về sóng, thủy triều, đường bờ nên hiệu quả gây bồi chưa cao.

Sự lúng túng trong hướng xử lý khiến quá trình sạt lở diễn ra nhanh và nghiêm trọng hơn cũng là vấn đề đáng quan tâm. Điển hình như trường hợp khắc phục sự cố sạt lở Quốc lộ 91, đoạn ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú (An Giang), chính quyền địa phương đã chi 25 tỷ đồng đắp cát tại điểm sạt lở. Tuy nhiên, không đầy hai tuần hầu như toàn bộ số cát này đã bị trôi xuống sông, sạt lở tiếp tục lan rộng.

Ngoài ra, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân vùng sạt lở, các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL còn xây dựng các cụm, tuyến dân cư. Đây được xem là giải pháp hiệu quả trong phòng, chống sạt lở song do an cư nhưng chưa lạc nghiệp nên các cụm, tuyến dân cư này không phát huy được vai trò trong việc ổn định cuộc sống và sản xuất. Cụ thể, tại cụm dân cư huyện Thanh Bình, huyện Tam Nông của tỉnh Đồng Tháp, do không có việc làm nên nhiều người phải tìm đến nơi khác để sinh sống, bỏ lại những cụm dân cư đìu hiu.

Đê biển Gành Hào được xây dựng với kinh phí hàng trăm tỷ đồng bị sóng đánh hư sau vài năm sử dụng

Cần quy hoạch tổng thể

Khi bàn về các giải pháp ứng phó với tình trạng sạt lở ở vùng ĐBSCL, các chuyên gia về môi trường cho rằng, trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Việc phát triển khu công nghiệp và đô thị theo hướng dọc bờ sông nhằm thu hút đầu tư công nghiệp; tình trạng khai thác cát; phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ven biển cùng với các hoạt động khác làm tăng mức độ khai thác nước ngầm, khiến sạt lở gia tăng. Do đó, để các chương trình, dự án phòng, chống sạt lở đang được triển khai ở ĐBSCL phát huy hiệu quả, các chuyên gia kiến nghị Chính phủ cần thực hiện quy hoạch không gian lãnh thổ dựa trên đặc thù, hiện trạng tài nguyên đất, nước và tác động của tình hình biến đổi khí hậu để có cơ sở phân vùng tự nhiên và áp dụng giải pháp phù hợp.

Nêu ý kiến về vấn đề chống sạt lở vùng ĐBSCL, PGS, TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu cho rằng: Địa phương cần căn cứ vào bản đồ sạt lở để biết những nơi nào có nguy cơ sạt lở nhiều nhằm tránh bố trí các công trình, thay vào đó có thể bố trí một số đê kè, các loại cây trồng hoặc vật liệu nhẹ để chống sạt lở. Đồng thời phải kiểm soát tình trạng khai thác cát; cảnh báo các tàu thuyền qua lại hạn chế tốc độ để tránh sạt lở gia tăng. Tùy theo mức độ và thực trạng sạt lở của từng nơi mà có giải pháp phù hợp để vừa cho hiệu quả cao, vừa tiết kiệm chi phí. "Hậu Giang là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề về sạt lở bờ sông, để ứng phó, tỉnh đã áp dụng giải pháp kè sinh thái bằng các loại cây bần, cà na, tràm mang lại hiệu quả. Hiện tỉnh đang thí điểm tại huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy, theo đó hơn 5km kè sinh thái chỉ với kinh phí đầu tư khoảng 750 triệu đồng, trung bình 1m kè sinh thái chỉ tốn khoảng 150.000 đồng, bằng 1/10 so với chi phí xây kè bê tông. Giải pháp này tạo bãi bồi chống sạt lở, giúp tăng độ che phủ cây xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”, PGS, TS Lê Anh Tuấn nêu dẫn chứng.

Sạt lở nghiêm trọng ở Quốc lộ 91, tỉnh An Giang.

Cũng liên quan đến giải pháp chống sạt lở, GS Nguyễn Ngọc Trân, Chủ nhiệm Chương trình khoa học nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL cho rằng: Việc trước mắt là xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, chuyên đề và được kết nối với nhau nhằm giúp các viện, trường, các nhà khoa học có thể khai thác. Bước tiếp theo là tập hợp các chuyên gia để xây dựng các mô hình kiểm soát những vùng cần theo dõi sạt lở. Khi có số liệu và các mô hình theo dõi hợp lý nói trên thì việc xác định lượng cát, vị trí, thời gian khai thác dựa trên ngưỡng cân bằng bùn cát bảo đảm ổn định cho sông, ven biển sẽ do các cơ quan quản lý tài nguyên quyết định. “Chính phủ cần xem xét việc ban hành văn bản giữ nguyên 227.000ha rừng của các tỉnh trong vùng, đặc biệt là 63.000ha rừng ngập mặn, không được chuyển đổi dưới bất kỳ hình thức nào, trừ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Đồng thời, bổ sung đề án và tạo nguồn lực phát triển thêm rừng ngập mặn ở những nơi có điều kiện; có cơ chế khuyến khích đủ sức hấp dẫn các thành phần kinh tế tạo đất, rừng mới để giữ bờ biển, lấn bờ biển bằng chính sách giao đất thời gian dài 50-70 năm với diện tích đất, rừng mới được tạo lập. Dành 10% quỹ đất ở mỗi khu vực xây dựng hồ sinh thái và sẽ cung cấp lượng đất đủ để san nền. Đối với việc bảo vệ bờ biển là một chương trình lâu dài, tích hợp nhiều biện pháp từ xây dựng công trình đến quản lý khai thác, trong đó yếu tố ổn định rừng ven biển cần phải xác định là đặc biệt quan trọng. Kiểm soát di dân tự do, chống phá rừng ven biển làm đầm nuôi trồng thủy sản như từng xảy ra một vài nơi ở Cà Mau”, GS Nguyễn Ngọc Trân đề xuất.

Để ứng phó với sạt lở, việc cấp bách hiện nay là sớm hoàn thiện đề án bố trí lại dân cư ven sông, kênh rạch, phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Cùng với đó, trong bối cảnh lượng bùn cát từ sông Mê Công giảm nghiêm trọng, các cơ quan chức năng cần điều tra, đánh giá lượng bùn cát về ĐBSCL hằng năm làm cơ sở cho phép khai thác cát trên hệ thống sông chính. Nghiên cứu, tạo nguồn vật liệu mới thay thế, phục vụ san lấp, xây dựng nhằm hạn chế việc lấy cát từ lòng sông để tôn nền. Các địa phương cần quyết liệt kiểm soát và có sự liên kết vùng, liên kết tỉnh trong quản lý, quy hoạch hoạt động khai thác cát, sỏi xây dựng… Có như thế mới thực sự “cứu” ĐBSCL tránh khỏi sạt lở khốc liệt như hiện nay.

Bài và ảnh: NGUYỄN BÁ - THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-3-can-giai-phap-tong-the-tren-co-so-lien-vung-591988