Bài 3: Chung vốn đóng tàu lớn

Xác định thủy sản đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, đảng và nhà nước đã có nhiều chính sách phát triển thủy sản. Ở Nghệ An, bên cạnh sự hỗ trợ từ Nghị định 67, ngư dân nhiều địa phương chung vốn phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ. Theo đó, tàu to máy lớn tăng nhanh, tổng công suất tàu cá toàn tỉnh hiện đạt gần 570.000 CV

“Cú hích” từ Nghị định 67

Sau hai năm triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Nghệ An đã thu được một số kết quả khá toàn diện, từ công tác chỉ đạo đến thực hiện các chính sách; nhất là các chính sách đầu tư hạ tầng, chính sách tín dụng cho vay vốn đóng tàu khai thác xa bờ và chính sách bảo hiểm tàu cá. Nghị định 67 đã thực sự đi vào cuộc sống của bà con ngư dân, nguồn vốn cho ngư dân vay đóng tàu xa bờ đang từng bước được khơi thông góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành thủy sản.

Tàu vỏ gỗ công suất 820CV tự góp vốn để vươn khơi của ngư dân Hồ Hữu Hùng ở thôn Nghĩa Phú, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu). Ảnh: VH

Tàu vỏ gỗ công suất 820CV tự góp vốn để vươn khơi của ngư dân Hồ Hữu Hùng ở thôn Nghĩa Phú, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu). Ảnh: VH

Đến ngày 31/3/2017, 100 chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn (đóng mới 100 tàu, nâng cấp cải hoán 1 tàu). Trong đó, có 69 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng (8 tàu vỏ thép, 4 tàu vỏ composite, 57 tàu vỏ gỗ). Tổng doanh số cho vay 557 tỷ đồng, đã giải ngân 552 tỷ đồng. Đến thời điểm này đã có 60 tàu hoàn thành đi khai thác hải sản, trong đó có 23 tàu làm nghề chụp, 13 tàu làm nghề rê, 22 tàu làm nghề vây và 2 tàu làm dịch vụ hậu cần. Nói chung số tàu này hoạt động đều có hiệu quả, đặc biệt có tàu doanh thu từ 400 - 700 triệu đồng, có chuyến biển đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng, như tàu của các ông Pham Ngọc Sơn và Hoàng Đức Mến (xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu)…

Hiện nay, 2 địa phương có số lượng tàu đóng theo Nghị định 67 lớn nhất tỉnh là huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Huyện Quỳnh Lưu có 32 tàu ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng và Hoàng Mai có 29 chiếc. Tại thị xã Hoàng Mai có gần 890 phương tiện tàu đánh bắt thủy sản, trong đó có 415 chiếc công suất từ 90 CV trở lên, có 33 tàu được UBND tỉnh phê duyệt cho vay đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Đã có 27 tàu tham gia khai thác hiệu quả cao, trong đó có 2 tàu vỏ sắt do ngư dân phường Quỳnh Phương làm chủ. Để phục vụ nhu cầu đóng mới, sửa chữa, nâng cấp tàu thuyền cho ngư dân, trên địa bàn có 12 xưởng đóng mới, sửa chữa, cải hoán tàu, trong đó có hai cơ sở được tỉnh phê duyệt đủ năng lực đóng tàu Nghị định 67 là cơ sở Ánh Huế và cơ sở Thọ Quế, đều ở xã Quỳnh Lập.

Trong năm vừa qua, bà con nông dân cũng đã chủ động nâng cấp, thải loại một số phương tiện tàu cũ, công suất thấp, để đầu tư, đóng mới tàu cá có công suất lớn có thể đánh bắt ở các ngư trường xa. Bên cạnh đó, ở thị xã Hoàng Mai bà con ngư dân cũng đã đóng mới một số tàu dịch vụ, chuyên thu mua, vận chuyển cá trực tiếp ở các ngư trường về đất liền tiêu thụ, giúp cho tàu khai thác tiết kiệm chi phí đi lại, có thể khai thác dài ngày hoặc khi gặp được luồng cá lớn, nhằm tăng năng suất và sản lượng thủy sản.

Nghị định 67 đến ngày 31/12/2016 hết hạn và để tiếp tục tạo điều kiện cho các chủ tàu đã đăng ký nhưng chưa ký hợp đồng tín dụng, Nghị quyết 113 NQ/CP cho phép kéo dài thời hạn thực hiện các chính sách quy định tại Nghị định 67 đến hết ngày 31/12/2017. Thực hiện Nghị quyết 113, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo NHNN chỉ đạo NHTM nhưng hiện nay Bộ Tài chính chưa chỉ đạo các đơn vị bảo hiểm. Chính vì thế, một số tàu cá hết hạn do không mua được bảo hiểm và một số ngân hàng cũng chờ đợi chưa thực sự vào cuộc dù đã có chỉ đạo của NHNN.

Đóng tàu ở cơ sở Ngò Thủy, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu). Ảnh: Thu Huyền

Ông Nguyễn Viết Trí - Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An - Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tỉnh cho biết: Hiện nay nhu cầu đóng tàu to máy lớn đánh bắt hải sản trong ngư dân vẫn rất lớn. Để đảm bảo ngư dân có tàu công suất lớn vươn khơi đánh bắt, phát triển kinh tế, chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính cần chỉ đạo các đơn vị bảo hiểm tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm nghề cá cho ngư dân; đồng thời, kiểm tra và rà soát lại danh sách chủ tàu đã được phê duyệt tiếp cận Ngân hàng Thương mại để hoàn chỉnh thủ tục vay vốn tín dụng đặc biệt huyện Quỳnh Lưu còn 22 chủ tàu chưa ký hợp đồng tín dụng.

Và trong khi Nghị định 67 đang còn những vướng mắc thì người dân ở các địa phương đã chủ động liên kết đóng tàu công suất lớn bằng nguồn vốn tự có.

Liên kết để vươn khơi xa

Xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) thu nhập chủ yếu dựa vào kinh tế biển, toàn xã hiện có 170 phương tiện, tổng công suất 53.300CV (tăng 6.300CV so với năm 2015). Với mục đích đánh bắt ở ngư trường xa bờ bằng phương tiện hiện đại, ngư dân xã Quỳnh Long chú trọng đầu tư nâng cao năng lực phương tiện, riêng trong năm 2016 đã phát triển mua, đóng mới 19 phương tiện nghề vây khơi (đóng mới 8 tàu, mua mới 10 tàu, và 1 tàu chuyển đổi từ 4 sào sang vây khơi). Ngoài ra, có 6 chiếc đóng mới theo Nghị định 67CP. Quý 1/2017, ngư dân trong xã tiếp tục đóng mới, chuyển đổi nghề lộng, chụp 2 sào sang 4 sào hoặc sang nghề vây. “Vài tháng tới, sẽ có thêm 8 phương tiện nữa hạ thủy, chủ yếu nghề vây nên sản lượng thủy, hải sản của chúng tôi sẽ còn tăng cao hơn nữa” - ông Trần Quang Vệ - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long cho biết.

Ở Quỳnh Long hiện có nhiều hộ mạnh dạn vay vốn đầu tư tàu thuyền công suất lớn, đơn cử như hộ anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Đại Bắc, hộ anh Nguyễn Sáng ở thôn Đại Hải, mỗi hộ có 3 chiếc. Mỗi tháng hộ anh Bắc, anh Sáng thu nhập trên 300 triệu đồng. Cái hay của ngư dân xã Quỳnh Long, đó là việc họ không một mình đầu tư mua tàu thuyền mà khoảng 7 - 10 hộ chung nhau một chiếc tàu. “Làm như thế để nhỡ tàu này không được thì có tàu khác bù vào tránh bị lỗ vốn và cũng để mỗi người đều có trách nhiệm với chính tài sản, sản lượng đánh bắt của mình. Chẳng có chuyện ông chủ - người làm mà tất cả đều là chủ, đều là thợ, ai giỏi việc gì làm việc đó. Vì thế anh em rất tình cảm, hòa đồng, tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt lại giúp nhau phát triển kinh tế gia đình nữa”- anh Nguyễn Sáng ở thôn Đại Hải chia sẻ.

Hạ thủy tàu vỏ sắt trị giá 16 tỷ đồng đóng theo Nghị định 67 của giáo dân Nguyễn Kim Đương ở giáo xứ Mành Sơn, xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu). Ảnh: VH

Ở xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu), anh Tô Duy Thế - Phó Chủ tịch Hội nghề cá của xã cho hay, hiện trên địa bàn xã có 3 cơ sở đóng tàu thuyền. Vì nguồn nhân lực có hạn, lao động nghề cá khó khăn nên tàu thuyền có xu hướng không tăng về số lượng, chỉ duy trì 120-130 chiếc nhưng chú trọng nâng công suất tàu. Ở Quỳnh Nghĩa hiện nay chủ yếu tàu to máy lớn, công suất bình quân 500 CV/tàu (cách đây 2-3 năm chủ yếu tàu dưới 300CV). Trong khi tiếp cận nguồn vốn theo Nghị định 67 khó khăn, ngư dân Quỳnh Nghĩa chủ động đóng tàu công suất lớn bằng nguồn vốn tự có. “Những năm 2007-2008 xăng dầu đắt nên có hiện tượng ngư dân nằm bờ do không tải được chi phí đầu vào nhưng những năm gần đây không có hiện tượng đó, hoạt động đánh bắt diễn ra thường xuyên liên tục’- Phó Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Nghĩa cho biết thêm.

Hay ở thôn Tân An (giáo xứ Phú Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu), ngư dân cũng mạnh dạn đầu tư đóng tàu công suất lớn. Trên địa bàn thôn có 1 cơ sở đóng tàu của giáo dân Nguyễn Văn Tuấn. Năm 2016, cơ sở đóng được 2 con tàu theo Nghị định 67 cho người dân ở giáo xứ Phú Yên, ngoài ra còn đóng nhiều tàu có công suất từ 90 CV trở lên. Ngoài đóng tàu, gia đình anh Tuấn còn tham gia đi biển đánh bắt xa bờ. Trong những tháng đầu năm, tàu của con trai anh Tuấn đánh bắt đạt sản lượng cao, mỗi chuyến thu về 200- 250 triệu đồng.

Có thể thấy, nhờ việc đánh bắt thuận lợi, được giá nên đa số ngư dân Quỳnh Lưu chủ động tìm kiếm nguồn vốn để đóng tàu vươn khơi. Ông Bùi Xuân Trúc - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Trong năm 2016, Quỳnh Lưu có khoảng 100 phương tiện xuống cấp, công suất nhỏ được ngư dân bán để đóng tàu mới, hiện đại nhằm đánh bắt xa bờ. Huyện luôn khuyến khích ngư dân nâng cấp tàu có công suất lớn để đánh bắt có hiệu quả, giảm dần đội tàu khai thác gần bờ.

Theo tổng hợp từ Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tổng số tàu cá toàn tỉnh là 3.917 tàu, trong đó, tàu xa bờ công suất 90CV trở lên có 1.347 tàu, tàu công suất 20-90CV có 991 chiếc; tàu công suất dưới 20CV có 1.579 chiếc. Ông Hồ Thế Xuân – Trưởng phòng Quản lý tàu cá và cơ sở dịch vụ hạ tầng nghề cá, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: Ngư dân có xu hướng đóng mới tàu to máy lớn vươn khơi xa thay vì máy công suất nhỏ khai thác gần bờ kém hiệu quả trước đây. Vì thế, về cơ bản số tàu thuyền không tăng nhiều so với trước đây nhưng tăng mạnh về công suất. Tổng công suất toàn tỉnh đạt gần 570.000 CV, bình quân là 142,62 CV/tàu, so với năm 2015 tăng gần 13%. Đối với tàu trên 90CV công suất bình quân là 374,20 CV/tàu, so với năm 2015 tăng hơn 11%. Năm 2017, dự kiến số tàu đóng mới nội tỉnh khoảng 90 chiếc. Trong đó, tàu từ 30 - 90 CV là 10 chiếc và tàu trên 90CV khoảng 80 chiếc.

Thế nhưng, ở một bình diện khác, tại giáo xứ Song Ngọc (xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu),“cần câu cơm” của bà con ngư dân đang bị bán đi. Lý do vì sao và người dân, các cấp chính quyền cần làm gì để bám biển phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống... sẽ được Báo Nghệ An đề cập ở kỳ tới.

Nhóm P.V

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/bai-3-chung-von-dong-tau-lon-187868.html