Bài 3: Đề cao tính tự giác của cán bộ, công chức trong thực hiện quy tắc ứng xử

Mức độ hài lòng của người dân đối với các cơ quan công quyền chính là thước đo rõ nét của bộ Quy tắc ứng xử (QTƯX) trong thực tiễn đời sống. Nhưng thực tế đang đòi hỏi phải tiếp tục bồi đắp, nâng cao văn hóa ứng xử cho đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) Thủ đô.

(tiếp theo và hết)

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra

Theo kết quả khảo sát chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính TP Hà Nội năm 2017 ở tất cả lĩnh vực của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội do Sở Nội vụ Hà Nội cung cấp, mức độ hài lòng đều đạt từ hơn 70% đến 90%. Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả thực hiện QTƯX của CBCC, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội 6 tháng năm 2018 của Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) TP Hà Nội thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một số cơ quan triển khai chậm, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện QTƯX. Công tác tuyên truyền ở cơ sở tại một số nơi còn hình thức. Chúng tôi khi thực hiện loạt bài viết này cũng gặp khó khăn trong tìm hiểu thực tế tại một số cơ quan, địa phương, thậm chí có nơi còn né tránh với những lý do không chính đáng.

Bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó giám đốc Sở VH&TT TP Hà Nội chỉ ra những nguyên nhân tồn tại trong thực hiện QTƯX là do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn hạn chế. Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong triển khai, thực hiện QTƯX có nơi chưa rõ nét. Ngoài ra, do chưa có chế tài xử lý đối với CBCC vi phạm nên tính răn đe chưa cao.

Bàn về những giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn QTƯX, bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: "Thời gian tới, Sở VH&TT TP Hà Nội (cơ quan thường trực triển khai thực hiện QTƯX) tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nội dung QTƯX. Sở cũng tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ CBCC có khả năng thuyết trình, chuyển tải thông tin làm báo cáo viên tuyên truyền các nội dung về QTƯX đến từng tổ chức, cá nhân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện QTƯX tại các cơ quan, đơn vị.

Nội dung Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức được niêm yết ở nơi dễ nhìn, dễ thấy tại Sở Nội vụ TP Hà Nội.

Cùng với Sở VH&TT TP Hà Nội, từ đầu năm 2018, Sở Nội vụ TP Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, gồm cả theo kế hoạch và đột xuất kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các vi phạm QTƯX, kỷ luật, kỷ cương hành chính của CBCC toàn thành phố. Theo ông Nguyễn Xuân Lưỡng, Chánh văn phòng Sở Nội vụ: Để thay đổi nhận thức dẫn tới ứng xử có văn hóa của CBCC, trước hết phải bồi dưỡng năng lực, đạo đức cho mỗi CBCC. Vì vậy, ngay sau khi bộ QTƯX được ban hành, sở đã tổ chức 3 lớp bồi dưỡng năng lực lãnh đạo, quản lý cho đối tượng là chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và trưởng, phó phòng thuộc các sở, ban, ngành. Trong khóa tập huấn này, nội dung về nâng cao chất lượng đội ngũ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với thực hiện QTƯX được xem là nội dung quan trọng.

Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ và xây dựng hình ảnh đẹp trước công dân, hướng tới hoàn thiện mô hình chính quyền thân thiện, từ tháng 4-2018, Sở Nội vụ TP Hà Nội đã đưa vào triển khai thí điểm kênh thông tin điện tử tiếp nhận thông tin phản ảnh, đánh giá chất lượng phục vụ, thái độ ứng xử của công chức thuộc sở. Sau thời gian thí điểm, đến cuối năm 2018, phạm vi, đối tượng tiếp nhận phản ảnh sẽ được mở rộng đến công chức của ngành nội vụ TP Hà Nội.

Nói không với bệnh hình thức

Việc xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh đang được chính quyền thành phố quyết tâm thực hiện một cách bài bản và đồng bộ. Nhiều giải pháp để chấn chỉnh hành vi, ứng xử của CBCC được các sở, ban, ngành đưa ra. Tuy nhiên, theo khảo sát ý kiến của nhiều người dân, để QTƯX đi vào đời sống có hiệu quả, các cơ quan, đơn vị, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc, nói không với bệnh hình thức.

Một trong những đơn vị điển hình mà chúng tôi muốn nhắc đến là Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Hà Nội-một trong những cơ quan chuyên môn có khối lượng hồ sơ TTHC dẫn đầu thành phố. Đây cũng là "điểm nóng" với những ý kiến trái chiều trong giải quyết TTHC. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Nam, Phó giám đốc Sở KH&ĐT TP Hà Nội giãi bày những khó khăn trong thực hiện QTƯX. Ông Nam cho biết, bình quân một năm số lượng giao dịch hành chính của sở đạt xấp xỉ 200.000 lượt hồ sơ. Khối lượng công việc lớn, áp lực tiến độ thời gian, chất lượng giải quyết mà thành phố yêu cầu ngày càng cao. Bên cạnh đó, về phía người dân, doanh nghiệp cũng có những lúc chưa thông cảm, chia sẻ với CBCC. Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Nam khẳng định, những khó khăn này là một trong những điểm mấu chốt để sở đặt ra quyết tâm phải thực hiện QTƯX một cách nghiêm túc, hiệu quả và tuyệt đối nói không với tính hình thức. Kết quả thực tế sau gần hai năm triển khai QTƯX thể hiện ở sự ghi nhận của người dân trong công tác tiếp dân, giải quyết TTHC của sở. Đặc biệt, trong năm qua, sở là đơn vị tiên phong triển khai nhiều biện pháp cắt giảm TTHC.

Được tận mắt chứng kiến một ngày làm việc của Phòng Đăng ký kinh doanh (ĐKKD), Sở KH&ĐT TP Hà Nội, chúng tôi thực sự cảm thông với sự vất vả của CBCC nơi đây. Mới gần 8 giờ mà văn phòng đã chật cứng người đến làm thủ tục. Với số lượng tiếp nhận trung bình mỗi ngày từ 700 đến 1.000 hồ sơ, đặt ra yêu cầu đối với 10 CBCC "một cửa" của Phòng ĐKKD làm việc luôn chân luôn tay, thậm chí không có thời gian nghỉ ngơi. Quá tải công việc là thế, nhưng những CBCC "một cửa" vẫn giữ thái độ hòa nhã, đúng mực khi giải quyết công việc. Chúng tôi nêu ví dụ về Sở KH&ĐT TP Hà Nội để thấy rằng, dù có nhiều khó khăn nhưng bằng cách đưa QTƯX vào đời sống một cách thực chất sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức mỗi CBCC, để từ đó có những chuyển biến về trách nhiệm, hành vi.

Theo TS Nguyễn Viết Chức, Hà Nội là nơi hội tụ bốn phương, hội tụ văn hóa của các vùng miền, nên việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đòi hỏi phải rất công phu, kiên trì, bền bỉ. Đây là bước đi dài hơi chứ không thể thực hiện trong một sớm, một chiều. Việc ứng xử theo quy tắc sẽ dần hình thành thói quen cho CBCC để từ đó góp phần hoàn thiện nhân cách mỗi người. Tuy nhiên, TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, không có một quy tắc nào bao quát được hết mọi hành vi ứng xử diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Nếu mỗi CBCC không tự rèn luyện, không tự giác phấn đấu làm giàu văn hóa ứng xử cho mình thì bộ QTƯX cũng khó đi vào cuộc sống. "Mấu chốt vẫn là đề cao tính tự giác của mỗi CBCC để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả bộ QTƯX", TS Nguyễn Viết Chức khẳng định.

“Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan công sở các cấp cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, coi việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ trọng tâm; kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm và xem xét trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra việc CBCC vi phạm QTƯX”. (Ông Nguyễn Minh Khánh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội).

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bai-3-de-cao-tinh-tu-giac-cua-can-bo-cong-chuc-trong-thuc-hien-quy-tac-ung-xu-551560