Bài 3: Giáo dục - 'Ngôi sao sáng nhất' của tỉnh nghèo cực Tây Tổ quốc

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường khẳng định giáo dục là điểm sáng nhất của tỉnh miền núi Điện Biên dù tỉnh còn rất nhiều khó khăn.

Giáo dục Điện Biên

Điện Biên có nhiều cái nhất như tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội khiêm tốn nhất, nhưng trong bối cảnh nhiều khó khăn đó, một điểm sáng nhất của Điện Biên là giáo dục và đào tạo. Đây là khẳng định của Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường.

Tỉnh nghèo lọt tốp dẫn đầu

Từ những “viên gạch đầu tiên” được xây dựng bởi lớp giáo viên tình nguyện miền xuôi, khi 99% dân số mù chữ, các bản làng "trắng trường trắng lớp; với nỗ lực của lớp lớp thế hệ nhà giáo Điện Biên trong hơn 60 năm qua, giáo dục Điện Biên đã có những bước tiến vượt bậc cả về số lượng và chất lượng ở tất cả các cấp học.

Theo Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Đoạt, quy mô mạng lưới trường lớp của tỉnh phát triển phủ kín khắp các bản làng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân với 486 cơ sở giáo dục và đào tạo các cấp. Số trường đạt đạt chuẩn quốc gia chiếm 78,1%; số trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục chiếm 76,3%.

Tỉnh đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch về tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường. Năm 2000, tỉnh Điện Biên được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ; năm 2008 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; năm 2009 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1; năm 2014 đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; năm 2015 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2. Năm 2020, Điện Biên phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và xóa mù chữ mức độ 2.

Đặc biệt, Điện Biên là tỉnh sớm nhất trong cả nước đã thực hiện nâng cấp các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông từ năm 2009. Đến nay, toàn tỉnh có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học phổ thông; có 135 trường phổ thông dân tộc bán trú; có 89 trường phổ thông có học sinh bán trú.

Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục mũi nhọn tiếp tục được nâng lên.

Giờ học của cô và trò Trường Trung học cơ sở Pom Lót, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường tự hào cho biết năm 2023 là năm ghi dấu mốc nhiều cái “nhất” trong thành tích của giáo dục Điện Biên: Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt cao nhất từ trước tới nay, đạt 99,51%; số lượng học sinh đạt giải và chất lượng giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia cao nhất từ trước đến nay với 26 giải (gồm 3 giải nhì, 8 giải ba và 15 giải khuyến khích; xếp thứ 4 trên 7 tỉnh thuộc khu vực biên giới miền núi phía Bắc); số giáo viên được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú cao nhất từ trước đến nay với 43 nhà giáo - nhiều hơn tổng số nhà giáo ưu tú của tỉnh trong suốt 15 lần phong tặng danh hiệu này trước đây cộng lại.

Cũng năm 2023, Điện Biên được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ thi đua xuất sắc, ghi nhận là một trong 8 địa phương đi đầu trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Toàn tỉnh hiện có 15.746 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học của tỉnh có trình độ đào tạo chuẩn và trên chuẩn khá cao.

Hệ thống trường lớp cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập với tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 74%; hơn 78% trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Điện Biên đã thực hiện việc rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học để đảm bảo tinh gọn, hiệu quả theo chủ trương của Trung ương. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường của các cấp học từ mầm non đến phổ thông đều đạt mức cao.

“Kết quả đó có được là nhờ sự quan tâm của Trung ương, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và sự nỗ lực, quyết tâm của địa phương qua nhiều thế hệ,” Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường nói.

Giáo dục Điện Biên đã có những bước tiến dài, đạt nhiều thành tựu nổi bật. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Cũng theo ông Cường, với các kết quả trên, tỉnh càng quyết tâm hơn trong việc trình Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm thành lập Trường Đại học Điện Biên trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên để học sinh 19 dân tộc anh em trong tỉnh có điều kiện thuận lợi hơn trong việc học lên cao hơn nữa.

Đánh giá về những thành tích đạt được của ngành giáo dục Điện Biên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định đây là những thành quả rất ấn tượng và đáng khích lệ, đặc biệt đối với địa phương có nhiều khó khăn như Điện Biên.

Nỗ lực giải bài toán thiếu giáo viên, cơ sở vật chất

Những kết quả trên của Điện Biên càng đáng khích lệ khi địa phương vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để phát triển giáo dục, đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên và cơ sở vật chất.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Đoạt, hiện toàn tỉnh thiếu hơn 2.000 giáo viên, nhân viên trường học trong khi nguồn tuyển rất khó khăn, đặc biệt là các môn học mới trong chương trình 2018 như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Chương trình mới, môn học mới cũng kèm theo những yêu cầu mới về cơ sở vật chất như phòng học, thiết bị dạy học trong khi ngân sách Trung ương cấp có hạn, nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu, chỉ riêng việc kiên cố hóa trường lớp đã là bài toán khó với tỉnh nghèo.

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường cho hay hiện Điện Biên vẫn còn nhiều phòng học, phòng nội trú, phòng công vụ, nhà bếp, nhà ăn… đang là phòng tạm hoặc bán kiên cố. Ước tính nhu cầu kinh phí để tỉnh Điện Biên có thể thay thế toàn bộ số phòng tạm, bán kiên cố là khoảng 2.600 tỷ đồng.

Địa phương đang nỗ lực để tìm giải pháp cho các khó khăn này. Để tạo nguồn giáo viên lâu dài, Điện Biên đang dành toàn chỉ tiêu đào tạo cử tuyển được Chính phủ giao cho ngành sư phạm, đặc biệt với các môn còn thiếu. “Nếu tuyển giáo viên từ nơi khác, các thầy cô sẽ chỉ công tác một thời gian rồi xin chuyển vì ở Điện Biên đời sống khó khăn. Với đào tạo cử tuyển, giáo viên là người địa phương nên sẽ cống hiến lâu dài cho tỉnh,” Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Đoạt phân tích.

Cũng theo ông Đoạt, Điện Biên đã thực hiện rà soát lại toàn bộ đội ngũ, huy động giáo viên trẻ ở các môn còn thừa, dôi dư để bố trí, sắp xếp đi học văn bằng 2 các môn còn thiếu để về giảng dạy các môn này.

Thiếu giáo viên đang là một trong những bài toán khó của tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Phạm Mai

“Bên cạnh đó, chúng tôi đang tham mưu với tỉnh phải có chính sách tuyển các cháu học sinh tốt nghiệp lớp 12 học khá, giỏi và có nguyện vọng đi học tại chức tập trung, ký hợp đồng hợp tác với các cơ sở đào tạo có uy tín như Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, Đại học Sư phạm Hà Nội để đào tạo và về công tác tại địa phương,” ông Đoạt chia sẻ.

Về cơ sở vật chất, tỉnh cố gắng ưu tiên bố trí nguồn lực và huy động xã hội hóa.

Cùng với sự cố gắng của địa phương, lãnh đạo tỉnh Điện Biên cũng đề nghị sự chung tay hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ thông qua các chính sách như không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc được hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn và không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập như tỉnh Điện Biên; có chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm làm công tác phổ cập giáo dục; nâng mức hỗ trợ cho giáo viên mầm non dạy lớp ghép, dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số…

Điện Biên cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm triển khai Đề án kiên cố hóa trường, lớp học tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có các chương trình, đề án đặc thù về đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học; ưu tiên tỉnh Điện Biên được tham gia các chương trình, dự án đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ thiết bị dạy học.

Bên cạnh đó là việc nâng mức hỗ trợ học sinh nội trú, bán trú, mức hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ mầm non và học sinh bán trú; kéo dài thời gian được hưởng chính sách hỗ trợ tại các xã đặc biệt khó khăn khi xã được công nhận nông thôn mới; tăng lương cho giáo viên…

Trước những khó khăn của tỉnh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị Điện Biên huy động bằng mọi cách để có trường học kiên cố, trang thiết bị dạy học. Cũng theo Bộ trưởng, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục sẽ giải quyết được cả hai vấn đề đang đặt ra với tỉnh hiện nay là địa hình phân tán, nhiều điểm trường lẻ và thiếu giáo viên.

Nỗ lực để xứng đáng với mảnh đất anh hùng

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Đoạt, những thành tựu của giáo dục Điện Biên hôm nay là minh chứng cho sự sáng suốt trong chủ trương, đường lối phát triển văn hóa, giáo dục miền núi của Đảng và Chính phủ mà khởi đầu là cuộc vận động đoàn giáo viên năm 1959.

"65 năm trôi qua kể từ mùa thu năm 1959, các thầy cô đã hy sinh cả quãng đời thanh xuân nơi rừng sâu núi thẳm, thậm chí cả máu và nước mắt, vừa bám bản dạy chữ cho học sinh, vừa giác ngộ chính trị cho đồng bào dân tộc thiểu số, đào tạo cán bộ cho địa phương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Bác Hồ giao phó, ngành giáo dục Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung mãi ghi nhớ và tri ân công lao to lớn ấy. Chính các thầy đã tạo nên sức bật cho giáo dục miền núi trong suốt những năm tháng khởi đầu, tạo đà cho sự phát triển không ngừng của giáo dục Điện Biên để đào tạo những thế hệ công dân có tri thức, góp sức xây dựng tỉnh nhà và đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển,” ông Đoạt xúc động nói.

Chia sẻ về những định hướng phát triển của giáo dục Điện Biên trong giai đoạn tới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Đoạt cho hay mục tiêu của giáo dục Điện Biên là cố gắng phấn đấu lọt tốp 40/63 tỉnh thành. Xác định cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng dân tộc thiểu số của tỉnh là các trường thống trường phổ thông dân tộc nội trú, Điện Biên đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô hệ thống đào tạo của tỉnh, các huyện, thị.

Các chỉ số cụ thể như nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 99,9%; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông và tương đương đạt 98,2%; tỷ lệ tốt nghiệp các trường cao đẳng đạt 100%.

Trong phổ cập giáo dục, tỉnh phấn đấu duy trì 100% số đơn vị cấp xã và 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; xóa mù chữ mức độ 2, tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3, 4 tuổi.

Bên cạnh bài toán về giáo viên, vấn đề cơ sở vật chất cũng là một khó khăn của tỉnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về cơ sở vật chất, Điện Biên đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 90% số trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó bậc mầm non đạt trên 89%; tiểu học 97,8%; trung học cơ sở đạt trên 96% trường, trung học phổ thông đạt 100%).

Tỉnh cũng đặt mục tiêu 100% phòng học, phòng ở nội trú, phòng hỗ trợ học tập, nhà đa năng, phòng quản trị hành chính được xây dựng kiên cố hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phục vụ các hoạt động giáo dục; 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, sử dụng thông thạo tin học và thiết bị dạy học hiện đại; 20% cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng được ngoại ngữ trong giao tiếp và nghiên cứu.

Điện Biên cũng đang kỳ vọng vào việc thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ với định hướng trường đại học đa ngành để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Điện Biên nói riêng và các tỉnh lân cận đồng thời giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các bạn Lào.

“Phải đảm bảo dạy thật, học thật, làm sao chất lượng giáo dục được nâng lên, cả giáo dục mũi nhọn và đại trà, phấn đấu xứng đáng với mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của hàng trăm giáo viên năm xưa đã vượt mọi gian lao, xung phong đến những bản làng xa xôi nhất dựng lớp, mở trường, đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành giáo dục Điện Biên, ” ông Đoạt nói./.

Mời độc giả đọc toàn bộ loạt bài:

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bai-3-giao-duc-ngoi-sao-sang-nhat-cua-tinh-ngheo-cuc-tay-to-quoc-post942385.vnp