Bài 3: Hướng đến một giải pháp đồng bộ

Thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) diễn ra ở khắp các địa phương trên cả nước và đó là vấn đề tất yếu của mọi quốc gia trong quá trình kiến tạo, phát triển kinh tế-xã hội.

Mặc dù, đây là vấn đề luôn được các cấp, các ngành quan tâm, tìm biện pháp tháo gỡ, tuy nhiên nhìn tổng thể, cần phải có giải pháp đồng bộ, hoặc có ý nghĩa áp dụng chung cho các địa phương trên cả nước. Sự đột phá riêng rẽ của từng địa phương trong lĩnh vực này nếu không được nghiên cứu thấu đáo rất dễ bị mất kiểm soát do vượt khỏi khung khổ luật pháp.

Những cách làm hay từ thực tiễn

Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long là một trong những dự án mà UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) làm tốt công tác GPMB nhờ vào những chính sách linh hoạt. Theo quyết định, tổng diện tích đất thu hồi trên địa bàn quận để phục vụ dự án là 32.094,5m2. Qua thực tế, tiếp thu ý kiến của người dân, UBND quận Cầu Giấy kiến nghị UBND thành phố xem xét, hỗ trợ một số chính sách khác ngoài các quy định chung cho những hộ dân khi thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. UBND TP Hà Nội đã có các quyết định chấp thuận chính sách đặc thù bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho dự án. Việc vận dụng cơ chế đặc thù, theo một số chuyên gia về GPMB thể hiện sự quan tâm đặc biệt của UBND TP Hà Nội đối với dự án, chưa có dự án nào người dân được vận dụng nhiều như dự án này. Tất nhiên, mọi việc cũng phải trong khung khổ pháp luật. Bởi nếu nới lỏng, vận dụng thái quá sẽ tạo ra những tiền lệ không tốt, khiến người dân hiểu sai về quyền lợi hợp pháp mà mình được hưởng.

Nhờ có chính sách linh hoạt của UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội), dự án mở rộng đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long nhận được sự đồng tình của người dân. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Tìm hiểu thực tế tại Quảng Ninh chúng tôi ghi nhận, tỉnh đã có những giải pháp, cách làm mang tính đột phá trước hàng loạt dự án lớn của mình, trong đó có cả các dự án công ích cùng các dự án kinh tế. Dự án Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn (nằm ở Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) là dự án rất lớn của tỉnh và công tác GPMB được làm tốt. Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của Quảng Ninh, bởi Vân Đồn là vùng kinh tế mới nổi, giá đất biến động liên tục ảnh hưởng lớn đến công tác hỗ trợ, đền bù. Để triển khai dự án này, đối với công tác GPMB, tỉnh đã huy động đội ngũ cán bộ của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vân Đồn, TP Hạ Long, TP Cẩm Phả và Sở Tài nguyên và Môi trường cùng vào cuộc để làm một cách minh bạch, thấu đáo, có lý có tình. Ngay từ khâu tuyên truyền vận động, phần lớn người dân đã hiểu và cho rằng phải có trách nhiệm, nghĩa vụ cao trong việc xây dựng thành phố. Hơn nữa, Vân Đồn có sân bay, chính người dân Vân Đồn sẽ được hưởng lợi. Khi hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, công việc không gặp nhiều vướng mắc.

Việc thu hồi đất của TP Đà Nẵng cũng từng được coi là rất phù hợp và hiệu quả. Theo đó, khi Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch, mức giá đền bù và tái định cư đối với các dự án được áp dụng theo biểu giá chung và thống nhất do thành phố duyệt. Điều này, giúp tạo sự công bằng hạn chế các biến động về giá đất. Quá trình quy hoạch, kiểm đếm, đền bù, bố trí tái định cư do các hội đồng GPMB của thành phố thực hiện. Đối với các dự án kinh tế, trong các dự án thu hồi, GPMB, tái định cư, nhà đầu tư không tham gia vào quá trình này để tránh gây tiêu cực. Thực hiện bồi thường bằng đất cho các hộ tái định cư có quy định cụ thể về giá trị quy đổi. Thành phố ban hành tiêu chuẩn quy đổi theo tỷ lệ đất thu hồi và tái định cư (không áp dụng theo giá thị trường) phù hợp với quy định và tham khảo nguyện vọng của nhân dân. Đối với đất thu hồi trong việc chỉnh trang đô thị và cải tạo nâng cấp đường giao thông đô thị, các hộ bị thu hồi một phần đất, phần diện tích đất còn lại vẫn đủ điều kiện xây nhà theo quy định thì sẽ chỉ được bồi thường giá trị tài sản trên đất, vì giá trị phần đất còn lại được tăng cao rất nhiều do các hộ được ra mặt đường.

Tính đến giải pháp căn cơ, cách làm bài bản

Có thể thấy, kinh nghiệm mà nhiều địa phương rút ra trong quá trình triển khai thực hiện công tác đền bù, GPMB để đẩy nhanh tiến độ các dự án chính là sự vào cuộc một cách đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách của Nhà nước, bảo đảm minh bạch trong thu hồi đất. Việc thu hồi đất được thực hiện trên tinh thần dân chủ, công khai giữa hộ dân, chính quyền và hội đồng GPMB. Quá trình kiểm đếm, đền bù, cấp ủy, chính quyền lắng nghe tiếng nói từ phía người dân để nơi nào có vướng mắc kịp thời giải quyết thông qua đối thoại, tạo sự đồng thuận cao, thống nhất cao trong nhân dân.

Mặc dù vậy, thu hồi, đền bù, GPMB là việc lớn, có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, bởi vậy, tiếng nói từ chính cơ sở cho rằng, Nhà nước cần chú trọng việc xây dựng chính sách pháp luật chặt chẽ, phù hợp. Chính sách, pháp luật, đặc biệt chính sách về đất đai phải đi vào cuộc sống, phải đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn đời sống. Hệ thống pháp luật về đất đai phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau. Trên thực tế, chính sách quản lý đất đai nói chung và bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nói riêng có nhiều thay đổi, thiếu đồng bộ gây nên tình trạng khiếu nại của người bị thu hồi đất. Chúng ta cần tránh kiểu mỗi địa phương, mỗi dự án lại có mức bồi thường và hỗ trợ khác nhau, từ đó làm nảy sinh sự so sánh quyền lợi. Đây là thực tế mà quá trình GPMB tuyến đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai đoạn đi qua địa bàn giáp ranh giữa TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc đã gặp phải. Dù cùng khu vực GPMB chỉ khác nhau về ranh giới giữa hai tỉnh mà mức đền bù của hai địa phương khác nhau dẫn tới người dân so bì, thắc mắc.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần phải sửa đổi những điểm bất hợp lý của Luật Đất đai năm 2013 bởi nó liên quan nhiều đến thu hồi đất, GPMB. Ví dụ, Điều 62 của luật này quy định các trường hợp “Thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” thì quy định này chung chung, không có sự phân loại cụ thể dẫn đến nhiều cách hiểu. Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi phải quy định rõ thế nào là lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh và dự án phát triển kinh tế.

Các chuyên gia cũng cho rằng, dù rất khó khăn và phải tính toán đến nhiều yếu tố nhưng về lâu dài việc đền bù, thu hồi đất phải theo hướng dựa trên cơ sở thị trường, sát thị trường, phù hợp với thực tế để giải quyết. Có như vậy mới hài hòa lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư và người dân. Có chuyên gia hiến kế rằng, chúng ta có thể sửa đổi pháp luật đất đai theo hướng tách giá tính thuế và giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thành hai giá riêng biệt. Theo đó, giá đất Nhà nước quy định chỉ áp dụng làm căn cứ tính các loại thuế, thu tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất và tính giá trị quyền sử dụng đất khi giao đất không thu tiền sử dụng đất. Còn khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất mới, bồi thường, GPMB thì áp dụng theo giá thị trường, trên cơ sở đấu giá quyền sử dụng đất hoặc tính tương đương. Như vậy phải có sự tham gia của các tổ chức tư vấn, định giá đất chuyên nghiệp. Nhà nước chỉ giữ vai trò là người quản lý công tác định giá đất.

NGUYỄN TUẤN - ĐỨC THỊNH - VĂN THI

(Tiếp theo và hết)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-3-huong-den-mot-giai-phap-dong-bo-555424