Bài 3: La liệt khu đô thị ma

Quá trình mở rộng đô thị hóa ra các khu vực ngoại thành Hà Nội tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển kinh tê - xã hội, nhưng lại phát sinh những thách thức lớn. Đó là việc các dự án khu đô thị mới được đầu tư một cách 'ồ ạt' dẫn đến tình trạng những khu 'đô thị ma' hình thành ngày càng nhiều, vì không có người ở và không ít người dân phải ôm 'trái đắng' vì ước mơ đầu cơ kiếm lời.

Bài 1: Chủ đầu tư bỏ của chạy lấy người

Bài 2: Đất bỏ hoang, ngân sách thất thoát

“Trái đắng” vì đầu cơ

Anh Trần Ngọc Trung, trú tại tổ 24 phường Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, năm 2010 gia đình anh có đặt cọc số tiền gần 2 tỷ đồng để mua một căn biệt tự trong dự án khu đô thị (KĐT) tại xã Tiền Phong (huyện Mê Linh, TP Hà Nội). Tuy nhiên thời điểm đó với ý định mua đầu tư, nên sau khi được xem bản vẽ thiết kế, gia đình anh đã “xuống” tiền đặt cọc mà chưa từng đặt chân đến dự án. “Đến thời điểm hiện tại sau gần 10 năm, văn bản đặt cọc đã trở thành tờ giấy lộn, tôi không được thông báo để xử lý sự việc và cũng không thể liên lạc được với đơn vị phân phối đã nhận tiền cọc của tôi” - anh Trung ngậm ngùi.

 Bên cạnh các dự án bị bỏ hoang cho chậm tiến độ GPMB, thì cũng có không ít dự án đã thành hình hài nhưng cũng ''án binh bất động'' hàng chục năm qua. Trên hình là dự án nhà ở sinh viên tại Pháp Vân (Ảnh: Doãn Thành).

Bên cạnh các dự án bị bỏ hoang cho chậm tiến độ GPMB, thì cũng có không ít dự án đã thành hình hài nhưng cũng ''án binh bất động'' hàng chục năm qua. Trên hình là dự án nhà ở sinh viên tại Pháp Vân (Ảnh: Doãn Thành).

Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến hàng loạt dự án KĐT mới trên địa bàn TP Hà Nội đã được đầu tư xây dựng xong phần thô nhà liền kề, biệt thự nhưng lại bị “đắp chiếu” hàng chục năm mà không có người đến ở, người dân gọi đây là các khu “đô thị ma”.

Các dự án bỏ hoang, khu “đô thị ma” xuất hiện nhiều ở địa bàn các quận, huyện vùng ven, với hàng loạt dự án đã được xây dựng thành hình hài, nhưng lại bị bỏ hoang hàng chục năm, như: Dự án KĐT mới Kim Chung - Di Trạch (huyện Hoài Đức), diện tích 140ha; Dự án KĐT mới Lideco (huyện Hoài Đức), diện tích 38ha; Dự án KĐT Nam An Khánh, diện tích 288ha; Dự án KĐT mới Hà Phong (huyện Mê Linh); Dự án KĐT Ngôi nhà mới (huyện Quốc Oai)...

Giải pháp để ngăn chặn tình trạng này là cần phải xây dựng một sắc lệnh về thuế đối với những dự án đất bỏ hoang, có thể tính bằng 2 - 3% giá trị đất mỗi năm, như vậy người mua sẽ chùn tay và các dự án “ma” sẽ không có cơ hội hoành hành.

TS Nguyễn Ngọc Hiếu - Giảng viên Đại học Việt - Đức

Không chỉ những dự án “đô thị ma” ở các khu vực vùng ven, mà những tòa tháp được đầu tư hàng nghìn tỷ tại khu vực trung tâm cũng nằm “án binh bất động” nhiều năm mà không được đưa vào sử dụng, gây lãng phí, có thể kể đến, như: Dự án Vicem Tower (quận Nam Từ Liêm), tổng số vốn 2.743 tỷ đồng; Dựa án Apex Tower, tổng vốn đầu tư 15 triệu USD (quận Nam Từ Liêm); Dự án Habico Tower (quận Bắc Từ Liêm), tổng số vốn đầu tư 220 triệu USD; Dự án Trung tâm giao dịch than - khoáng sản Việt Nam (quận Cầu Giấy), tổng vốn đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng; Dự án Tòa nhà bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ (quận Cầu Giấy), tổng vốn đầu tư 50 triệu USD; hay dự án Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tư Hiệp, tổng số vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng...

Theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Ngọc - chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam), những dự án xây dựng xong phần thô rồi nằm “đắp chiếu” không triển khai, một phần là do năng lực tài chính của chủ đầu tư không đủ để đáp ứng. Trong đó nhiều dự án chủ đầu tư buộc phải xin phép để thanh lý tài sản của mình mà điển hình là tòa tháp Vicem Tower, mới đây chủ đầu tư đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng xin được chuyển nhượng tòa nhà này.

“Rất nhiều dự án khác cũng rơi vào tình trạng này, khi chủ đầu tư không còn thấy được những lợi nhuận tiềm năng, không tiếp tục huy động được vốn từ khách hàng, thì dừng lại không tiếp tục triển khai, còn những người dân đã bỏ tiền ra để đặt cọc trước đây rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” - ông Ngọc nói.

Cũng theo ông Ngọc, đa phần những người đầu tư tiền vào các dự án này đều là những người đầu cơ với mong muốn khi được giá sẽ bán sang tay để kiếm lời. Đặc biệt là các khu vực vùng ven chuẩn bị được nâng cấp hành chính thành quận, thì người dân càng tỏ ra hào hứng đối với việc đầu cơ, kết quả cuối cùng là người dân chịu thiệt.

Siết chặt chế tài

Theo các chuyên gia, việc chủ đầu tư nhiều dự án "tay không bắt giặc" rồi "chạy làng" là do các quy định hiện hành của pháp luật vẫn còn lỗ hổng và cần phải siết chặt các chế tài liên quan đến vấn đề này.

Luật sư Phạm Thanh Bình - Công ty Luật Bảo Ngọc cho biết, Luật kinh doanh BĐS hiện hành chỉ điều chỉnh các hành vi kinh doanh, như: đầu tư, góp vốn... là sau khi ký hợp đồng, như vậy là bỏ ngỏ giai đoạn trước khi các bên ký hợp đồng kinh doanh BĐS, tạo ra một kẽ hở cho cho kẻ xấu lợi dụng.

“Trong Luật dân sự quy định việc đặt cọc là do các bên thỏa thuận, pháp luật không can thiệp vào số tiền đặt cọc. Việc để ngỏ như vậy nên một số công ty quy định mức tiền đặt cọc rất cao, có những đặt cọc gần hết giá trị của sản phẩm, đây là vấn đề dễ làm người dân dễ bị mất tiền” - Luật sư Bình nói.

Cùng quan điểm, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam Pham Thanh Tùng cho rằng, người Việt có thói quen mua bán theo kiểu “lướt sóng” và theo hiệu ứng đám đông. Với lỗ hổng của pháp luật hiện nay, chủ đầu tư các dự án BĐS đang biến khách hàng trở thành những nhà đầu tư thứ cấp, thông qua hợp đồng đặt cọc, cam kết đóng tiền theo tiến độ... “Đa phần những giao dịch BĐS được tiền hành qua môi giới và khách hàng, chủ đầu tư không trực tiếp đứng ra bán hàng. Thông qua việc cam kết đóng tiền theo tiến độ, các chủ đầu tư đã biến khách hàng của mình thành nhà đầu tư thứ cấp” - KTS Phạm Thanh Tùng nói.

Các chuyên gia đều cho rằng, cần phải siết chặt hơn nữa những quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này, trong đó có vấn đề siết chặt chế tài về thuế. Theo đó, Nhà nước sẽ thực hiện đánh thuế cao đối với các dự án chậm triển khai, bao gồm cả những dự án đã xây thô rồi dừng lại và cả những dự án mới chỉ đầu tư hạ tầng giao thông để phân lô, bán nền. “Cần chấm dứt việc phân lô, bán nền vì đa số người mua đất nền đều hi vọng đầu tư khi có lời sẽ bán sang tay, sẽ làm cho dòng tiền bị “chết” mà không được lưu thông vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác” - KTS Phạm Thanh Tùng cho biết thêm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với từng nhà đầu tư, để đưa ra từng lộ trình cụ thể trong quá trình xử lý các dự án bị bỏ hoang. Sau khi rà soát lại từng dự án sẽ yêu cầu chủ đầu tư có cam kết rõ ràng về tiến độ thực hiện, thời gian hoàn thành.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường

Doãn Thành

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/lang-phi-lon-tu-hang-tram-du-an-bat-dong-san-bo-hoang-bai-3-la-liet-khu-do-thi-ma-350430.html