Bài 3: Lộ trình và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt (Tiếp theo và hết)

Đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần (PTBĐ VCHC) góp phần trực tiếp nâng cao đời sống bộ đội và thay đổi cơ bản bộ mặt các đơn vị. Tuy nhiên, qua khảo sát tại nhiều loại hình đơn vị trong toàn quân, việc thực hiện theo phương thức mới còn không ít vướng mắc, bất cập và chưa thống nhất, có nơi còn lúng túng...

Bài toán phân cấp, tạo nguồn và câu chuyện đấu thầu

Những khó khăn, vướng mắc, bất cập mà chúng tôi ghi nhận được qua các chuyến khảo sát, tựu trung là: Một số loại vật chất hậu cần (VCHC) đặc thù có thời điểm tạo nguồn gặp khó khăn, nhất là những loại hàng trong nước chưa sản xuất được. Việc xây dựng hồ sơ, thủ tục mua sắm, thanh quyết toán còn gặp khó khăn, do phần lớn cán bộ hậu cần cấp chiến thuật chưa nắm chắc nguyên tắc, quy định mới trong hoạt động mua bán, đấu thầu. Một số mặt hàng chưa có tiêu chuẩn cơ sở, đơn vị thiếu thiết bị kiểm tra, chỉ thực hiện bằng phương pháp cảm quan, so sánh hàng mẫu, khó đánh giá chất lượng. Nếu phân cấp triệt để 100% ngân sách hậu cần cho đơn vị tự tạo nguồn, không có kinh phí dự phòng, khi phát sinh nhiệm vụ đột xuất, nhu cầu tiêu thụ lớn sẽ gặp không ít khó khăn trong bảo đảm...

Theo Trung tá Nguyễn Trung Quảng, Chủ nhiệm Hậu cần Vùng 4 Hải quân thì những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện ở đơn vị là: Hệ thống tiêu chuẩn hạn mức, định mức VCHC của một số chuyên ngành còn thiếu. Khi phân cấp dự toán ngân sách còn định tính dẫn đến số liệu phân cấp chưa sát nhiệm vụ. Thời gian lập dự toán, thẩm định dự toán ngắn; việc lập dự toán chưa bao quát hết nhiệm vụ, dẫn đến việc bảo đảm VCHC cho bộ đội có nội dung chưa phù hợp...

 Kho Xăng dầu (Cục Hậu cần Quân khu 3) tổ chức tiếp nhận xăng dầu theo phân cấp. Ảnh: Hồng Quang

Kho Xăng dầu (Cục Hậu cần Quân khu 3) tổ chức tiếp nhận xăng dầu theo phân cấp. Ảnh: Hồng Quang

Tại Bệnh viện Quân y 5 (Cục Hậu cần, Quân khu 3), câu chuyện của chúng tôi với Ban giám đốc và một số cơ quan chức năng của bệnh viện tập trung nhiều ở vấn đề đấu thầu, nhất là về thuốc và vật tư y tế. Theo Đại tá, TS Trần Đình Hưng, Giám đốc và Đại tá Dương Quốc Hùng, Chính ủy bệnh viện thì từ trước năm 2016, công tác đấu thầu cung ứng thuốc, vật tư y tế là do các bệnh viện quân y tự tổ chức. Nhưng từ năm 2016 đến 2018, công việc này lại do Cục Hậu cần quân khu tổ chức đấu thầu tập trung theo hình thức ký thỏa thuận khung cho các bệnh viện của quân khu. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện nảy sinh những bất cập mới, nhất là giá một số loại thuốc mặc dù đã được Cục Hậu cần quân khu đấu thầu nhưng về địa phương lại không được bảo hiểm y tế chấp nhận (vì giá cao hơn giá trên địa bàn). Thực tế đó không chỉ ảnh hưởng tới quá trình thanh quyết toán tài chính mà còn tác động tới chất lượng khám, điều trị của bệnh viện. Năm 2019, công tác đấu thầu này đã được Quân khu 3 giao các bệnh viện tự chịu trách nhiệm.

Về một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện đổi mới PTBĐ VCHC gắn với thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới trong quân đội hiện nay, chúng tôi ghi nhận thêm một số ý kiến của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trong trả lời phỏng vấn báo chí gần đây. Thiếu tướng Võ Văn Thi, Phó tư lệnh Quân khu 7 khẳng định: “Việc mua sắm hàng hóa, phương tiện, vật tư bằng ngân sách nhà nước nói chung, VCHC nói riêng phải thực hiện theo Luật Đấu thầu và Quy chế mua sắm hàng hóa của Bộ Quốc phòng; trong khi chúng ta chưa hoàn chỉnh được hệ thống các văn bản pháp quy, tạo hành lang pháp lý cho việc mua sắm, khai thác tạo nguồn VCHC. Ngoài ra, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trên địa bàn quân khu không đồng đều; trình độ, năng lực của một số cán bộ, cơ quan hậu cần còn hạn chế; thiếu cán bộ hậu cần giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu pháp luật, kinh tế thị trường, chưa có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức và tham gia đấu thầu mua sắm, khai thác tạo nguồn VCHC nên việc phân cấp bảo đảm cho các đơn vị đôi khi còn gặp khó khăn, lúng túng”. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chí, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân nêu một thực trạng khá phổ biến khác: “Việc phân cấp triệt để 100% ngân sách hậu cần cho các đơn vị như hiện nay rất khó khăn trong bảo đảm cho các nhiệm vụ phát sinh, đột xuất, không còn kinh phí dự phòng. Do vậy, đối với các đơn vị dự toán cấp 2, đề nghị Bộ Quốc phòng cho giữ lại một phần ngân sách đối với một số nhiệm vụ để dự phòng bảo đảm”...

Với lĩnh vực xăng dầu, theo Thiếu tướng Đậu Đình Đoàn, Cục trưởng Cục Xăng dầu (TCHC) thì từ năm 2017 đến nay, cục đã có hướng dẫn các đơn vị trong toàn quân thực hiện mua sắm xăng dầu phân cấp theo quy định. Quá trình triển khai thực hiện trong thực tiễn nổi lên một số bất cập, gây khó khăn cho đơn vị, như: Về thủ tục pháp lý, quy trình mua sắm phải đúng quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng; đơn vị cấp 3 và cấp 4 trình tự mua sắm xăng dầu gói thầu có giá trị hơn 10 tỷ đồng phải báo cáo Bộ Quốc phòng phê duyệt. Như vậy, thủ tục qua nhiều khâu, nhiều cấp, kéo dài thời gian làm ảnh hưởng và gây khó khăn trong công tác bảo đảm xăng dầu. Việc phân cấp tới đơn vị cấp 3, cấp 4 số lượng phân tán nhỏ lẻ, đặc biệt là các đơn vị vùng sâu, vùng xa khi tổ chức đấu thầu có đơn vị không có nhà thầu tham gia, nếu có giá mua bằng hoặc mức giảm giá không nhiều so với giá Nhà nước quy định tại thời điểm. Mặt khác, vì lý do sức chứa nhỏ, các đơn vị phải phân bổ mua trải đều 4 quý dẫn đến trượt giá tăng, mua thiếu về lượng...

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt từ trên xuống dưới

Trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện PTBĐ VCHC của TCHC đã xác định phương hướng từ năm 2020 sẽ tập trung phân cấp triệt để cho các đơn vị; thực hiện đúng pháp luật trong mua sắm, tăng cường và mở rộng đấu thầu rộng rãi, mua sắm tập trung theo phương thức ký thỏa thuận khung, phù hợp với Luật Đấu thầu và Luật Ngân sách Nhà nước; kết hợp nhiều nguồn lực để tăng khả năng bảo đảm; quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng các mặt hàng phân cấp tạo nguồn; thực hiện hiệu quả hơn xã hội hóa một số mặt công tác BĐHC; chú trọng xây dựng, huy động tiềm lực hậu cần nhân dân, hậu cần khu vực phòng thủ...

Từ thực tiễn thực hiện, nhất là những khó khăn, vướng mắc, bất cập ở nhiều đơn vị mà chúng tôi đã đề cập trong vệt bài này, cần phải có đồng bộ các biện pháp và thực hiện quyết liệt từ trên xuống dưới. Theo đó, trước hết, phải làm tốt việc quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cấp ủy, chỉ huy, cán bộ hậu cần các cấp trong việc thực hiện chủ trương “Đổi mới PTBĐ VCHC gắn với đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong quân đội”. Xác định chủ trương trên là sự phát triển tất yếu khách quan trong công tác BĐHC, phù hợp với cơ chế quản lý, thể chế kinh tế của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Trên cơ sở chỉ tiêu ngân sách được giao, cơ quan hậu cần các cấp phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp, tham mưu với cấp ủy, chỉ huy thực hiện phân cấp triệt để cho đơn vị tự tạo nguồn các mặt hàng thông dụng, phù hợp với khả năng, địa bàn đóng quân và quy định quản lý tài chính. Từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức, hạn mức kinh phí bảo đảm VCHC ở các cấp làm cơ sở xác định giá, tổ chức sản xuất, mua sắm, lập, thẩm định, phân bổ dự toán ngân sách và thanh quyết toán.

Trao đổi với phóng viên, Đại tá An Phương Nam, Cục trưởng Cục Quân nhu (TCHC) đề xuất hướng giải quyết một số vướng mắc trong đổi mới PTBĐ VCHC thuộc lĩnh vực ngành, đó là: “Xây dựng dự toán ngân sách, kế hoạch tài chính trung hạn; cơ chế giao ngân sách tài chính phù hợp để tổ chức mua sắm tạo nguồn vật chất trang bị quân nhu trước 1 năm so với thời điểm quy định phải cấp phát, đáp ứng yêu cầu ổn định, bảo đảm kịp thời tiêu chuẩn, chế độ cho bộ đội, nhiệm vụ của đơn vị. Các mặt hàng đặc thù (quân trang), Cục Quân nhu tổ chức mua sắm tập trung, lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng để bảo đảm cho đơn vị bằng hiện vật”.

Đồng thời, phân cấp tạo nguồn VCHC phù hợp với khả năng từng cấp, có nguồn dự phòng bảo đảm cho nhiệm vụ đột xuất. Xây dựng quy định cụ thể chỉ tiêu phân cấp tạo nguồn đối với từng cấp đơn vị. Xác định thời hạn phân bổ và giao dự toán ngân sách hợp lý để các ngành nghiệp vụ cấp dưới có thời gian thực hiện phân cấp (số kiểm tra) theo quy định. Một số loại VCHC dự trữ SSCĐ, vật chất trong nước chưa sản xuất được, hoặc khó khai thác thì cần nghiên cứu lượng dự trữ gối đầu thường xuyên, hợp lý, để sẵn sàng bảo đảm cho nhiệm vụ đột xuất. Đối với một số mặt hàng phân cấp tạo nguồn cho đơn vị dự toán cấp 3, cấp 4, nếu số lượng và giá trị ít, đơn vị đóng quân vùng sâu, vùng xa, cán bộ phụ trách mua sắm chưa đủ tiêu chí tham gia tổ đấu thầu, cơ quan nghiệp vụ cấp trên cần tổ chức tạo nguồn tập trung bảo đảm bằng hiện vật. Các mặt hàng đặc chủng, yêu cầu chính quy cao, cấp chiến lược tạo nguồn bằng phương pháp đấu thầu rộng rãi, mua sắm tập trung theo phương thức ký thỏa thuận khung, sau đó hướng dẫn đơn vị ký hợp đồng với nhà thầu để mua sắm đảm bảo chất lượng tốt.

Đối với mặt hàng đặc thù như xăng dầu, Thiếu tướng Đậu Đình Đoàn đề xuất nên có giải pháp về cơ chế đặc thù trong công tác mua sắm xăng dầu bảo đảm cho quân đội. Cụ thể, Cục Xăng dầu tổ chức mua tập trung bảo đảm là chủ yếu và chỉ phân cấp theo nhu cầu các đơn vị vùng sâu, vùng xa, cho các chuyến xe đi công tác đường dài trên 500km. Riêng về dầu mỡ, có thể theo một trong 2 phương án: Ký hợp đồng thỏa thuận khung với một số hãng sản xuất, doanh nghiệp từng cung ứng ổn định một số chủng loại dầu mỡ phù hợp với trang bị của quân đội. Hoặc tổ chức đấu thầu rộng rãi để tạo nguồn dầu mỡ trong nước; dầu mỡ đặc chủng không có ở thị trường Việt Nam ủy thác cho đơn vị chức năng của quân đội nhập khẩu.

Đổi mới PTBĐ VCHC gắn với đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong quân đội cần đưa vào chương trình huấn luyện, tập huấn hằng năm cho đối tượng là cán bộ chủ trì, cán bộ, nhân viên hậu cần các cấp. Tích cực tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức đấu thầu, mua sắm hàng hóa cho cán bộ, nhân viên hậu cần các cấp để triển khai thực hiện đúng nguyên tắc, hiệu quả. TCHC sớm ban hành tài liệu, hướng dẫn cơ quan, đơn vị các cấp quy trình tổ chức tạo nguồn VCHC. Kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm đánh giá việc phân cấp tạo nguồn ở các cấp, để khắc phục khâu yếu, mặt yếu, hạn chế.

Đổi mới PTBĐ VCHC gắn với cơ chế quản lý tài chính mới trong quân đội là bước phát triển trong công tác BĐHC, phù hợp với cơ chế quản lý, thể chế kinh tế của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn.

TIẾN THẮNG - BÍCH TRANG - QUANG THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/cuoc-thi-viet-bo-doi-hau-can-lam-theo-loi-bac-ho-day/bai-3-lo-trinh-va-su-vao-cuoc-dong-bo-quyet-liet-tiep-theo-va-het-619617