Bài 3: Nghị định 12- Không để thủ tục hành chính trở thành rào cản chính sách với doanh nghiệp

Cộng đồng doanh nghiệp có những đánh giá rất tích cực ngay sau khi Nghị định 12 được ban hành bởi chính sách đã 'chạm' đúng tới cái doanh nghiệp mong đợi nhất.

Chia sẻ về những hiệu ứng của Nghị định 12/2023/NĐ-CP ông Nguyễn Xuân Hiếu- Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Xuất nhập khẩu nhựa Bảo Minh cho rằng, Chính phủ vừa cho phép giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023 thực sự có ý nghĩa động viên rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp thời điểm hiện nay. Điều này cũng thể hiện sự quan tâm sát sao và nhanh nhạy trong việc gỡ khó và trợ sức kịp thời cho doanh nghiệp sản xuất.

Số tiền thuế được giãn thời gian nộp sẽ giúp doanh nghiệp có thêm dòng vốn lưu động cho đầu tư sản xuất, mua nguyên phụ liệu, thậm chí tồn kho nguyên liệu trong điều kiện thích hợp. Cùng đó, doanh nghiệp có thêm dòng tiền để đảm bảo tiền lương và các chế độ cho người lao động”, ông Hiếu nói và cho biết thêm: Doanh nghiệp mong mỏi Chính phủ tiếp tục có động thái giúp hồi phụ thị trường bất động sản, để từ đó kéo các ngành sản xuất phụ trợ, ngành sản xuất liên quan khởi sắc vừa đảm bảo mục tiêu kinh tế của doanh nghiệp, lớn hơn đảm bảo mục tiêu của cả nền kinh tế.

Việc Chính phủ quyết định gia hạn thời gian nộp thuế giúp doanh nghiệp có dòng tiền mặt để xoya vòng vốn

Việc Chính phủ quyết định gia hạn thời gian nộp thuế giúp doanh nghiệp có dòng tiền mặt để xoya vòng vốn

Đi sâu hơn, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony đánh giá việc Chính phủ vừa cho phép giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023 rất quan trọng sẽ gúp cho doanh nghiệp có dòng tiền mặt để xoay vòng vốn.

Hiện nay tình trạng chung của các doanh nghiệp dệt may là đơn hàng đang ít mà ít thì dòng tiền không có, trong khi lãi suất lại cao. Khi chính sách này được ban hành thực tế sẽ không làm Dony thay đổi kế hoạch sản xuất nhưng sẽ giúp dòng tiền của doanh nghiệp mượt hơn, thuận lợi hơn trong sản xuất”, ông Anh nói.

Điều doanh nghiệp của ông Phạm Quang Anh cũng như nhiều doanh nghiệp khác đang lo nhất là hoàn thuế giá trị giá trị gia tăng. Doanh nghiệp hiện có 2 mảng sản xuất, kinh doanh là nội địa và xuất khẩu. Nội địa thì được không được miễn thuế giá trị gia tăng nhưng xuất khẩu thì hoàn thuế giá trị gia tăng nhưng từ năm ngoái đến năm nay rất khó do các thủ tục quá rườm rà, thậm chí gây khó cho doanh nghiệp.

Cùng chung tiếng nói với doanh nghiệp, ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá việc Chính phủ ban hành Nghị định 12 được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là rất kịp thời, có tác dụng trọng tâm là hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền như gia hạn thời hạn nộp thuế; giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất và không miễn giảm các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên.

Trên cơ sở đó doanh nghiệp sẽ có điều kiện tiếp tục lấy lại đà phục hồi để tăng trưởng, đóng góp lại cho ngân sách Nhà nước”, ông Lê Anh Văn nói.

Còn bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Đa Phương nhìn nhận, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 sẽ giúp giảm áp lực tài chính đối với doanh nghiệp.

Khi đó doanh nghiệp sẽ có thời gian nộp thuế linh hoạt hơn, tránh bị áp lực trong việc chi trả thuế trong thời điểm khó khăn. Điều này giúp các doanh nghiệp có thể tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu của thị trường, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong thời gian tới, đóng góp cho nền kinh tế phát triển. Ngoài ra, chính sách này cũng giúp người dân có thêm thời gian để tổ chức tài chính, đáp ứng các khoản chi phí trong giai đoạn khó khăn này,

Bên cạnh đó, việc gia hạn thuế cũng giúp cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chất lượng hơn. Điều này đồng nghĩa với việc tăng cường sức khỏe của nền kinh tế và giúp tăng cường sự phát triển kinh tế doanh nghiệp nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.

Tuy nhiên như đã từng diễn ra, mối băn khoăn của doanh nghiệp vẫn là các thủ tục hành chính vẫn có thể tạo rào cản tiếp cận chính sách với doanh nghiệp. Ông Lê Anh Văn trong khi đánh giá cao hiệu quả từ Nghị định 12/2023/NĐ-CPvẫn không quên lưu ý việc khi triển khai, các chính sách được thiết kế tại Nghị định được thực hiện trên thực tế mà không gặp phải các rào cản về thủ tục hành chính.

Cùng tiếng nói, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lưu ý trong nhiều báo cáo gần đây cho thấy, khu vực doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ cơ chế, chính sách, ví dụ như vấn đề tham nhũng.

Nhiều Hiệp hội doanh nghiệp cho biết, nếu doanh nghiệp phải trải qua 8 bước thủ tục hành chính thì 6-7 bước thuận lợi, nhưng đến bước cuối cùng thì lại đòi hỏi phải có phí “bôi trơn” mới xong việc. Hay nhiều doanh nghiệp cho biết họ vẫn khó khăn trong tiếp cận đất đai…

Vì thế để khó khăn của doanh nghiệp được giải quyết, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ và các cơ quan chức năng, trong đó giải pháp là chuyển mạnh sang kinh tế số để tránh tiếp xúc trực tiếp, sẽ giảm được nhũng nhiễu. Cùng với đó, các Hiệp hội, ngành hàng cũng cần có những hành động cụ thể, sát thực hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những khó khăn trước mắt và lâu dài”, ông Doanh nói.

Câu chuyện Nhà nước và doanh nghiệp cùng chủ động “xắn tay” vượt qua thách thức luôn là một câu chuyện thời sự của các giai đoạn phát triển. Xin mượn ý kiến của ông Lê Anh Văn để làm lời kết cho của câu chuyện lần này.

Đó là bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan nhà nước thì sự nỗ lực của doanh nghiệp cũng vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh 98% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, yếu về quy mô và thiếu về vốn. Theo đó, để vực dậy được, doanh nghiệp phải tự tăng sức đề kháng, thay đổi về tư duy, về hoạt động kinh doanh của mình, bắt đầu nghĩ đến câu chuyện chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp với xu hướng mới của thế giới, bắt nhịp doanh nghiệp FDI để khai thác tốt hơn thị trường 100 triệu dân của Việt Nam.

Nhóm PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-3-nghi-dinh-12-khong-de-thu-tuc-hanh-chinh-tro-thanh-rao-can-chinh-sach-voi-doanh-nghiep-251539.html